Sunday, January 13, 2019

Muốn lên Côn Lôn tìm Huyền Phố

Bài thơ Tuần thị châu Chân Đăng của Phạm Sư Mạnh ở thế kỷ 14:
Thiên khai địa tịch Tam Giang lộ
Kỳ tuyệt tư du ngã vị tằng
Kiểu ngoại Bách Man hoàn Cổ Lũy
Quốc Tây cự trấn tráng Chân Đăng
Giang vi trì tiệm thạch thành bích
Ốc tự tăng sào tháp đậu đăng
Dục thướng Côn Lôn phỏng Huyền Phố
Đoàn phong vạn lý khoái phi bằng.
Bài thơ rất hào hùng kể về những sự tích xung quanh vùng châu Chân Đăng, thời Lý Trần là khu vực Phú Thọ. Bài thơ đặc biệt ở chỗ dùng rất nhiều những địa danh của cổ sử nên nó như một bức thông điệp ẩn của quá khứ Việt.
Bốn câu đầu của bài thơ đã từng được lý giải bởi tác giả Nguyễn Quang Nhật, nói về những sự kiện của nhà Chu từ việc lập quốc trên vùng đất Phong Châu - Tam Xuyên, rồi dời đô từ Kiểu kinh của Tây Chu về thành Cổ Loa bắt đầu thời Đông Chu cho tới thất bại của Quốc Tây - nước Chu trước cường Tần - Chân Đăng.
Bốn câu thơ tiếp theo xem qua tưởng chỉ là tán tụng, nhà cao sông sâu, nhưng đặc biệt câu thơ thứ bảy: Dục thướng Côn Lôn phỏng Huyền Phố, Muốn lên núi Côn Lôn tìm hỏi Huyền Phố, lại tiếp tục chứa đựng những ẩn ngữ của quá khứ cần được xem xét.
Núi Côn Lôn, ngọn núi huyền thoại nơi thần tiên Trung Hoa ngự trị ở đâu mà Phạm Sư Mạnh đang ở châu Chân Đăng (Phú Thọ) lại nổi hứng muốn lên tận đó để tìm hỏi phố tiên (Huyền Phố)?
Tây Thiên Tam Đảo.
Ngọc phả Hùng Vương khi chép về Kinh Dương Vương mở nước có đoạn:
Vua lại đi tuần thú, trải khắp núi sông, xa giá đến xứ Sơn Tây, thấy địa hình trùng điệp, núi đẹp sông hay. Vua bèn tìm địa mạch, nhận thấy từ núi Côn Lôn giáng xuống qua cửa ải, tựa như cầu vồng thoát mạch, rồng vút đi xa...
Như vậy núi Côn Lôn ở gần Phú Thọ - Phong Châu phải là ngọn núi Tam Đảo cao ngút. Đây cũng là nơi ngự trị của Tây Thiên Quốc Mẫu mà truyền thuyết Trung Hoa gọi là Tây Vương Mẫu. Tây Vương Mẫu còn có tên là Dao Trì Kim Mẫu, thực ra chính xác phải là Giao Chỉ Kim Mẫu, tức là vị Quốc Mẫu ở vùng Giao Chỉ. Vườn đào tiên của Tây Vương Mẫu không đâu xa mà là trên núi Tam Đảo.
Ở Tam Đảo còn lưu dấu vết sự tích về Tây Vương Mẫu và núi Côn Lôn. 3 hòn đảo trong biển mây phủ của Tam Đảo theo địa chí cổ đó là Phù Nghì cao 1.250m; Thiên Thị (Kim Thiên) cao 1.585m; Thạch Bàn cao 1.585m.
Trong câu thơ của Phạm Sư Mạnh có nói trên núi Côn Lôn có khu Huyền Phố, nơi thần tiên tụ hội. Còn trên núi Tam Đảo có đỉnh Thiên Thị, nghĩa là Chợ Trời vì nơi đây đỉnh núi bằng phẳng với nhiều viên đá lô nhô như những vị tiên đang đi hội chợ. Đỉnh này cũng gọi là Kim Thiên, tức là "giữa trời", chính nơi Thiên phủ vì Kim là màu của trung tâm trong Ngũ hành. Sự trùng khớp về địa danh Huyền Phố và Thiên Thị thêm một lần nữa khẳng định núi Tam Đảo chính là núi Côn Lôn trong truyền thuyết thần tiên Trung Hoa.
Thạch Bàn trên đỉnh Tây Thiên (Ảnh: Nguyễn Huân).
Đỉnh Thạch Bàn có tên gọi là do trên đỉnh có một tảng đá lớn, rộng bằng phẳng, được gọi là bàn cờ tiên. Tuy nhiên thực chất tảng đá này là một di tích cự thạch (dolmen) của thời kỳ tiền sử. Những cự thạch có hình dạng tương tự, là những phiến đá phẳng, hình nhọn đầu, được xếp trên những chân trụ đá (thường là 3 chân) cũng gặp ở khu vực quanh núi Tam Đảo như ở Đại Đình (Tam Đảo, Vĩnh Phú).
Cự thạch được cho là nơi người xưa dùng để cúng tế, hay nói cách khác đó là những đàn tế cổ.
Cự thạch ở Đại Đình, Tam Đảo, Vĩnh Phú (Ảnh: Nguyễn Huân).
Đỉnh Thạch Bàn cũng là nơi từng có ngôi chùa mang tên Đồng Cổ. Trong Kiến văn tiểu lục Lê Quý Đôn đã cho biết: "Sườn núi có chùa Tây Thiên Cổ Tự, tre xanh, thông tốt, cảnh sắc thanh nhã, rộng rãi. Trên đỉnh núi cao lại có chùa Đồng Cổ, vừa lên vừa xuống phải mất hai ngày".
Đồng Cổ là trống đồng. Ý nghĩa của việc dùng trống đồng đã từng được khám phá qua quẻ Dự trong Kinh Dịch. Quẻ Dự có lời tượng là: Lôi xuất địa phấn dự, tiên vương dĩ tác nhạc sùng đức, ân tiến chi thượng đế, dĩ phối tổ khảo.
Dịch giải: Sấm vang trên mặt đất là tượng quẻ Dự, các bậc tiên vương làm ra nhạc đề cao đạo đức, long trọng dâng lên thượng đế cùng với anh linh tiên tổ.
Sấm nổ trên mặt đất là chỉ cách đánh trống đồng. Lời tượng này cho biết trống đồng được dùng làm nhạc khí khi tiến hành tế lễ thượng đế và tổ tiên.
Phối hợp các thông tin đàn tế cự thạch và đền Đồng Cổ trên đỉnh Thạch Bàn ta chợt nhận ra đây chính là đàn tế trời của thời Hùng Vương. Trên đỉnh núi cao, nơi xuất xứ của bà mẹ trời Tây Thiên Quốc Mẫu mà đặt đàn tế bằng đá và dùng trống đồng để tế thì chỉ có thể là tế trời, xưa gọi là tế Giao.
Đàn tế của thời kỳ này có thể liên quan đến sự tích của Hùng Chiêu Vương Lang Liêu. Ngọc phả cổ truyền về 18 chi đời Thánh vương triều Hùng chép như sau: 
... Vua bèn khởi hành xa giá đi xem phong cảnh. Xe loan tới nơi, vua thấy núi non như gấm vóc, lâu đài thiên tầm trùng điệp, khe biếc ngòi xanh, sóng nước nhè nhẹ nối nhau, cảnh trí phong quang, có hoa ngào ngạt, đầu núi lô nhô, có bạch long giáng khí, xưa lập chùa gọi là Tây Thiên.
Vua cho dựng đàn, rồi chỉnh biện lễ chay, sau quần thần dâng lễ đứng chầu. Vua làm lễ bái yết, mở trường công đức ở chùa, sớm đảo tối cầu, qua bảy ngày bảy đêm, nam nữ bốn phương tập hợp cùng vui vẻ đến đây chiêm ngưỡng, chim trong rừng nghe đến kinh, cá dưới nước đến nghe giảng kệ.
Công đức viên thành. Vua ngự trên suối Thạch Bàn để xem cảnh tiên, bỗng thấy điện vũ huy hoàng, khói mây óng ánh, mây rồng bốn phía tựa như lâu đài Tây Trúc mênh mang, một bầu sơn thủy, bèn mật khấn với trời, sai bách quan văn võ đứng chầu trang nghiêm. Vua yết lễ, khấn rằng:
- Xin trời giáng thần tiên để được gặp gỡ, thực vui sướng ba đời!...
Như vậy có thể thấy rõ đỉnh Thạch Bàn là đàn tế trời đất và cầu tiên dưới thời Hùng Chiêu Vương - Lang Liệu. Truyền thuyết Trung Hoa chép sự kiện này trong chuyện Chu Mục Vương cưỡi cỗ xe bát mã lên núi Côn Lôn gặp Tây Vương Mẫu. Chiêu cũng là Chu. Hùng Chiêu Vương chỉ một vị vua nhà Chu.
Thạch Bàn như vậy là một đàn tế trời cầu tiên của nhà Chu nước Văn Lang. Còn Tam Đảo là ngọn Côn Lôn nơi thần tiên Thiên phủ ngự trị.

No comments:

Post a Comment