Saturday, March 12, 2022

Sách ebook VIỆT ĐIỆN TỨ LINH Tứ phủ, Tứ linh, Tứ bất tử, Tứ trấn, Tứ pháp

 

Lời nói đầu

Thường nghe: nước Việt Nam có bốn ngàn năm văn hiến… Bốn ngàn năm, con số không hề nhỏ đối với lịch sử của một quốc gia trên thế giới này. Bốn ngàn năm lịch sử đã kết tụ thành một nền văn hóa Việt phong phú, đặc sắc, giàu giá trị nhân văn. Lịch sử và văn hóa luôn gắn liền với nhau. Dòng chảy lịch sử làm nên văn hóa tộc người và văn hóa đến lượt mình định hướng cho hành vi của con người trong cuộc sống hiện tại mà làm nên tương lai.

Văn hóa Việt có một lịch sử lâu đời như vậy nhưng còn có biết bao câu hỏi về nguồn gốc, về lịch sử văn hóa Việt chưa được giải đáp thỏa đáng. Suy nghĩ hiện nay của đại bộ phận người Việt, kể cả các nhà nghiên cứu chuyên môn, cho rằng văn hóa Việt được hình thành chủ yếu mới từ thời Lý cách đây ngàn năm, vì trước đó là ngàn năm chịu sự đô hộ của phương Bắc và trước nữa là thời “khuyết sử”, không biết đã có “ta” hay chưa nữa. Và rằng văn hóa Việt là sự vay mượn, không phải của Trung Quốc thì là Ấn Độ, thậm chí còn là của Chămpa…

Có thực như vậy không? Di sản văn hóa Việt có gì đáng giá? Liệu văn hóa Việt có đóng góp đáng kể gì cho nhân loại? Tại sao Việt Nam sau ngàn năm Bắc thuộc lại vẫn thoát ra một cách độc lập, không bị đồng hóa? Bản lĩnh văn hóa của người Việt là do đâu mà có? Rất, rất nhiều câu hỏi cần tìm câu trả lời.

Thế hệ người Việt Nam hiện tại đang phải hứng chịu hậu quả của một thời kỳ đứt gãy hàng trăm năm về văn hóa, khi những nền tảng truyền thống kết tinh hàng ngàn năm bỗng nhiên bị gạt bỏ, thay bằng lối sống, văn hóa xa lạ của phương Tây. Trước hết là chữ Nho, thứ chữ tượng hình vốn là sản phẩm sáng tạo của người Việt đã bị thay bằng chữ quốc ngữ, dẫn đến nhiều từ, nhiều ngữ của tiếng Việt không còn được hiểu đúng, dùng đúng. Di sản văn hiến Việt được lưu giữ bằng chữ Nho trở nên “không đọc được” với đại bộ phận người Việt hiện nay.

Mỹ thuật, kiến trúc truyền thống cũng đã thay đổi hoàn toàn, thiếu sự tiếp nối hài hòa. Những mái đình, mái đền cong vút, tương trưng cho bầu trời bao la của phương Đông, bị thay bằng những nhà mái bằng khô cứng. Các nghề thủ công truyền thống như chạm khắc, đúc đồng, làm gốm, vẽ tranh… phần nhiều bị thất truyền hay mai một, khiến những sản phẩm ngày nay làm ra không thể nào có được nét tinh tế và sự sáng tạo của thời xưa. Giá trị thẩm mỹ trong văn hóa Việt như thế đã “tiến lùi” rất nhiều so với trước đây.

Các lễ hội truyền thống xưa kia làng nào cũng có, nay phần nhiều đã bị mai một sau thời gian chiến tranh loạn lạc kéo dài hàng trăm năm vừa qua. Tục thờ thần của người Việt vốn rất phong phú, ẩn chứa trong nó những giá trị tinh thần to lớn, cũng bị biến dạng, nhiều khi trở thành tệ nạn mê tín dị đoan vì không mấy ai hiểu đúng bản chất của những tín ngưỡng này.

Trong một hoàn cảnh khó khăn như vậy, cái gì để có thể chứng minh “Có một nền văn hóa Việt Nam” bản sắc và đáng giá? Nhận diện lại nguồn gốc văn hóa truyền thống do đó là việc làm hơn lúc nào hết cần thiết cho phát triển tương lai văn hóa Việt.

Nhà văn Hoài Thanh từng viết: Văn hóa phải khơi nguồn từ đại chúng: đó là điều nhất định. Một khi văn hóa đi xa đại chúng ắt sẽ mất dần sức sáng tạo, sẽ khô héo dần đi. Văn hóa cũng như một cái cây, không thể sống lơ lửng giữa trời. Muốn cho nó đâm chồi nảy lộc, phải cho gốc rễ nó ăn vào đất, nước. Khôi phục các giá trị văn hóa văn minh như vậy trước hết phải dựa vào đại chúng, vào như những di sản của dân gian còn lưu truyền lại được. Văn hóa dân gian thực sự còn nhiều khi “bác học” hơn cả văn hóa bác học ngày nay vì nó được cô đọng cả hàng ngàn năm lịch sử trong nội tại của mình.

Thành tựu của khoa học lịch sử gần đây đã sang một trang mới cho việc tìm hiểu văn hóa Việt. Phát hiện về nguồn gốc lịch sử Việt cũng đồng thời với việc xác định nguồn gốc và tiến trình văn hóa Việt. Nền văn minh Việt đã từng là ánh đuốc soi đường cho cả phương Đông đi lên trong suốt hàng ngàn năm của quá khứ. Di sản vật chất Việt trước hết phải kể đến là trống đồng, siêu phẩm trí tuệ và kỹ nghệ của người Việt. Trên trống đồng có ghi đầy đủ những khái niệm Dịch học, nền tảng của văn hóa của phương Đông. Những truyền thuyết Việt lại chép rất đầy đủ về công tích các thánh nhân, các lãnh tụ, các anh hùng nghĩa sĩ của lịch sử Trung Hoa. Những hình tượng mỹ thuật thường thức nhất, gặp trong các chốn đình đền Việt lại mang đậm tính Dịch lý và nét văn hóa của Trung Hoa cổ. Tại sao văn hóa Việt lại chứa đựng cả triết lý và nguồn gốc của Trung Hoa cổ đại?

Đạo thờ tổ tiên hay Đạo Hiếu ở người Việt đã làm nên một di sản văn hóa Việt bất hủ với hàng trăm các vị thần đủ mọi mặt của đời sống xã hội. Nổi lên hơn hết là những vị anh hùng, những thủ lĩnh của quốc gia đã có công dựng nước, giữ nước, phát triển văn hóa xã hội. Tất cả được lồng ghép vào một hệ thống tín ngưỡng mang tên là Công đồng Tứ phủ, với đầy đủ thứ bậc vua, quan, mẫu,…

Từ những hiểu biết mới về lịch sử và nền tảng Dịch học của văn hóa phương Đông cuốn sách này tập hợp những bài viết nhằm giải mã nguồn gốc văn hóa Việt qua phân tích những nhân vật được thờ trong thần điện Việt. Cuốn sách muốn gửi tới bạn đọc một sự góp nhặt mới, dù là rất nhỏ nhoi trong biển văn minh kỳ vĩ mà nhân dân Việt đã sáng tạo ra qua hơn bốn ngàn năm lịch sử.

Bách Việt trùng cửu Nguyễn Đức Tố Lưu

Sách phát hành online bởi Hùng Việt sử quán.

Bất kỳ sự sao chép, in ấn nào từ tác phẩm với mục đích thương mại đều phải được phép của tác giả.

Link tải sách:

https://drive.google.com/file/d/1cGNYy9di78ACcQ3qhi_Epq0HoFH5oOAH/view?usp=sharing

Mã QR:

Liên hệ để nhận mật khẩu theo:

    Facebook: https://www.facebook.com/hungvietsuquan

    Email: bachviet18@yahoo.com, 

    Phone, Zalo: 0559551003.

 

 

No comments:

Post a Comment