Sunday, February 9, 2020

Theo dấu Trâu vàng

Con Trâu đá ở núi Tiên Du (Phật Tích).
Truyện sự tích Trâu vàng ở Tiên Du (Tiên Du Kim Ngưu tích truyện) trong Lĩnh Nam chích quái kể:
Ngày xưa, đời thượng cổ, có Vương Chất đi đốn củi ở trong núi gặp hai tiên đồng đang đánh cờ. Hai tiên đồng cho Chất một hạt táo, Chất ăn khỏi đói rồi gác rìu mà ngồi xem đánh cờ. Tiên đồng bảo Chất: "Cán rìu của người nát rồi". Chất cúi xuống, lúc ngẩng lên thì không thấy tiên đồng đâu. Kịp đến khi trở về nhà thì không còn gặp lại những người thân cũ ở trần gian nữa. Do tích đó người đời bèn gọi quả núi này là núi Lạn Kha (núi rìu nát) còn gọi là núi Tiên Du (núi chơi tiên) rồi nhân lấy tên ấy để đặt tên huyện. Ở huyện Tiên Du nay vẫn còn vết cũ.
Núi Tiên Du có tinh trâu vàng nửa đêm thường tỏa ra ánh sáng. Có nhà sư lấy tích trượng yểm lên trán trâu, trâu vàng bỏ chạy húc vào đất làm sụp thành cái hồ.
Nơi này sau gọi là thôn Húc. Trâu chạy đến địa phận Văn Giang, vì vậy ở đây có cái vũng lớn gọi tên là vũng Trâu Đằm. Trâu chạy qua các xã Như Phượng, Như Loan, Đại Lạn, Đa Ngưu. Các xã này sở dĩ tên như vậy là vì có vết chân trâu đi tới.
Trâu lại từ trong bến ra sông Cái, đến Ninh Giang, đi men phủ Lý Nhân, theo ven sông Cái tới sông Tô Lịch, chỗ ấy chính là Tây Hồ. Người đời truyền tụng rằng Cao Biền giỏi thuật số, thông địa lý, thường cưỡi diều giấy bay trên không trung để yểm các nơi thắng cảnh. Biền thấy trâu đi vào hồ Dâm Đàn (nay là Tây Hồ) rồi thoắt không thấy trâu đâu nữa. Trên đường trâu chạy, khắp nơi biến thành khe, ngòi, rãnh, lạch.
Bảng giới thiệu của chùa Phật Tích về Khâu Đà La từng tu hành và cầu mưa gió ở đây.
Núi Lạn Kha là núi Phật Tích ở huyện Tiên Du, Bắc Ninh ngày nay. Vị tiên đánh cờ trên núi Phật Tích thì hẳn là Đế Thích, vì Thiên Đế nổi tiếng là cao cờ. Cờ là biểu tượng của Dịch học, của phép thuật trong trời đất.
Nhà sư lấy tích trượng yểm lên trán Trâu ở núi Phật Tích thì rõ ràng là Khâu Đà La trong truyện Man Nương vì núi Phật Tích chính là nơi tu hành của Khâu Đà La. Khâu Đà La có thể là tên phiên âm khác của Đế Thích vì tên phiên âm của Đế Thích hiện là Nhân Đà La.
Hình tượng cụ thể của Kim Ngưu ở vùng Bắc Ninh là tượng con Cừu đá ở Thuận Thành, một con ở cạnh tháp chùa Dâu, một con ở lăng mộ Sĩ Nhiếp. Tên gọi Cừu xuất phát từ phép phiên thiết chữ Kim Ngưu, chỉ con Bò thần. Trâu Vàng là con Bò thần Nandin, vật cưỡi của thần Shiva hay hiện thân của thần Indra trong đạo Bà La Môn. 2 vị thần này được người Việt gọi chung là Đế Thích.
Con Cừu đá (Kim Ngưu) ở chùa Dâu, Thuận Thành, Bắc Ninh.
Con bò Nandin hay Trâu vàng như vậy tượng trưng cho sự truyền đạo của Đế Thích, tức là đạo Bà La Môn. Đạo này du nhập vào Việt Nam từ rất sớm, gắn với tục thờ Tứ pháp vì Tứ pháp là Tứ đại thiên vương, 4 vị thần phụ trách mây mưa sấm chớp (Phong Điều Vũ Thuận) và trấn ở chân núi Tu Di, ngọn núi nơi Đế Thích ngự trị.
Bước chân của Trâu Vàng là bước truyền bá phát triển của đạo Bà La Môn ở miền Bắc Việt. Trâu chạy từ Tiên Du, nơi Khâu Đà La khởi đầu truyền đạo, qua vùng Thuận Thành Bắc Ninh, tới vùng Văn Giang. Văn Giang hiện vẫn còn là nơi có tục thờ Tứ pháp rất phổ biển với nhiều ngôi chùa, ngôi đình, ngôi đền đến nay vẫn thờ Tứ pháp như ở các xã Lạc Hồng, Lạc Đạo của huyện Văn Lâm, Hưng Yên. Văn Giang cũng là nơi có sự tích về Đế Thích cưỡi Trâu ở đền Cầu Váu (Vĩnh Khúc) bên dòng sông Nghĩa Trụ, hay Ngưu giang xưa.
Thiên Đế cưỡi Bò ở đền Cầu Váu.
Trâu Vàng tiếp tục từ Văn Giang chạy sang vùng Phố Hiến Hưng Yên. Chặng đường này cũng đánh dấu những nơi có sự tích về Đế Thích là ở Liêu Hạ (Mỹ Hào) với chuyện Đế Thích đánh cờ với Trương Ba, ở Cẩm La (Ân Thi) với sự tích Đế Thích giáng trần trừ yêu quỷ từ thời Hùng Vương. Vùng này cũng là nơi mà tục thờ Tứ pháp rất phổ biến.
Trâu Vàng chạy tới ven sông Ninh Giang, tức là quãng huyện Phù Cừ của tỉnh Hưng Yên. Ở đây không có sự tích về Đế Thích nhưng lại là nơi tập trung các đền thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế, được gọi là các Đậu. Riêng ở Phù Cừ có 5 ngôi Đậu thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế. Còn ở huyện Tiên Lữ có Đậu An rất nổi tiếng thờ Ngọc Hoàng.
Tháp Đậu An ở Tiên Lữ, Hưng Yên.
Theo Ngọc Hoàng kinh chép của Đậu Từa: Ngọc Hoàng đại đế chính là Hoàng tử của quốc vương nước Quang Nghiêm Diệu Lạc, thời thượng cổ ngài sinh ra năm Bính Ngọ tháng Giêng ngày mồng 9 giờ Tý (tức 12 giờ đêm). Mẫu thân của ngài là Bảo Nguyệt Quang hoàng hậu mơ thấy đức Thái Thượng Lão Quân tặng cho một hình nhân con trai ...Còn trong tư liệu ở đền Cầu Váu về Đế Thích thì ghi: Bàn Cổ năm thứ 48 Giáp Thân tháng Giêng ngày mồng 1 giờ Ngọ, Bảo Nguyệt Quang hoàng hậu sinh ra Đế Thích ở nước Thiện Tiên. Đến năm Giáp Ngọ tháng Giêng ngày mồng 9 thì lên trời làm Thiên Đế (Bảo Kính Đăng Tâm, tập thượng).
Ở đây tên gọi bà mẹ của Vua là Bảo Nguyệt Quang hoàng hậu và ngày thánh đản 9 tháng Giêng là trùng nhau. Có thể thấy Ngọc Hoàng Thượng Đế ở Hưng Yên là một cách gọi khác của Thiên Đế - Đế Thích.
Đế Thích (hoặc Lão Tử) cưỡi Trâu ở chùa Chuông, Hưng Yên.
Ở Phố Hiến - Hưng Yên còn có ngôi chùa Chuông, tương truyền khi đánh quả chuông ở đây thì Trâu Vàng chạy đến... Có thể chùa Chuông cũng từng nằm trong hệ thống đền Bà La Môn như các Đậu ở Hưng Yên.
Trâu Vàng tiếp tục đi men phủ Lý Nhân sang đất Hà Nam. Tới đây câu chuyện liên quan tới vị tướng của nhà Đường là Cao Biền.
Sách Thăng Long cổ tích khảo chép rằng: Tương truyền đời Đường, Cao Biền làm Tiết độ sứ An Nam đô hộ phủ, đi các nơi có núi sông danh thắng của ta để yếm diệt long mạch. Khi Biền đào sông yểm mạch núi Long Đội, Sơn Thần núi ấy biến thành hình con trâu toả ánh vàng bơi theo sông Đường Giang lên phía Bắc, ẩn ở vùng Hồ Tây thành Đại La.
Sách Tây Hồ chí dẫn lời của Phạm Đình Hổ: Cuối đời Đường, An Quận công Cao Biền ngàn dặm qua Nam đến châu Duy Tân (nay là Duy Tiên) khai sông chặn long mạch núi Phục Tượng nay thuộc xã Đọi Sơn: Thần núi hoá thành trâu phóng ánh sáng vàng, ngược Đường Giang lên ẩn náu tại Hồ Tây, người quanh vùng dựng miếu thờ, thực là dấu thiêng vậy.
Nhà bia Sùng Thiện Diên Linh thời Lý ở chùa Long Đọi, Duy Tiên, Hà Nam.
Ở Duy Tiên, vùng Đọi Sơn có núi Điệp cũng có tên là Kim Ngưu, nay trên núi còn ngôi chùa cùng tên. Ngay tên sông Châu giang chảy qua đây cũng có thể là sông Trâu, liên quan đến con Trâu vàng.
Đặc biệt hơn, toàn bộ khu vực quanh núi Đọi đều thờ Cao Sơn quốc chủ. Vị thần này đã được xác định là Cao Biền, vị thần trấn Nam của thành Thăng Long. Đoạn kể về việc Trâu Vàng bị Cao Biền đuổi chạy ngược về thành Đại La rồi ẩn trong hồ Tây có thể có ý nghĩa khác so với khi Trâu chạy từ Tiên Du xuống Hưng Yên. Trâu Vàng là biểu tượng của đạo Bà La Môn, cũng là đạo của người Nam Chiếu lúc này. Người Nam Chiếu thời Đường có thể từng được gọi là Ai Lao 哀牢  hay Ngưu Hống 牛吼. Cả 2 tên này đều có chữ Ngưu 牛 ở trong.
Cao Biền là tướng nhà Đường được cử sang dẹp quân Nam Chiếu ở Bắc Việt. Nam Chiếu theo đạo Bà La Môn và được hình tượng hóa bằng hình ảnh Trâu Vàng - Kim Ngưu. Khu vực Đọi Sơn có lẽ từng là một căn cứ quan trọng của Nam Chiếu. Cao Biền dẫn quân đổ bộ bằng đường biển từ vùng Thái Bình - Nam Định tiến đánh Nam Chiếu, trước hết là đánh vùng Lý Nhân này, sau đó mới đánh thành Đại La.
Dấu vết của Cao Biền ở vùng Thường Tín cũng còn lưu qua các di tích thờ Cao Sơn đại vương ở đây như các làng Hà Hồi, Khê Hồi. Đây cũng là nơi có vết tích Trâu vàng với dòng sông Kim Ngưu.
Cổng đình Hà Hồi, Thường Tín, nơi thờ Cao Sơn đại vương.
Khu vực từ Hà Nam trở về cũng là vùng ảnh hưởng của tục thờ Tứ pháp, với các di tích như chùa Bà Đanh ở Kim Bảng, chùa Đậu ở Thường Tín, chùa Pháp Vân ở Thanh Trì. Chùa Đậu ở Thường Tín nơi thờ Pháp Điện và Sĩ Nhiếp có câu đối nói tới con sông Ngưu này:
龍派汪涵惠澤千秋傳聖跡
牛江環遶恩波萬世沐神休
Long phái uông hàm, huệ trạch thiên thu truyền thánh tích 
Ngưu giang hoàn nhiễu, ân ba vạn thế mộc thần hưu.
Dịch:
Dòng rồng rộng sâu, đất nhân nghìn thu truyền tích thánh 
Sông trâu bao bọc, sóng ân vạn thế thấm điềm thần.
Vế đối Ngưu giang hoàn nhiễu... ở chùa Đậu.
Cao Biền đánh quân Nam Chiếu, giải phóng được thành Đại La nên con Trâu Vàng đến đây thì đi vào hồ Tây mà ẩn náu. Bài thơ trong Lĩnh Nam chích quái chép:
Kim ngưu do ẩn tại hồ trung
Thủy hạt nan tầm bất kiến tung

Đại Việt Nam an tồn thánh chủ
Cao Biền hạ bút hận vô cùng.
Dịch:
Trâu vàng còn ẩn mãi trong hồ
Dấu vết khó tìm dẫu nước khô
Đại Việt Nam yên nhờ thánh chúa
Cao Biền hạ bút hận không bờ.
Dấu chân Kim Ngưu.
Bài thơ này có câu "Đại Việt Nam an tồn thánh chúa", ý chỉ nước Việt Nam vẫn còn vua, Cao Biền không làm gì được. Rõ ràng ở đây hình tượng con Trâu vàng là biểu tượng của thủ lĩnh nước Nam (Nam Chiếu). Tinh thần của nước Nam hóa con Trâu vàng ẩn sâu trong hồ Tây bất diệt. Tinh thần đó xuất phát từ ông Tiên đánh cờ trên núi Phật Tích (Khâu Đà La - Đế Thích) đã truyền bá rộng khắp nơi, trở thành tín ngưỡng của người Nam. Dấu chân Kim Ngưu từ Bắc Ninh - Hưng Yên - Hà Nam - Hà Nội đánh dấu khu vực phổ biến của tục thờ Tứ pháp - Đế Thích - Ngọc Hoàng hay đạo Bà La Môn.
Câu chuyện Trâu Vàng chạy đi và về thể hiện sự giao thoa giữa 2 dòng văn hóa Ấn giáo (Bà La Môn) và Đạo Giáo Trung Hoa. Biểu tượng của Đạo Giáo là đền thờ Huyền Thiên Trấn Vũ, vị thần tổ của nhà Đường (thời Cao Biền) ở 2 bên bờ hồ Tây, phía Bắc thành Đại La.
Sắc phong Kim Ngưu tôn thần ở đền Kim Ngưu, hồ Tây.
Câu đối ở đền Kim Ngưu bên hồ Tây:
牛渚表奇觀四顧江山依舊
龍城標勝景十方大眾望新
Ngưu chử biểu kỳ quan, tứ cố giang sơn y cựu
Long thành tiêu thắng cảnh, thập phương đại chúng vọng tân.

No comments:

Post a Comment