Saturday, February 26, 2022

TÌM LẠI CHỮ KHOA ĐẨU TRÊN CÁC CỔ VẬT THỜI NƯỚC VĂN LANG

Khoa đẩu nguyên nghĩa là con nòng nọc. Giống nòng nọc có đầu to, đuôi nhỏ, bơi lội hàng đàn trong nước. Người Việt tới nay vẫn coi chữ Khoa đẩu là loại chữ cổ từ thời các vua Hùng dựng nước Văn Lang. Đã có không ít công trình đi tìm loại chữ nòng nọc này để chứng minh người Việt cổ là một xã hội văn minh, có chữ viết. Vậy chữ Khoa đẩu thực sự là loại chữ gì?
 
Chữ trên chiếc bình Lai thời Tây Chu

1. Khổng An Quốc, cháu 12 đời sau của Khổng Tử đã ghi trong bài tựa cuốn Thượng Thư (Kinh Thư) như sau: "... thời Lỗ Cung Vương, thích sửa sang cung thất, Vương cho phá nhà cũ của Khổng Tử để mở rộng thêm. Trong tường nhà tìm được Thư, phần Ngu, Hạ, Thương, Chu cùng Tả Truyện, Luận Ngữ, Hiếu Kinh, đều viết bằng chữ Khoa Đẩu”.

Khổng Tử sống vào cuối thời Xuân Thu, lại ghi chép các kinh sách bằng loại chữ Khoa đẩu thì Khoa đẩu chỉ có thể là chữ viết của thời Tây Chu trước đó. Lịch sử chữ viết tượng hình Trung Hoa được biết rõ ràng nhất ban đầu là loại chữ Giáp cốt dưới thời nhà Thương Ân. Chữ Giáp cốt chủ yếu được khắc trên các mảnh xương thú và mai rùa. Sang thời Chu, chữ tượng hình được phát triển thêm một bước và hay được đúc trên các đồ thanh đồng cổ. Loại chữ này ngày nay gọi là chữ Kim văn. Tuy nhiên trước đây, khi mà môn “kim thạch học” (khảo cổ học) còn chưa ra đời, thì chắc chắn loại chữ này phải có tên gọi khác.

Chữ Giáp cốt thời Thương là loại chữ tượng hình sơ khởi nên các chữ phần nhiều diễn tả trực tiếp hình ảnh của đồ vật và hiện tượng. Ví dụ, chữ Tượng vẽ hình con voi, chữ Điểu vẽ hình con chim, chữ Ngư vẽ hình cá... Số lượng chữ bắt gặp trên mỗi đồ vật thời Ân Thương không nhiều, thường chỉ khoảng 6-10 chữ. Có nhiều cổ vật thời Thương chỉ có 2-3 chữ dạng như phù hiệu mà thôi.

Vào cuối thời Thương sang đầu nhà Chu chữ viết được dùng trở nên phổ biến hơn và tính hình tượng hóa dần tăng lên. Chữ viết lúc này tiếp tục sử dụng nhiều các đường cong giao cắt nhau hoặc khép kín tạo thành các hình lớn và nhiều đường vạch uốn lượn, hiếm thấy hơn là các vạch thẳng. Chính điều này làm cho kiểu chữ nhìn giống như con nòng nọc có đầu to và đuôi dài ngoằn ngoèo.
 
Một số chữ Khoa đẩu trên Sử Tường bàn.
 
Ví dụ chữ “Kiến” trong chữ thời Tây Chu được vẽ nhấn mạnh con mắt của con người đang đứng trên 2 chân. Hình con mắt được vẽ to lên, trong khi 2 vạch thể hiện đôi chân lại dài và uốn lượn. Nhìn cả chữ không khác gì con nòng nọc có đuôi dài.

Rất nhiều những chữ khác của thời Tây Chu được thể hiện theo hình thức này. Những vòng cong to và những nét kéo dài tạo thành chữ. Loại chữ Tây Chu tuy là tượng hình nhưng đã không còn nhiều nét “tả thực” như chữ Giáp cốt, mà hình vẽ mang tính hình tượng hơn. Những đối tượng muốn được nói tới thì được vẽ lớn, phóng đại lên so với các bộ phận khác. Bố cục của chữ tương đối thoáng và không hoàn toàn cố định. Vị trí tương đối của các bộ phận cấu thành chữ có thể thay đổi, miễn là vẫn diễn đạt được ý gốc của hình. Kết cấu chữ không cần cân đối mà thường nét cong tạo ra những hình lớn, khoa trương, trong khi những đường vạch thường ngắn hoặc ngoằn nghèo. Những đặc điểm này của chữ Kim văn đã tạo ra ấn tượng khi viết ra trông như một đàn nòng nọc bơi đan xen nhau, không có phương hướng cố định.

Bài minh văn trên Sử Tường bàn (Hiện vật Nhóm nghiên cứu di sản văn hóa Đền miếu Việt)

Một loạt những chữ nòng nọc này có thể xem trên các đồ trọng khí thanh đồng cổ thời kỳ Tây Chu, như Sử Tường bàn, Lai lôi, Mao Công đỉnh và Chu Vương đỉnh. Đây là những hiện vật tiêu biểu của thời kỳ này với kích thước đồ vật lớn và được đúc trên đó rất nhiều chữ.

Sử Tường bàn là một chiếc mâm đồng có vành chân, đường kính 47,3 cm. Trong lòng mâm có đúc một bài văn 284 chữ, do một vị quan tên là Tường chép lại chuyện con cháu của ông Vi Tử Khải nhà Ân được Chu Vũ Vương ban phong đất và nối tiếp nhau phò giúp các vua Chu cho tới thời Chu Cung Vương.

Lai lôi và Lai bàn là hai hiện vật cùng thời. Một là chiếc bình đồng có đúc chữ trên thân, hai là chiếc mâm có 3 chân, trong lòng có chữ. Nội dung bài văn 372 chữ trên hai đồ vật này giống nhau, do một người tên là Lai ghi lại các đời tổ tiên đều làm quan cho các triều đại vua Chu từ Chu Văn Vương đến Chu Tuyên Vương.
 
Bình Lai lôi thời Tây Chu (Hiện vật Nhóm nghiên cứu di sản văn hóa Đền miếu Việt)

Mao Công đỉnh là chiếc đỉnh đồng ba chân, trong lòng có bài minh văn 497 chữ, ghi lại lời giáo huấn và ban thưởng của vua Chu cho vị Mao Công. Thiên tử Chu lúc này là Chu Tuyên Vương.

Chiếc Chu Vương đỉnh là một trọng khí cao tới 53 cm, đường kính 43 cm, có bài minh văn đúc nổi ở xung quanh thân đỉnh với tổng cộng 208 chữ. Trên 2 quai đỉnh có khắc dòng chữ “Chu vương tác chi. Tử tôn vĩnh dụng”, nghĩa là: “Vua Chu tạo vật này cho con cháu dùng lâu dài”. Bài minh văn trên thân đỉnh ghi việc đúc đỉnh để dùng vào việc tế lễ lớn cho tông thất nhà Chu.
 
Chu Vương đỉnh (Hiện vật Nhóm nghiên cứu di sản văn hóa Đền miếu Việt)
 
Trên các đồ vật thời Tây Chu này có thể thấy chữ viết tương đối đồng nhất với nhau, với đường nét, bố cục như đã nói rất giống hình những con nòng nọc đang bơi lội. Quan sát từng chữ trên những hiện vật cổ có minh văn thời Tây Chu mới hiểu tại sao loại chữ này lại gọi là chữ Khoa đẩu.

Nội dung các bài minh văn trên đồ đồng Tây Chu đều nói về việc nhà Chu đã phân phong cho các chư hầu, an định thiên hạ và tôn sùng việc tế lễ tổ tiên. Đây cũng là ý nghĩa của câu chuyện được kể trong Hùng Vương Thánh Tổ ngọc phả. Vua Hùng Hiền Vương và mẹ Âu Cơ đã dùng chiếc âu vàng tế lễ trên núi Nghĩa Lĩnh, trên chiếc âu vàng đó có ghi tên gọi và thứ bậc trăm người con trai. Âu Cơ lập người con trưởng làm vua nước Văn Lang và các anh em khác làm phiên dậu bình phong trong Bách Việt. Nước Văn Lang của các vua Hùng đúng là một nước có văn minh, sử dụng loại chữ Khoa đẩu hình con nòng nọc để đúc và khắc trên các đồ kim khí dùng lưu truyền làm bảo vật cho con cháu thờ cúng tổ tiên và ghi ơn đức của vua.
 
Bài minh văn trong lòng chiếc Mao Công đỉnh (Hiện vật Nhóm nghiên cứu di sản văn hóa Đền miếu Việt)
 
2. Theo sách Thuyết văn giải tự của Hứa Thận thì vào thời Tuyên vương nhà Chu, Thái sử Trứu đã sửa đổi chữ thành Đại triện. Như thế vào cuối thời Tây Chu, chữ Đại triện thay thế cho loại chữ Khoa đẩu trước đó. Chữ Đại triện về căn bản vẫn là chữ Kim văn, nhưng chữ có sự gia công và quy chuẩn hơn, có nhiều nét thẳng, nét cong đều hơn, tròn hơn, bố cục chặt chẽ hơn, kết cấu gọn gàng hơn. Sang thời Đông Chu các nước chư hầu anh em Bách Việt đã bắt đầu phân liệt nên cách viết chữ mỗi nước lại phát triển theo một hướng khác nhau cho dù đều trên cùng một nền tảng chữ Kim văn - Khoa đẩu ban đầu.
 
Chu tiết và Xa tiết nước Sở thời Chiến Quốc (Hiện vật Nhóm nghiên cứu di sản văn hóa Đền miếu Việt)

Thời kỳ này có dạng chữ kéo dài về chiều cao, hẹp về chiều dọc như chữ trên Trung Sơn Vương đỉnh, là đỉnh của vua một nước thời Chiến Quốc ở vùng miền Bắc Hoàng Hà. Có nơi lại thiên nhiều về nét tròn như những chữ trên trống đồng, chuông đồng, bình đồng... khả năng của vùng đất Thục ở phía Tây. Chữ nước Sở của vùng Hồ Bắc – Hồ Nam vào thời Chiến Quốc vẫn giữ phong cách của Kim văn ban đầu với nét cong nhiều, nhưng bố cục chặt chẽ quy củ hơn, bớt tính “khoa” trương, tỷ lệ giữa hình và nét cân đối hơn. Loại chữ nước Sở này có thể thấy trên các Kim tiết – một dạng “giấy thông hành” viết trên đồng của nhà nước cấp cho việc vận chuyển hàng hóa theo đường sông (Chu tiết) và đường bộ (Xa tiết).
 
Chữ cách điệu kéo dài dạng như trên Trung Sơn Vương đỉnh thời Chiến Quốc (Hiện vật Nhóm nghiên cứu di sản văn hóa Đền miếu Việt)

Chữ của nước Tần cũng là một dạng chữ Triện với đặc điểm là chữ cao, bố cục đối xứng. Tần triện sau đó được thừa tướng Lý Tư của Tần Thủy Hoàng quy chuẩn hóa thành ra chữ Tiểu triện, làm chữ viết chính thức chung cho toàn đế quốc Tần sau khi thiên hạ Trung Hoa thống nhất.

Ở nước ta, sách Đại Nam nhất thống chí chép ở đền Đồng Cổ tại Thanh Hóa “có một cái trống đồng, nặng ước 100 cân, đường kính hơn một thước, năm tấc, cao hơn hai thước, trong rỗng không có đáy, bên tai hơi khuyết, trên mặt có chín vòng khuyên, lưng tắt mà rốn kín, bốn bên có giây khắc chữ Thập ngoặc, có chữ như lối chữ Khoa đẩu, nhưng lâu ngày không thấy rõ.” “Lối chữ Khoa đẩu” ở đây chỉ dạng chữ Đại triện thời Chiến Quốc, là loại chữ trên nền tảng của chữ Kim văn (Khoa đẩu) nhưng có cải tiến hơn về kết cấu và nét chữ.
 
Những chữ viết phát hiện các đồ đồng của văn hóa Đông Sơn có các nét chữ khá thẳng và gập khúc. Những chữ này được gọi là loại chữ Nam Việt, nhưng thực ra đây là một dạng chữ Đại triện của thời Chiến Quốc, bởi vì tới thời nước Nam Việt nhà Triệu thì chữ viết đã được dùng thống nhất là chữ Tần triện. Loại chữ trên đồ đồng Đông Sơn ở Việt Nam và vùng Lưỡng Quảng nên gọi chính xác hơn là chữ Lạc Việt, vì vùng này vốn là đất Lạc dưới thời An Dương Vương, tương đương với thời Chiến Quốc.
 
Chữ trên vành một chiếc thạp đồng ở Thanh Hóa.

Do nét cong ít hơn, kết cấu chữ gọn gàng, không có tính khoa trương (dùng hình để nhấn mạnh yếu tố chính) nữa, nên Triện văn đã không còn mang tính chất Khoa đẩu hình con nòng nọc như chữ Kim văn. Từ đó chữ Khoa đẩu đã lùi vào dĩ vãng, rất hiếm khi được sử dụng sau này. Khoa đẩu vốn là chữ của nhà Chu đã được thay thế bằng chữ Triện của nhà Tần. Nước Văn Lang chấm dứt vai trò là vua chủ của thiên hạ nên chữ viết cũng vì thế mà thay bằng chủ mới, là An Dương Vương đến từ Ba Thục. Chữ Khoa đẩu được thay bằng chữ Lạc Việt, rồi thống nhất bằng chữ Tiểu triện cùng với cả thiên hạ Trung Hoa.
 
Chuông có chữ Triện thời Chiến Quốc (Hiện vật Nhóm nghiên cứu di sản văn hóa Đền miếu Việt)

No comments:

Post a Comment