Wednesday, April 1, 2020

NGÀY GIỖ TỔ THÁNG 3 LÀ NGÀY GIỖ AI?

Câu trả lời về nguồn gốc ngày Giỗ tổ Hùng Vương 10/3 sẽ rất đơn giản nếu… đọc cuốn Hùng Vương Thánh tổ Ngọc phả sưu khảo vừa mới ra mắt. Bởi vì trong Ngọc phả này có ghi chép cụ thể ngày sinh ngày hóa từng đời vua Hùng. 
Hiện nay, căn cứ theo bia đá năm Bảo Đại thứ 15 lưu ở đền Hùng thì:
Trước đây, ngày Quốc tế lấy vào mùa thu làm định kỳ. Đến năm Khải Định thứ hai (dương lịch là năm 1917), Tuần phủ Phú Thọ là Lê Trung Ngọc có công văn xin bộ Lễ ấn định ngày mồng Mười tháng Ba hằng năm làm ngày Quốc tế, tức trước ngày giỗ tổ Hùng Vương đời thứ 18 một ngày. Còn ngày giỗ (11 tháng Ba) do dân sở tại làm lễ.
 
 Tấm bia Hùng Vương từ khảo năm Bảo Đại thứ 15 ở đền Hùng.
Trong một văn bia khác sớm hơn, vào năm Khải Định thứ 8 nói rõ hơn việc này, có khắc nguyên công văn trả lời của Bộ lễ cho tỉnh Phú Thọ về việc định ngày 10 tháng 3 làm quốc tế:
... xã Hy Cươnng, phủ Lâm Thao của quý hạt có lăng miếu phụng thờ Hùng Vương ở núi Hùng, trải các năm cả nước đến tế, thường lấy kỳ mùa thu, chọn vào ngày tốt làm lễ, chưa có việc định rõ ngày, mà tục lệ của dân xã đó lấy ngày 11 tháng 3, kết hợp với thờ thổ kỳ làm lễ riêng...
Từ nay về sau lấy ngày mồng 10 tháng 3, lĩnh tiền chi vào việc công, phụng mệnh kính tế trước một ngày so với ngày hội tế của bản hạt, khiến nhân sĩ mọi miền đến đây có nơi chiêm bái...
 Hùng miếu điển lệ bi năm Khải Định thứ 8.
Theo đó thì ngày giỗ tháng 3 là ngày giỗ của Hùng Vương thứ 18. Tuy nhiên, đền Hùng vốn dĩ không thờ Hùng Vương thứ 18 mà thờ 3 vị vua Hùng đầu tiên. Trong đó vị đầu tiên là Đột Ngột Cao Sơn Cổ Việt Hùng Thị thập bát thế Thánh vương, bài vị giữa. Rất có thể, tuần phủ Phú Thọ đã nhầm ngày kỵ của Đột ngột Cao Sơn, vị thánh vương của 18 đời Hùng, với Hùng Vương thứ 18.
Tra cuốn Ngọc phả Hùng Vương Thánh tổ cho kết quả:
  • Hùng Duệ Vương, vị vua Hùng cuối cùng hóa ngày 5 tháng 5. Hoàn toàn không phải tháng 3.
  • Trong khi đó, Hùng Quốc Vương (Đột ngột Cao Sơn): cùng sinh với trăm vương năm Canh Ngọ. Sau trăm vương cùng hóa vào giờ Thìn ngày 12 tháng 3.
Trang Ngọc phả có ngày sinh và hóa của Hùng Quốc Vương cùng trăm trai.
Đây mới thực sự là nguồn gốc của ngày giỗ tháng Ba. Nhân dân ở Phú Thọ không phải lấy ngày cúng “thổ kỳ” làm ngày giỗ đền Hùng, mà “thổ kỳ” ở đây chính là vua Hùng. Họ làm tế lễ vào ngày 11 tháng 3, trước ngày hóa của Hùng Quốc Vương 1 ngày. Sau này, đến thời Khải Định, nhà nước phong kiến mới theo đó định ngày 10 tháng 3 làm quốc tế, trước ngày lễ của dân tạo lệ 1 ngày.
Hùng Quốc Vương, vị Thái tử (con trưởng) của Lạc Long Quân đã cùng sinh và cùng hóa với 99 người anh em khác. Ngày giỗ tháng 3 là ngày giỗ của vị vua Hùng đầu tiên trong 18 đời Hùng Vương, cũng là ngày giỗ của cả 100 người con trai sinh ra cùng bọc trứng, là thủy tổ của Bách Việt. Vì thế ngày này không chỉ là ngày giỗ của người Việt Nam, mà có thể lấy làm ngày giỗ của cả cộng đồng Bách Việt, vốn cùng một bọc đồng bào.

No comments:

Post a Comment