Saturday, March 26, 2022

Thần chính khí Long Đỗ là ai?

Hai cuốn sách cổ Lĩnh Nam chích quái và Việt điện u linh tập đã ghi chép lại sự tích về thần Long Độ (Long Đỗ), trong đó nhắc đến đoạn với Cao Biền như sau:

Khi xưa, Cao Biền đời nhà Đường được cử sang cai trị Giao Châu, cho đắp thành Đại La. Một hôm, Biền đang vẩn vơ dạo ngoài cửa đông thành, bỗng thấy mưa to gió lớn, rồi một đám mây ngũ sắc bốc lên từ mặt đất, tụ lại ở trên không, tia sáng bốc lên chói mắt, khí trời trở nên lạnh lẽo. Giữa đám mây, thấy hiện ra một người "đầu đội mão xích hoa, thân mặc áo tử hà, xiêm là, giày đỏ, bay lượn ở trong mây mù, hương lạ thơm lừng, đàn sáo hợp tấu, lững lờ uyển chuyển, lúc thấp lúc cao, lâu ước độ hai khắc rồi bỗng nhiên tan mất". Cao Biền kinh dị, cho là yêu quái. Đêm hôm ấy, Biền mộng thấy người gặp lúc ban ngày, đến bảo rằng: "Ta là Long Độ vương khí quân, thấy ông mở rộng kinh thành thì đến xem chơi, chớ có ngờ". Biền tỉnh dậy than: "Ta không biết làm chính trị nên quỷ thần vượt mặt ta, sự này là điềm lành hay điểm gở?". Có người khuyên Cao Biền dựng đền, đắp tượng thờ rồi lấy một nghìn cân sắt, đồng làm bùa trấn yểm, Biền làm y như vậy. Bỗng một trận cuồng phong nổi lên quật đổi cây to, tung đất, làm tất cả đồng sắt trấn yếm đều biến thành tro bụi. Biền than thở: "Ta phải về Bắc thôi", sau quả nhiên như thế.

Trong Lĩnh Nam chích quái cũng như trong tín ngưỡng dân gian từ lâu, thường đồng hóa hai vị thần Long Đỗ và vị thần của sông Tô Lịch  lại làm một. Trong Tô Lịch giang thần truyện của Lĩnh Nam chích quái đã chép lại truyện thần sông Tô Lịch, trong đó có đoạn sau kể về việc Cao Biền gặp thần sông Tô Lịch không khác gì truyện kể ở trên về thần Long Đỗ.

Thần Long Đỗ cũng được chép chung với thần Bạch Mã trong các sự tích, nhưng thần Bạch Mã hiển linh dưới thời Lý Thái Tổ xây thành Thăng Long, chứ không phải thời Đường Cao Biền. Vậy thần Long Đỗ là nhân vật lịch sử nào?

Đền Bạch Mã

Một gợi ý hết sức hay về thần Long Đỗ là cuốn Bách Việt triệu tổ cổ lục của họ Nguyễn ở Bình Đà chép về bà Đỗ Quý Thị, húy là Ngoan, có tên tự là Đoan Trang. Tục truyền bà là con gái cụ Long Đỗ Hải Vương trấn trị ở cửa sông Tô Lịch vùng Nghi Tàm. Bà còn có 8 người em trai được tôn là Bát bộ kim cương, có công phù giúp người cháu là Lộc Tục...

Vị thần sông Tô Lịch hay thần hồ Dâm Đàm (hay hồ Mây Mù như từ dùng của  Bách Việt triệu tổ cổ lục) không ai khác chính là Lạc Long Quân, còn được thờ là Uy Linh Lang ở dọc bờ hồ Tây. Hồ Tây là "đầm rồng của thủy quốc Động Đình", tức là kinh đô của Lạc Long Quân. Kinh đô này có tên là An Ấp, nay còn lưu trong địa danh Yên Phụ (Yên Hoa, An Trì, Yên Thành, Yên Ninh...), nơi thờ chính của Uy Đô Linh Lang Đại vương (xem thần tích đền An Trì).

Bách Việt triệu tổ cổ lục còn đề cập đến việc dòng họ Nguyễn Đỗ đến bên bờ hồ Mây mù sinh sống, trồng cây hoa gạo để đánh dấu nơi ở của mình. Trong tiếng Việt cổ "gạo" còn được gọi là "kháo". Vì thế hồ Mây mù (dâm Đàm hay Hồ Tây) lúc đầu được gọi là "hồ xác kháo", tức là để chỉ ở ven bờ và cả mắt nước hồ rụng đầy hoa gạo. Lâu dần chữ "kháo" đọc biến âm đi thành chữ "cáo"... (theo Lã Duy Lan).

Việc hồ Tây liên quan đến cây Gạo cũng gặp trong sự tích về Uy Linh Lang, rằng bà phi họ Lạc của Diệu Đế sinh ra một bọc trứng, cho là điềm quái lạ bèn đem vứt ở bên bờ sông Hồng chỗ bãi Nhật Chiêu. Bọc trứng nở ra 7 con rồng bay lên. Đời sau trồng ở chỗ đó 7 cây gạo (mộc miên) để tưởng nhớ chuyện này... (Tây Hồ chí).

Nói cách khác, cây Gạo là biểu tượng của các vị thủy thần trong hình rồng. Uy Linh Lang cùng với "Đoài hồ Thất Giáp" là Lạc Long Quân và "Lục bộ Thủy phủ" đã dâng nước tiêu diệt Cửu vĩ Hồ ở đầm Xác Cáo (Truyện Hồ tinh).

Bà Đỗ Quý Thị tương đương với bà phi Diệu Đế, là mẹ của Lạc Long Quân, tức Quý Nương sinh Hoàng Xà ở đền Đồng Bằng (Quỳnh Phụ, Thái Bình), hay Phan Nương Thánh mẫu Động Đình ở đình La Phù (Thanh Thủy, Phú Thọ), tức chính là Mẫu Thoải... 8 người anh em họ Đỗ tương đương với Lục bộ thủy phủ hay Đoài hồ Thất giáp hay Ngũ vị Tôn quan trong Tứ phủ.

Hoành phi Long Đỗ Đại vương và Linh Lang Đại vương ở đình Cổ Vũ (phố Hàng Gai, Hà Nội)
 

Thần Tô Lịch và thần Bạch Mã như vậy hiển linh ở 2 thời gian khác nhau (thời Đường Cao Biền xây thành Đại La và thời Lý Thái Tổ xây Thăng Long) nên chưa chắc đây là cùng một vị thần. Thần Long Đỗ thực sự là Long - Rồng, là Long Quân mà được thần xưng danh ngay trong truyện: Ta là Long độ vương khí Quân... Còn thần Bạch Mã có thể là một vị thần khác, gắn liền với vùng Long Biên, do ở đó còn nhiều di tích thờ thần Bạch Mã. Bạch Mã như vậy là Long Biên hầu Sĩ Nhiếp, không phải vị cổ thần từ thời quốc sơ.

Một trong những bằng chứng về sự phân biệt giữa thần Tô Lịch và thần Bạch Mã là đình Tân Khai ở khu phố cổ Hà Nội, thờ 2 vị thần này riêng biệt cùng với thần Thiết Lâm. Tới đây đã có thể kết luận về lai lịch của 3 vị thần của thành Đại La - Thăng Long là:

- Thần Tô Lịch, cũng là thần Long Đỗ, chính là Long Quân hay Linh Lang Đại vương.

- Thần Thiết Lâm chỉ vùng đất ở phía Tây của hồ, ứng với Cửu vĩ Hồ, là dòng lên núi đã bị Long Quân cùng những vị thủy thần khác đánh đuổi.

- Thần Bạch Mã là "cụ già" làm quan trưởng lại ở địa phương thời đầu Công nguyên, tức là Long Biên hầu Sĩ Nhiếp.

Biển đề Long Đỗ chung linh tại đình Tân Khai

 
Câu đối ở chính điện đình Tân Khai:

Đại La thành nhất đái giang sơn, Long Đỗ chí kim do thắng tích
Tứ vọng tự lũy triều hương hỏa, Lạc Đô chung cổ độc anh thanh.

Câu đối khẳng định đất Đại La chính là kinh đô của thời Lạc Long Quân xưa.

No comments:

Post a Comment