Friday, May 26, 2017

Sĩ Nhiếp, tục thờ Tứ pháp và đạo Bà La Môn

Truyện Man Nương trong Lĩnh Nam chích quái kể (lược trích):
Thời Hiến Đế nhà Hán, quan thái thú là Sĩ Nhiếp đóng đô thành ở bờ phía Nm sông Bình Giang (nay là Thiên Đức Giang). Phía Nam thành đó có chùa thờ Phật, có vị sư từ phương Tây tới, hiệu là Già La Đồ Lê trụ trì ở đấy, có phép đứng một chân, mọi người đều kính phục gọi là tôn sư, kéo nhau tới học đạo.Hồi ấy có người con gái tên là Man Nương… theo học đạo Phật… Một đêm…  Man Nương ngủ ở giữa cửa, sư Già La bước qua mình Man Nương. Man Nương tự nhiên động thai… Đầy tháng sinh ra một đứa con gái, tìm sư Già La mà trả. Đêm đến, sư Già La bế đứa con gái tới ngã ba đường thấy một cây phù dung cành lá xum xuê, có một cái hốc sâu mà sạch sẽ, sư đặt đứa trẻ vào mà nói: "Ta gửi con Phật, mi giữ lấy sẽ thành Phật đạo".Già La, Man Nương từ giã ra về, Già La cho Man Nương một cây trượng mà bảo: "Ta cho nàng vật này, nàng về nhà nếu gặp năm đại hạn thì lấy trượng cắm xuống đất, lấy nước cứu sinh dân". Man Nương cung kính bái lĩnh mà về ở trong chùa. Gặp năm đại hạn, nàng lấy trượng cắm xuống đất, tự nhiên nước cuồn cuộn chảy ra, dân được nhờ ơn.Khi Man Nương ngoài chín mươi tuổi là lúc cây phù dung bị đổ, trôi ra ở bến sông trước cửa chùa, quanh quẩn ở đấy mà không trôi đi. Dân thấy thế, định bổ làm củi nhưng rìu nào cũng đều bị gãy, bèn đưa hơn ba trăm người trong làng ra kéo cây gỗ lên mà không chuyển. 
… Dân mời Man Nương bái lễ, thuê dân chài lặn xuống nước vớt lên, rước vào tự điện, đặt vào bên trong tượng Phật, tượng Phật tự nhiên trông như mạ vàng. Sư Già La đặt Phật hiệu là: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Long, tứ phương cầu đảo không điều gì không ứng.

Tượng Khâu Đà La ở chùa Dâu.

Ngôi chùa được nói đến ở đây là chùa Dâu tại Thuận Thành, Bắc Ninh, cạnh trung tâm Luy Lâu, trị sở Giao Châu thời Sĩ Nhiếp. Cổ Châu Phật bản hạnh của chùa Dâu kể cụ thể hơn truyền thuyết về Tứ pháp ở đoạn cuối:Đêm ấy, Thái thú Sĩ Nhiếp ở thành Liên Lâu nằm mộng thấy chư tiên bảo phải lấy cây phù dung đó tạc bốn pho tượng để thờ, gọi là “Tứ Pháp”. Thái thú cho mời những người thợ thuộc dòng họ Đào đến cưa cây phù dung để tạc bốn pho tượng.Tạc xong tượng đầu tiên thì thấy mây ngũ sắc vần vũ, nên gọi là “Pháp Vân”, tượng thứ hai làm xong thì mưa xuống, nên gọi là “Pháp Vũ”, tượng thứ ba làm xong thì sấm nổ, nên gọi là “Pháp Lôi”, tượng thứ tư làm xong thì thấy có chớp nhoáng trên trời, nên gọi là “Pháp Điện”.Các chùa thờ Tứ pháp hiện còn ở khu vực Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nội với các lễ hội hàng năm khá lớn là di tích của truyền thuyết này. Nhiều tài liệu Phật giáo cho rằng đây là một chuyện đánh dấu sự du nhập của đạo Phật nước ta ở thế kỷ thứ 2 sau Công nguyên và Tứ pháp là sự dung hòa giữa tín ngưỡng dân gian của nền văn minh nông nghiệp với đạo Phật.

Ban thờ và tượng Pháp Vân ở chùa Dâu (Thuận Thành, Bắc Ninh).

Tuy nhiên, ở các nơi thờ và trong lễ hội Tứ pháp, vai trò của đạo Phật rất mờ nhạt. Để hiểu đúng hơn về tín ngưỡng này, GS Đinh Gia Khánh trong cuốn Văn hóa dân gian Việt Nam trong bối cảnh văn hóa Đông Nam Á đã có một khám phá quan trọng về tục thờ Tứ pháp. GS nhận định rằng mây mưa sấm chớp vốn là các thuộc tính của thần Indra, một vị thần quan trọng nhất của đạo Bà La Môn (vua của các thần). Sau này Bà La Môn giáo chuyển hóa thành Phật giáo thì vai trò của thần Indra mờ đi.
Vị thần dông tố Indra của Bà La Môn giáo ở Việt Nam được chuyển thành Đế Thích, thường gặp trong các chùa thờ Phật bên cạnh tượng Cửu Long. Đế Thích cũng có đền thờ riêng như chùa Vua ở Hà Nội và một số đền thờ khác ở Hưng Yên, gắn với câu chuyện nổi tiếng hồn Trương Ba, da hàng thịt. Tứ pháp và tục thờ Đế Thích chính là dấu vết của Bà La Môn giáo du nhập vào nước ta dưới thời kỳ Sĩ Nhiếp.
Với khám phá này ta thấy nhà sư Khâu Đà La thực ra là một tăng lữ Bà La Môn, chứ không phải đạo Phật. Phép đứng một chân (tu theo kiểu Yoga?) cũng là cách tu của Bà La Môn giáo, không phải Phật giáo.
Quan trọng hơn, theo như Cổ Châu phật bản hạnh thì chính Sĩ Nhiếp là người đã cho tạc tượng và lập các đền thờ Tứ pháp. Nói cách khác thì Sĩ Nhiếp có thể là người theo Bà La Môn giáo.

Lăng Sĩ Nhiếp.

Trong lá thư của Viên Huy, vốn là quan nhà Hán bấy giờ đang ở Giao Châu, gửi cho Thượng thư lệnh nhà Hán năm Đinh Hợi, Hán Kiến An năm thứ 12 (207) có viết về Sĩ Nhiếp:
“Khi ra vào thì đánh chuông khánh, uy nghi đủ hết; kèn sáo thổi vang, xe ngựa đầy đường, người Hồ đi sát bánh xe để đốt hương thường có đến mấy mươi người; vợ cả, vợ lẽ đi xe che kín, bọn con em cưỡi ngựa dẫn quân theo hầu, người đương thời ai cũng quý trọng, các man di đều sợ phục, dẫu Úy Đà cũng không hơn được."Người Hồ đi sát bánh xe Sĩ Nhiếp để đốt hương tới hàng chục người. Người Hồ ở đây là người Ấn Độ. Rõ ràng đây không phải các nhà sư của đạo Phật vì đạo Phật không hành lễ kiểu đốt hương đi theo xe như vậy. Đây là các tăng lữ Bà La Môn đến từ Ấn Độ mà Khâu Đà La (Gia La Đồ Lê) của Truyện Man Nương có thể là một trong số đó.

Cừu đá ở chân tháp Hòa Phong trong chùa Dâu.

Một biểu hiện khác khá lý thú là hiện ở chùa Dâu và tại lăng mộ Sĩ Nhiếp ở Tam Á (Thuận Thành, Bắc Ninh) có tượng đá con cừu ở mỗi nơi. Truyền sử kể rằng: vào thời Luy Lâu còn là trung tâm văn hoá, chính trị, kinh tế của cả nước ta, có vị sư người Tây Thiên sang nước ta tu hành truyền bá đạo Phật. Ông dắt theo 2 con cừu. Một hôm sơ ý để 2 con đi lạc, 1 con lạc đến chùa Dâu, 1 con lạc đến Lăng Sĩ Nhiếp, dân ở 2 vùng này đã tạc tượng 2 con cừu bằng đá ở nơi chúng đến để thờ.Vị sư từ Tây Thiên (Ân Độ) liên quan đến chùa Dâu và Sĩ Nhiếp này rõ ràng là Khâu Đà La. Hình tượng con cừu là biểu trưng của Bà La Môn giáo, gắn với khát vọng cầu mưa ở những nơi thảo nguyên khô cằn. Giáo học Bà La Môn của Khâu Đà La được truyền cho 2 người: Man Nương và Sĩ Nhiếp. Đó là lý do tại sao có tượng 2 con cừu ở đây.

Cừu đá bên lăng mộ Sĩ Nhiếp.

Trong lá thư của Viên Huy nói về Sĩ Nhiếp ở trên có nêu: “các Man Di đều sợ phục”. Man Di ở đây là ở chỗ nào? Man Di thời Sĩ Nhiếp đối với Giao Châu thì chỉ có thể là khu vực Tây Bắc và Trung Bộ nước ta, hay là địa bàn của nước Lâm Ấp. Vế đối trên đền Sĩ Nhiếp ở Tam Á còn ghi nhận việc này:
豈忠義功神心祁彼何辰此何辰安得六百載遺容能攝林邑
Khởi trung nghĩa công thần tâm kì, bỉ hà thì thử hà thì, an đắc lục bách tải di dung năng nhiếp Lâm Ấp.
Dịch: Há tấm lòng công thần trung nghĩa lớn, đây thời nào đấy thời nào, yên ổn sáu trăm năm khoan dung ấy giúp quản Lâm Ấp.Khu vực Lâm Ấp ở Trung bộ nước ta thì rõ ràng chịu ảnh hưởng của Ấn Độ giáo (Bà La Môn) từ rất sớm, chính cũng vào khoảng thời gian trị vì của Sĩ Nhiếp. Phải chăng hình ảnh Man Nương trong truyện là chỉ Man Di – Lâm Ấp, nơi đã tiếp nhận Bà La Môn giáo của thời kỳ này?
Câu đối ở chùa Dâu:
勝地古來傳莫狀
崇祠屹立自王仙
Thắng địa cổ lai truyền Mạc trạng
Sùng từ ngật lập tự Vương tiên.
Dịch:
Đất đẹp cổ xưa truyền trạng Mạc
Đền nghiêm sừng sững từ tiên Vương.Vế đối đầu nói tới Mạc Đĩnh Chi đã góp phần dựng lại chùa Dâu. Vế đối sau gọi Sĩ Nhiếp (Vương) là bậc "tiên".
Cần nói thêm những hiểu biết mới về nhân vật Sĩ Nhiếp. Sĩ Nhiếp thực ra mang họ Phạm, được truyền thuyết Việt thờ dưới tên danh tướng Phạm Tu và là vị Vua Mây họ Phạm ở Đằng Châu (Hưng Yên). Nay ta hiểu tại sao lại gọi là Vua Mây – liên quan đến tục thờ Tứ pháp và thần dông tố Indra – Đế Thích.
Phạm Tu hay Phạm Tô còn là vị thần sông Tô Lịch, thành hoàng của thành Thăng Long. Sĩ Nhiếp từng được phong là Long Biên hầu, rồi Long Độ đình hầu. Dưới thời Trần, do kiêng tên của Trần Thủ Độ nên Long Độ được đọc thành Long Đỗ. Thần Long Đỗ hay Tô Lịch chính là Phạm Tu – Sĩ Nhiếp.
Cái tên Phạm Tu liệu có phải muốn nói rằng Sĩ Nhiếp là một tu sĩ họ Phạm, hoặc là người tu theo “Phạm giáo”. Phạm Thiên là tên của Đế Thiên, vị thần tối cao trong Bà La Môn giáo. Phạm Thiên và Đế Thích là 2 vị thần tối cổ của tôn giáo này.
Họ Phạm này của Sĩ Nhiếp cũng là họ Phạm của các vua Lâm Ấp. Sau thời Khu Liên lập nước Lâm Ấp, Phạm Hùng, cháu bên ngoại của Khu Liên lên ngôi cai quản Lâm Ấp. Phạm Hùng ở Quảng Ngãi được gọi là Đại lang Phạm Duy Hinh, nay còn đền thờ ở Bình Sơn. Phạm Đại lang là con của Đằng Châu họ Phạm, tức là cùng gia đình với Sĩ Vương. Lâm Ấp (Trung Bộ) lúc này thực chất là một tiểu quốc trực thuộc cai quản của Sĩ Nhiếp. Do vậy câu đối ở đền Tam Á mới nói: “khoan dung ấy giúp quản Lâm Ấp”.
Có nhiều ý kiến cho rằng họ Phạm của các vua Lâm Ấp là lấy theo Ấn Độ giáo (tức là theo Phạm Thiên - vua). Điều này trở nên hợp lý khi nay nhận ra rằng Ấn Độ giáo (Bà La Môn) đã du nhập vào Lâm Ấp và Giao Châu dưới thời Sĩ Nhiếp, vào khoảng cuối thế kỷ thứ 2 sau Công nguyên. Truyền thuyết về Tứ pháp với mối quan hệ Sĩ Nhiếp (Giao Châu) – Man Nương (Lâm Ấp) – Khâu Đà La (Bà La Môn giáo) là “di ảnh” của sự kiện này.

No comments:

Post a Comment