Sunday, September 24, 2023

Thần tích thôn Mễ Đậu, xã Mỹ Xá, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên

Ngọc phả xưa ghi lại sự tích một vị Đại vương Nam Giao học tổ thời Hán Chiêu Đế

Chi Cấn, Bộ Thượng đẳng. Chính bản lưu của Bộ Lễ triều ta.

(Bản dịch từ cuốn Thần tích tỉnh Hưng Yên, tập 3 của Bảo tàng Hưng Yên và Viện nghiên cứu Hán Nôm).

Xưa Hùng Vương Sơn Nguyên Thánh Tổ, trời Nam lên ngôi báu, kế nối nghiệp lớn hơn hai ngàn năm. Các ngài xây dựng đất nước núi xanh vạn dặm sáng nền móng kinh thành cung điện, nước biếc một dòng mở ra đạo trị nước của các bậc vua hiền, khơi vật cứu người, thống nhất 15 bộ, là Tổ của Bách Việt vậy.

Sơ khai Nam Việt tự Kinh Dương
Nhất thống sơn hà thập bát vương
Thập bát thế truyền thiên cổ tại
Ức niên hương hỏa, ức niên phương.

Tạm dịch:

Nước Việt mở đầu từ Kinh Dương
Thống nhất non sông mười tám vua
Mười tám đời truyền lưu thiên cổ
Ngàn năm hương hỏa, ngàn năm thơm.

Bấy giờ cơ nghiệp họ Hùng suy yếu, ý trời đã định đến hồi cáo chung. Tới thời Đông Hán, các vua đều ngự ở trong triều. Nghe nói ở trong vùng đất Long Biên nước ta có một ông họ Đặng tên húy là Tứ, người huyện Quảng Tín, quận Thương Ngô. Tổ tiên đời trước nhận phong, đời đời thừa phúc ấm mà lấy một người trong quận tên Tạ Thị Cẩn, truyền đời thi thư lễ nhạc, một nhà trâm anh, quả là môn đăng hộ đối. Ông họ Đặng từ nhỏ đã tinh thông y thuật, lại có lòng làm việc thiện, thường hay phát chẩn cứu tế. Ông năm nay đã gần 50 tuổi, bà họ Tạ cũng đã hơn 40 tuổi mà chưa có điềm lành con cái.

Sau bà họ Tạ mơ thấy xà tinh nhập mà có mang. Ngày 8 tháng Giêng năm Nhâm Ngọ sinh hạ một người con trai, trời sinh thông minh, hình dáng khác người, bèn đặt tên là Tiếp. Ba tuổi đã thông hiểu lễ nghĩa thông thường, lại có lòng kính trên nhường dưới, không học mà biết được âm luật. Bảy tuổi bắt đầu học hành, các sách xem qua một lần là nhớ, không cần phải ghi lại. Năm 13 tuổi biết hết các sách của muôn nhà, lại biết võ nghệ. Các sĩ tử đương thời đều thán phục, khen là thần đồng. Năm 18 tuổi cha mẹ đều qua đời. Ông Tiếp bèn chọn ngày lành làm lễ an táng ở gia đường, hương hỏa thờ phụng theo nghi lễ ba năm. Sau khi chịu tang xong bèn có lòng dạy dỗ muôn dân. Nghe Giao Châu còn chưa được cương thường, đạo nghĩa soi sáng, ông bèn tìm đến để giúp dân hiểu lễ nghĩa. Các vùng đất phương Nam nhờ công lao của ông mà được mở mang. Người dân ở đây suy tôn ông là Châu trưởng.

Bấy giờ Hán Chiêu Đế sai Chu Chương là Thái thú Giao Châu. Chương nghe ông giáo hóa phục nhân, bèn tâu với vua. Vua rất mừng, phong cho ông là Liệt Hầu công. Ông nhận mệnh đi du ngoạn khắp huyện ấp xem dân tình sống ra sao. Một ngày ông đến trại Lũng Triền, trang Thanh Tương, huyện Siêu Loại, phủ Thuận An, đạo Kinh Bắc (xưa gọi là quận Vũ Ninh), thấy dân chúng chưa được học hành nhiều. Lại thấy một cuộc đất non nước hữu tình, rồng hổ ôm ấp mà giếng nước rất thuận tiện. Nghĩ đây là vùng đất thắng cảnh. Ông lập tức truyền cho binh sĩ cùng người dân đắp thành ở vùng đất này (gọi là thành Luy Lâu), dựng trường học dạy chữ viết. Bấy giờ truyền một liễn đối rằng:

Học y Luy Lâu tầm tiên tích
Danh thượng hòa phong đính Phật kinh.

Tạm dịch:

Học theo Luy Lâu tìm dấu tiên
Danh hướng Hòa Phong chữa kinh Phật.

Trải qua được một năm, người dân rất ái mộ. Bấy giờ có người đứng đầu của 7 quận là Hữu Trị, Nhai Châu, Đam Nhĩ, Thương Ngô, Quảng Tín, Phiên Ngu, Mê Linh làm loạn làm hại người dân. Vua nghe vậy hỏi đình thần trù tính mưu lược. Bấy giờ Thái thú châu ta là Sầm Bành tiến cử ông đức lớn phục nhân, ắt có thể dẹp yên được. Vua đồng ý ban cho ông là Thái thú Giao Châu, sai đi bình giặc. Sau đó ông nhận mệnh tuyển được người dân, gia thần, sĩ tử hơn 500 người. Đưa hịch đi khắp các quận huyện tới giúp đến bài nghìn người. Ông cho quân chia đồn đóng tại quận Cửu Châu ra lệnh chỉ cố thủ mà không được ra khiêu chiến. Cho sử giả đưa hịch đến chỉ cho biết những điều tín nghĩa, lại nói rõ họa phúc. Giặc nghe hiểu ra liền cởi giáp quy hàng. Nhờ thế 7 quận được yên ổn. Việc xong, ông liền quay về châu phủ (tức vùng đất Long Biên). Từ đó ông là Thái thú hình phạt nghiêm minh. Nhân dân đều yên ổn làm ăn. Sau ông lại quay về trại Lũng Triền, ban ơn cho người dân ở vùng này. Mọi người cảm tạ và xin được dựng trường học, lập một ban để ngày sau thờ phụng. Ông bèn đồng ý, ban cho 15 hốt vàng để ngày sau tu sửa đền thờ, mua ruộng ao lấy hoa màu để lo việc cúng tế.

Một ngày, ông quay về châu phủ sai gia thần chuẩn bị lễ vật cống cho vua Hán. Bấy giờ ông đã 70 tuổi, đang ngồi trong phủ đường ở kinh thành Thăng Long, chợt thấy một luồng sáng đỏ, mây lành vần vũ bốn phía. Có một áng mây lớn từ trên trời giáng xuống phủ đường. Ông chợt thấy thân thể nhẹ bỗng mà bay ra khỏi phủ đường đến địa phận trang Tam Nha thì không thấy đâu nữa (lúc ấy là ngày mùng 1 tháng 8). Một lát sai khí lành mới tan, trời đất tạnh ráo. Đám côn trùng ùn lên thành một ngôi mộ lớn. Người dân đều rất kinh hãi, bèn làm biểu dâng tấu lên vua Hán. Vua nghe vậy sai sứ ban sắc phong là Thượng đẳng thần. Đọc tế văn, dựng miếu thờ ở đây cùng đất nước chung hưởng sự yên ổn vĩnh hằng.

Kính cẩn thay!

Phong là Sĩ Tiếp Tế thế Hộ quốc Đại vương. Các màu vàng, đỏ khi làm lễ đều cấm. Lại chuẩn cho trại Lũng Triền, trang Thanh Tương dựng đền thờ đề chữ rằng: Nam Giao Học Tổ từ (nghĩa: Đền Nam Giao Học Tổ) để phụng thờ. Đến đời Bình Đế nghe tên tuổi, sự tích ở Hán có công bèn sai sứ ban sắc phong cho vị là Khải mưu Tá tích Quang hoa Mạc thắng Đại vương.

Đến niên hiệu Thái Bình vua Tống sai Hầu Nhân Bảo đem 20 vạn binh chia hai đường thủy bộ cùng tiến, xâm phạm nước Nam. Bấy giờ Lê Đại Hành sai 10 vạn tinh binh cự chiến, tiến đến huyện Siệu Loại cho binh chia đường đến. Vua bèn đóng quân ở trại Lũng Triền, trang Thanh Tương. Đêm hôm ấy vào trong đền thờ cầu khấn thần âm phù giúp vua đánh giặc, bình giặc xong sẽ ban sắc gia phong Thượng đẳng. Vua thấy chữ đề: Nam Giao Học Tổ từ, vua bèn cho gọi các vị phụ lão trong thôn đến hỏi cho rõ. Mọi người tâu rõ sự việc quả là trong trại có thờ phụng thần hiệu như vậy. Ngày hôm sau vua đem binh đánh giặc Tống là Hầu Nhân Bảo thu được đại thắng, bắt được đại tướng, khải hoàn về kinh thành. Các tướng sĩ đều tâu rằng:

  • Giặc Tống sớm bình được đều nhờ công thần ngầm giúp

Bèn gia phong cho trăm thần.

Phong cho một vị Thiện tiếp Tế thế Hộ quốc Khang dân Phù vận Dương vũ Dực thánh Bảo cảnh Hiển ứng Hậu đức Chí nhân Phu cảm Hiển ứng Triệu mưu Tá tích Thiện văn Bác tế Phổ thi Từ ý Hậu ân Hoằng mô Viễn lược Cương nghị Đốc thực Thùy hưu Quả đoán Hùng nghị Phúc diễn Thông minh Duệ trí Hùng lược Dũng quyết Anh uy Linh cảm Diệu thông Hùng kiệt Đại vương.

Lại nói, từ đó về sau đều hiển hiện sự linh ứng, cho nên các đời đê vương đều có gia phong mỹ tự cho Đại vương. Đến đời Trần Thái Tông có giặc Nguyên sang xâm phạm, kinh thành bị bao vậy. Trần Quốc Tuấn vâng mệnh cầu khấn trăm thần ở các đền thờ. Đại vương lại hiển ứng ngầm giúp bình được giặc Mã Nhi. Thái Tôn ban phong cho Đại vương là Linh ứng Anh triết Hiển hựu Trợ thuận.

Đến thời Lê Thái Tổ khởi nghĩa bình giặc Minh, chém được Liễu Thăng, thiên hạ thái bình. Thái Tổ bèn gia phong mỹ tự cho Đại vương là Phổ tế Cương nghị Anh linh. Sắc chỉ ban cho trại Lũng Triền, trang Thanh Miếu tu sửa miếu điện để thờ phụng.

Vâng mệnh khai ngày sinh, ngày hóa, các lễ tịch cùng tên húy tự. Bốn chữ Tứ, Cẩn, Sĩ, Tiếp cấm khi làm lễ. Lại chuẩn cho trại Lũng Triền trang Thanh Tương thờ phụng.

Ngày thần sinh: ngày mùng 8 tháng Giêng. Chính lệ lễ dùng trên có một bàn chay dưới có lợn đen, xôi, rượu, bánh chưng, bánh giầy, có ca hát.

Ngày thần hóa: ngày mùng 1 tháng 8. Chính lệ lễ dùng trên có một bàn chay, dưới có lợn đen, xôi, rượu, bánh chưng, bánh giầy, cấm không được ca hát.

Vào các ngày lệ như tế xuân, tế thu, kỳ phúc ngày 15 tháng 8. Chính lệ lễ dùng tùy theo năm.

Ngày tốt tháng Giêng niên hiệu Hồng Phúc năm đầu (1572) Hàn lâm viện Đông các Đại học sĩ, thần, Nguyễn Bính vâng mệnh soạn.

Ngày tốt tháng 8 Hoàng triều Vĩnh Hựu năm thứ 6 (1740) Nội các bộ Lại tuân theo bản chính vâng mệnh viết.

Ngày 15 tháng 2 năm Duy Tân thứ 10 (1916) các vị kỳ lý trong thôn chép lại theo bản chính.



No comments:

Post a Comment