Friday, September 9, 2022

Đọc lại lịch sử Đức Thánh Chèm Lý Ông Trọng

Với một góc nhìn lịch sử mới từ các di tích tín ngưỡng văn hóa trên đất Việt thì nay những câu hỏi về vị Phụ tín hầu Lý Thân thời Tần Thủy Hoàng trên đất Việt đã có lời giải đáp.

Truyện Lý Ông Trọng sinh ra từ thời Hùng Vương, làm quan qua thời An Dương Vương đến khi Tần thống nhất thiên hạ đã là chuyện khó hiểu. Cộng thêm việc năm Tần Thủy Hoàng thứ 33 (năm 214 Trước Công nguyên) tướng Tần là Mông Điềm mới vượt sông Hoàng Hà đánh Hung Nô, mở rộng đất nhà Tần sang miền Bắc. Như thế làm sao trước đó Lý Trọng có thể đi trấn giữ Hung Nô ở Cam Túc được? 

Những điều khó hiểu này đã làm cho người ta nghi ngờ về tính chân xác của truyền thuyết Lý Ông Trọng. Tuy nhiên, với một góc nhìn lịch sử mới từ các di tích tín ngưỡng văn hóa trên đất Việt thì nay những câu hỏi về vị Phụ tín hầu Lý Thân thời Tần Thủy Hoàng trên đất Việt đã có lời giải đáp.

Truyện Lý Ông Trọng trong "Lĩnh Nam chích quái" kể: Cuối đời Hùng Vương ở xã Thụy Hương, huyện Từ Liêm, quận Giao Chỉ có người họ Lý tên Thân, sinh ra to lớn, cao 2 trượng 3 thước, tính tình hung tợn. Thân giết người, tội đáng tử hình. Hùng Vương tiếc, không nỡ giết. Đến đời An Dương Vương, Tần Thủy Hoàng muốn đem binh đánh nước ta. An Dương Vương bèn đem Lý Thân cống hiến. Thủy Hoàng được Lý Thân rất mừng, dùng làm quan Tư lệ Hiệu úy. Kịp lúc Thủy Hoàng nhất thống thiên hạ, Thân được sai đem binh ra giữ Lâm Thao, Hung Nô không dám xâm phạm biên ải. Thủy Hoàng phong Thân làm Phụ tín hầu, lại gả công chúa cho Thân.

Chuyện kể Lý Ông Trọng này nghe ra... kỳ kỳ. Tần Thủy Hoàng đánh Đông dẹp Bắc, thu phục cả thiên hạ, tới nước Việt thì thay vì chống lại, An Dương Vương lại còn cho "mượn" người làm tướng để giúp Tần chống giữ Hung Nô. Lý Ông Trọng người Việt mà làm tới chức Tư lệ hiệu úy nhà Tần, được phong là Phụ Tín hầu, rồi còn làm phò mã nước Tần! Một người Việt chính gốc lại được đại đế lang sói như Tần Thủy Hoàng hậu đãi tới vậy! Lại còn từ nước Văn Lang sang tới tận Cam Túc để trấn giữ Hung Nô…

1. 

Bản sự tích đầy đủ nhất về Lý Ông Trọng không phải là thần tích đình Chèm ở Từ Liêm, mà là ở Trạo Thôn, xã Đa Lộc, huyện Ân Thi, Hưng Yên - quê mẹ của Lý Ông Trọng. Thần tích Trạo Thôn kể rằng vào đời Hùng Duệ Vương có người con gái họ Hoàng, tên A Nương ở Trạo Thôn đã duyên ngộ và kết hôn với vị Lý Tuấn, người làng Thụy Uyên ở Từ Liêm. Hai người lấy nhau sinh ra một người con trai, lớn lên thân cao hơn 2 trượng, sức địch vạn người, trí dũng siêu quần, thông minh xuất chúng. 

Khi ấy Hùng Duệ Vương cho tuyển người tài dũng, Lý Thân đổi tên thành Trọng vào cung đình ứng tuyển, được vua phong cho chức Chỉ huy sứ. Ông Trọng tính cường bạo, gây tội giết người. Hùng Duệ Vương mến tài nên đại xá cho. Lại mỗi khi giặc Chiêm Thành, Ai Lao đến quấy nhiễu là mỗi lần Ông lập công. Vua bèn lệnh cho ra trấn giữ Lâm Thao, giặc man khấu không dám xâm phạm.

Thần tích quê mẹ Lý Thân ở Hưng Yên cho thêm những thông tin lạ về Ông Trọng. Đó là Ông Trọng từng có công đánh giặc Chiêm Thành, Ai Lao và ra vùng Lâm Thao đất của vua Hùng để trấn giữ giặc man khấu. Như thế địa danh Lâm Thao được nhắc đến ở đây không nằm ở phương Bắc, mà là ngay trên đất Việt. Giặc Hung Nô trong thần tích này được gọi là Chiêm Thành và Ai Lao, tức là người phía Nam và Tây đất Việt, không phải ở tận đất Cam Túc xa xôi.

Đất Lâm Thao thời Tần có người Hồ là đất Lâm Ấp, được biết là tiền thân của Chiêm Thành sau này. Ghi chép về Lâm Ấp thời Tần có thể thấy trong "Đại Việt sử ký toàn thư", Kỷ nhà Triệu chép: "Giáp Ngọ, Tần Nhị Thế năm thứ ba (năm 207 Trước Công nguyên), Vua (Triệu Vũ Đế) chiếm đất Lâm Ấp và Tượng Quận, tự lập làm Nam Việt Vương".

Đại Nam quốc sử diễn ca có thơ kể về Lý Ông Trọng:

Hiếu liêm nhẹ bước thanh vân

Làm quan hiệu úy đem quân ngữ Hồ

Uy danh đã khiếp Hung Nô,

Người về Nam quốc, hình đồ Bắc phương.

Trong bài diễn ca này Hung Nô còn được gọi là người Hồ. Vận dụng phép phiên thiết Nho văn cho ta một số thông tin bất ngờ. Hung Nô đọc lướt là Hồ. Lý Ông Trọng trấn Hung Nô tức là trấn giữ người Hồ hay người Hời. Từ Liêm cũng đọc thiết âm là Tiêm, hay Chiêm. Đức thánh Chèm cũng nghĩa là Đức thánh Chiêm. Tên làng Chèm chỉ rõ công đức trấn giữ đất Chiêm của Lý Ông Trọng. Tới đây không còn nghi ngờ gì nữa, thực ra Lý Ông Trọng làm tướng Tần để giữ vùng đất Tây và Nam nước ta chống lại người Hồ hay người Chiêm.

2. 

Thần tích Trạo Thôn ghi Lý Thân làm Chỉ huy sứ thời Hùng Duệ Vương, tức giai đoạn cuối cùng của thời đại Hùng Vương. Đây cũng chính là An Dương Vương như "Lĩnh Nam chích quái" kể. Chỉ có thế mới có thể hiểu được, tại sao Lý Thân làm quan từ thời Hùng Vương, sang An Dương Vương và tới tận thời Tần.

Lý Thân là phò mã của nhà Tần, lấy Bạch Tịnh Cung công chúa, con gái của Tần Thủy Hoàng. Thế nhưng ở thành Cổ Loa lại lưu truyền rằng Lý Ông Trọng là Hữu thừa tướng, một trong Tứ trụ của triều đình An Dương Vương. Hiện Lý Ông Trọng vẫn đang được thờ cùng với các tướng Cao Lỗ, Nồi Hầu và Trần Tự Minh tại đền Thượng Cổ Loa. Có thể thấy, trong trường hợp này An Dương Vương là vua chủ của Lý Ông Trọng, tương đương với Tần Thủy Hoàng. Lý Thân làm tướng Tần, cũng là quan trụ quốc của An Dương Vương.

Bài thơ được khắc trên gỗ tại đình Chèm có câu nói tới Lạc đô – kinh đô nước Âu Lạc ở thành Cổ Loa:

Xa ôm núi Tản, Nhị hà quanh

Quận cũ Từ Liêm sương trải mành

Vững mãi Lạc đô sông với núi

Lưu truyền Mã sử ngưỡng thanh danh.

Kỳ lạ hơn, ở xã Ninh Sơn, Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ còn đình làng thờ Lý Ông Trọng là thành hoàng. Thần tích Ninh Sơn cho biết đây là nơi cha và mẹ của Lý Thân đã tới cầu tự và cũng là nơi Lý Ông Trọng hóa. Di tích này tương ứng với truyện kể của "Lĩnh Nam chích quái" rằng Ông Trọng đã phải ẩn vào trong núi và tự vẫn khi Tần Thủy Hoàng cho đòi ông về Hàm Dương.

Đặc biệt, thần tích Ninh Sơn lại kể Lý Thân đã vâng mệnh "Triệu Vũ Đế" dẫn binh đánh quân Thục ở thành Cổ Loa. Có thể thấy Triệu Vũ Đế trong thần tích Ninh Sơn là chỉ Tần Thủy Hoàng, người lập nên Trung Hoa thống nhất. Nhà Tần vốn mang họ Triệu, từ vị tổ của Tần là Tạo Phụ thời Chu Mục Vương được phong đất ở Triệu thành. Còn quân Thục trong thần tích Ninh Sơn là hậu quân của An Dương Vương, sau khi bị Tần tấn công chiếm thành Cổ Loa, đã trở thành man khấu người Hồ ở đất Nam Chiếu – Ai Lao như thần tích Trạo Thôn chép. An Dương Vương trong các ngọc phả và thần tích đều được biết là người đến từ đất Ai Lao.

Đức thánh Chèm Lý Thân sinh ra ở Từ Liêm vào thời Hùng Vương đời cuối là An Dương Vương, nhập Tần làm tướng dưới thời Tần Triệu. Tần Thủy Hoàng gả con gái và phong Lý Thân làm Tư lệ Hiệu úy, trấn thủ vùng Lâm Ấp có người Chiêm Hồ - Ai Lao, là hậu quân của nhà Thục. Ông Trọng đóng trị sở ở cố đô Âu Lạc là thành Cổ Loa. Ông mất tại vùng núi Ninh Sơn, Chương Mỹ.

Câu đối ở đình Chèm ca ngợi Lý Ông Trọng:

Điện Việt còn đây thần thượng đẳng

Ải Tần chốn đó tướng Trung Hoa.

Lý Thân là tướng Tần, cũng là người Việt. "Trung Hoa tướng" lại là "Việt điện thượng đẳng thần". Nhà Tần của Trung Hoa cũng là một giai đoạn lịch sử của người Việt, nối tiếp nhà Thục của An Dương Vương ở Cổ Loa, như một giai đoạn phát triển mới trong thời đại Hùng Vương.

https://congdankhuyenhoc.vn/doc-lai-lich-su-duc-thanh-chem-ly-ong-trong-179220830114802645.htm

Tôn tượng Bạch Tịnh Cung Công chúa và Lý Hiệu úy ở đình Chèm.

Rước giá trong lễ hội Chèm năm 2022.
Rồng chầu trước nghi môn đình Chèm, lễ hội Chèm 2022



Bài thơ nói đến Lạc đô ở đình Chèm.
Trang sách "Đại Nam quốc sử diễn ca"
nói về Lý Ông Trọng ngữ Hồ
Đình Ninh Sơn, Chúc Sơn, Chương Mỹ, Hà Nội.


Lâm giá ở đường vào đình Chèm, lễ hội Chèm 2022






No comments:

Post a Comment