Thursday, November 9, 2023

Sự thực về "Triệu Đà" ở Thanh Oai...

 Làng Quảng Minh, Mỹ Hưng, Thanh Oai thờ một vị Đại vương họ Triệu và thường được các "tín đồ" của Cổ Lôi ngọc phả dẫn rằng đây là nơi thờ Triệu Đà, made in Vietnam chính cống, bởi trong Cổ Lôi ngọc phả kể về một vị Nguyễn Cẩn (hay Thận), là con của Hùng Dực Công (em của Hùng Duệ Vương), sau làm con nuôi của Triệu Cao và đổi sang họ Triệu, rồi làm vua nước Nam Việt...

Các cụ làng Quảng Minh có vẻ cũng thích thú việc thành hoàng quê mình là vị Hoàng đế khai quốc Triệu Đà nên khá tin vào câu chuyện trên. Nhưng thực ra Cổ Lôi ngọc phả không hề có chữ nào nói về Triệu Đà cả, vì như họ đã ghi đây là ông Nguyễn Cẩn hoặc Nguyễn Thận, chưa từng chép tên Đà. Tức là bản thân vị họ Triệu được nhắc đến trong Cổ Lôi ngọc phả không phải là Triệu Đà.

Nay thử xét kỹ xem thực sự Triệu Công chính vị ở Quảng Minh là ai?

Sắc phong thời Lê niên hiệu Vĩnh Thịnh năm thứ 6 (năm 1711) của làng Quảng Minh ghi phong cho các vị:

  • Linh quảng Thánh thần Triệu chính vị Đại vương,
  • Tả Hoàng hậu,
  • Hữu Phi nhân,
  • cùng Tán trị Thánh thần Đại vương.

Câu đối ở đình Quảng Minh:

文謨武烈動王功著雄朝光史筆

左母右姨啟聖德留梓里豎碑銘

Văn mô võ liệt động vương, công trứ Hùng triều quang sử bút

Tả mẫu hữu di khải thánh, đức lưu tử lý thụ bi minh.

Tạm dịch là:

Mưu văn tài võ động tới vua, công nổi triều Hùng rạng bút sử

Trái mẹ phải dì khởi sinh thánh, đức lưu quê ấp dựng bài bia.

Như vậy, làng Quảng Minh thờ một vị họ Triệu ở ngôi giữa và bên trái thờ mẹ, bên phải thờ dì (em của mẹ) và có thể cùng một vị Tán trị Thánh thần không rõ thông tin.

Bản khai thần tích thần sắc của Quảng Minh cho biết vị Triệu Công này đã cùng Tản Viên Sơn Thánh giúp Hùng Duệ Vương chống quân Thục. Sự việc này xem ra vị Triệu Công ở Quảng Minh tương đồng với vị Nguyễn Cẩn trong Cổ Lôi ngọc phả, là dòng dõi vua Hùng. Tuy nhiên, để xác nhân chân tướng của vị Triệu Công ở vùng Thanh Oai này thì cần tham khảo... bản ngọc phả họ Lê ở Hạ Mạo (nay thuộc TX Phú Thọ, Việt Trì).

Ngọc phả Hạ Mạo phối hợp với thần tích của làng Mạo Phổ bên cạnh cho biết vị vua Triệu, cháu của Hùng Duệ Vương cùng Sơn Thánh chống Tần là Út Ngọ Lôi Mao hay Triệu Quang Phục. Đây không phải là Triệu Đà, người xưng Vũ Đế, bởi Triệu Vũ Đế không phải dòng dõi quý tộc Hùng Vương và khởi nghĩa ban đầu là ở đất Chân Định, không phải ở vùng Phong Châu. Triệu Vũ Đế thực ra là cũng là vị Cao Tổ họ Triệu, nên Cổ Lôi ngọc phả chép thành Triệu Cao. Triệu Quang Phục Nguyễn Cẩn là "con nuôi" của Triệu Cao Tổ là chính xác.

Triệu Quang Phục có cha là Triệu Túc, hay Hậu Hùng Vương (em Hùng Duệ Vương) trong ngọc phả Hạ Mạo. Mẹ của ông là Duyên Hòa Thánh mẫu thờ ở Mạo Phổ, là con gái Đông Chu Quân, tức triều vua Hùng đời cuối. Triệu Quang Phục đã cùng với Triệu Đà (được kể thành Sơn Thánh) khởi nghĩa chống Tần thắng lợi. Triệu Đà xưng là Vũ Đế, còn Triệu Quang Phục sau đó xưng vương, tức là Triệu Việt Vương. Triệu Vũ Đế gả con gái cho Triệu Quang Phục nên từ đó nước Nam Việt theo họ Triệu (chi tiết giống Nguyễn Cẩn theo Triệu Cao làm con nuôi và đổi họ).

Như vậy, vị Triệu công chính vị ở Quảng Minh hay Nguyễn Cẩn trong Cổ Lôi là Triệu Quang Phục, người sau này trở thành Nam Việt Vương. Đây là một vị khác, không phải Vũ Đế Triệu Đà ở Đồng Sâm (Thái Bình), người là Cao Tổ đã xưng Đế cả thiên hạ Trung Hoa sau khi diệt Tần thắng Sở. Vị "tả Hoàng hậu" họ Trần ở Quảng Minh tương ứng với con gái Đông Chu Quân, vợ của Hậu Hùng Vương Triệu Túc.

Câu chuyện về các vị vua Triệu, đế và vương khá lẫn lộn, nên cần suy xét, đối chiếu kỹ càng, tránh để tình trạng như hiện nay, Quảng Minh thay vì thờ Triệu Việt Vương lại cho là Triệu Đà. Còn Đồng Sâm thay vì thờ Triệu Vũ Đế lại treo biển ghi thành ông Nguyễn Cẩn của Cổ Lôi.

Sắc phong làng Quảng Minh năm Vĩnh Thịnh thứ 6 (1711).
Nghi môn đình Quảng Minh.

Ban tiền tế đình Quảng Minh.

No comments:

Post a Comment