Hùng Vương Thánh tổ ngọc phả kể người cầm đầu quân đội nhà Ân kéo sang nước ta là Thạch Linh thần tướng. Trận chiến giữa Thánh Dóng với Thạch Linh thần tướng diễn ra dưới chân núi Châu Sơn (núi Vũ Ninh) và tướng Ân đã tử trận.
Trong hội Dóng làng Phù Đổng, có bài hát:
Nhớ đời thứ sáu Hùng Vương
Ân sai hai tám tướng cường nữ nhung
Xâm cương cậy thế khoe hùng
Kéo sang đóng chặt một vùng Vũ Ninh.
Bài ca dao và lễ hội Phù Đổng cho biết, tướng Ân là nữ. Vậy Thạch Linh thần tướng ở núi Vũ Ninh cũng chính là nữ tướng Ân.
Thời nhà Ân các nữ tướng cầm quân ra trận cũng thường cũng là vợ vua Ân. Điển hình là nữ tướng Phụ Hảo nổi tiếng dưới thời Ân Vũ Đinh đã cầm quân đánh các nước như Khương Phương, Ba Phương, Thổ Phương...
(Nhân đây bàn thêm, sử ghi Vũ Đinh đánh nước Quỷ Phương, nhưng lại ghi Phụ Hảo đánh nước Khương Phương. Như thế Khương và Quỷ là 2 từ cùng dùng để chỉ 1 phương hướng. Ở đây là hướng Tây vì ta biết người Khương ở phía Tây. Thực ra Khương hay Khăng là tính chất của phương Tây. Quỷ là đọc sai của Cửu, con số chỉ hướng Tây của Hà thư. Vũ Đinh đánh nước Quỷ Phương là nước của người Khương ở hướng Tây nhà Ân, chứ không có nước “Xích Quỷ” nào vào thời này cả.)
Mộ Phụ Hảo là ngôi mộ lớn của thời Ân Thương, được phát hiện ở thôn Tiểu Đồn, huyện An Dương tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Ngôi mộ của vị nữ chúa này có một lượng đồ tùy táng lớn gồm các đồ đồng, ngọc, gốm, xương ngà, mã não, pha lê. Các hiện vật đồ đồng rất phong phú trong mộ cho biết Phụ Hảo còn có “miếu hiệu” là Mẫu Tân, căn cứ vào dòng chữ khắc trên một chiếc đỉnh và các đồ minh khí bồi táng kèm theo.
Một đồ đồng bồi táng mang tên Mẫu Tân cũng được thấy ở Việt Nam. Đó là một chiếc quang (dạng cốc đựng rượu có 4 chân) có hình con Dê với cặp sừng cong cuộn. Xung quanh chiếc quang được đúc trang trí bằng những hoa văn rồng phượng kỳ lạ, đặc trưng của văn hóa thời Ân Thương.
Chiếc Dương quang thời Ân Thương. Hiện vật sưu tầm của Nhóm Đền miếu Việt |
Tuy nhiên thứ tự đọc này không đúng với nguyên tắc đọc của chữ Nho, từ phải sang trái, từ trên xuống dưới. Thứ tự đọc theo nguyên tắc này phải là Mẫu Tư Mậu hoặc Mẫu Tư Tân. Vấn đề là khi đó chữ Tư (nghĩa là quản lý) sẽ trở nên vô nghĩa khi ghép với tên của một can.
Ở vùng Vĩnh Phú từng đã phát hiện được 2 chiếc di đồng khá lớn, có hình dạng rất giống với những hiện vật trong mộ Phụ Hảo ở An Dương. Trong lòng 2 chiếc di đồng này có khảm 2 dòng gồm 8 chữ, được đọc là:
Tôn thủ tác vĩnh bảo Mẫu hậu Dậu 尊守作永寶母后酉
3 chữ cuối cùng của chiếc phương di này cũng như hình chữ trên các đồ bồi táng ở mộ Phụ Hảo và đỉnh Tư Mẫu Mậu cho thấy thứ tự đọc đúng cách viết tên thời Thương ở đây là:
- Chữ đầu tiên là chữ Mẫu 母 hoặc chữ Phụ 婦.
- Chữ thứ hai là chữ Tư 司 hoặc chữ Hậu 后 do trong văn tự thời Ân Thương 2 chữ này viết giống nhau.
- Chữ thứ ba là tên gọi một trong thập can, cũng là tên người được cúng tế.
Với thứ tự đọc này thì chữ thứ 2 phải đọc là Hậu 后 (nghĩa là hoàng hậu) mới có nghĩa, vì chữ Tư 司 (nghĩa là quản lý) không thể ghép được với tên gọi của thập can.
Chữ Mẫu Hậu Tân ở đáy chiếc Dương quang (Hiện vật sưu tầm của nhóm Đền miếu Việt) |
Tới đây ta thấy, các vị hoàng hậu của nhà Ân đều được gọi là Mẫu 母. Như đã biết, các vua Ân được gọi là Phụ 父, như Phụ Ất, Phụ Đinh... Phụ và Mẫu vào thời đó không phải là chỉ cha, mẹ đẻ, mà là chỉ các thủ lĩnh của quốc gia gồm vua và hoàng hậu.
Thường là chính các vị Mẫu Hậu này là tướng thống lĩnh quân đội của nhà Ân đi viễn chinh như trường hợp của Phụ Hảo (Mẫu Hậu Tân). Do đó, vị tướng Ân đã dẫn quân đánh sang nước Văn Lang của vua Hùng cũng có thể đúng là “nữ nhung” như trong câu ca dao và đây là một trong các vị Mẫu của nhà Ân được nhắc tới.
Thạch Linh thần tướng chết dưới chân núi Vũ Ninh là hoàng hậu nhà Ân hay Ân Hậu. Đây là một nhận định rất mới, cho phép hiểu rõ hơn truyền thuyết ở vùng núi Vũ Ninh. Truyện Giếng Việt trong Lĩnh Nam chích quái kể:
“Đời vua Hùng Vương thứ ba, nhà Ân cử binh sang xâm chiếm nước Nam, đóng quân ở dưới chân núi Trâu (Trâu Sơn). Hùng Vương cầu cứu với Long Quân, Long Quân hóa thành Đổng Thiên Vương cưỡi ngựa sắt đi đánh giặc, quân nhà Ân đều thua chạy. Vua nhà Ân chết trận dưới chân núi, biến thành vua ở địa phủ, dân phải lập miếu thờ, bốn mùa đều phải hương khói.”
Sau đó tới thời Tần, có người là Thôi Vĩ đi lạc vào núi Trâu Sơn, gặp được Ân Hậu và một vị thần nữ là Ma Cô Tiên...
Như trên đã phân tích, người chết trận dưới chân núi không phải vua Ân mà là Ân Hậu – Thạch Linh thần tướng. Cũng vì thế mà Thôi Vĩ chỉ gặp Ân Hậu chứ không gặp Ân Vương. Ân Hậu “hiển linh” và được thờ phụng tại vùng núi Châu Sơn này dưới tên Ma Cô Tiên, như một loạt các di tích còn ở đây. Rõ nhất là ngôi chùa mang tên Ma Cô Tiên ở thôn Châu Cầu, xã Châu Phong (huyện Quế Võ, Bắc Ninh). Đây là khám phá hết sức bất ngờ, giải thích được vấn đề “Vua nhà Ân chết trận dưới chân núi” Châu Sơn và truyền tích ở Bắc Ninh.
Suy xét xa hơn, từ Ma Cô đọc thiết âm là Mô, là cách phát âm khác của từ Mẫu 母. Nói cách khác, Ma Cô cũng là một vị Mẫu như được đúc rõ trên các hiện vật thời Ân Thương.
Cũng Truyện Giếng Việt kể, Thôi Vĩ sau khi gặp Ân Hậu và Ma Cô Tiên đã được một người là Dương quan dẫn đường trở về. “Dương quan nhân biến thành một con dê đá đứng ở trong núi, nay con dê ấy còn ở sau chùa Việt Vương trên núi Trâu.” Con “dê đá” này ngày nay vẫn còn, là một bức tượng bằng đá cổ hình nửa thân một con thần thú trông có dáng dấp của con Dê do có cặp sừng cong.
Con "Dê đá" ở núi Vũ Ninh |
Ân Hậu – Ma Cô Tiên không chỉ hiển linh ở núi Châu Sơn. Truyền thuyết Việt còn kể, khi An Dương Vương xây thành Cổ Loa thì có oan hồn của các vua đời trước nhập vào người con gái chủ quán trọ ở chân núi Ma Lôi, đến đêm hiện hình thành con gà trắng mà phá hoại. Hoặc sự tích ở núi Thất Diệu, nơi có đền Bạch Kê thờ Mẫu là dòng dõi vua Hùng, đã biến thành cô tiên gánh đất giúp An Dương vương xây thành...
Một lần nữa ta lại thấy, nhân vật hiển linh báo oán cho đời
trước là nữ, chứ không phải nam. Người con gái ở núi Ma Lôi và Mẫu Bạch Kê ở núi
Thất Diệu chính là Ma Cô Tiên hay Ân Hậu được nhắc tới tại Vũ Ninh.
Miếu Bạch Kê ở núi Thất Diệu tại Yên
Phong, Bắc Ninh có đôi câu đối ở nghi môn
千秋鈥鈿前王澤
百越山河故國恩
Thiên thu hỏa điền tiền vương trạch
Bách Việt sơn hà cố quốc ân.
Dịch:
Hỏa điền ngàn năm lộc vua trước
Núi sông Bách Việt ơn nước xưa.
Câu đối nói rất rõ, Mẫu Bạch Kê hay Ma Cô Tiên chính dòng dõi Bách Việt của “cố quốc” xưa và các đồ vật kim thạch tế khí của vua đời trước này vẫn còn lưu truyền ngàn năm.
Phù điêu bên giếng Cô Tiên trên núi Thất Diệu |
Cái tên “Thạch Linh thần tướng” của Ma Cô Tiên cho một liên hệ sau. Thạch Linh nghĩa là linh khí của đá. Ma Cô Tiên cũng được biết là vị phúc thần mang lại tài phúc cho nhân gian, như Thôi Vĩ đã được Ma Cô Tiên cho viên ngọc Long Tụy của Hoàng Đế mà trở nên giàu có. Còn ở núi Thất Diệu, sau khi An Dương Vương diệt được Bạch Kê tinh đã cho đào núi, lấy được nhạc khí và xương cốt cổ. “Nhạc khí” thời này là chuông, trống làm bằng đồng, dùng trong việc tế lễ. Ma Cô Tiên là chủ thần về môn “kim thạch học”, tức là tên gọi của ngành Khảo cổ học xưa. Chiếc cốc hình dê (dương quang) và con dê đá ở núi Vũ Ninh đúng là “kim thạch”, là con thần thú chở tài vật của Thạch Linh thần tướng Ma Cô Tiên.
Bài đăng trên báo Lao động cuối tuần số 22 ngày 28-30/5/2021
No comments:
Post a Comment