1. Trong tập truyện cổ Lĩnh Nam chích quái có câu chuyện kể về lễ tục cúng thần vào ngày cuối năm 30 tháng Chạp của người Việt. Truyện Mộc tinh chép:
“Đất Phong Châu thời thượng cổ có một cây lớn gọi là cây Chiên đàn cao hơn ngàn nhẫn, cành lá xum xuê, không biết che rợp tới mấy ngàn dặm, có chim hạc đến đậu nên đất chỗ đó gọi là Bạch Hạc. Cây trải qua mấy ngàn năm khô héo mà biến thành yêu tinh, thường thay hình đổi dạng, rất dũng mãnh, có thể giết người hại vật. Kinh Dương Vương dùng nhạc mà đánh thắng yêu, yêu hơi chịu nhún nhưng vẫn nay đây mai đó, biến hóa khôn lường, thường ăn thịt người. Dân phải lập đền thờ hàng năm thường tới 30 tháng Chạp, theo lệ phải mang người sống tới nộp, dân mới được yên ổn. Dân thường gọi yêu là thần Xương Cuồng.”
Truyện Mộc Tinh nói đến cây “Chiên đàn” cao hơn ngàn nhẫn. Khi áp dụng phép phiên thiết âm ngữ ta có: Chiên đàn thiết Chàn, hay Chằn. Thì ra Chiên đàn là tên ghi âm Nôm của từ Chằn. Chằn tinh chỉ loài yêu quái nói chung. Như thế, gọi cây Chiên đàn tương đương với gọi đó là Mộc Tinh. Tuy nhiên, sự thật thì Mộc Tinh không phải là một loại cây, mà lại là... loài Hổ.
Trước hết, lệ cúng thần Xương Cuồng vào ngày 30 tháng Chạp trùng với tên gọi dân gian của Hổ là ông Ba Mươi. Thêm vào đó, trong Kỳ môn độn giáp có vị hung thần là Bạch Hổ Xương Cuồng. Phạm Đình Hổ trong cuốn Vũ trung tùy bút cũng cho biết rằng thần Xương Cuồng chính là Thần Hổ: “Làng Ngọc Cục ở huyện ta (Đường An, Hải Dương) khi xưa truyền rằng vẫn thờ yêu hổ phải bắt người làm việc hy sinh để cúng… Đó cũng như cái tục Nhâm Ngao tế thần Xương Cuồng vậy.”
Loài Hổ được dân gian tôn gọi là Chúa Sơn Lâm, không chỉ vì đó là loài thú dũng mãnh nhất trong rừng. Những chuyện kể về Hổ dữ thường gắn với những cây cổ thụ to lớn, nơi Hổ rình ăn thịt người. Có lẽ vì lý do đó mà người xưa cho rằng Hổ là tinh của cây gỗ lớn lâu năm, dẫn đến truyện Mộc Tinh như trên.
Hổ được gọi là ông Ba Mươi và cúng thần Hổ Xương Cuồng vào ngày 30 tháng Chạp. Điều này xuất phát từ khái niệm trong Can chi. Chi thứ 3 trong thập nhị địa chi là chi Dần, có hình tượng là con Hổ. Còn số 10 xưa là số Cả (Kỷ) hay Kỵ. Như thế 30 nghĩa là Kỵ Dần, tức là ngày cúng Hổ, rất đúng với tên gọi và phong tục dân gian. Ở một số nơi miền Nam như Bến Tre có còn tập tục tôn Hổ là Hương Cả, đứng đầu hương chức trong làng. Tên gọi Ông Cả tương thông ý nghĩa với tên Chúa Sơn Lâm của loài Hổ.
2. Nếu Hổ trong truyện Mộc Tinh Xương Cuồng là loài Hổ dữ, ăn thịt người thì hình tượng Hổ trong văn hóa truyền thống phương Đông lại mang ý nghĩa khác. Sách Lễ ký từ thời đức Khổng Tử đã ghi Hổ là một trong tứ thần thú: “Tiền Chu Tước, hậu Huyền Vũ, tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ”. Tứ linh thú này theo dân gian gọi là “Long, Ly, Quy, Phượng”. So sánh 2 bộ tứ thần có thể thấy Hổ tương ứng với con Ly hay Lân. Loài Kỳ Lân theo sách Lã Thị xuân thu là thần thú tiêu biểu cho các loài động vật có lông mao. Còn loài Hổ cũng là chúa Sơn Lâm, đứng đầu muôn loài vật.
Tứ linh Long Ly Quy Phượng là biểu trưng của mô hình Tứ tượng (Thái cực đồ), trong đó có Thái Dương ứng với Phượng hoàng Đỏ ở hướng Nam nay, Thiếu Dương có tượng là Rồng Xanh (Thanh Long) ở phương Đông, Thái Âm là Rùa thiêng Huyền Vũ màu Đen ở phương Bắc nay, còn Thiếu Âm là Hổ Trắng, chiếm phương vị ở hướng Tây. Bản thân mô hình Ngũ hành xưa được biểu hiện thành ban Ngũ Hổ trong các đền miếu và trong tục thờ của tín ngưỡng Tứ phủ.
Theo triết học cổ phương Đông (Dịch học) xã hội con người phát triển theo chu kỳ tuần hoàn trải qua cả 4 mặt của Tứ tượng. Mô hình Tứ tượng – Ngũ hành đặt Con người ở vị trí trung tâm và tương tác với 4 hành tượng xung quanh. Thiếu Dương hành Mộc tượng trưng cho quan hệ giữa con người với xã hội, tức là cách hành xử giữa người với người. Còn Thiếu Âm hành Thổ biểu diễn quan hệ giữa con người với thiên nhiên, tức là tri thức hiểu biết về tự nhiên của con người. Chính vì vậy mà con thần thú biểu tượng của Thiếu Âm có tên gọi là Ly, hay Lý, Lẽ, vốn gốc nghĩa là Lửa, là ánh sáng của tri thức khoa học.
Tên gọi này còn thể hiện trong hình tượng Kim Nghê, là một trong những “đứa con của Rồng” (Long sinh cửu tử) trong văn hóa phương Đông. Kim Nghê được cho là loài vật thích khói lửa nên dùng đúc trên nắp các lư hương hay chỗ hóa vàng. Thực ra hình tượng này đã có ở dạng tay cầm trên nắp đồ vật đựng bằng đồng từ thời Chiến Quốc. Ban đầu Kim Nghê vốn là hình con Hổ vì Hổ cũng là Hỏa, là Lửa, tương ứng với con Ly ở trên. Tên gọi Toan Nghê xưa được dùng để nói tới hình Sư tử, vốn nghĩa là một loại Hổ cương mãnh. Hình tượng con Nghê hay con Lân thường gặp trong các điệu múa Lân (múa Sư tử), hay trên các bức chạm khắc Rồng Nghê rất phổ biến trong các đình làng.
3. Cặp linh thú Bạch Hổ – Thanh Long biểu hiện cho 2 mặt Âm – Dương vận hành phối hợp với nhau, là hình tượng rất hay gặp trong văn hóa cổ phương Đông. Biểu tượng này thịnh hành từ thời trước Công nguyên. Trong các mộ gạch xây thời Hán tìm thấy ở nhiều nơi tại Việt Nam hay gặp những chiếc gương đồng được bồi táng. Trên những chiếc gương đồng thời này thường được đúc hình tượng Long – Hổ và dòng chữ nêu ý nghĩa của chúng: “Thượng hữu tiên nhân bất tri lão. Tả Long hữu Hổ tịch bất tường”, nghĩa là: Trên có vị Tiên không biết già, Rồng trái Hổ phải xua điều xấu. Hình Hổ ở thời kỳ này không phải là biểu thị cho sự hung dữ, hay sức mạnh, mà là biểu tượng cát tường, bảo hộ phúc lành cho con người. “Cưỡi Hổ thành Tiên” là một trong những hình thức tu của đạo Thần Tiên khởi phát trong thời Hán.
Vào quãng đầu Công nguyên Đạo Giáo ở Việt Nam và Trung Hoa phát triển mạnh. Tư tưởng của đạo Thần Tiên bao trùm lên quan niệm tín ngưỡng của xã hội lúc đó. Vương Sung, một nhà triết học nổi tiếng thời này nói: “Ve lột vỏ, rắn thay da, rùa bỏ mai, hươu rụng sừng, da vỏ tiêu hết, chỉ giữ lại xương cốt mới có thể thoát xác tái sinh”. Đây là quan niệm của Đạo gia, như được thể hiện trên những hình vẽ trên lụa hay trên tường mộ thời này.
Một bức tranh lụa thời Hán như vậy có hai phần. Phần phía dưới thể hiện cảnh sinh hoạt của con người như đang nấu nướng, chế biến, săn bắn và tế lễ. Phần trên là cảnh tiên, có cặp Huyền Vũ – Chu Tước trên và dưới để “điều hòa âm dương”. Giữa là hình rồng cưỡi mây, biểu hiện của đắc đạo phi tiên. Quanh đó là các tiên nhân đã mọc thêm cánh, nhẹ bay qua thân xác phàm tục của mình thành tiên. Mặt mũi, hình dạng thân thể của họ cũng thay đổi, nên có những tiên nhân mang cánh chim, đầu cáo hay hình cá rất dị thường. Những bức tranh lụa trong mộ cổ thời Hán được gọi là “minh tinh”, được bồi liệm với ý nghĩa đưa đường (dẫn lộ) cho người chết thoát khỏi thân xác phàm tục mà đến với thế giới thần tiên.
Cũng từ thời Hán người được tôn sùng đứng đầu tiên giới là vị Tây Vương Mẫu, mà hình ảnh thường được thể hiện trong các bức bạch họa (tranh lụa) và bích họa (tranh tường) trong các mộ gạch. Theo Sơn Hải Kinh thì Tây Vương Mẫu nguyên là vị chủ thần hướng Tây trên núi Côn Lôn, có thân Hổ mặt người. Một chiếc gương đồng được phát hiện từ thời Pháp khi khai quật mộ gạch ở Nghi Vệ (Tiên Du, Bắc Ninh) có hình Tây Vương Mẫu trong cách thể hiện này. 2 bên Tây Vương Mẫu là hình các tiên nhân thị chầu ở dạng thân rắn đầu người, xuất phát từ quan niệm rắn lột xác thành tiên. Hình Hổ trong trường hợp Tây Vương Mẫu đã trở thành biểu tượng “bà mẹ” Thiên nhiên đối với con người.
Cùng một ý nghĩa dẫn độ người chết về với cõi thần tiên là các bộ tranh thờ của người dân tộc miền núi nước ta. Trong bức tranh khắc gỗ Độ linh của người Tày ở Hòa An, Cao Bằng, thể hiện một quãng đường dài với những vị thần tiên tiếp dẫn linh hồn con người từ khi mới chết đến cho khi siêu thoát. Con đường linh này được bắt đầu bởi vị thần mang tên là Hổ Vĩ (đuôi hổ), cưỡi trên một con Hổ có chiếc đuôi dài. Quãng đường Độ linh được kết thúc bởi hình Long Đầu (đầu rồng), cho thấy cặp Long – Hổ chính là biểu thị ngắn gọn cho khái niệm Âm – Dương, cho đoạn đường mà linh hồn phải trải qua trước khi thoát tục.
4. Một hình tượng Hổ đặc biệt gặp trên một bảo vật có niên đại từ thời Ân Thương (cách nay trên 3.000 năm) là chiếc bình Hổ tôn. Chiếc bình có hình Hổ đang ở tư thế ngồi. Đầu Hổ to, có 2 tai nhọn, mắt và mũi Hổ lớn, trông rất có thần thái. Miệng Hổ há rộng, lộ hàm răng trên. Hai chân trước của Hổ quặp lấy một hình người đúc nổi. Đầu người trần trụi nằm ngay dưới miệng Hổ. Hai tay người dang ra, ôm lấy thân Hổ. Hai chân người ngồi choãi ra hai bên, với bàn chân trần dẫm lên 2 chân Hổ. Nắp bình khá nhỏ, có tay cầm đúc ở dạng hình một con Hươu có chấm như Hươu sao và được trang trí bằng 2 con Quỳ Long ở 2 bên. Mặt trong của nắp bình có đúc chìm tộc huy hình chim (Điểu) và 2 chữ “Phụ Quý”, là tên của một vị vua nhà Ân Thương. Quai bình có 2 đầu hình một loài vật mặt như mặt Cáo, có 2 răng nanh và mõm dài nhô ra như đầu loài Cầy vòi. Trên tay cầm của bình có hình các con Quỳ Long. Phần lưng bình có mặt Thao thiết có sừng, gắn với phần đuôi tròn, dày và cong cuộn. Đuôi Hổ cùng với 2 chân trước làm thành chỗ tựa thứ ba cho chiếc bình.
Toàn cảnh chiếc Hổ tôn cho người ta có cảm giác như hình một con Nghê đang chầu. Chỗ khó giải thích nhất của chiếc Hổ tôn là cảnh người ôm Hổ, đầu người trần trụi nằm ngay dưới răng Hổ, nhưng khuôn mặt quay sang một bên lại không hề có vẻ sợ hãi. Biểu hiện của người được đúc trên chiếc bình không giống như một cảnh hiến tế người cho thần Hổ.
Lời giải về ý nghĩa của chiếc Hổ tôn rất bất ngờ lại nằm trong cuốn kỳ thư Kinh Dịch từ thời nhà Chu. Quẻ Lý của Chu Dịch có lời quẻ như sau: “Lý: Hổ vĩ, bất điệt nhân, hanh”. Trong đó Lý nghĩa là “dẫm”, hay đi theo. “Hổ vĩ” là đuôi Hổ. “Bất điệt nhân” là không cắn người. Hanh là tính chất hanh thông, thuận lợi trong Dịch học. Lời quẻ Lý mô tả chính xác hình ảnh chiếc Hổ tôn: Dẫm lên chân Hổ, nhưng Hổ không cắn người, mà lại là sự Hanh thông, thuận lợi. Vì sao thế?
Như đã bàn ở phần đầu của bài, Hổ là biểu tượng của tri thức, hiểu biết của con người đối với thế giới tự nhiên. Bản thân tên chi Dần gần với âm Nôm của chữ Rành, chỉ sự rõ ràng của Lý lẽ. Đi theo đuôi Hổ, giống như trong bức tranh Độ linh của người Tày, có nghĩa là đi theo ánh sáng của tri thức, tất nhiên không bị hại, mà lại được mọi sự thông thuận. Hình ảnh Hổ Chúa Sơn Lâm cùng với các loài muông thú (Hươu, Cầy cáo) là biểu tượng của Thiên nhiên. Bình Hổ tôn thể hiện sự hài hòa giữa Con người và Thiên nhiên. Con người ôm lấy bà mẹ Thiên nhiên, dựa vào Thiên nhiên và được Thiên nhiên bao bọc, che chở, nâng đỡ.
Khởi phát ban đầu khi loài người mới xuất hiện, con người phải dựa vào thiên nhiên mà sống. Khi con người đã hiểu biết nhiều hơn, thông minh hơn, họ sống trong xã hội loài người, nảy sinh tư tưởng “duy ý chí”, xa rời lẽ tự nhiên. Theo đúng quy luật của Dịch học, xã hội ngày càng phát triển, con người trở nên mạnh mẽ hơn trong xã hội, thì sẽ đến lúc phải quay lại vòng xoáy ốc theo chu kỳ mà trở về với thiên nhiên. Thiên nhiên, nếu không cách biết đối xử đúng, thì sẽ là Hổ dữ, nhưng nếu biết "Đi theo Hổ" thì lại là điều tốt lành. Triết lý “Thả Hổ về rừng” là để cho bản tính của Con người trở về với Thiên nhiên, làm theo quy luật của tự nhiên. Con người nhờ có tri thức khoa học biết dựa vào tự nhiên mới có cuộc sống cát tường, thuận lợi, văn minh. “Cưỡi Hổ thành Tiên” là dựa vào thiên nhiên mà “đắc đạo”, đạt được thành công viên mãn trong cuộc sống.
Bài đăng trên báo Lao động cuối tuần, số Xuân Nhâm Dần 2022
No comments:
Post a Comment