Sunday, February 25, 2024

Y Sơn linh tích Hùng Ninh Vương

Khu vực Hiệp Hòa, Bắc Giang có di tích thờ một thần tướng đánh giặc Ân là Hùng Linh Công. Cụm di tích thờ Hùng Linh Công nằm quanh núi Y Sơn (Hòa Sơn) tại đây. Theo truyền thuyết và các tài liệu thư tịch cổ thì: vào thời kỳ Hùng Vương thứ 6 có quan trị sự xứ Kinh Bắc tên là Hùng Nhạc dòng dõi Hùng Vương. Ông đã ngoài 60 tuổi, bà ngoài 40 tuổi mà vẫn chưa có con trai. Nhân ngày đầu xuân, ông bà đi thăm Châu Lạng và vãng cảnh trên dòng sông Như Nguyệt (sông Cầu ngày nay), qua vùng núi Ia thì trời sẩm tối. Ông bà đã vào chùa Ia (Y Sơn Tây Tự) nghỉ trọ lễ phật cầu phúc. Đêm ấy xảy ra thần mộng: “Thiên thần thị ngã ứng hoài thai”.
Sau đó, quan bà Cao Tiên phu nhân mang thai sinh ra một người con trai vào ngày 12 tháng 10 năm Đinh Hợi, đặt tên là Hùng Linh Công. Hùng Linh Công khôi ngô tuấn tú, năm 17 tuổi văn võ song toàn. Đức vua nghe tin đã triệu về Kinh đô để thi kén hiền tài. Hùng Linh Công tỏ ra xuất sắc.
Khi có giặc lang thú, hổ, báo phá hoại dân lành, Đức vua sai Hùng Linh Công cầm quân đi dẹp. Người đã dẹp yên và bắt những con mãnh thú đầu đàn mang về nuôi thuần hóa để sử dụng.
Khi giặc Ân xâm lược nước ta, Đức vua giao cho Hùng Linh Công ba vạn quân và phong chức Nhạc phủ thống lĩnh tướng quân cầm quân dẹp giặc cùng Đức Thánh Gióng. Sau khi đánh tan quân giặc, đất nước thanh bình, Hùng Linh Công trở lại vùng núi Ia, thấy phong cảnh non xanh nước biếc, sơn thủy hữu tình, Người đã đóng bản doanh tại đây và hiển thánh vào ngày mùng 8 tháng 8 Âm lịch.
Hôm ấy đang trời quang mây tạnh, bỗng mây đen kéo đến, mưa gió, sấm chớp nổi lên và có 3 tiếng sét trên đỉnh núi, dân chúng thấy một người mình mặc giáp trụ, tay cầm thanh kim đao cưỡi con hổ đen bay lên trời. Sau đó, Hùng Linh Công biến mất. Tạnh mưa, dân làng lên đỉnh núi thấy cây trầm cổ thụ trên đỉnh núi héo khô, dân làng thấy làm điềm lạ đã mang cây tạc tượng Hùng Linh Công, lập đền phụng thờ để bày tỏ lòng thành kính nhớ ơn.
Sau khi Phụ thân và Mẫu thân Hùng Linh Công từ trần, Đức vua cảm kính trước câu chuyện thần mộng và công lao của Người đối với dân, với nước nên đã cho dân làng thờ hai ông bà Hùng Nhạc tại Hậu đường chùa Ia (Y Sơn Tây Tự) và phụng thờ Hùng Linh Công tại đền Ia.
Hùng Linh Công là vị tướng đánh giặc Ân có tục lệ thờ lớn và linh thiêng nhất sau Phù Đổng Thiên Vương. Một đoạn trong bộ câu trường đối ở đền Ia (Y Sơn linh từ): “Đương dữ Sóc phong liệt tướng thành sở vị, giang Nam nhất nhân giang Bắc nhất nhân”. Dịch là: “Cùng với núi Sóc các tướng nổi danh rằng: một người ở phía Nam sông, một người phía Bắc sông”.
Nhưng nếu Thánh Dóng xuất phát là một đứa trẻ ở làng Phù Đổng thì Hùng Linh Công lại là dòng dõi họ Hùng chính thống, cầm đầu quân đội đánh giặc. Câu đối ở đền Ia:
雄派奇跡垂不朽
和峰遺像凜如生
Hùng phái kỳ tích thùy bất hủ
Hòa phong di tượng lẫm như sinh.
Dịch nghĩa:
Tích lạ dòng Hùng trùm bất hủ
Núi Hòa tượng mãi vẫn như sinh.
Nếu cuộc chiến của Hùng Vương thứ 6 đánh giặc Ân đã được xác định là cuộc chiến lập quốc của nhà Chu thì người con của vua Hùng đã cầm đầu quân đội miền núi đánh giặc Ân phải là Cơ Phát, con của Văn Vương Cơ Xương. Cơ Phát ban đầu có tên là Ninh Vương, rất có thể đây chính là dấu vết lưu lại trong cái tên Linh Công. Đất phong ban đầu của Cơ Phát có thể chính là vùng Bắc Ninh xưa, gọi là Vũ Ninh theo tên của Vũ Vương.
Trong quần thể di tích Y Sơn còn có ngôi chùa Y Sơn Tây tự nơi thờ cha và mẹ của thánh Hùng Linh Công. Trước chùa là đình “Phật tự xuân hội”, nơi diễn ra lễ hội Y Sơn. Trước sân chùa từng có một đôi Long mã, rất giống với đôi Long mã ở trước sân đền Thượng núi Sóc Vệ Linh. Lễ hội Y Sơn còn được biết đến trò diễn “tướng quản” đặc sắc, khi các tướng quản voi ngựa của thánh Hùng Linh Công đến làm lễ trước chùa.
Theo góc nhận định mới, Hùng Linh Công là Ninh Vương Cơ Phát thì cha và mẹ của thánh sẽ là Văn Vương Cơ Xương và bà Thái Tự Chu Hậu. Còn “Phật” ở thời Ân – Chu tất nhiên không phải là Phật Thích Ca, mà là Đạo sĩ Khương Tử Nha, được truyền thuyết Việt kể là Lão Phật giáng thế giúp vua Hùng nước Văn Lang. Trước khi ra trận đánh giặc Ân Vũ Vương Cơ Phát đã làm lễ trước vua cha và mẹ cùng với bái tướng Khương Tử Nha là Thượng phụ.
Cùng với Hùng Linh Công ở Hiệp Hòa còn thờ đức Vua Bà Mã Yên Sơn tại đình Bé dưới chân núi Hòa Sơn. Khi tế lễ Hùng Linh Công đồng thời cũng khấn tên Đức Vua Bà. Nếu Hùng Linh Công là Vũ Ninh Cơ Phát thì Vua Bà Mã Yên Sơn sẽ là bà Nghị Địch, người vợ của Vũ Vương. Bà Nghi Địch được thờ là tổ của nghề nấu rượu ở làng Vân, Việt Yên, cũng cùng đất Bắc Giang. Đây là một dẫn chứng khác cho thấy Vũ Ninh Cơ Phát từng dựng nghiệp ở vùng đất này.
Câu đối trong đền Ia nói về sự hiển hách của Hùng Linh Công:
平石奇功垂罔極
扶丁偉績永猶傳
Bình Thạch kỳ công thùy võng cực
Phù Đinh vĩ tích vĩnh do truyền.
Dịch nghĩa:
Dẹp Thạch kỳ công trùm khắp chốn
Trợ Đinh tích lớn mãi còn truyền.
“Bình Thạch” ở đây nói đến việc Hùng Linh Công đã dẹp được Thạch Linh Thần tướng, là tướng cầm đầu quân đội nhà Ân trong sự tích thời Hùng. Rất bất ngờ là cũng ở khu vực Bắc Giang tại vùng Việt Yên có di tích thờ Thạch Linh Thần tướng thời Hùng Vương. Đền Ia ở núi Y Sơn nằm ở đầu sông Cầu thì đền thờ Thạch Linh Thần tướng nằm ở phía dưới của dòng sông này.
Về các công trạng của Hùng Linh Công, ở đền Ia còn có câu đối:
青隴威加平虎患
月江波湧護龍舟
Thanh lũng uy gia bình hổ hoạn
Nguyệt giang ba dũng hộ long chu.
Dịch nghĩa:
Núi biếc thêm oai dẹp nạn hổ
Sóng dồn sông Nguyệt trợ thuyền rồng.
Ở đền Ia đặc biệt còn có dấu tích một phiến đá lớn với sự tích rằng Vua thủy tề đã cho người đội đá theo dòng sông mang đến đặt phiến đá gần cổng đền làm thành một cây cầu. Dưới gầm cầu bây giờ vẫn còn dấu vết hình đầu người và các đầu ngón tay của người đội đá. Cạnh cây cầu xưa còn có một ngôi miếu nhỏ thờ vị tướng là Quý Minh Đại vương. Phải hiểu dấu tích về phiến đá thần này như thế nào? Tại sao “vua thủy tề” lại phải cho đội đá đến tế thần Nhạc phủ (Hùng Linh Công là Nhạc phủ thống lĩnh tướng quân)?
Quý Minh Đại vương được biết là một vị thủy thần giúp vua Hùng đánh Thục. Trong chuyện này thì Quý Minh Đại vương là tướng bên phía nhà Ân (được gọi là Hùng Duệ Vương) chống lại quân nhà Chu (quân Thục) đến từ miền Tây rừng núi (Nhạc phủ).
Câu đối đền Ia cho phép lý giải hình tượng phiến đá của Vua thủy tề (Thủy thần Quý Minh) này. Vì Hùng Linh Công đã “bình Thạch” Linh Thần tướng của quân đội nhà Ân, nên quân nhà Ân (trong hình tượng thủy thần Quý Minh) đã đội phiến đá (Thạch Linh) ngược dòng sông Cầu (từ Việt Yên) lên đến Y Sơn để quy hàng Hùng Linh Công. Phiến đá của Vua thủy tề do đó cũng tương tự như hình tượng các nữ tướng Ân được đem đến đền làm lễ chém tướng trong lễ hội đền Sóc và đền Phù Đổng.
Như vậy, các di tích ở Bắc Giang, nơi chiến trường xưa giữa quân đội Chu Thục và Ân Thương nay là những nơi đất phong thần thờ tự các vị tướng lĩnh của cả 2 bên trong cuộc chiến khốc liệt phạt Thương lập Chu cách nay trên 3.000 năm. Vũ Vương Cơ Phát được thờ dưới tên Hùng Linh Công ở Hiệp Hòa, bái Lão Phật Khương Tử Nha làm tướng, tế bái cha Văn Vương và mẹ Thái Tự rồi đánh dẹp Thạch Linh Thần tướng ở Việt Yên, hàng phục tướng của nhà Thương là Quý Minh. Giò hoa tre - quả trám - bông lúa trong lễ hội Y Sơn như nhắc lại sự tích về một thời mở thế thái bình của nước Văn Lang xưa.
Tượng thánh Hùng Linh Công ở đền Ia
Đình "Phật tự xuân hội" trước chùa Ia

Hậu điện chùa Ia

Thạch Linh Thần tướng ở Việt Yên.

Phiến đá của vua thủy tề Quý Minh trước đền Ia

Hậu cung đình Bé Hòa Sơn

Hoa tre trong lễ hội Y Sơn.

No comments:

Post a Comment