Sunday, March 31, 2019

Long Đỗ là ở chỗ nào?

Nói tới Thăng Long Hà Nội ai cũng biết chuyện thần Long Đỗ hiển linh trước Cao Biền và được lập làm thành hoàng của thành Thăng Long. Long Đỗ là "rốn rồng", tức là huyệt mạch chính của "kinh đô rồng". Vậy cái "rốn rồng" ấy nằm ở đâu?
Nhiều người nghĩ rằng thần Long Đỗ hiển linh ở sông Tô Lịch thì cái long mạch của đất Thăng Long phải nằm ở đâu đó quãng đầu sông Tô Lịch và sông Hồng, có thể là hồ Tây. Thậm chí có học giả cho rằng Long Đỗ là ở núi Nùng. Nhưng thực tế ở cả ở hồ Tây hay núi Nùng đều không có di tích nào nói về Rồng hay Long Đỗ cả.
Nếu nói tới "kinh đô Rồng" thì Long Đỗ phải là nơi có Rồng xuất hiện, tức là có Rồng bay lên. Ở Hà Nội nơi có Rồng bay lên phải là... Long Biên. Ngay cái tên cũng đã cho biết đây mới là chỗ có Rồng xuất hiện.
Rồng bay lên từ nước, điều này quá rõ. Rồng làm sao mà lại ẩn ở trên núi (như núi Nùng) được. Mặt nước của vùng Long Biên thì rõ là sông Hồng. Xét các làng dọc khúc dòng sông Hồng ở vùng Long Biên (Gia Lâm) ta thấy ở đây còn đậm đặc các di tích và sự tích về sự xuất hiện của Rồng.
Xa nhất là đình làng Xuân Quan, còn gọi là điện Long Hưng, nơi thờ Triệu Vũ Đế, ở Văn Giang, Hưng Yên. Sự tích ở đây ghi:
Triệu Đà người huyện Chân Định, đầu thời Tần làm quan lệnh Long Châu, sau làm Nam Hải úy... Tương truyền Triệu Đà đi tuần phương Nam qua xã Nam Quan thấy có rồng vàng hiện ra, cho là đất lành bèn dựng hành cung, gọi là điện Long Hưng. Về sau dân dựng đền thờ trên nền điện cũ.
Long Hưng điện (đình Xuân Quan).
Theo Thiên Nam ngữ lục thì Triệu Đà khi tiến quân từ Quảng Đông đánh An Dương Vương đã thấy rồng xuất hiện trên sông Nhị Hà:
Binh phân chi dực hữu chi
Triệu thuyền thẳng tới đỗ kề bên sông
Bỗng đâu thấy rồng nổi lên
Dự mừng thánh chúa lập nên cơ đồ.
Khi họ Triệu diệt được An Dương Vương, xưng vua thì do đó mà đổi tên thành Thăng Long:
Hiệu xưng là Triệu Vũ Hoàng
Chín lần xem trị bốn phương đẹp lòng
Long Biên thành hiệu Thăng Long
Vì xưa rồng dậy dưới sông Nhị Hà.
Tên gọi Thăng Long đầu tiên là dành cho khu vực Long Biên từ thời Triệu Vũ Đế, tức là còn trước thời Lý hơn ngàn năm.
Thăng Long hay Long Hưng là lấy ý trong hào ngũ của quẻ Càn: Phi long tại thiên, Rồng bay lên trời. Hào ngũ quẻ Càn chỉ điềm thành nghiệp của bậc đế vương.
Bên cạnh Xuân Quan, ngoài bãi ven sông là làng Kim Lan (thuộc Gia Lâm, Hà Nội nay), nơi thờ Cao Vương Biền. Đây cũng là nơi có di chỉ khảo cổ Hàm Rồng với những hiện vật từ thời Đường. Thiên Nam ngữ lục cho biết, Hàm Rồng là nơi được "Phong thủy vương" Cao Biền chọn làm nơi táng mả:
Dân làm cự cứu bảo nhau
Tôn Biền làm chủ giữ âu Long thành
Đến Kim Lan cơ đầu ghềnh
Lục nơi cải tử hoàn sinh chẳng cùng
Mạch tòng Tản Lĩnh giáng long
Sáu rồng phun ngọc, ba sông nước chầu
Biền già ở cõi Nam Châu
Người nhà bèn táng ở đầu Kim Lan.
Bên cạnh chỗ rồng bay lên (Long Hưng) ở Xuân Quan là miệng rồng (Hàm Rồng) ở Kim Lan. Rõ ràng đây là một huyệt mạch quan trọng, nơi Cao Biền đã lựa chọn. Chú ý theo Thiên Nam ngữ lục thì đây là chỗ "Sáu rồng phun ngọc, ba sông nước chầu". Ý nghĩa của "ba sông" sẽ còn gặp ở dưới đây.
Dọc sông tiếp theo gần hơn về phía Bắc là làng Bát Tràng. Đình làng Bát Tràng thờ các thành hoàng là Lưu thiên tử, Lữ hoàng hậu, Bạch Mã tôn thần, cùng 3 vị khác. Thần Bạch Mã cũng là thần Long Đỗ, liên quan tới Rồng thì đã rõ. Còn Lưu Thiên Tử hay Lưu Bang thì chả phải ai khác chính là Triệu Vũ Đế ở Xuân Quan. Lữ Hoàng Hậu là Lữ Hậu, vợ và người đã cùng khởi nghĩa với Lưu Bang từ thủa hàn vi.
Hội đình làng Bát Tràng.
Phía trên làng Bát Tràng về phía Bắc là làng Đông Dư. Nơi đây có chùa Nội Long nằm bên bờ sông Hồng ở Đông Dư Thượng. Nội Long tự nghĩa là "chùa trong mắt rồng". Vậy đây cũng là đất thiêng nơi, con Rồng Long Biên lộ đầu.
Làng Đông Dư thờ các thần Cao Sơn và Linh Lang đại vương. Cao Sơn là Cao Vương Biền (như thờ ở Kim Lan). Cách Đông Dư không xa là đền Trấn Vũ ở làng Ngọc Trì, Gia Lâm, nơi thờ Huyền Thiên Trấn Vũ. Vậy là ở khu vực này đã hội tụ đủ 4 vị thần của Thăng Long Tứ trấn: Huyền Thiên, Cao Sơn, Bạch Mã và Linh Lang.
Ấn tượng hơn nữa cũng ở khúc sông này, phía bên bờ Tây của sông Hồng là vùng đất Lĩnh Nam của quận Hoàng Mai (trước là huyện Thanh Trì). Các làng ở Lĩnh Nam đều có sự tích gắn với Rồng.
Làng Thúy Lĩnh ở ven sông Hồng, đối diện với Kim Lan qua sông, thờ Linh Lang đại vương, tương tự như bên làng Đông Dư. Sự tích Linh Lang cũng là Rồng, vì khi sinh ra đã liên quan đến Rồng (bà mẹ đi tắm ở hồ Tây thì gặp giao long), rồi sau khi thần dẹp yên quân giặc đã hóa thành con rắn lớn (tức là Rồng) bơi xuống hồ Tây.
Câu đối ở đình Thúy Lĩnh:
氣鎮龍都歷代褒崇隆祀典
霛扶鴻越弌方康阜仰神庥
Khí trấn Long Đô lịch đại bao sùng long tự điển
Linh phù Hồng Việt nhất phương khang phụ ngưỡng thần hưu.
Dịch:
Khí trấn Đô Rồng, các đời ca tôn điển tế hậu
Thiêng phò Hồng Việt, một phương đông đúc ngưỡng điềm thần.
Chính điện đình Thúy Lĩnh.
Một làng khác của vùng Lĩnh Nam là làng Nam Dư Hạ khá đặc biệt. Đình làng này thờ luôn Rồng, được gọi dưới tên Tam đầu Cửu vĩ Long vương. Tam đầu Cửu vĩ cũng là một vị thần quen biết trong đạo Mẫu Tứ phủ, đại diện cho Thủy thần Hà bá.
Theo thần tích còn lưu lại, có vị sư tổ Từ Phong thường du ngoạn ở ven kinh thành Thăng Long, có lần đi qua đất Nam Dư thấy cảnh sắc đậm đà, bến thuyền xuôi ngược quyến rũ lòng người, ngài bỗng thấy có một con rồng từ đất bay lên nhào lượn trên không trung rồi biến vào vòm trời xanh. Đức tổ cho đây là chốn tiềm long (nơi rồng ẩn) nên quyết định xây phủ đệ ở lại Nam Dư, đồng thời, ngôi chùa lấy tên là Thiên Phúc, mở một con đường rất thẳng từ cung điện nhà vua tới chùa và xây ngôi đình làng cho dân thờ Long Vương thần.
Câu đối ở đình Nam Dư Hạ:
勝景南天黎帝殿
威風畬地水王宫
Thắng cảnh Nam thiên Lê đế điện
Uy phong Dư địa thủy vương cung.
Thậm chí trong đình còn có bức biển (hoành phi) đề: Long Đỗ Nam Dư 龍肚南畬.
Vậy Long Đỗ là ở đây chứ đâu nữa.
Chữ Dư 畬 trong tiếng Nho nghĩa là ruộng tốt. Liên hệ với quẻ Càn, hào nhị: Hiện long tại điền, gặp Rồng tại ruộng. Như thế khu vực Đông Dư - Nam Dư ý chỉ là nơi Rồng bắt đầu xuất hiện.
Hoành phi "Long Đỗ Nam Dư" ở đình Nam Dư Hạ.
Đình Nam Dư Hạ còn có đình còn 3 cổ hiệu bát cống nguyên vẹn, sơn son thếp vàng, chạm khắc tỉ mỉ, cầu kì, trau chuốt đầu rồng, thân rồng, đuôi rồng, tương truyền được các thợ của Long cung một đêm đã tạo ra.
Đình Nam Dư Thượng thờ các vị thành hoàng là Minh Hoa An Quốc đại vương cùng phu nhân Hoàng Phi Trân và Đương Thống đại vương cùng phu nhân Nguyệt Thái. Tương truyền, Minh Hoa An Quốc Đại vương là con vua Hùng Vương thứ 17, có công trong việc trị quốc an dân. Đương Thống đại vương còn gọi là Thống Công, em Sơn Thánh, sống dưới triều Hùng Duệ Vương. Sơn Thánh lấy công chúa Mị Nương còn Thống Công lấy công chúa Nguyệt Thái.
Kiệu rồng ở Nam Dư Thượng.
Câu đối ở chính điện đình Nam Dư Thượng:
南上屹灵祠鴻貉遺徧傳五嶺
西茶餘勝地清潭舊跡儼三江
Nam Thượng ngật linh từ, Hồng Lạc di biên truyền Ngũ Lĩnh 
Tây Trà dư thắng địa, Thanh Đàm cựu tích nghiễm Tam Giang.Dịch:
Nam Thượng cao đền thiêng, Hồng Lạc để lan truyền Ngũ Lĩnh
Tây Trà tốt lành đất, Thanh Đàm vết cũ oai Tam Giang.

Câu đối nói tới những địa danh khá lạ. Tây Trà là tên gọi cũ của Nam Dư. Còn Ngũ Lĩnh thời Hùng Vương liệu có phải đây là gốc của tên Lĩnh Nam (Ngũ Lĩnh - Nam Dư?) cho khu vực này? Tên gọi Ngũ Lĩnh cùng với sự tích các vị thần thời Hùng Vương cho thấy khu vực này là một trọng điểm cư dân của thời kỳ này.
Câu đối nhắc tới tên Tam Giang, chỉ một vùng đất ở quanh Long Biên. Tam là số 3, con số chỉ phương Đông trong Hà thư. Phương Đông cũng có tượng là Rồng nên Tam tương ứng với Long. Tam Giang do đó tương đương với Long Xuyên hay Long Biên. Thiên Nam ngữ lục như trên đã nói khu vực này là: Sáu rồng phun ngọc, ba sông nước chầu, cũng là ý này.
Hội làng Nam Dư Hạ và Nam Dư Thượng đều có làng Bát Tràng và Đông Dư bên kia sông sang giao lưu, cúng tế. Trong lễ hội rước nước chung của 3 làng này thì khi ra sông lấy nước cũng đều có bái vọng đình Bát Tràng. Tục kết chạ giữa Nam Dư và Bát Tràng là một tục xưa còn lưu giữ được.
Bản đồ các khu vực ven bờ sông Hồng ở đoạn Lĩnh Nam - Gia Lâm.
Huyện Thanh Trì vốn có tên là Long Đàm, tức là đầm Rồng, tương truyền là đầm nước có Rồng ở. Sau này Long Đàm mới đổi thành Thanh Đàm, rồi Thanh Trì. Trong câu đối nói tới Thanh Đàm là địa danh này.
Tên Tam Giang còn ẩn ý trong tên Tam đầu Cửu vĩ Long vương. Tam là hướng Đông, Cửu là hướng Tây trong Hà thư. Tam đầu Cửu vĩ Long vương nghĩa là con Rồng đầu ở phía Đông, đuôi ở phía Tây. Xét ở khúc sông này thì đúng vậy. Đầu Rồng ở bờ Đông nơi có Hàm Rồng (tại Kim Lan), mắt Rồng (ở Đông Dư) và nơi rồng bay lên (ở Xuân Quan). Còn đuôi Rồng ẩn trong Long Đàm (Thanh Trì) ở phía bên bờ Tây.
Long Đàm chính là Long Đỗ, cái rốn của kinh đô Rồng xưa, mà dấu vết vẫn còn lưu lại trong các sự tích và địa danh ở đây.

No comments:

Post a Comment