Thursday, January 24, 2019

Vết tích của Hindu giáo trong cổ văn hóa Việt

Ảnh hưởng của Ấn Độ đến văn hóa Việt tưởng chừng bắt đầu sớm nhất là Phật giáo. Chứng tích thường được dẫn một cách "chắc chắn" là chuyện Man Nương và Phật Tứ Pháp dưới thời Sỹ Nhiếp. Tuy nhiên, thực tế Phật giáo không phải là tín ngưỡng sớm nhất đến nước ta từ Ấn Độ.
Tháp Dương Long ở Tây Sơn, Bình Định, gồm 3 tháp thờ bộ ba vị thần Hindu giáo là Brahma, Visnu và Shiva.
Truyện Dạ Xoa Vương trong Lĩnh Nam chích quái:
Xưa về thời thượng cổ, ngoài nước Âu Lạc của nước Nam Việt có nước Diệu Nghiêm, hiệu là Dạ Xoa Vương, có người gọi là Trường Minh Vương, có người gọi là Thập Đầu Vương. Nước ấy phía Bắc giáp nước Hồ Tôn Tinh. Nước Hồ Tôn Tinh gọi là Thập Xoa Vương, Thái tử gọi là Vy Tư.Vợ Vy Tư gọi là Bạch Tinh Hậu Nương, dung mạo mỹ lệ, đời ít ai có; Dạ Xoa Vương nghe tiếng mà thích bèn đem dân chúng vây đánh nước Hồ Tôn Tinh, bắt được nàng Bạch Tinh Hậu Nương.Vy Tư giận mới thắng lĩnh bọn di hậu dẹp núi lấp biển hết thảy hóa ra đất bằng, phá nước Diệu Nghiêm, giết Dạ Xoa Vương, lại đem nàng Tinh Hậu trở về.Nước Hồ Tôn Tinh là tinh của loài khỉ bây giờ là nước Chiêm Thành vậy.
Truyện này chép nước Nam Việt - Âu Lạc là một nước, song song cùng thời với nước Văn Lang (mà biên giới phía Nam giáp Hồ Tôn). Điều này chứng tỏ Văn Lang và Âu Lạc là tên của cùng một quốc gia thời Hùng Vương mà thôi. An Dương Vương lập nước Âu Lạc cũng là Hùng Vương dựng nước Văn Lang.
Hình chạm đá các Dạ Xoa trên tháp Dương Long ở Tây Sơn, Bình Định.
Phía Nam của nước Văn Lang - Âu Lạc có nước Hồ Tôn, với biểu trưng là loài Khỉ như trong truyện. Câu chuyện thái tử Vy Tư nhờ khỉ tinh cứu vợ Bạch Tinh Nương dễ thấy là mang bóng dáng của sử thi Ramayana, kể về chuyện giữa chàng Rama và nàng Sita.
Vợ Rama, nàng Sita, tình nguyện theo Rama vào rừng sống ẩn, luyện tập võ nghệ. Quỷ vương Ravana ở đảo Lanka lập mưu cướp nàng Sita đem về làm vợ. Hắn dụ dỗ và ép buộc nàng nhưng nàng đã kịch liệt chống cự. Mất Sita, Rama đau buồn khôn xiết. Chàng quyết tâm cứu bằng được vợ trở về. Trên đường đi, Rama gặp và giúp đỡ vua khỉ Xugriva, sau đó chàng được tướng khỉ Hanuman cùng đoàn quân khỉ giúp. Cuối cùng Rama cũng c­ứu được Sita.
Rama là một hóa thân của thần bảo tồn Visnu, một trong ba vị thần tối cao của Hindu giáo. Có thể tên gọi Trường Minh Vương cùng nghĩa với thần bảo tồn - Visnu.
Hình khỉ trên tháp Khương Mỹ (Quảng Nam).
Hình tượng khỉ gặp trên trang trí các tháp Chăm cổ ở Quảng Nam như ở Trà Kiệu hay Khương Mỹ.
Phía Nam của nước Hồ Tôn là nước Dạ Xoa của Thập Đầu Vương. Dạ Xoa là bộ chúng của thần quỷ Kubera. Cũng có chỗ Dạ Xoa đồng nghĩa với quỷ La Sát (Rakshasa). Thủ lĩnh của quỷ La Sát là Ravana có 10 đầu, là kẻ thù của Rama đã bắt cóc nàng Sita trong sử thi Ramayana. Như thế Thập Đầu Vương là hình tượng của chúa quỷ La Sát Ravana. Và Truyện Dạ Xoa Vương hoàn toàn khớp với sử thi Ramayana.
Chúa quỷ La Sát Ravana (ảnh internet).
Truyện Dạ Xoa Vương cho biết Hindu giáo đã có ảnh hưởng sâu sắc đến vùng Trung Bộ và Nam Trung Bộ Việt từ thời Hùng Vương. Còn ở miền Bắc Việt liệu có ảnh hưởng của tôn giáo này không?
Dấu chứng rõ ràng của đạo Hindu - Bà La Môn ở Bắc Việt là Truyện Man Nương. Dưới thời Sỹ Nhiếp, vị đạo sĩ Bà La Môn đến từ Ấn Độ tên là Khâu Đà La đã có quan hệ với một người con gái địa phương là Man Nương, từ đó sinh ra 4 vị thần Tứ Pháp là Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện. Tứ pháp được thờ và cầu mưa trong tín ngưỡng dân gian ở miền Bắc Việt.
Vị thần mưa trong Hindu giáo là thần Indra. Còn gọi là thần Đế Thích. Vị này có màu sắc chủ đạo là màu nâu đỏ, nay còn thấy trong việc thể hiện của tục thờ Tứ pháp dùng màu mận chín cho các tượng thờ.
Thần Indra còn có các tên Hán là Kiều Thi Ca (Kaucika) và Nhân Đà La. Có thể thấy những cái tên này rất gần với tên Khâu Đà La trong Truyện Man Nương.
Một trong những tính chất của thần Indra là tính thác loạn. Tính chất này cũng thể hiện trong quan hệ với Man Nương, sinh ra đứa bé gái.
Tượng Thiên Vương trong tháp Hòa Phong của chùa Dâu (Thuận Thành, Bắc Ninh).
Đặc biệt là hình ảnh Tứ pháp cầu mưa tương ứng với hình tượng hộ pháp Tứ đại Thiên Vương của Hindu giáo.  Trong truyện Phong thần diễn nghĩa, Tứ đại thiên vương được coi là bốn vị thần cai quản mưa thuận gió hóa - "Phong Điều Vũ Thuận" gồm Nam phương Tăng Trưởng Thiên Vương, Đông phương Trì Quốc Thiên Vương, Bắc phương Đa Văn Thiên Vương và Tây phương Quảng Mục Thiên Vương. Như vậy chức năng làm mưa làm gió của các vị thiên vương này đã chuyển vào văn hóa Việt dưới dạng thần Tứ pháp.
Ở chùa Dâu, tượng Tứ đại thiên vương được đặt bên trong tháp Hòa Phong. Tên tháp Hòa Phong cùng một nghĩa với cầu mưa thuận gió hòa.
Con "cừu" ở chùa Dâu.
Trước tháp Hòa Phong ở chùa Dâu và lăng Sỹ Nhiếp tại Thuận Thành, Bắc Ninh có tượng con cừu đá. Con cừu đá này tương truyền là của Khâu Đà La. Thực ra đây là hình ảnh bò thần Nandi, vật cưỡi của thần Shiva trong Hindu giáo. Hình ảnh con vật nằm phục 4 chân là đặc trưng của bò thần Nandi. Ở Ấn Độ có loại bò sừng cong vặn xuống tương tự như tượng ở chùa Dâu.
Bò Nandi trước đền Preah Ko ở Strung Treng (Cambodia).
Bản thân thần Indra cũng có hóa thân là con bò đực. Ở Bắc Ninh ... thần tích kể thần Đế Thích đã hiện thân hình một vị đạo sĩ cưỡi trên con bò để diệt lũ quỷ Ca xát. (Dư địa chí Bắc Ninh).
Tượng sáu tay ở chùa Đậu.
Thêm một liên hệ nữa là ở chùa Đậu (Thường Tín) người dân đã tìm thấy một bức tượng lạ, hình dáng như một đạo sĩ đang ngồi thiền, nhưng lại có 6 cánh tay. Đây không phải là một vị bồ tát hay Quan Âm vì vị này đội mũ như đạo sĩ và không ngồi trên tòa sen. Nhiều khả năng bức tượng này thể hiện một vị thần của Hindu giáo, có thể là thần Shiva.
Tượng thần Shiva cưỡi trên con bò thần ở tháp Chiên Đàn (Quảng Nam).
Như vậy, Truyện Man Nương dưới thời Sỹ Nhiếp là dấu ấn sâu sắc của Hindu giáo chứ không phải đạo Phật. Rất nhiều hình tượng của Hindu giáo sau này được thấy trong điêu khắc thời Lý Trần như hình chim thần Garuda (Kim Sỉ Điểu), người chim Kinara (Khẩn Na La), nhạc công thiên thần Ganharva (Cát Thàn Bà) hay vũ nữ Apsara chưa chắc đã là ảnh hưởng của văn hóa Chăm, mà có thể chúng đã sớm xuất hiện trong văn hóa Việt từ những năm đầu Công nguyên.



No comments:

Post a Comment