Sunday, February 2, 2020

Tây Hồ sự tích

Truyện Hồ Tinh trong Lĩnh Nam chích quái:
Thành Thăng Long ngày xưa gọi là đất Long Biên, đời Thượng cổ đã có người ở rồi. Đến đời vua Lý Thái Tổ chèo thuyền ở bến sông Nhị Hà, có hai con rồng dẫn thuyền đi, nhân đó mới đặt tên là Thăng Long và đóng đô ở đấy, tức là kinh thành ngày nay vậy.
Buổi đầu, chỗ đất này về phía Tây có một ngọn núi đá, dưới núi có một cái hang, có một con hồ chín đuôi sống hơn một nghìn năm thành ra yêu quái, biến hóa vạn trạng, có lúc hóa người, lúc hóa khỉ, đi khắp cả nhân gian.
Lúc bấy giờ ở dưới chân núi Tản Viên có giống người mọi gác cây kết cỏ mà ở; trên núi có một vị thần được người mọi phụng thờ. Vị thần ấy dạy cho người mọi cày ruộng, dệt vải, may áo trắng mà mặc, nhân đó gọi là Bạch y man. Hồ chín đuôi hóa ra người áo trắng nhập vào trong bọn mọi, cùng lũ mọi ca hát, dụ dỗ được người con trai con gái nào thì đem về nhốt ở hang đá; người mọi lấy làm khổ sở về việc ấy.
Long Quân mới sai bộ hạ Thủy phủ dâng nước lên đánh phá núi Tiểu Thạch Sơn, đào thành một cái đầm lớn, chính giữa thành có một chiếc vực sâu, gọi là Thi Hồ Trạch (nay là hồ Tây) rồi lập chùa quán để trấn yểm nữa (nay là Thiên Niên quán); bờ phía Tây bên đầm thì đồng nội bằng phẳng, ruộng ao cày cấy, gọi là Lỗ Hồ động. Chỗ nào cao ráo thì đều có dân cư, tục gọi là Hồ thôn. Còn cái hang nay gọi là Lỗ Hồ trạch vậy.

Câu chuyện Long Quân diệt con Cáo chín đuôi thành hồ Tây trên được xếp vào thời "thượng cổ" cùng với Lạc Long Quân. Tuy nhiên, trong chuyện không hề nói tới Lạc Long Quân mà chỉ nói "Long Quân". Hồ Tây vốn là một nhánh sông Hồng, hình thành khá muộn về sau này, nên khó có thể thời Lạc Long Quân 4000 năm đã có hồ, có động, có thôn như vậy. Lịch sử gắn với huyền thoại hình thành và phát triển của Hồ Tây thực sự ra sao?
Khu vực tháp trong chùa Thiên Niên - đàn trấn yểm của Huyền Nguyên đại đế.
Trong Truyện Hồ Tinh có cho biết Long Quân đã lập chùa quán để trấn yểm bên Hồ Tây là Thiên Niên quán. Thiên Niên quán ngày nay là chùa Thiên Niên ở Trích Sài ven hồ Tây. Ở chùa này có lưu sự tích về việc diệt con Cáo chín đuôi qua tấm bia Hoàn Long Trích Sài Thiên Niên tự bi ký (Bài ký trên bia chùa Thiên Niên, thôn Trích Sài, huyện Hoàn Long). Bài ký này được khắc trên tấm bia đá dựng vào đời vua Thành Thái năm thứ 13 (1901). Nội dung kể:
Khu vực Hồ Tây, trước kia là khu rừng rậm mọc toàn gỗ lim. Trong rừng có hòn núi nhỏ, có con cáo chín đuôi đã thành tinh ẩn náu trong hang núi đó, thường thường hiện hình làm hại người và vật, đã lâu ngày không trừ được.
Vua Tiền Lý Nam Đế lấy làm lo, sai hai công chúa đi học pháp thuật để trừ hại cho dân. Hai công chúa tu luyện ba năm, kết quả chưa thành, con cáo yêu quái càng quấy nhiễu dữ. Hai công chúa xin sang phương Bắc học Trung Quốc. Thuyền đi đến sông Nguyệt Đức, buổi chiều gặp một vị Đại tiên. Vị này nói:
- Ta nghe hai công chúa có chí trừ yêu quái mà con hồ tinh lọt lưới ẩn nấp chưa trừ được. Vậy ta đến giúp để cứu dân.
Hai công chúa mừng lắm, đón vị Đại tiên về và vào tâu với vua. Vua cho mời vị Đại tiên, hỏi tường tận về pháp thuật. Đại Tiên bảo hãy chuẩn bị lập đàn ở nơi cao ráo, sạch sẽ, dựng 8 cửa, 8 tháp như hình bát quái trận đồ và dạy hai công chúa tất cả những bí quyết phù chú.
Trong khoảng 100 ngày, việc học tập đã thành thạo. Bèn chọn ngày tốt, xem địa thế và lập đàn trừ yêu. Dùng cờ và lọng ngũ sắc mỗi thứ 100 cái. Rồi rước vị Huyền Chân Đại đế ở phương Bắc chủ trì đàn trấn yêu. Lại dựng miếu thờ vĩnh viễn, để con cáo yêu quái sau khi bắt được, không thể lại hiện hình, tác quái được nữa.
Vua theo lời lập 3 đàn, đàn giữa thờ Thiên, địa, thần kỳ do vị Đại tiên chủ trì, đàn tả thờ Dương thần, đàn hữu thờ Âm thần do hai công chúa phụng lễ.
Đến ngày lễ đàn, Đại tiên một tay cầm bùa, một tay cầm kiếm, chỉ vào trước núi đá. Bỗng thấy con cáo từ trong hang núi nhảy vọt ra, đá núi đổ xuống. sóng nước sôi lên, bắn tung tóe ra bốn phía, rừng lim sụt xuống, tất cả biến thành hồ nước, đất sụt tới tận bên cạnh đàn. Trong đàn lửa bốc lên, cờ lọng bị cháy hết. Phía trên đám lửa kết thành một đám mây đen bay lên lưng chừng trời, Đại tiên bắt trói con yêu quái bay lên không trung. Sau cùng không thấy nữa, chỉ còn hai công chúa bắt quyết ngồi ở đàn, lửa chẳng hề bén đến thân thể.
Quan quân báo tin về với vua Lý, vua theo như lời Đại tiên nói trước, sai dựng đền ở nơi lập đàn, để hai công chúa sớm chiều thờ phụng. Đền ở giáp bên hồ. Sát bờ bên kia hồ cũng lập miếu để thờ Huyền Chân Đại đế và chỗ dựng 8 tháp nơi đàn cũ, xây ngôi chùa để hai công chúa trụ trì. Sau một thời gian, hai công chúa cũng hóa theo Tiên Phật...
So sánh chuyện này với Truyện Hồ Tinh có thể thấy hai chuyện kể khác nhau nhưng cùng là một sự kiện. Người diệt Hồ Tinh ở đây được chép là Huyền Chân Đại Đế, tức là Huyền Thiên Trấn Vũ, người thờ ở đền Quan Thánh bên phía đối diện của Hồ Tây. Còn thời gian được chép là vào thời "Tiền Lý Nam Đế". Tuy nhiên, Huyền Thiên Trấn Vũ là tên mà Đường Cao Tông phong cho Lão Tử là Thái Thượng Lão Quân Huyền Nguyên hoàng đế. Như thế, Huyền Thiên đại đế mới có từ sau thời nhà Đường. Trong khí đó thời "Tiền Lý Nam Đế" lại là trước thời Tùy Đường. Khả năng triều "Tiền Lý Nam Đế" ở đây là chỉ chính triều Đường vì các vua Đường mang họ Lý (Lý Đường).
Cổng đình Trích Sài.
Ở trong đình Trích Sài có ban thờ Tam vị công chúa và am bên cạnh đó cũng thờ 3 vị này dưới tên Phúc Thọ Lộc. Sách Tây Hồ chí đã viết về am này như sau:
Đền ba vị chúa Phúc Lộc Thọ tại phường Trích Sài. Ba vị chúa là: Vạn Thọ phu nhân tức hóa thân của Kim Mẫu, Vạn Phúc công chúa và Vạn Lộc công chúa. Hai công chúa đều là con vua Tiền Lý Nam Đế do bà phi họ Đoàn sinh ra. Đến tuổi cài trâm, cả hai cô đều thông tuệ, yêu mến sông núi, thường cùng thả con thuyền dưới núi Mài, là khu vực gồm 5 ngọn núi đất, khi đó là rừng rậm. Nghe nói trong rừng có con cáo 9 đuôi làm hại người, hai cô quay chèo mong sao tìm cách học đạo trừ yêu. Đến cầu Khôi Lâm, gặp một bà tự xưng là họ Ma, vốn là Giác Hải Đại vương, có biết phép thuật, liền hỏi:
- Có thể trừ yêu quái không?
Đáp rằng:
- Được!
Hai công chúa mừng đón bà họ Ma lên thuyền đưa về tâu vua. Vua xuống chiếu chọn ngày lập đàn dưới núi, đảo cáo Thượng Đế rồi mời họ Ma đến làm phép. Giông gió sấm sét liền nổi lên dữ dội, cây rừng bị nhổ hết, đồi núi sạch không mà yêu ma tuyệt tích. Giữa đàn có đám mây đỏ rực bây lên, trông lại thì họ Ma đã biến đi đâu mất. Xa giá trở về, vua đem chuyện hỏi đình thần. Hoặc có kẻ nói Kim Mẫu hóa thân, vua liền phong là Vạn Thọ phu nhân Trấn Tĩnh Bà Vương, cho lập miếu thờ.
Có thể thấy vị Bà Vương họ Ma này cũng là vị Đại tiên trong sự tích chùa Thiên Niên và là Long Quân trong Truyện Hồ Tinh. Như vậy cả 3 chuyện về con Cáo chín đuôi ở hồ Tây đều là một sự kiện. Sự kiện này cụ thể là gì?
Đây hẳn là việc hình thành Hồ Tây khi một nhánh sông Hồng tách rời khỏi dòng chính, nước dâng, sụn lún được huyền thoại hóa thành trận hồng thủy của Long Quân hóa ra một vực sâu.
Tượng Đường Minh Hoàng trong chùa Khai Nguyên.
Bên cạnh đó con Cáo chín đuôi ở khu vực phía Tây hồ Tây này còn liên quan đến những sự kiện lịch sử và di tích khác. Không xa chùa Thiên Niên là khu vực Quán La nơi có chùa Khai Nguyên, thuộc xã Xuân La. Ngôi chùa này theo ghi chép từng là nơi thờ Huyền Nguyên Đế Quân. Sự tích trong Việt Điện u linh:
Trong thời Khai Nguyên nhà Đường, Thứ sử Quảng Châu tên là Lư Ngư sang làm đô hộ bên ta, đóng tại thôn An Viễn, khoảng giữa hai huyện Long Đỗ và Từ Liêm, thấy chỗ đất này bằng phẳng rộng rãi, cây cối tốt tươi, phía sau có sông Già La, địa thế càng đẹp. Ngư mới sai lập phủ lỵ và dựng đền thờ thần vị Huyền Nguyên Đế Quân.
Một đêm, Ngư mộng thất một cụ già đầu bạc phơ đến bảo Ngư rằng:
- Quán này nên đặt tên là quán Khai Nguyên. Thôn này cũng nên đổi tên là thôn Khai Nguyên.
Ngư thức dậy theo lời mà đặt tên quán, thôn và dựng bia ghi, để nêu rõ cái công của vua Khai Nguyên nhà Đường. Rồi lại dựng một đền, đặt tượng thần thổ địa để nêu công đức. Đền ấy đặt tên là Gia La quán, cầu đảo thường linh ứng, hương khói quanh năm. Đến hồi đầu năm Thiệu Long (1258) nhà Trần, sư Văn Thảo sửa dựng lại đền, đổi làm chùa An Dưỡng. Từ đó, sứ các nơi đến họp, người ta gần như đến lễ và ngoạn cảnh rất đông, xe ngựa thường đi chật đường không ngớt. Sau vì lâu năm, khách qua lại vắng dần, chùa cũng gần đổ nát, nay đã dời về Quy Bộ Đầu.
Năm Trùng Hưng thứ nhất sắc phong "Khai Nguyên uy hiển đại vương". Năm thứ 4 gia phong hai chữ "Long trứ". Năm Hưng Long 21 gia phong hai chữ "Trung vũ".
Cần chú ý là khu vực này cũng liên quan đến con Cáo, với những cái tên Cáo Đỉnh, Xuân Cảo. Đây mới là trung tâm của "hang Cáo", nơi ẩn náu của con Cửu vĩ Hồ hồ Tây.
Hiện nay trong chùa Khai Nguyên vẫn còn một tượng vị vua được người dân cho là tượng của Đường Minh Hoàng (niên hiệu Khai Nguyên).
Một sắc phong ở đình Phú Gia: Khai Nguyên Địch giáo Long ân trứ Uy hiển Trung vũ...
Quán Già La và chùa Khai Nguyên xưa ở Xuân La nay đã dời về khu vực Bộ Đầu, tức là bến Chèm ở sát sông Hồng, nay là đình làng Phú Gia và chùa Bà Già ở Phú Thượng, Từ Liêm. Bản xã thần tích của đình Phú Gia cũng chép chuyện này:
Đời Đường thứ sử Lư Ngư lập một đền thờ thổ thần gọi là Già La Quán, sau đổi thành chùa An Dưỡng ở thôn Bà Già cạnh đền Sóc thiên vương, giáp sông Già La. Sông này sau đổi là Thiên Phù.
Đình Phú Gia thờ một vị thành hoàng là Khai Nguyên Địch giáo Uy hiển Long trứ Trung vũ Đại vương, thời vua Hùng đánh giặc Ân. Tuy nhiên tên thần ở trên chính được nói tới trong Việt điện u linh, kể sự tích thần Khai Nguyên ở Quán La. Nói cách khác, vị thần ở đình Phú Gia cũng chính là Đường Minh Hoàng niên hiệu Khai Nguyên, mà tượng thờ nay còn ở chùa Khai Nguyên tại Xuân La.
Điện thờ Tam Thánh Đế ở trước đình Phú Gia.
Tới đây cần giải nghĩa các địa danh trong sự tích Hồ Tây. Đầu tiên là các chữ La trong tên địa danh cổ "Già La", "Quán La". Trong Truyện Hồ Tinh có "Lỗ Hồ động", "Lỗ Hồ đàm". Kết nối các chuyện có thể thấy La và Lỗ là cùng một từ. Thực ra từ này chỉ hướng Tây vì trong Dịch học phương Tây là phương của lý lẽ - la lỗ.
Bản thân cái tên Thi Hồ cũng có thể là âm khác của Tây vì Tây còn đọc là Xi - Thi. Rõ nhất chính là tên hồ Tây, chỉ hướng Tây, cho dù hồ này không hề nằm ở hướng Tây của thành Thăng Long.
Trong tên con Cáo chín đuôi - Cửu vĩ Hồ thì chữ Cửu cũng là con số chỉ hướng Tây trong Dịch học. Từ Cửu biến ra Cảo, rồi Cáo.
Hoành phi Bà Già Tự ở chùa Phú Gia.
Chữ thứ hai cần giải nghĩa là chữ Hồ. So sánh các địa danh thì có thể đoán chữ Hồ này tương đương với chữ Già trong tên chùa Bà Già, Già La vì Lỗ Hồ = Già La. Chữ Hồ và Già này chỉ điều gì?
Hiện nay tên Già La đang được cho là âm tiếng Chăm Đà da li, cho dù người Chăm cũng chẳng hiểu Đà da li nghĩa là gì. Suy đoán này dựa vào dòng ghi chép chuyện Trần Nhật Duật trong Đại Việt sử ký toàn thư:
Nhật Duật thích chơi với người không nói cùng thứ tiếng, thường cưỡi voi đến chơi thôn Bà Già (thôn này có người Chiêm Thành ở tên là Đà-da-li, sau gọi chệch là Bà Già) có khi tới bốn ngày mới về.
Tuy nhiên, những địa danh Bà Già, Già La đã có ít nhất từ thời Đường thì làm sao mà lại do những tù nhân Chiêm Thành bị bắt thời Lý Trần đặt ra được? Đây đúng là những từ tiếng Chiêm, nhưng là thời trước đó nhiều.
Thời trước nữa người Chiêm còn được gọi là người Hồ hay người Di. Đây mới chính là gốc tích của chữ Hồ và chữ Già. Hồ là chỉ người Hồ (người Chiêm). "Hồ thôn" hiểu đơn giản là thôn của người Chiêm. Già - Dạ - Di cũng vậy.
Bà Già tự bi ký. 
Chữ thứ ba trong sự tích Tây Hồ là chữ . Vị thần ở đình Trích Sài được chép là Trấn Tĩnh Bà Vương. Nhưng vị thần tương ứng ở chùa Thiên Niên lại là một vị Đại tiên. Có thể thấy chữ Bà không có nghĩa là nữ mà nghĩa chỉ thần thánh hay thủ lĩnh. Bà Vương = Đại vương. Bà Già nghĩa là thủ lĩnh/thần người Di.
Lịch sử trung đại Việt có nước Tây Bà Dạ hoặc Tây Đồ Di từng liên kết với Nam Chiếu chính là tương ứng với sự tích này. Tây = La = Lỗ. Dạ = Di = Già = Hồ.
Bản thân khu vực Già La còn được gọi là Lâm Ấp. Lâm Ấp cũng là tên gọi chung của Nam Chiếu thời kỳ Lục triều.
Thời Tùy Đường thì phía Tây của sông Nhị Hà là đất của Nam Chiếu (theo Truyện Nam Chiếu trong Lĩnh Nam chích quái). Truyện Hồ Tinh kể con Cửu vĩ Hồ đã biến thành Bạch y man ở chân núi Tản để hại người. Hiểu một cách khác thì trong số những người ở vùng Sơn Tây (núi Tản) có những người nổi loạn được gọi là Cửu vĩ Hồ. Bản thân chữ Bạch là màu trắng chỉ hướng Tây. Bạch y Man cũng tương đương với Tây Di hay Lỗ Hồ, chỉ người Man ở phía Tây sông Nhị.
Truyện Nam Chiếu cho biết người Nam Chiếu từ thời Tấn đến tận thời Tùy liên tục quấy phá vùng Tây Nhị Hà. Đây chính là con Cửu vĩ Hồ được ám chỉ trong truyền thuyết hồ Tây. Phải đến đời Đường Khai Nguyên thì quân Nam Chiếu mới được bình định.
Khởi nghĩa của người Tây Di dưới thời Đường Khai Nguyên là khởi nghĩa của Mai Thúc Loan. Mai Hắc Đế đã tiến chiếm thành Tống Bình, đuổi tướng nhà Đường là Quang Sở Khách phải chạy về nước. Sau đó Mai Hắc Đế thất bại, thành Tống Bình lại về tay nhà Đường. Rất có thể chính sự kiện này là cái cốt của câu chuyện diệt con Cáo chín đuôi ở Hồ Tây dưới thời Đường Khai Nguyên.
Khu vực Phú Thượng - Xuân La là vùng đất cao nhất quanh hồ Tây. Nơi đây đã tìm thấy hàng loạt các mộ cổ thời Lục triều và giếng nước thời Tùy Đường. Hiện nay dưới đình Quán La vẫn còn có một khu mộ cổ xây bằng gạch thời Lục triều, được biết dưới tên Thông Thiền động. Cái hang Cáo chín đuôi vẫn còn di chỉ vật chất là đây.
Một mộ cổ trong động Thông Thiền dưới đình Quán La.
Như thế vùng Tây Bắc của hồ Tây đã là khu dân cư tập trung từ thời Lục triều tới Tùy Đường. Rất có thể đây là vùng thành Ô Diên được nói tới thời Hậu Lý Nam Đế - Lý Phật Tử. Truyền thuyết cho biết Lý Phật Tử đã lấy bãi Quân Thần làm ranh giới phân chia Đông - Tây, phía Tây thuộc đất của Lý Phật Tử. Bãi Quân Thân chính là khu vực Chèm - Quy Bộ Đầu. Như thế Lý Phật Tử đã lấy vùng Tây Hồ Tây làm ranh giới với các triều đại Trung Hoa thời Lục triều và thời Tùy.
Hơn nữa, đây có thể là trị sở của Giao Châu theo như sự tích, thứ sử Lư Ngư đã xây trị sở ở đây và xây chùa quán thờ Huyền Thiên. Đối chiếu vào sử Việt, ta thấy đây có thể chính là thành Tống Bình, trị sở của quận Giao Chỉ sau thành Luy Lâu ở Long Biên. Thành Tống Bình là trị sở của quận Giao Chỉ từ năm Tùy Đại Nghiệp (605-616).
Cổng đình Quán La.
Dẫn chứng khác cho vị trí của thành Tống Bình là chuyện quan đô hộ Triệu Xương thời Đường Trinh Nguyên đã gặp Lý Ông Trọng hiển mộng ở bến Chèm. Bến Chèm cạnh gò Quy Bộ Đầu nơi có chùa Bà Già và đình Phú Gia ở trên.
Việc Mai Hắc Đế và sau đó là Phùng Hưng tấn công thành Tống Bình là tấn công khu vực Tây Bắc của hồ Tây này, chứ không phải vùng Nam hồ Tây. Rất có thể Phùng Hưng đã đặt thành Tống Bình là thành Đại La, lấy từ tên nước La - Lỗ của mình. Thành Đại La thời Phùng Hưng còn được gọi là Phượng thành, rất tương ứng với tên thành Ô Diên (ô và diên đều là 2 loài chim).
Chỉ tới khi Cao Biền được cử sang đánh quân Nam Chiếu thì mới xây thành ở phía Nam hồ Tây, lập đô hộ phủ ở đó, xưng Tiết độ sứ Tĩnh Hải quân. Bằng chứng rõ ràng là lớp gạch dưới cùng ở Hoàng Thành nay là gạch Giang Tây quân của Cao Biền. Dưới Hoàng thành không hề phát hiện được các dấu vết kiến trúc thời Lục triều hay đầu thời Đường (khi chưa có chế độ Tiết độ sứ quân).
Chùa Khai Nguyên.
Việt điện u linh ở trên chép khu vực Lư Ngư lập quán nằm "giữa 2 huyện Long Đỗ và Từ Liêm". Từ Liêm đọc thiết là Chiêm - Chăm, chỉ người Chiêm thì đã rõ. Long Đỗ là khu vực ở phía Đông Nam, gắn với sự tích của thần Bạch Mã - Sĩ Nhiếp.
Từ Cao Biền hồ Tây không gắn với con Cáo chín đuôi nữa (vì người Hồ - Nam Chiếu đã bị Cao Biền đánh bại, xây thành mới), mà gắn với truyền thuyết con Trâu Vàng. Truyện này được đánh dấu trong sự tích Truyện con trâu vàng ở huyện Tiên Du trong Lĩnh Nam chích quái. Con Kim Ngưu chạy từ núi Phật Tích ở Tiên Du Bắc Ninh về đã thành vị thần bảo hộ của hồ Tây từ thời Cao Biền. Cũng Cao Biền đã lấy thần Long Đỗ - Bạch Mã làm thành hoàng cho kinh thành này, đánh dấu việc dời vị trí từ bên Từ Liêm - Chiêm sang Long Đỗ ở phía Nam, từ sông Già La (Thiên Phù) sang sông Tô Lịch.
Kim Ngưu thiết Cừu, chính là con Cừu đá ở chùa Dâu hay con Bò thần Nandin trong đạo Bà la môn. Tiên Du Phật Tích là nơi tu hành của Khâu Đà La trong sự tích Man Nương - Sĩ Nhiếp, đánh dấu một vùng ảnh hưởng phía Đông của thần Long Đỗ - Bạch Mã tới vùng hồ Tây - Thăng Long.
Tây Hồ được hình thành khoảng thời Lục Triều, gắn với người Chiêm Hồ ở phía Tây, được truyền thuyết hóa thành con cáo Cửu vĩ Hồ. Cửu vĩ Hồ bị diệt dưới thời Đường Khai Nguyên. Nhà Đường dùng Huyền Thiên, vị thần của Đạo Giáo để trấn giữ vùng này. Thành Tống Bình được xây dựng tại vùng Tây Bắc hồ Tây. Đến thời Cao Biền dẹp Nam Chiếu đã xây thành mới ở vùng Đông Nam bên sông Tô Lịch, lấy hình ảnh Kim ngưu làm biểu tượng mới cho hồ Tây. Vùng hang Cáo xưa bị quên lãng như chính lịch sử Việt Nam vậy.
 Vòng đỏ là khu vực phát hiện các mộ cổ thời Lục Triều đến Tùy Đường.
Câu đối ở chùa Khai Nguyên:
前挹龍城稱勝景
後環牛渚引文闌
Tiền ấp Long thành xưng thắng cảnh
Hậu hoàn Ngưu chử dẫn văn lan.

Dịch:
Ấp trước thành Rồng gọi cảnh đẹp
Vòng sau Trâu bãi dẫn đường văn.

No comments:

Post a Comment