Sunday, September 5, 2021

Ngọc phả Tam vị Tản Viên của trang Quang Diệu

Ngọc phả ba vị Tản Viên Sơn Thánh, Tả Hữu Lưỡng Kiên Thần Cao Sơn, Quý Minh

Chi Chấn, bộ thứ tư, thượng đẳng quốc tế

Đất Việt xưa trời Nam mở vận, phân ngang núi sông bởi sao Dực, sao Chẩn. Nước Bắc lúc đầu thẳng theo hướng sao Ngưu, sao Đẩu. Từ triều Hùng mở vận, Thánh tổ dựng cơ đồ, nước biếc một dòng, mở vận đế thánh, vua sáng. Núi xanh vạn dặm, lập nền cung điện đô thành. Mở vật giúp người, thống lĩnh 50 bộ, thế quản chư phiên vững chắc. Làm vua trị nước có hơn hai ngàn năm, mãi giữ cơ đồ tổ tông vững như bàn đá. Hiển ứng linh thiêng ở Nghĩa Lĩnh. Lưu truyền hươnng lửa nơi núi Hùng. Người đời sau có thơ vịnh rằng:

Tạo dựng Hùng đồ nghiệp mãi đây
Mười tám vị tên truyền mãi này
Tích xưa con đế nòi tiên đó
Thủy tổ mở trời sử chép dầy.

Bấy giờ cơ đồ Hùng Vương truyền 18 nhánh tới Duệ Vương ở ngôi, đóng đô tại Việt Trì bên sông Bạch Hạc, lập nước hiệu là nước Văn Lang. Kinh đô gọi là thành Phong Châu. Vua là người có tài cao mưu lớn, tư chất sáng láng, nối nghiệp tổ tông, cơ đồ 17 đời thịnh trị, dốc lòng quản thiên hạ, yên định Trung Quốc.

Trước đó, ở động Lăng Sương, huyện Thanh Châu, phủ Gia Hưng, đạo Sơn Tây, động này có trời Nam gấm vóc, đất rộng suối xanh, hợp thành một cảnh đẹp bậc nhất ở trời Nam. Ở đó có một lão ông họ Nguyên tên Ban, thái bà tên Tạ Thị Hoan. Ông bà là những người tích đức làm việc nhân, chăm lo giữ gìn việc cúng lễ hương lửa, một đời phong lưu, giàu sang dư giả. Khi ấy ông Nguyễn đã gần 53 tuổi. Bà Tạ Thị Hoan cũng đã sống trải nhiều năm, vậy mà phòng lan chưa thấy sinh hương, buồng quế chưa đơm một đóa. Ông Nguyễn có người anh ruột tên Nguyễn Cao Hành. Vợ ông Cao Hành tên là Đinh Thị Điên. Vợ chồng đều tuổi đã ngoài 50 mà chưa có con. Vì sự hiếm muộn đó mà không vui. Nhằm đúng ngày giỗ cha, anh em than thở với nhau rằng:

-    Lời xưa nói 30 tuổi chưa có con trai là điều bất hiếu lớn. Huống chi anh em ta đều đã ở tuổi năm sáu mươi, mà chưa có niềm vui con trẻ. Giả như có ngày kia chết đi, việc hương khói tổ tông cha mẹ lấy ai ủy thác? Đó chẳng phải là đại bất hiếu sao? Chi bằng phân phát tài sản để tạo phúc, cầu cho có được con cái, để lòng người được yên, ý trời có thể đổi.

Thế rồi anh em phân tán hết tài sản, giúp nghèo cứu khổ. Cứ như vậy được ba bốn năm. Một hôm, tiết xuân tháng Giêng, khắp nơi hoa nở ngập đất, người người nhộn nhịp tìm hương. Anh em ông bèn lên chơi núi thiêng Tản Lĩnh. Đến khi trở xuống núi, ở dưới chân núi thấy một ông lão vừa đi vừa hát. Lại có mấy chú bé áo xanh cầm một bầu rượu và một chiếc la bàn. Hai anh em nói với nhau rằng:

-    Đây nếu không phải tiên ông chốn Bồng Lai thì là thần linh núi Tản, không phải người thường. Có lẽ nhà ta làm việc thiện nên Hoàng thiên mới cho tiên ông này xuống để đáp việc đức mà nhà ta đã làm.

Dứt lời, anh em chạy lại trước mặt ông lão, cúi người làm lễ nói:

-    Gia đình chúng thần đức bạc. Anh em thần tuổi tác đã cao mà không có con trai. Dám xin tôn ông mở lòng cứu anh em chúng thần. Vạn điều mong được đại đức tái sinh của tôn ông.

Ông lão nghe vậy bèn cười mà nói rằng:

-    Ta không phải tiên, không phải thánh, chỉ ở trong cuộc trần thế này mà thân ở cõi tam sinh. Đứng xem sự rong ruổi của phong thủy, qua lại nhìn phúc thiện trên nhân gian. Vì người mà tạo phúc, vốn không phải là ý của ta. Nay anh em các người gặp ta tại đây là vì nhà các người có phúc dày, không phải bạc phúc đâu. Ta mới thấy có một thế đất tại ngọn núi Thu Tinh. Không quá trăm ngày sẽ sinh được 1 thánh 2 thần. Anh em các người mau về nhà đem phần mộ của cha đến để ta chôn vào đó.

Hai ông nghe lời đó rất vui mừng, chạy về nơi ở, thu lấy hài cốt của thân phụ đem đến cho ông lão. Ông lão mới chôn ở trên đỉnh núi Thu Tinh theo hướng dựa Quý hướng Đinh. Chôn xong thầy trò ông lão không biết biến mất ở đâu. Anh em hai ông lập đàn làm lễ bái tạ. Từ đó trở về càng thêm lòng tạo phúc, cố sức làm việc nhân. Được khoảng trăm ngày đều thấy hai bà của hai nhà cùng có thai. Mang thai dài 12 tháng. Ngày 6 tháng Giêng năm Đinh Hợi, vợ người anh là Đinh Thị Điên sinh được một bào một người con trai. Vợ người em là Tạ Thị Hoan sinh được một bào hai trai. Tất cả đều có phong thái chỉnh tề, khí chất khôi ngô, khác vượt người thường lắm lắm.

Đương lúc khi sinh ra có khí lành vương vấn, hương bay ngào ngạt. Sinh được trăm ngày thì con người anh được đặt tên là Tuấn Công. Con nhà người em, người đầu tên Sùng Công, người sau là Hiển Công. Ngày qua tháng lại khi đã được 13 tuổi thì đều tìm thầy mà học. Học được vài năm, nghìn kinh vạn quyển, có thể tỏ tường như Khổng Mạnh. Bốn khoa ba truyện, chẳng nhường mưu kế Tôn Ngô. Đến 17 tuổi, cha mẹ hai nhà trong vòng cùng một năm đều theo nhau mà mất. Anh em ba ông khóc lóc với trời nhưng chẳng thể làm gì được. Bèn tìm đất tốt mà làm lễ chôn cất. Ba năm chịu tang, hương lửa theo nghi lễ.

Từ đó gia tài đều cạn sạch. Song dù ở cảnh bần hàn mà tính lạc quan vẫn không thay đổi. Ngày thì rong ruổi theo bầu gió ánh trăng, búa rìu làm kế sinh nhai. Đêm khuya đọc sách bên án tuyết đèn huỳnh, rượu vui một bầu làm thú vị. An bần lạc đạo, lấy đó làm chí lớn. Tuy nhiên đôi lúc chợt xót cha mẹ gian khổ, thương cha mẹ khó nhọc, mà thường buông sách thở dài, rơi lệ rằng:

-    Sinh ra ta, nuôi dưỡng ta, trông nom ta, chăm sóc ta, nghĩ ơn cha mẹ như núi như biển. Nay chưa một chút báo đáp. Ngày sau dù có vạn báu ngàn lộc cũng không còn gặp mà báo đáp.

Từ đó sáng kiếm chiều vay, bữa đực bữa cái, không có lúc mừng. Anh em than thở với nhau rằng:

-    Nghèo hèn như thế này, không có kế sinh nhai, lấy gì để sống.

Vì đó mà cùng đến núi thiêng Tản Lĩnh xin làm con nuôi của Thần nữ Ma Thị Cao Sơn. Ngày ngày hái củi để kiếm nuôi sống. Sau có được gậy trúc của Thái Bạch Thần Tinh và sách ước của vua thủy chốn cung rồng, báo đáp được ơn sâu của bà Ma Thị, cứu được họa phúc ở nhân gian. Bà Ma Thị vì người con nuôi có hiếu mà đem hết núi rừng, khe ngòi, đất đai, cây cối lập chúc thư giao cho Tuấn Công. Tuấn Công bèn phân đất cho hai em, cho Sùng Công ở núi Nộn, Hiển Công ở núi Lãng. Từ đó danh tiếng nổi lên. Thiên hạ đều gọi Tuấn Công là Tản Viên Sơn Thánh, Sùng Công là Tả Kiên Thần, Hiển Công là Hữu Kiên Thần.

Lại nói, lúc này cơ đồ họ Hùng về cuối, ý trời muốn kết thúc. Duệ Vương sinh được 20 nam hoàng tử, 4 nữ công chúa, đều cùng nhau theo về trời. Chỉ còn lại hai người con gái. Người thứ nhất là Tiên Dung công chúa, Vua sau gả cho ông Chử Đồng Tử. Còn lại người thứ hai là Mị Nương công chúa, cung thiềm còn khóa, nhụy ngọc đang phong, lương duyên chưa định cùng ai. Vua bèn dựng lầu ở cửa thành Việt Trì, ban chiếu truyền các thần tử trong thiên hạ, hễ ai có tài trí thông minh, đức độ anh hùng, có thể nối được ngôi báu thì sẽ định kế truyền cho.

Ngày đó bên sông tàu thuyền, trước lầu xe ngựa, bút văn múa như ảnh động rắn rồng, sao sáng sa sông lạnh. Trận võ bày làm hổ báo hồn kinh, sấm sét vang rền góc biển. Một vùng nước nhà, bốn biển anh hùng. Tuy nhiên được cái này mất cái kia, lục tục mà trôi qua, không có ai có thể xứng là có toàn tài. Thời bài Đào yêu chưa có người gảy đàn ngâm thơ vậy. Người đời sau có thơ vịnh rằng:

Trăng gió một trường giục động tâm
Bốn bề chật mắt thấy anh quần
Việt thành then khóa xuân nào thấy
Ai người sẽ mở, ai người cầm?

Bấy giờ Sơn Thánh nghe chuyện bèn nói với Tả Hữu Kiên:

-    Có câu gian nhân khó được. Người đàn ông gặp gỡ được đã là khó huống hồ là cưới vợ là công chúa. Nay con gái nhà vua trong cung là một bậc khuynh thành. Ta chẳng vì xa mà không đến, nắm lấy mối tơ duyên này chẳng cho ta thì còn ai được nữa.

Dứt lời cùng nhau đến trước lầu ở kinh thành. Lại có Thủy Tinh cũng đến tham dự thi. Vua ngự xem thi tài, thấy Sơn Thánh cùng Thủy Tinh đều có phép lạ thông trời thấu đất, có thuật màu nhiệm chiếu nước dời núi. Vua cho là những người tài nhất, bèn triệu đến nói rằng:

-    Trẫm chỉ có một viên ngọc Lam Điền mà hai khanh đều đúng là bậc anh hùng. Ngô vui thì Tần rầu. Hán ca thì Sở khóc. Không biết phải gả công chúa cho ai. Sớm mai ai có thể đem sính lễ đến trước, Trẫm sẽ gả cho người đó.

Thế là Thủy Tinh trở về thủy cung, do cầu kỳ chọn các vật lạ (nguyên trước đó sách ước đã đem cho Sơn Thánh lấy, Thủy Tinh không cưới được công chúa mới kết oán thù. Hàng năm cứ quãng tháng sáu tháng bảy lại dâng nước đến đánh, về sau thường gặp).

Sơn Thánh đi xuống ngay dưới lầu, miệng đọc thần chú, lấy sách ước mà cầu. Tự nhiên thấy voi trắng, ngựa hồng cùng các vật lạ, trân kỳ từ trời rơi xuống. Sơn Thánh nhặt lấy, đương lúc còn tối vào giờ Tí đem sính lễ đến lầu rồng. Vua gọi công chúa đến gả cho. Sơn Thánh làm lễ đón về sống ở sơn động, để lại hai vị Tả Hữu kiên thần cho vua cha.

Vua rất yêu mến bèn phong người em thứ hai của Sơn Thánh Tả Kiên thần Sùng Công là Tả đô đài Đại phu, người em thứ ba Hữu Kiên thần Hiển Công làm Hữu đô đài Đại phu. Vua tôi đức hợp, thiên hạ thái bình, vạn dân gặp được thời no đủ. Bốn biển ngưỡng cảnh tượng thái hòa. Duệ Vương vì công lao đó mà ban cho búa sắt, cùng hưởng lành với đất nước.

Hiển Công, Sùng Công và Sơn Thánh như những con trời cháu tiên đi khắp nơi trong đất nước. Núi sông Thần Phù, Yên Tử mây trắng vầng hồng cao thấp. Gió trăng Vinh Quẫn, Long Biên, núi xanh nước biếc trên dưới. Có lúc đi du ngoạn sông tiểu hoàng thưởng thức sự thú vị của đánh cá. Đi qua trang Quang Diệu, tổng An Lạc, huyện Mỹ Lương, phủ Quốc Oai, Sùng Công và Hiển Công thấy đất Quang Diệu có nước đẹp núi xanh, địa thế quanh co, hổ rồng chầu cuộn, tưởng cũng là một cảnh quang đẹp đẽ. Bèn xin với Sơn Thánh cho dựng một cung ở đất Quang Diệu. Hiển Công, Sùng Công ở đó, khuyến hóa nông tang, giúp thiện trừ tai, lại có thể dùng nhân nghĩa mà cố kết lòng người, lấy hòa mục đắp thành lễ nhượng. Thật là có công lớn với dân.

Bấy giờ Duệ Vương ở ngôi đã 105 năm, triệu Sơn Thánh với Sùng Công, Hiển Công vào triều cùng với Vua lo việc chính sự, lại muốn truyền ngôi cho Sơn Thánh. Lại có bộ chủ Ai Lao họ Thục tên Phán, cũng là dòng dõi của nhà họ Hùng, đổi sang họ Thục, phân trị Ai Lao. Thục Phán tới đó nghe đồn Duệ Vương tuổi thọ trời cho đã cao, mà 20 hoàng tử đầu đã về chốn tiên bồng, không có người nối dõi, bèn thừa cơ phát động can qua, cầu kết các nước láng giềng, chỉnh đốn trăm vạn tinh binh, tám ngàn tuấn mã, chia làm 5 đạo. Một đạo theo đường Thập Châu, Hoàng Đạo tới núi Quỳnh Nhai mà ra. Một đạo theo đường Tuyên Quang, hai châu Tụ Long, Bảo Lạc mà đến. Một đạo theo đường Ái Châu, núi Tam Điệp mà ra. Một đạo quân thủy theo Hoan Châu, cửa Hội Thống, thủy bộ cùng tiến. Quân thanh chấn động. 

Duệ Vương lo lắng, bèn gọi Sơn Thánh đến hỏi kế sách. Sơn Thánh tâu rằng:

-    Hơn hai ngàn năm nay, các bậc vua thánh hiền đã có sáu bảy. Ơn sâu đức dày, đã thẫm đẫm vào cốt tủy. Mà nay nước giàu quân mạnh. Uy đức của Bệ hạ mở ra nước ngoài. Còn người Thục đã không tự giữ gìn, lại dám dấy động, việc nắm lấy phần thua đã có thể thấy trước. Một khi Bệ hạ xét tội thảo phạt, lấy nghĩa mà phục, thì tất con dân đều theo Bệ hạ mà không theo địch. Việc dẹp mối lo này có gì mà không được. Như tình hình hiện nay, thần xin vì thánh giá mà tự dẫn các tướng tài cùng với 30 vạn binh hùng. Giặc Thục không quá một tháng có thể bình được.

Vua rất mừng, đồng ý. Thế là Sơn Thánh ra diễn võ trường, truyền các tướng đến nhận lệnh. Thứ nhất là hai vị Tả Hữu kiên thần Sùng Công và Hiển Công dẫn hùng binh 5 vạn, tì tướng 50 viên tiến theo đường Ái Châu trừ giặc Thục. Còn lại 4 chi đạo giặc Thục, Sơn Thánh cùng các tướng phân ra tấn công. Sùng Công và Hiển Công bái tạ nhận lệnh, lĩnh binh đường đường mà tiến. Tới trang Quang Diệu, huyện Mỹ Lương thì đóng quân nơi cung sở. Hôm ấy nhân dân trang Quang Diệu làm tiệc bái lễ, xin được theo hai ông dẹp giặc. Hai ông bèn lấy trong trang 7 người họ Đinh, 6 người họ Bùi, 6 người họ Lê, 6 người họ Nguyễn, 3 người họ Hoàng, 3 người họ Trần, 2 người họ Phạm, 2 người họ Trương. Cộng tất cả là 40 người làm gia thần thân tín. 

Ngày hôm ấy đại quân thuyền ngựa song hành, tiếng động dậy cả hai bên bờ sông. Thủy bộ cùng tiến, tiếng sấm vang ngoài ngàn dặm. Quân uy ngùn ngụt như bốc tới trời. Tiến thẳng đến Ái Châu, địa đầu của núi Tam Điệp, cùng với giặc Thục một trận đại chiến, thế như chẻ tre đuổi gió, uy dậy như vặn củi bẻ cành. Bắt sống được chính tướng của giặc Thục, chém ngay dưới cờ, và chém hơn ngàn đầu các quân tướng sĩ của giặc. Thế là đạo quân đầu của giặc Thục đã được hai ông bình dẹp. Còn 4 đạo quân giặc Thục do Sơn Thánh cùng các tướng hiệp sức giao chiến. Bốn đạo quân Thục đều thua to tan tác, một xe không thoát, một ngựa không sót. Người đời sau có thơ vịnh rằng:

Đúng là thước kiếm xua giặc dữ
Liền ngay thành chiếm lại cho vua
Nghìn năm về trước, nghìn năm lại
Quốc gọi là thần, đáng con nhà.

Khi đó Sơn Thánh truyền các tướng hội về một chỗ, làm biểu tâu lên. Vua ban chiếu cho quay về, gia phong tướng sĩ thêm cấp bậc. Phong Sơn Thánh là Nhạc phủ kiêm Thượng đẳng, tăng cấp Sùng Công làm Cao Sơn Đại vương, Hiển Công làm Quý Minh Đại vương. Lúc bấy giờ Sùng Công và Hiển Công tâu với Vua xin Vua cho trang Quang Diệu được miễn đi lính, tô thuế và tạp dịch để sau khi hai ông trăm tuổi làm nơi thờ phụng. Vua hạ chiếu đồng ý. Ngay hôm đó hai ông cùng với các gia thần và nhân dân Quang Diệu nghênh đón chiếc sắc về nơi cung Quang Diệu.

Nhằm vào dịp mồng 6 tháng Giêng là ngày mừng sinh nhật của hai ông, tổ chức ca hát, đấu vật trong 10 ngày. Từ đó hai ông ở cung Quang Diệu. Ngày cùng với một số gian thần của Quang Diệu đi chu du phong cảnh Ái Châu và hai huyện Mỹ Lương, Bất Bạt. Hoặc có lúc săn cáo bắn thỏ, dưới trăng dong buồm nơi sông nước. Hoặc có lúc thích núi vui non, tắm gió mát trong nơi đồng nội. Cứ hàng năm ngày sóc vọng các tiết lớn nhỏ lại về chầu Duệ Vương, chưa từng vắng mặt. Chầu xong, lại quay về nơi cung Quang Diệu mà ở.

Khi Vua truyền ngôi cho Sơn Thánh. Sơn Thánh thay Vua lo chính sự. Được ba năm, Thục Vương gửi thư cầu hòa, xưng thần và nộp cống. Sơn Thánh bèn tâu với Vua rằng:

-    Mười tám đời họ Hùng, lòng trời có hạn nên mới sai Thục Vương thừa cơ đến xâm chiếm. Vẩ lại Bệ hạ sinh 20 con trai đều đã thân về Bồng Lãng, không mong có người kế truyền. Đó không phải là điều đại biến của nước nhà sao? Trước đây Thục Vương tuy có ngông cuồng, nay lại đã xưng thần nộp cống, biết tiến biết lui, đúng là một vị hiền quân. Hơn nữa, Thục chúa tuy là bộ chủ Ai Lao, nhưng cũng là tông phái của hoàng gia. Bệ hạ hà tất chỉ vì yêu mến một cảnh sắc phương Nam mà cưỡng lại ý trời. Thần xin cùng Bệ hạ luyện thuật biến hóa thần tiên, chẳng bằng rong ruổi nơi chốn bất lão Bồng Lai, Lãng Uyển. Gác phượng lầu rồng quyết bỏ tránh nhiễm bụi trần. Xin Bệ hạ nhường cho Thục.

Vua nghe theo bèn gọi Thục Vương đến nhường lại ngôi vị. Xong việc, Vua cùng với Sơn Thánh giữa ngày bay lên trời, hóa sinh bất diệt.

Khi đó Sùng Công và Hiển Công sống ở nơi cung Quang Diệu nghe vậy, than rằng:

-    Thiên hạ nhà họ Hùng đã thuộc người khác.

Bèn mới bày tiệc mời các phụ lão và nhân dân đến uống rượu. Hai ông mới nói rằng:

-    Chúng tôi cùng nhân dân đã có nghĩa xưa, không phải chỉ một ngày, sao nay có thể quên được. Chúng tôi có một cung đền lưu tại nhân dân, làm nơi anh em chúng tôi sau khi trăm tuổi có chỗ tụ lại tinh thần. Vào các ngày sinh ngày hóa của chúng tôi các nghi lễ cần tuân thủ, không thể bỏ được.

Lúc đó nhân dân và phụ lão trang Quang Diệu đều bái tạ nhận mệnh. Hai ông cùng đọc rằng:

Lễ nghi một chốn tụ tinh thần
Vạn cổ khói hương mới mỗi lần
Tuy nói là vui trong cuộc rượu
Quang Diệu lưu tình ngàn vạn xuân.

Đọc xong cùng một số người dân lại theo tiếng hạc, tiếng gió mà chu du bốn biển. Lúc thì reo đàn múa trúc, thơ văn ngân đối đất trời. Nhạc phượng ca loan, sắc thanh thú vị Bồng Lai. Ba nhánh chủ trương trăng gió. Năm hồ dấu tiên thuyền câu. Soi cảnh hội sương khói ngày đêm. Vạn hình mây bay quang cảnh. Nước trong xanh, núi đẹp đẽ, quy lại mảnh áo đất trời. Nam là thánh, Bắc là thần, ra vào một trời phong cảnh.

Một ngày các thầy trò hai ông đến núi Thu Tinh. Hai ông lên núi thăm viếng phần mộ. Bỗng thấy trước mặt có một người râu tóc bạc phơ, chỉ núi Thu Tinh mà rằng:

-    Núi này phàm là người khi chết tất tinh thần sẽ quay về đây, do đó gọi là núi Thu Tinh.

Dứt lời, người đó xuống núi mà không biết đi đâu. Hai ông cùng đọc một bài thơ:

Từ đế vương cùng muôn triệu dân
Quy về sẽ phải tụ tinh thần
Sự truyền khó luận chân hay ảo
Nhớ tên núi đó, lẽ như chân.

Đọc xong thì trời đất tối tăm, sấm gió nổi lên. Nghìn chim tụ tập, trăm thú lại chầu. Từ trên không trung có tiếng đàn hát du dưa. Khi đó Sùng Công và Hiển Công thấy có một ngôi sao lớn từ trong thân bay ra. Hai ông ngồi ngay ngắn trên bàn đá mà cùng hóa (đó là ngày 6 tháng 11). Ngay khi hai ông hóa, những người dân Quang Diệu đi theo mới quay về nói với nhân dân lập miếu thờ phụng. Lúc ấy, Thục chúa nhận ngôi vị, cảm ơn nhường nước của Duệ Vương bèn cho tu sửa miếu điện hoàng gia ở núi Nghĩa Lĩnh để thờ phụng các thánh tổ họ Hùng cùng với ba vị Tản Viên. Tới khi đó các tướng có công giúp nước đều được phong Thượng đẳng phúc thần, sai các hương ấp nơi ở lập miếu phụng thờ, xuân thụ lệnh các quan đến cúng tế, bốn mùa hương lửa, vạn đời duy trì, cùng với quốc gia hưu thịnh. Tốt đẹp thay!

Phong Cao Sơn Đại vương Thượng đẳng thần (bên trái, huý Sùng)

Phong Tản Viên Sơn Quốc chủ kiêm Thượng đẳng thần (chính giữa, huý Tuấn)

Phong Quý Minh Đại vương Thượng đẳng thần (bên phải, huý Hiển)

Cho phép cho trang Quang Diệu, tổng An Lạc, huyện Mỹ Lương phụng sự.

Lại nói, Thục Vương ở ngôi được 50 năm, có người Chân Định họ Triệu tên Đà dẫn quân đến đánh, nên nhà Thục mất. Triệu Đà được nước, cha truyền con nối, 5 đời làm vua. Từ đó đất Việt ta thuộc Hán. Đến Đông Hán Quang Võ lấy Tô Định làm Thái thú đất Việt. Định là người tham tàn, bạo ngược, xâm chiếm trung nguyên. Họ Triệu tàn thương, không người cứu giúp. Đến khi có người cháu gái Hùng Vương là Trưng nữ tướng quân, tên là Trắc Nương, cùng với em ruột là Nhị Nương, nổi chí oai hùng, dẫn quân đến đánh. Đến Mỹ Lương lập đàn cầu đảo Thánh tổ họ Hùng cùng với ba vị Tản Viên. Đến khi đuổi được Tô Định, Trắc Nương lên ngôi, tự lập làm Vua, mới phong thêm mỹ tự Cao Sơn hiển ứng hộ quốc Đại vương, Quý Minh khang dụ linh ứng Đại vương. Sắc chỉ ban về trang Quang Diệu, trùng tu miếu điện để phụng thờ. Từ đó về sau trải qua các triều Tiền Lý, Đinh, Lê, Lý, Trần cùng với hoàng triều ta mở tạo cơ đồ lớn, thường có giúp nước giữ dân, cầu mưa cầu thời đều có nhiều linh ứng. Nên có nhiều đế vương phong thêm mỹ tự để ức vạn niên hương lửa vô cùng.

Phụng khai các tịch sinh hóa cùng với các chữ húy nhất thiết cấm. Ba chữ Tuấn, Sùng, Hiển cùng với chữ húy của thánh phụ, thánh mẫu đều cấm. Các sắc phục màu vàng cũng cấm.

Ngày 6 tháng Giêng là sinh thần, lễ khánh hạ (dùng bánh trôi, bánh chay, bánh mật hoặc thịt trâu, xôi, rượu, ca hát, đấu vật trong 15 ngày).

Ngày lễ mừng sắc phong vào 12 tháng 8 (dùng lợn đen, xôi, rượu, ca hát một ngày đêm).

Ngày hóa là ngày mồng 6 tháng 11 (dùng bánh trôi, bánh chay, bánh mật, các đồ thịt trâu, xôi, rượu).

Hoàng triều Vĩnh Hữu năm thứ 3, tháng giữa xuân, ngày tốt.

Hàn lâm viện Đông các đại học sĩ, thần Nguyễn Bính phụng soạn.

Quản giám bách thần tri điện Hùng lĩnh thiếu khanh, thần Nguyễn Hiền, tuân theo chính bản phụng sao.

Dịch từ bản khai thần tích năm 1938 của làng Quang Diệu, tổng Bằng Lộ, châu Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình.

Đền Măng Sơn, xã Sơn Đông, thị xã Sơn Tây





No comments:

Post a Comment