Thursday, June 24, 2021

Giải nghĩa các tinh quỷ trong truyền thuyết Cổ Loa thành

Người Việt ai cũng biết Truyện Rùa vàng kể việc An Dương Vương xây thành Cổ Loa, thành cứ xây xong lại đổ. Vua lập đàn cầu khấn thì được một Lão ông đến chỉ cách đón thần Kim Quy về giúp đỡ, trừ diệt con Gà trắng tu luyện ngàn năm thành tinh, đã tụ tập yêu quỷ trong núi phá thành. Truyện về Tinh gà và Quỷ núi ở Cổ Loa là một trong những câu chuyện thần bí đáng sợ nhất trong kho tàng truyền thuyết Việt. Nhưng liệu đằng sau truyền thuyết này ẩn chứa sự thực nào trong lịch sử xa xưa của người Việt?

1. Trong Truyện Rùa vàng, Bạch Kê tinh ẩn hình trong người con gái của quán trọ ở chân núi tại làng Ma Lôi gần thành Cổ Loa. Nói cách khác, Bạch Kê là tinh nữ có tên là Ma Lôi. Chữ Ma thực ra là âm đọc khác của Má – Mụ - Mẫu, chỉ một vị thần nữ.

Núi Thất Diệu là nơi Bạch Kê tinh hóa thành con chim cú bay lên cây chiên đàn ngậm lá thư tâu đến trời trong truyền thuyết thành Cổ Loa. Núi Thất Diệu nay ở xã Yên Phụ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Nơi đây có ngôi đền thờ một vị công chúa con vua Hùng. Theo thần tích của đền, “thời Hùng Duệ Vương, công chúa nhiều lần hiển hách âm phù quân tướng nhà Hùng dẹp giặc. Khi quân Thục lấy được nước Lạc Việt xây thành Cổ Loa thì công chúa sai ngàn vạn âm binh phá thành. Sau nhờ thần Kim Quy, vua Thục mới xây xong được thành.

Trong cấm cung của đền có bức tượng thờ chính bằng gỗ, thể hiện một vị Mẫu, đầu đội mũ mào gà, gọi là Mẫu Bạch Kê. Mẫu Bạch Kê ở đây được kể là dòng dõi Lạc Hồng, miêu duệ Rồng Tiên của vua Hùng. Điều này tương ứng với câu nói của thần Kim Quy: “Cái tinh khí ở núi này là con vua đời trước”. Thục An Dương Vương đã đánh dẹp triều Hùng rồi xây thành Cổ Loa. Bạch Kê là một vị nữ tướng, dòng dõi của nhà Hùng, hiện lên báo oán ở núi Thất Diệu, làm cho thành cứ xây lại đổ.

Ở Yên Phụ, Mẫu Bạch Kê còn được thờ tại đình và đền dưới tên Vua Bà Ma Vương. Đối chiếu với truyền thuyết về Ma Cô Tiên trong Truyện Giếng Việt ở núi Châu Sơn thì Mẫu Bạch Kê chính là Ân Hậu, vợ của vua Ân trong cuộc chiến với Thánh Dóng. Ân Hậu cũng là tướng cầm đầu quân đội nhà Ân sang đánh nước Văn Lang, được ngọc phả Hùng Vương gọi là Thạch Linh thần tướng.

2. Truyện Rùa Vàng kể: “Trong núi có người nhạc công triều trước chôn ở đây, hóa thành quỷ.” Vị “nhạc công” triều trước ở trong núi là ai mà lại hóa thành quỷ chống phá Thục Vương xây thành?

Đền Yên Phụ còn có tên là đền Núi. Đền này cùng với Vua Bà Ma Vương còn thờ một vị Đại vương tên là Cao Sơn. Thần tích kể rằng Cao Sơn là một trong những người anh em của Tản Viên Sơn Thánh. Cùng với đức Quý Minh, đức Cao Sơn, đã được bà mẹ nuôi là Ma Thị Cao Sơn Thần nữ gửi cho em là Ma Lôi nuôi dưỡng. Sau này Cao Sơn và Quý Minh giúp Hùng Duệ Vương chống lại quân Thục.

Có thể nhận ra, vị “nhạc công” ở trong núi Thất Diệu là thần Cao Sơn. Từ “nhạc” còn có phát âm khác là “Lạc”. Nhạc công tức là Lạc Công, chỉ vị thủ lĩnh vùng đất Lạc lúc đó. Cao Sơn là một trong Tam vị Tản Viên Sơn tinh nên mới được Truyện Rùa Vàng kể là “quỷ trong núi”. Thần tích cũng cho thấy mối liên quan trực tiếp giữa Cao Sơn Đại vương và Ma Lôi, tức mẫu Bạch Kê ở núi Thất Diệu. Cao Sơn Đại vương là một đại tướng của Hùng Duệ Vương trong cuộc chiến chống lại Thục Vương, cũng giống như Mẫu Ma Lôi Bạch Kê đã nói ở trên.

3. Truyện Rùa Vàng kể sau khi An Dương Vương cùng thần Kim Quy giết con Gà trắng trong quán Ma Lôi, “Vua liền sai đào núi Thất Diệu, lấy được nhiều nhạc khí cổ và xương cốt, đốt tan thành tro đem đổ xuống dòng sông. Trời gần tối, Vua và Rùa Vàng leo lên núi Việt Thường thấy quỷ tinh đã biến thành con chim cú, ngậm lá thư bay lên chiên đàn”.

Việc Thục Vương đào được nhiều nhạc khí cổ ở núi Việt Thường, rồi thấy chim Cú mèo ngậm lá thư bay lên chiên đàn không ngờ lại là một hình ảnh rất thật của thời đại nhà Ân Thương cách nay hơn 3.000 năm. Trên nhiều đồ đồng tế khí của nhà Ân thường dùng hình chim Cú trong tạo hình. Một chiếc bình đồng có hình chim Cú như vậy được thấy ở Việt Nam.

Bình có tiết diện hình trứng, một mặt bình được đúc nổi ở giữa là mặt một con chim Cú với 2 mắt tròn to, có mi mắt, mỏ nhọn. Phía trên có 2 tai to nhọn (tai mèo). Phần thân Cú có cánh và chân ở 2 bên. Xung quanh con Cú được trang trí bằng những hình rồng quỳ nhỏ. Toàn bộ chiếc bình được trang trí nền bằng hoa văn vân lôi vuông hoặc tròn, phủ một màu đồng cổ xanh lam độc đáo và đẹp mắt. Đôi mắt Cú mèo tròn to đúc nổi ở giữa thân bình tạo một ấn tượng rất trang nghiêm. Nhìn tổng thể chiếc bình có cảm tưởng như hình một chiến binh đang đứng thẳng, rất dũng mãnh với đầy đủ mũ giáp, áo giáp, mắt to tai lớn, có nanh có mỏ.

Cú mèo (tên chữ Nho là Si hiêu) là biểu tượng của nhà Ân Thương. Thậm chí trong Kinh Thi, phần Bân phong có bài thơ Si hiêu (Cú mèo) như sau: 

“Cú mèo, Cú mèo. 

Đã bắt con ta. 

Đừng phá nhà ta. 

Bao nhiêu ân cần. 

Nỗi niềm nuôi nấng”. 

Bài thơ này nói chuyện Chu Công, khi đi dẹp phản loạn hậu duệ của nhà Ân là Vũ Canh, bị phao tin là Chu Công sẽ làm hại ấu chúa. Chu Công đã viết bài thơ này gửi cho vua là Chu Thành Vương, ý nói loài Cú mèo nhà Ân, đã cùng các vị vương thân Giám Thúc của nhà Chu làm phản, thì đừng gây chia rẽ trong tông thất giữa Chu Công với vua Chu nữa.

4. Truyện Rùa Vàng kể, Bạch Kê tinh sau khi bị giết hóa thành một lá thư, được Chim Cú ngậm bay lên núi Thất Diệu. “Rùa vàng liền biến thành con chuột theo sau, cắn vào chân Cú, lá thư rơi xuống đất. Vua vội nhặt lấy, lá thư đã bị mọt ăn mất quá nửa.

Điều hết sức bất ngờ là dưới chân chim Cú trên chiếc bình thời Ân Thương lại cũng có một “lá thư”. Đó là những chữ tượng hình cổ được khắc lớn và sâu. Dưới đáy bình Cú có 10 chữ dạng Kim văn, loại chữ của thời Thương Chu dùng trên đồ đồng. Đây có thể xem như là lá thư mà chim Cú đã ngậm khi bay lên chiên đàn ở Cổ Loa.

Chiếc bình đồng hình chim Cú cho phép hiểu ý nghĩa câu kể trong Truyện Rùa Vàng: khi chim Cú bị cắn rơi lá thư, lá thư đã bị “mọt ăn” mất quá nửa. Ý nói là mảnh đáy bình có khắc chữ đã bị rỉ mất phân nửa, nên có nhiều chữ không đọc được.

Dù phần đáy bình đã bị phong hóa, nhưng một số chữ Kim văn trên đáy chiếc bình Cú còn có thể đọc như sau: “Vong tông binh Tây sĩ cung”. Tuy không dịch hết dòng chữ này nhưng rõ ràng là nội dung viết về hành động của quan (sĩ) binh. Như thế có thể liên hệ chiếc bình này với Cao Sơn Đại vương ở núi Thất Diệu, vị thủ lĩnh cầm quân vùng đất Lạc chống lại Thục Vương.

5. Còn một nhân vật nữa trong sự tích Sát quỷ ở thành Cổ Loa là vị Lão ông đã cử thần Kim Quy đến giúp An Dương Vương. Vị Lão ông này không phải ai khác mà chính là Lão Tử, người được thờ ở làng Thổ Hà (Việt Yên, Bắc Giang), cách núi Thất Diệu không xa.

Bia “Cung sao sự tích thánh” ở đình Thổ Hà cho biết, vị thần ở đây thờ có “họ là Lý, tên là Lão Đam, tên chữ Lý Bá Dương, lại có tên là Thái Thượng. Thời An Dương Vương, Vua xây thành có những u hồn và tà ma quấy nhiễu. Vua lo lắm, liền xa giá đến Thổ Hà trang cầu đảo. Chợt có thần nhân hiện lên bảo Vua rằng: xin Vua cứ hồi kinh, không lo ngại gì. Rồi ngay hôm đó Người sai Thanh giang sứ, hiệu là Thần Quy, đến giúp trừ phép quỷ, giết Bạch Kê. Lại đào trong núi Thất Diệu được nhạc khí thời cổ cùng hài cốt, đem đốt đi. Từ đó yêu ma tan hết.”

Lão Tử hay Thái Thượng Lão quân được truyền thuyết hóa thành Huyền Thiên Trấn Vũ, vị thần bảo hộ của thành Cổ Loa. Tiểu sử của Lão Tử được ghi trong bài Lão Tử minh như sau: “Lão Tử là quan coi thư viện nhà Chu. Thời U Vương, vùng Tam Xuyên bị động đất. Lão Tử dựa vào những biến động của nhị khí âm dương về thời Hạ, Thương, để cảnh cáo nhà vua.

Đoạn trích “nhị khí âm dương về thời Hạ, Thương” đã ghi rất đúng câu chuyện ở núi Thất Diệu. “Âm khí thời Thương” là Mẫu Bạch Kê hay Ân Hậu Ma Lôi. Còn “Dương khí thời Hạ” là Lạc tướng Cao Sơn, vốn gốc là dòng dõi nhà Hạ từ Lạc Long Quân (Tản Viên Sơn Thánh).

Trong lịch sử nhà Tây Chu (Thục Vương), thời U Vương gặp loạn Khuyển Nhung tấn công Tây kinh, nhà Chu buộc phải dời đô về lại vùng đất Lạc (Dương) ở phía Đông. Khi xây thành ở Tam Xuyên (Cổ Loa) lại gặp những trận động đất lớn. Lão Tử khi đó đang là “thủ thư” và là quốc sư của nhà Chu đã nhân đó bày chuyện tế trời, lấy tấm gương của hai nhà Hạ và Thương (Lạc Vương và Hùng Duệ Vương) để khuyên răn vua Chu (Thục Vương).

Cây “Chiên đàn” trên núi Thất Diệu theo đúng chữ Nho nghĩa là đàn tế có cắm cờ. Huyền Thiên Lão Tử đã đăng đàn tế ở núi Thất Diệu, nơi chiến trường ác liệt xưa giữa 2 dòng Đông - Tây (Hùng – Thục) từ thời Thục Vương chống giặc Ân, dựng nghiệp nhà Chu. Mẫu Bạch Kê Ma Lôi và Lạc Công Cao Sơn được tái xuất trên đàn tế qua những đồ tế khí đồng thau cổ của thời Ân Thương như những chiếc bình hình chim Cú và những dòng chữ Kim văn khắc sâu dưới chân chim. “Lá thư” của Mẫu Bạch Kê được chim Cú ngậm dâng tấu trên chiên đàn là lời nhắc nhở đấng quân vương không được thất đức, bỏ dân, coi thường các nước chư hầu anh em của Bách Việt mà đánh mất mệnh trời. Nếu không sẽ mất nước và phải chịu hậu quả thảm khốc với sự dày vò của Ma Quỷ. Thần thánh luôn ở trên hai vai. Lời nhắc của Lão Tử đã ghi vào Đạo Đức kinh, gửi gắm trong chiếc móng của thần Kim Quy để làm phép cai quản đất nước ngàn năm.



 

 


 

No comments:

Post a Comment