Saturday, October 30, 2021

Thượng Ngàn Sơn Tinh công chúa

 

Mẫu Thượng Ngàn ở đền Măng Sơn (Sơn Tây, Hà Nội)

Ở khu vực Hòa Bình bên cạnh việc thờ Tản Viên Sơn Thánh là đức vua Ba Vì, người dân tộc Mường còn trang trọng thờ vị Quốc Mẫu vua Bà. Dân chúng Mường quen gọi Bà là Chúa Thượng Ngàn. Tại đây còn có ngọn núi được gọi là núi Vua Bà, với dòng suối Ngọc, xưa thuộc châu Lương Sơn của tỉnh Hòa Bình.Theo ngọc phả cổ của xã Đào Lãng tổng Bằng Lộ, châu Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình (nay là xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội) thì Quốc Mẫu vua Bà sinh ra tại động Đào Lãng, mang họ Đinh tên là Điên Nương. Bà lấy ông Nguyễn Cao Hành ở động Lăng Sương rồi sinh ra Thánh Tản.

Như vậy Mẫu Thượng Ngàn ở đây được quan niệm là mẹ của Tản Viên Sơn Thánh. Trong cuốn Di tích đền thờ Tản Viên Sơn (ngọc phả của làng Ngọc Nhị, Ba Vì) cho biết Thánh Tản tên là Hương Lang, là người con đầu trong số 50 người con theo mẹ Âu Cơ lên núi. Quốc Mẫu Vua Bà rõ ràng chính là Quốc Mẫu Âu Cơ, mẹ của Tản Viên Sơn Thánh. Quốc mẫu là người đã đem các con lên khai phá vùng rừng núi nên được tôn là Mẫu Thượng Ngàn, còn gọi là Thượng Ngàn Sơn Tinh công chúa hay Lâm Cung Thánh mẫu trong Tứ phủ.

Tượng Hổ (thần Xương Cuồng) bên giếng nước nơi sinh Thánh Tản ở Lăng Sương

Trong các chuyện kể Mẫu Thượng Ngàn luôn gắn với việc chinh phục hổ như trong ngọc phả bà Ngọc Nương ở Lăng Sương được hổ ngậm đá đỡ đẻ, hay trong Sự tích cây ngàn quả và con ruồi, Sự tích Hùng Vương thứ 9 hóa hổ. Trong các sự tích này Mộc Tinh – thần Xương Cuồng nguyên hình là con hổ (Bạch Hổ), đã phải khuất phục trước Mẫu Thượng Ngàn. Mộc Tinh hay Chúa Sơn Lâm không phải là cái cây lớn, mà là ông Ba mươi, tức là ông Hổ.

Một điều rõ ràng nữa là Mẫu Thượng Ngàn liên quan mật thiết đến Sơn Thánh. Hoặc là vào thời Kinh Dương Vương (tức Tản Viên Sơn Thánh) đánh đuổi Mộc Tinh. Hoặc là mẹ của Sơn Thánh trong thần tích Lăng Sương và Quốc Mẫu vua Bà. Hoặc là mẹ nuôi Sơn Thánh trong sự tích Mẫu Thượng Ngàn và Sơn Tinh. Hoặc là con của Tản Viên Sơn Thánh trong chuyện Mẫu Thượng Ngàn đầu thai và La Bình công chúa.

Đền Suối Mỡ ở Bắc Giang, thờ Quế Hoa công chúa

————

Sự tích cây ngàn quả và con ruồi

Sau khi bị Kinh Dương Vương đánh đuổi, Mộc Tinh sợ hãi chạy về hướng Tây Nam, tại đây nó vẫn giở trò cũ thường xuyên bắt người dân trong vùng làm lễ tế người. Mẫu Thượng Ngàn biết chuyện giận lắm, định dùng rìu để chặt đổ cây, nào ngờ thân cây quá cứng dù chặt bao nhiêu lần cũng không sứt mẻ tí nào. Mẫu Thượng Ngàn bèn dùng phép hóa thành một con sâu tinh rồi chui vào trong thân cây khiến Mộc Tinh đau đớn vô cùng vội vàng xin tha. Nó hứa rằng sẽ không ăn thịt người nữa và tặng bà một giống thần sau đó hóa thành một con hổ rồi chạy mất. Mẫu Thượng Ngàn đem hạt giống này về trồng, không lâu sau nó lớn thành một cái cây to thật là to, cành lá xum xuê che phủ một nửa bầu trời, hàng năm đều mọc ra hàng trăm thứ quả khác nhau. Bà thu hoạch tất cả và đem cho cha mình và các vị thần cùng ăn, ai nấy dùng xong đều tấm tắc khen ngon chỉ trừ một tiên nữ chê dở. Nghe vậy Mẫu Thượng Ngàn quyết định không bao giờ cho mọi người được ăn loại quả này nữa. Về phía cô gái kia thì bị các vị thần phạt hóa thành con ruồi để suốt phần đời còn lại chỉ được ăn đồ thừa của con người mà thôi.

Sự tích Hùng Vương thứ 9 hóa hổ

Hùng Vương thứ 9 là một vị vua anh minh, thương dân như con, cũng vì vậy mà được trời phù hộ giúp cho con đàn cháu đống. Nào ngờ trong một lần đi săn, ông vô tình bị Quỷ Xương Cuồng ăn thịt. Nó nhân cơ hội này dùng phép hóa thành ông để trở thành vua. Từ ngày làm vua thì Quỷ Xương Cuồng không màng việc nước, chỉ đam mê rượu chè và gái đẹp, những người chống đối đều bị nó ăn thịt cả. Lần này Mẫu Thượng Ngàn quyết không để cho Quỷ Xương Cuồng có thể chạy thoát được nữa nên hóa thành một cô gái xinh đẹp có tài thổi sáo. Chẳng bao lâu danh tiếng của bà truyền tới tai nhà vua nên được mời vào cung giúp vui. Quỷ Xương Cuồng biết bà là Mẫu Thượng Ngàn bèn bảo một khi tiếng sáo mà dừng thì bà sẽ bị giết. Khi tiếng sáo của bà vừa cất lên thì ai nấy đều cảm thấy thư thái, mọi âu lo đều bị quên lãng, thời gian trôi qua lúc nào không hay. Tới đêm thứ bảy khi tiếng sáo vừa dứt thì Quỷ Xương Cuồng đã hiện nguyên hình thành một con hổ khiến mọi người hoảng loạn bỏ chạy. Mẫu Thượng Ngàn dùng phép nhốt con hổ vào lồng và luôn giữ nó bên mình. Từ đó về sau phàm những ai phạm tội phá rừng đều bị bà đem cho hổ ăn thịt cả.

Mối liên hệ với Sơn Tinh

Một lần khi đang đi dạo trong rừng, Mẫu Thượng Ngàn phát hiện thấy xác một đứa trẻ chỉ còn lại bộ xương khô bên gốc cây. Tiếc thương vì cậu bé đã chết khi còn quá nhỏ nên Mẫu Thương Ngàn đã dùng phép hòa lẫn xương cậu cùng gan hùm, tay gấu, ruột ngựa, mắt diều hầu, chân báo cùng quả tim của bà để hồi sinh cậu. Mẫu vốn không có con cái gì, lại thấy cậu bé lanh lợi nên đã quyết định nhận cậu làm con nuôi, đặt tên là Sơn Tinh, giao cai quản vùng núi Ba Vì.
Một số truyện đề cập rằng bà mất trong cuộc chiến giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh. Sau khi mất thì bà trở lại Thiên Phủ sống cùng cha mình nhưng vì quá thương con nên bà đã cầu xin cha được phép trở lại trần gian. Ngọc Hoàng đồng ý bèn cho bà được đầu thai trở lại làm con gái của Sơn Tinh.

No comments:

Post a Comment