Thursday, August 13, 2020

LỜI RU KHÔNG QUÊN VỀ NÚI THÁI CÔNG CHA VÀ SUỐI NGUỒN NGHĨA MẸ

Từ thuở lọt lòng, tôi đã được nghe câu ca dao ngọt lành như hương lúa:

Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

Câu ca dao xưa nay đã trở thành làn điệu ru con phổ biến ở vùng Bắc Bộ. Nhưng có lẽ không chỉ riêng ở miền Bắc mà người mẹ, người con nào trên đất Việt cũng thuộc nằm lòng lời ru bao đời này. Tuy nhiên, mấy ai hiểu rõ, ngọn núi Thái công Cha và dòng suối Nguồn nghĩa Mẹ trong câu ca dao là ở đâu? Lời ru của cha, của mẹ ấy nhắn gửi tới chúng ta điều gì?

 

Suối Bát Nhã đoạn trên đỉnh Phù Nghi, Tam Đảo.

1. Tiếp tục đàm đạo với sư thầy Tâm Hiệp về hành trình khám phá và vén những lớp sương mờ của thời gian để tìm về nguồn cội. Lần này, những gì sư thầy Tâm Hiệp cho tôi biết về câu ca dao công cha nghĩa mẹ, thực sự đã làm tôi bất ngờ và ngạc nhiên bởi sự mộc mạc nhưng chân xác của những thông điệp mà tiền nhân người Việt đã để lại.

Thầy Tâm Hiệp giải thích, trong câu ca dao này Cha và Mẹ là nguồn cội của người Việt, là những người đã dựng nên đất nước này, dân tộc này. Vì thế đây là những vị vua Hùng đầu tiên của người Việt mà sự tôn thờ họ đã được lưu truyền trong các bản Ngọc phả Hùng Vương cũng như trong các di tích tín ngưỡng bao đời nay trên mảnh đất Việt này.

Tượng Đột Ngột Cao Sơn ở xã Hiền Lương

Hiện nay tại xã Hiền Lương của huyện Hạ Hòa, Phú Thọ còn giữ được một pho tượng thờ vua Hùng đầu tiên là đức Đột Ngột Cao Sơn. Bức tượng này được thể hiện một cách uy nghi, Vua ngự trên long ngai bệ sư, đầu đội mũ bình thiên hình vuông, trán miện có hình mặt trời rực rỡ, khoác áo cổn có vẽ rồng chầu, hổ phục, phượng vũ, trang hoàng bằng hình sóng nước, núi non, hoa lá và cả chữ viết nữa. Hai tay đức vua chắp lại, cầm ngọc khuê. Đây có lẽ là bức tượng Hùng Vương cổ nhất còn bảo tồn tới nay. Xã Hiền Lương cũng là nơi có đền thờ Mẫu, mà bức tượng mẹ Âu Cơ trong đó đã được công nhận là bảo vật quốc gia. Bức tượng Đột Ngột Cao Sơn ở đây được tạo tác cùng thời với tượng mẹ Âu Cơ, quãng vào đầu triều Nguyễn.

Theo thầy Tâm Hiệp, công Cha là công đức sáng lập của các vua Hùng. Vậy ngọn núi Thái của các vua Hùng là ở đâu? Bản Nam Việt Hùng Vương sử ký kể chuyện đức vua cha Lạc Long Quân khi đang còn là Thái tử như sau:

“Thái tử lên núi tìm kiếm mạch rồng, đến châu Thu Vật, châu Tụ Long ở xứ Tuyên Quang, nhận thấy mạch đất rồng chạy đến, Nghĩa Lĩnh đúc thiêng. Lại qua giáp với thượng lưu sông Hoàng, sông Nhị. Đầu sông Hán, sông Lô là đầu nguồn nước một nhánh sâu thẳm, dẫn mạch nước Nam. Tạo dưỡng hai mạch rồng chạy tới từ châu Bảo Lạc núi Côn Lôn, trên dưới hai đỉnh, cho đến Ải Môn Thủy Đỗ. Mạch từ Ngũ Nhạc, Côn Lôn Thái tổ của đất nước, là đất tổ Linh Sơn Phong Thứu.

Trăm vạn đầu núi dựa Đông Tây Nam Bắc, giống như bầy con. Lấy Côn Lôn Ngũ Nhạc Đại quốc làm núi Thái tổ cha mẹ, cùng đầu núi góc biển vạn nước, trùng trùng các nhánh, một mối quy đồng.

Ngọc phả này cho biết ngọn núi tổ của người Việt là núi Côn Lôn Ngũ Nhạc ở vùng Bắc Việt ngày nay. Núi này chạy từ ải môn cửa sông Hồng (Vân Nam - Lào Cai) qua Tuyên Quang đổ về Việt Trì. Tức là Côn Lôn Ngũ Lĩnh là dải núi Hoàng Liên Sơn hùng vĩ, nơi có đỉnh Phan Xi Păng cao hơn 3.452m, được ví như nóc nhà Đông Dương.

Bản Nam Việt Hùng Vương ngọc phả vĩnh truyền cũng ghi: “Đời đời các triều vua giữ quyền chính, khi thay tên sửa chỗ cho cơ đồ, đều có xe loan ngự giá đến điện Hùng Vương trên núi, phụng tế trời đất, đốt lửa vọng về núi Thái để tế các bậc tiền hoàng đế tiên vương đời trước cùng trăm thần nước Nam.

Các đời vua khi lên ngôi đều lên núi Nghĩa Lĩnh ở Việt Trì mà hướng vọng Thái Sơn. Ngọn Thái Sơn núi tổ người Việt là dải núi Hoàng Liên vời vợi. Câu ca dao lưu truyền của cha ông chắc chắn không ví công cha với ngọn núi nào ở tận phương Bắc, không có liên hệ gì với nguồn gốc người Việt.

2. Ngọn núi Thái tổ công cha người Việt là dãy núi Hoàng Liên, nơi các vua Hùng mở nước. Vậy còn dòng suối nguồn nghĩa mẹ là ở đâu?

Thầy Tâm Hiệp kể, cách đây không lâu, thầy cùng với Nhóm nghiên cứu di sản Đền miếu Việt đã có dịp khảo sát kỹ lưỡng khu vực núi Tam Đảo là nơi có tục thờ Tây Thiên quốc mẫu. Khi đến hành lễ tại đền Hóa ở xã Đại Đình, Nhóm đã bất ngờ phát hiện trong khám thờ Quốc mẫu còn lưu giữ một cuốn ngọc phả chữ Nho chép tay có tựa đề Ngọc phả sự tích Quốc mẫu Tây Thiên Tam Đảo tối linh từ. Đây là một ngọc phả hiếm có vì trong hầu hết các nơi thờ quốc mẫu Tây Thiên hiện nay đều không còn lưu lại được thần tích chữ Nho.

Bản Ngọc phả Quốc Mẫu Tây Thiên ở đền Hóa.

Khác với Ngọc phả Hùng Vương ở Phú Thọ, bản Ngọc phả đền Hóa Tây Thiên kể lại sự tích vị quốc mẫu có tên Thẩm, húy là Nhược Cảm. Đức quốc mẫu giáng sinh ở thôn Đông Lộ chân núi Tam Đảo. Khi đất nước có giặc, bà đã tập hợp quân binh trong vùng, kéo về Phong Châu giúp vua Hùng dẹp yên giặc dữ. Do có công phù Hùng diệt Ngô Thục nên bà được phong là Tam Đảo sơn Trụ quốc mẫu, tức là vị mẫu trụ quốc họ Hùng ở núi Tam Đảo.

Cũng ngay ở chính điện tiền tế của đền Hóa Tây Thiên có một đôi câu đối đặc biệt:

Nghĩa Lĩnh Cao Sơn phụ lập quốc

Bát Tuyền trường thủy mẫu nghĩa dân.

Ý nghĩa của câu đối này hoàn toàn tương đồng với câu ca dao về công cha nghĩa mẹ, nhưng cung cấp những chỉ dẫn rõ ràng hơn. Theo đó, Nghĩa Lĩnh là ngọn núi có đền Hùng, nơi thờ đức Đột Ngột Cao Sơn. Cao Sơn là vị Thái tổ đã lập ra quốc gia họ Hùng. Núi Nghĩa Lĩnh như thế chính là ngọn Thái Sơn của người Việt.

“Bát tuyền” là con suối mang tên Bát Nhã, bắt nguồn từ trên đỉnh Phù Nghi của núi Tam Đảo, chảy qua 9 khúc suối thì tới chân núi. Dòng suối này nước trong vắt, quanh năm không bao giờ cạn, được gọi là “cửu khúc hồi hoàn” hay là suối Cửu tuyền. Đây là dòng suối nguồn gắn liền với sự tích Mẹ Tây Thiên, đã tụ nghĩa giúp muôn dân trong buổi đầu dựng nước. Lấy theo tên núi Phù Nghi thì dòng suối Nghĩa là dòng suối linh thiêng, mạch nguồn của dân tộc, chảy từ trên Trời (ngọn Kim Thiên là đỉnh cao nhất của núi Tam Đảo) hàng ngàn năm qua vẫn không ngừng tuôn chảy.

 Tảng đá có khắc bia “Bát Nhã tuyền” bên dòng suối ở đỉnh Phù Nghi, Tam Đảo.

3. Núi Nghĩa Lĩnh còn đền thờ cha Cao Sơn và dòng suối nguồn Cửu tuyền từ đỉnh Phù Nghĩa đến nay vẫn là nơi thờ mẹ. Câu ca dao mộc mạc, gần gũi mà thực thà giản dị như ngọn nguồn lịch sử dân tộc mình. Chính bởi nếp sống trọng về ân nghĩa, lấy hiếu đạo làm nền tảng mà ông cha ta đã đời đời thờ phụng, thương tưởng và kính ngưỡng tổ tiên. Nếp sống ấy từ bao đời nay được tiền nhân trao truyền và cháu con tiếp nối, trở thành nếp nhà với ban thờ gia tiên và sự sum vầy đoàn tụ trong những ngày lễ kỵ, trở thành nếp làng xã nơi đình, đền, miếu và các lễ hội. Rồi nó lại trở thành nếp sống của cả dân tộc với việc thờ kính vị quốc tổ Hùng Vương ngàn đời.

Cả dân tộc gọi nhau là anh em, chú bác, cháu con như một đại gia đình cùng chung một mẹ cha. Người Việt có chung một đạo, chính là Đạo Hiếu, làm nền tảng cho việc hình thành tinh hoa văn hóa Việt. Cho nên, mới có câu “Ly hương, bất ly tổ”, hay “Thà đui mà giữ đạo nhà, còn hơn có mắt ông cha không thờ”. “Đạo nhà” là nếp sống, là hồn nước và tính dân tộc của người Việt. Cũng nhờ ở quan niệm vì kính ngưỡng, thương tưởng mà lập ra thờ tự nên có những mảng ghép lịch sử xa xưa thật may mắn vẫn còn lưu lại được đến ngày nay qua. Lịch sử từ thời Cha sinh Mẹ đẻ vẫn như còn sống động qua từng di tích.

Minh Thi

 

No comments:

Post a Comment