Tuesday, June 6, 2023

Ngọc phả ghi về Triệu Việt Vương Hoàng đế

 Thần tích thôn Kiều Ngõa, xã Lịch Đông, huyện Tây Chân, phủ Thiên Trường, đạo Sơn Nam

(nay thuộc xã Liêm Hải, Trực Ninh, Nam Định)


Ngọc phả ghi về Triệu Việt Vương Hoàng đế

Chính bản của bộ Lễ quốc triều. Thượng đẳng thần.

Nước Việt xưa Càn Khôn định vị, Ly Khảm phân phương, giới hạn tong thiên thư theo sao Dực sao Chẩn. Từ họ Hùng dựng nghiệp, 18 đời truyền nhau hơn hai ngàn năm thịnh trị. Tới Duệ Vương không có người nối nghiệp (đều lên núi tu tiên), bèn nhường nước cho Thục An Dương Vương. Dương Vương có lòng vì dân vì nước, trị vì 50 năm thì Triệu Vũ lấy được nước, rồi nội thuộc Tây Hán. Trải qua Đông Hán, Ngô, Tấn, Tống, Tề, sai Tiêu Tư làm thứ sử đất Việt ta. Tư đối với người dùng hình nặng, pháp luật hà khắc, chính trị bạo ngược, tàn hại nhân dân. Khi đó đất Việt ta ai ai cũng lầm than, ca thán đối với thời này vậy. May sao ý trời muốn yên bình lòng người trong cảnh loạn lạc mà có người Long Hưng, Thái Bình, họ Lý tên Công Bôn, khởi binh ở châu Cửu Đức, cầu tìm hào kiệt khắp thiên hạ, chiêu dụ anh hùng bốn biển để nên kế lớn.

Đương khi đó còn chưa có được nam nhi thao lược, các tướng anh tài. Ông Bôn tích trữ quân lương, nhưng chưa phát động khởi nghĩa. Đáng tin thay! Đã có vua tất sẽ có thần tử. Đất Long Hưng không hướng mây mà mây ùn ùn kéo tới.

Đương khi đó ở nước ta tại huyện Châu Diên, phủ Tam Đới, đạo Sơn Tây có một người họ Triệu tên Túc, vợ là Lý Thị Đàm. Tổ tiên của Ông Túc vốn làm quan có tiếng, trải qua 6 triều thì về quê sinh sống. Đến đời ông Túc, vợ chồng cùng là những người phúc hậu, từ tâm, nhân ái, vốn lấy nho y làm nghề nghiệp. Khi vợ chồng tuổi đều đã cao mà việc sinh nở chưa thành. Một hôm bà Lý nằm chơi ở bên mái hiên phía Đông, lờ mờ thiếp đi, mơ màng như nằm mộng. Thấy thân mình lên đến Thiên đình. Ngọc Hoàng tuyên triệu đến trước điện mà phán rằng:

  • Gia đình ông Túc phúc hậu. Ta đã biết rõ nên đồng ý cho họ Triệu một cậu bé, đầu nhập làm con nhà họ Triệu.

Đang khi trong mộng, bà Lý bế được một tiên đồng, rồi bái tạ. Trên nửa đường trở về gặp một người cưỡi một con lân đỏ theo từ phương Nam mà tới, hô lớn rằng:

  • Đây đúng là gia đình có phúc mà bế được tiên đồng. Tiếc là nghiệp phúc chưa vẹn, phúc này không được tròn.

Nói xong thì bay lên không đi mất. Bà Lý bỗng nhiên tỉnh giấc. Từ đó cảm động mà có mang. Mang thai được 10 tháng đến năm Giáp Dần, ngày mồng 6 tháng Giêng thì sinh hạ được một người con trai. Vào lúc sinh có ánh sáng đỏ chiếu khắp nhà, khí lành bao phủ. Thấy một người con trai tướng mạo đường đường, thần phong lẫm liệt, bộ dạng giống y như đã gặp ở trong mộng. Ông Túc rất vui mừng, cho rằng người con này tất sẽ hưng phục gia nghiệp, bèn đặt tên là ông Phục. Xuân sinh, hè trưởng được 12 năm, thiên tư minh mẫn, tính vốn anh thông. Đến khi 15 tuổi tính tình anh uy rất vẻ, có tài dũng liệt, tinh thông thao lược, quán triệt văn chương, thực là bậc hào kiệt đương thời vậy.

Khi đó ông Phục thấy thứ sử Tiêu Tư gây cảnh tàn bạo với nhân dân, dùng hình nặng, chính sự trái ngược. Ông rất thương sinh dân lầm than, bèn tìm kiếm những kẻ sĩ có mưu trí, chiêu tập dân lưu tán, cầu hào kiệt khắp thiên hạ được ngàn người. Thế là khi ấy có nhiều tướng anh tài mà chưa có được quân chủ, hẳn là do đợi thời mới phát động.

Một hôm ông Phục nghe thấy Lý Công Bôn khởi binh ở châu Cửu Đức. Ngay hôm đó Ông dẫn quân mã, gậy sách tìm đến yết kiến ông Bôn. Ông Bôn gặp, thấy người có diện mạo khác thường, liền hỏi xem tài năng. Ông Phục ứng đối không gì là không nói tới. Ông Bôn rất mừng, những tưởng trời sai người đến để giúp cho vận nước. Ngày hôm ấy liền bái là Điều bát binh nhung, dẫn quân tiên phong cùng với ông Bôn đại chiến một trận với Tiêu Tư. Quân Tư thua to, bỏ thành chạy về nước Bắc.

Ít lâu sau Lâm Ấp vào cướp bóc. Ông Bôn lập đàn bái ông Phục làm Tả tướng, Phạm Tu làm Hữu tướng, sai dẫn quân đánh phá. Từ đó Bắc đuổi Tiêu Tư, Nam dẹp Lâm Ấp. Ông Bôn bèn lên ngôi hoàng đế, đóng đô ở Long Biên, lập nước tên Vạn Xuân, đặt trăm quan, định đô ấp, phong các công thần, tướng tá các cấp bậc. Bèn phong ông Phục là Quốc tể Long lĩnh hầu, nhận ấn Đại tướng quân, cho vào triều phụ chính.

Trải được 6 năm, nhà Lương lại sai Trần Bá Tiên dẫn mười vạn hùng binh, ba ngàn ngựa khỏe đến xâm chiếm phương Nam mà phục thù xưa, để rửa nhục cũ. Khi đó Lý Đế đón đồn quân ở hồ Triệt. Quân Lương không dám tiến gần. Một hôm nước hồ dâng cao. Quân của Bá Tiên theo đó mà tiến, đánh một trận lớn. Quân của Đế thua to. Đế bèn giao quyền cho Đại tướng Triệu Quang giữ nước. Đế vào động Khuất Liêu, không lâu sau thì Đế mất.

Khi đó ông Phục đi khắp nơi trong thiên hạ tìm chỗ hiểm trở để lập đồn doanh mà đóng quân. Một hôm Ông về đến đầm Nhất Dạ (đầm này ở xã Đa Hòa, huyện Đông An, phủ Khoái Châu, xứ Sơn Nam Hạ. Trước đây là đất ở của Chử Đồng Tử. Đến khi Đồng Tử bay lên trời cùng với gia thất, một đêm trở thành đầm, do đó có tên là đầm Nhất Dạ). Ông bèn thiết lập đồn doanh ở đất này, cùng với Bá Tiên giao chiến. Qua một năm mà không phân thắng bại. Khi ấy Lương đế lại lệnh cho tướng Dương Sàn dẫn quân đến tiếp ứng, quân ngày càng mạnh thêm. Quân của Ông gần đến lúc nguy bại, bèn lập đàn cầu đảo trời đất thần kỳ trong ba ngày. Thấy có một người đầu đội mũ trăm sao, thân khoác áo bào hồng, cưỡi rồng vàng từ trên trời hạ thẳng xuống, hô to một tiếng rồi nói với Ông rằng:

  • Nơi đây là đất của ta ngày trước ở tại đây.

Nói xong bèn tháo móng rồng trao cho ông Phục, lệnh đặt lên trên mũ đâu mâu và nói rằng:

  • Đến khi vào lúc chinh chiến thì hướng vào đâu sẽ thu được toàn thắng đến đó.

Ông Phục nhận được móng rồng, chưa kịp làm lễ bái hạ thì người đó bỗng nhiên biến mất. Từ đó Ông được móng rồng, đánh bại quân Lương, chém được tướng Dương Sàn. Quân Lương thua to, chạy về nước Bắc, không dám vượt biên giới nữa. Ông Phục tự lập là vua, hiệu là Triệu Việt Vương, đóng đô ở thành Long Biên.

Lại nói, Vương được nước qua mấy năm, thiên hạ thanh bình, quốc gia vô sự. Vạn dân chu cấp đầy đủ, hát ca vui mừng. Bốn biển trông cảnh tượng thái hòa. Vương thường đi khắp thiên hạ, tìm chỗ lập đồn doanh để làm nơi phòng bị. Một hôm Vương xa giá tới thôn Kiều Ngõa, xã Lịch Đông, huyện Tây Chân, phủ Thiên Trường, đạo Sơn Nam. Vương truyền quân cùng nhân dân thiết lập một đồn sở. Vương thường xa giá đến đây đóng quân ở đồn, dạy dân trồng cấy, dân được lợi nhiều.

Lại nói, khi Vương ở ngôi qua 20 năm, có người con của anh trai Tiền Lý Nam Đế tên là Phật Tử (tức là Phật Tử là cháu của Tiền Lý Nam Đế, con của Đào Lang Vương Lý Thiên Bảo), dẫn quân từ động Dã Năng đến cùng với Việt Vương tranh đoạt. Việt Vương thấy Phật Tử là dòng tộc Tiền Lý Nam Đế, không nỡ gây chiến, bèn chia nước làm đôi cùng trị, cắt giới là châu Quân Thần (tức xã Thượng Cát, Hạ Cát). Từ Thượng Cát trở về phía Tây cho Phật Tử cai quản. Phật Tử bèn dời đô về thành Ô Diên (tức xã Hạ Mỗ). Việt Vương cũng dời đô về Ngọc Ninh. Hai tướng cùng trị quốc.

Qua một năm sau Phật Tử biết Việt Vương có mũ đâu mâu móng rồng hướng đâu là tan đó. Vương có một con gái tên là Cảo Nương, tuổi tác tương đương với con trai Nhã Lang. Do đó Phật Tử sai sứ mang thư cầu hôn với Vương, thỉnh Cảo Nương với Nhã Lang cùng kết hôn. Vương đồng ý. Phật Tử sai con vào trong quân làm con tin. Vương rất yêu mến. Quần thần nhiều người can gián, nhưng Vương đều không nghe. Lại sai cho cùng với Cảo Nương ở Đông cung, gọi Nhã Lang là rể hiền. Từ đó Nhã Lang cùng Cảo Nương kết thân, tình vợ chồng keo sơn gắn kết. Được hơn một năm, một ngày Nhã Lang cùng với Cảo Nương ngồi uống nước, nhân đó hỏi Cảo Nương rằng:

  • Trước đây khi hai nước tương tranh, Vua cha có thuật lạ gì mà có thể đánh bại quân Lương?

Cảo Nương vô ý lấy mũ đâu mâu móng rồng cho xem. Nhã Lang biết là thần vật, ngày khác lấy đem tráo móng rồng. Việc xong nói với Cảo Nương rằng:

  • Ta cùng với nàng là tình vợ chồng, không thể phụ nhau được. Tuy nhiên đạo cha con lẽ nào lại chia biệt. Từ khi kết hôn vẫn chưa về nhà, chỉ cùng nàng tương hợp.

Dứt lời từ biệt, cưỡi ngựa trở về, báo với phụ thân Phật Tử. Phật Tử dẫn quân đến đánh. Việt Vương mất móng rồng, bèn lên ngựa chạy về phía Nam, chạy tới cửa biển Đại Nha thì quân họ Lý truy đuổi đến nơi. Vương biết khó thoát, bèn ngẩng lên trời mà than rằng:

  • Rồng vàng, rồng vàng phụ ta vậy sao!

Than rồi bèn nhảy xuống bên bờ biển mà chết (khi đó là 13 tháng 8). Từ khi Vương hóa về sau đều có nhiều hiển ứng linh thiêng. Địa phương lập đền chính ở nơi Vương hóa, viết thần hiệu là Triệu Việt Hoàng đế để phụng thờ. Tới nay vẫn còn đền (tức xã Độc Bộ, nay đổi là Lục Bộ).

Lại nói, từ khi ông Phục hóa về sau nhân dân thôn Cầu Ngõa, xã Lịch Động đều bị tật dịch, súc vật không yên. Nhân dân đi bốc quẻ xem, mới lập miếu ở nơi đồn dinh, viết thần hiệu Việt Vương Hoàng đế để phụng thờ. Bệnh tật đều khỏi ngay. Người và vật được yên ổn. Từ đó về sau nước cầu dân cúng có nhiều linh ứng. Trải Đinh, Lê, Lý, Trần bốn họ thay nhau khai sáng cơ đồ, đều có giúp nước cứu dân, nên qua các đời đều có đế vương gia phong mĩ tự Thượng đẳng phúc thần.

Đến cuối thời nhà Trần, họ Hồ tranh quyền, người Minh gậy loạn, sưu cao dịch nặng, chính trị trái ngược, tàn hại nhân dân. Dân bị hại và lo lắng rất nhiều. May là vì lòng người ghét loạn, ý trời mở nên cơ hội lớn. Triều ta Thái tổ Cao hoàng đế khởi nghĩa Lam Sơn, ba ngàn quân mạnh. Một hôm Đế tiến quân đi qua thôn Cầu Ngõa, xã Lịch Đông, huyện Tây Châu, phủ Thiên Trường, đạo Sơn Nam. Lúc đó mặt trời đã xuống núi. Đế bèn đóng quân ở đền Triệu Việt Vương. Đến cuối canh ba Đế mơ màng như mộng. Bỗng thấy một vị thần tướng, thân khoác áo giáp vàng, tay cầm qua vàng, tiến thẳng đến trước Đế, vừa chắp tay vừa bái chào, xưng tên xưng họ, tự xin theo cùng dẹp giặc. Đế tỉnh lại biết là thần linh ứng mộng, bèn ghi lại vào sách vàng để xem nghiệm về sau.

Sáng hôm đó Đế cử binh tiến đến chiếm thành Lục Hoa, đánh dẹp được giặc Minh, chém đại tướng Liễu Thăng. Thái tổ lên ngôi Hoàng đế ở Lam Sơn, niên hiệu là Thuận Thiên, đổi triều đại, đại xá thiên hạ. Nhân đó tặng phong mĩ tự cho các vị bách thần. Bèn tôn phong Triệu Việt Vương Hoàng đế, sắc chỉ Thượng đẳng thần, cho phép thôn Cầu Ngõa, xã Lịch Đông đón sắc về dân, trùng tu miếu điện để phụng thờ, lưu truyền hương lửa vạn đại vô cùng, mãi cùng vận nước, mãi là thức lệ, liên miên bất tận, không thể mất vậy.

Tốt thay!

Tôn phong Triệu Việt Vương Hoàng đế, cho phép thôn Cầu Ngoã, xã Lịch Đông, huyện Tây Chân, phủ Thiên Trường, đạo Nam Sơn phụng thờ.

Phụng khai các tiết sinh hóa và khánh hạ cùng với tên húy cấm hai chữ Quang, Phục.

Sinh thần ngày mồng 6 tháng Giêng, lễ dùng lợn đen, xôi, rượu, ca hát một ngày.

Ngày thánh hóa là 13 tháng 8, lễ dùng lợn đen, xôi, rượu, bánh trôi, cùng các thức vật.

Người bản thôn, cựu tiên chỉ Lê Văn Năng theo thần sắc phụng thờ mà tuân sao.

Hoàng triều niên hiệu Đồng Khánh thứ 9, ngày tốt tháng 8 đã sao.


No comments:

Post a Comment