Đền Lăng Sương |
Trong thời Hùng Duệ Vương ở động Bình, châu Thuận Bình, phủ Triệu Châu, xứ Thuận Hóa có một trưởng bộ, họ Đinh tên Bích, lấy vợ ở trang Hạ, xã Cao Quần, huyện Chân Định, phủ Kiến Xương, xứ Sơn Nam, họ Dương tên Hằng. Vợ chồng tuổi đã ngoài 40 mà chưa thấy lan quế trước nhà nhập mộng, bèn cùng lên chùa Tây Thiên núi Tam Đảo cầu tự. Trời tối lưu lại ở chùa để cầu ứng mộng. Thái bà mộng thấy một ông lão râu tóc bạch phơ nói với Thái bà rằng:
- Hãy nghe mệnh! Thiên Đế lệnh cho ta đem một viên ngọc trắng giao xuống cho.
Lão ông giao cho Thái bà, lại ngâm tụng rằng:
Trời cao có nẻo chiếu nhân gian
Có phúc đều do phúc báo hoàn
Ngọc báu nay ban cho đến chỗ
Đảo Sơn, Tản Lĩnh đối cùng ngang.
Ngâm xong lão ông bay lên trời biến mất. Thái bà cầm ngọc cất vào trong bụng. Bỗng nhiên tỉnh lại, mới biết là nằm mộng. Bèn đem việc này kể lại với Trưởng ông. Vợ chồng ra về. Sau đó trăm ngày, đang khi giữa giờ Ngọ, bỗng thấy một con chim lạ lông cánh năm sắc, chân mỏ màu đỏ, từ trên trời hạ xuống, bay thẳng vào trong nhà. Xung quanh phòng trong nhà trong chốc lát đều sáng bừng lên. Thái bà thấy vậy tự nhiên chuyển ý mà hoài thai. Tới ngày 6 tháng Giêng năm Kỷ Sửu vào buổi tối Thái bà mơ thấy một người con gái rất đẹp, theo mây từ từ mà hạ xuống, đi vào nhà. Thái bà muốn hỏi thì bỗng nhiên tỉnh dậy, thấy trời đã sáng.
Tới ngày mồng 7 giờ Tỵ sinh hạ một người con gái, phong tư đẹp lạ, cốt cách thanh kỳ, thân tự phát ra mùi hương thơm ngào ngạt. Được trăm ngày mới đặt tên là Đinh Thị Ngọc. Lúc Nương lên 3 tuổi trong động có một gia tộc lớn họ Mãn, nhà giàu có, kiêu ngạo ngang ngược, đem lòng kết bè đảng, muốn giết hại Trưởng ông. Buổi tối đó dẫn hơn trăm người cầm khí giới xông vào nhà Trưởng ông. Trưởng ông biết chuyện bèn cùng với gia quyến chạy thoát. Bè đảng đốt nhà, lấy hết tài sản.
Lại nói, Trưởng ông từ khi bị nhà họ Mãn làm hại đã dẫn gia quyến đi vào trong núi sâu, không quay lại nữa. Đi hơn mười ngày đều dựa vào châu động, rừng núi cùng mãnh thú hổ báo, lại không biết đường ra, lạc ở trong rừng. Trưởng ông mới ngửa mặt lên trời mà than dài. Bỗng thấy có một lão ông thần cao 7 thước, quần áo mây gấm, vừa đi vừa cười, rồi đọc rằng:
Trong thân có ngọc cớ sao lo
Còn cười trời được, thật là ngô
Người lòng trong sạch đâu sợ nạn
Cuối cùng sẽ được việc không ngờ.
Trưởng ông nghe lão ông hát biết là ý trời muốn trêu ngươi, bèn mới vui mừng hỏi rằng:
- Lão ông từ đâu đến đây? Nơi này không thấy đường, mây mù u ám, không biết đường nào mới ra được chỗ có dân cư. Xin lão ông chỉ dạy, sẽ nhớ ghi ơn hậu này.
Lão ông ngửa mặt lên trời cười mà đọc rằng:
Đường mây lớp núi thấy trùng trùng
Người được ý này dễ thoát chung
Một phiến mây trùm trên bảo ngọc
Hướng Tây đi tới chỗ người cùng.
Lão ông đọc xong thì bay lên không mà đi. Trưởng ông bèn ngửa mặt lên xem xét, thấy một đám mây màu nhạt phủ bay trên trời phía trên đầu Ngọc Nương. Đám mây trôi đi trước. Ông cùng Thái bà và gia quyến nhìn mây mà đi theo hướng Tây. Được vài bộ thì thấy một tảng đá lớn chắn đường, không có lối đi. Ông bèn xem xét ở quanh tảng đá, thấy một hang đá. Ông chui vào hang đá lại thấy trong hang có một con đường nhỏ.
Ông cùng vợ con lách người mà đi, vượt qua hang đá thì mở thành đường lớn. Trong khoảnh khắc đã tới châu Hoan (tức nay là Nghệ An), qua đền Khổng Tước (tục gọi là điện Cuông). Ông lại thấy lão ông đã chỉ đường ở đó, đang đi vào trong đền. Ông bèn đi theo. Khi vào trong thì không thấy đâu nữa. Ngửa lên xem phía trên đền có dòng chữ lớn khắc trên biển được trang trí bằng vàng sáng láng, đề rằng:
“Hùng Vương điện, Nam Thiên Thánh tổ”.
Ông biết đấy là Hùng Vương đã xuống răn dạy. Ông bèn làm lễ bái tạ trước điện. Lại đi tới châu Ái, đến châu Đà Bắc. Ông bèn ở đất đó. Ông vốn thạo nghề phong thủy, thường đi tìm xem đất. Người dân ở các châu động tại Đà Bắc đều kính phục, cử làm thầy tướng địa lý. Ông cùng với vợ ở đó, qua được 7-8 năm, trở nên giàu có phong lưu.
Khi ấy ở động Lăng Sương có một trưởng bộ, họ Nguyễn Cao tên Hành, gia thế giàu có, thạo việc cung tên, thường đi săn bắn. Ông tuổi đã cao mà nhưng chưa thấy mộng lan quế. Thái bà mất sớm. Lúc ấy Cao Công nghe tiếng Đinh Công ở Đà Bắc là một người tốt. Cao Công thường đi săn ở nơi ấy, để mong kết bạn. Một hôm Cao Công thấy em gái của Đinh Công (tức là bà Thị Điên), có ý yêu mến, nhờ mai mối đến hỏi cưới. Đinh Công bèn gả cho. Hôn lễ xong Cao Công đón về nhà ở động Lăng Sương chung sống.
Đinh Công đi ngắm phong cảnh đồng nội, lại thấy núi cao muôn vẻ, sông chảy miên man, non nước như vẽ, cây cối sum xuê, chim ca vượn hót véo von, đài phượng gác mây lung linh, thành một cảnh đệ nhất trời Nam. Đinh Công thấy địa hình sơn thủy hữu tình, mới hứng khởi mới làm một bài thơ rằng:
Tạo hoá sinh thành tú khí linh
Lăng Sương đất ấy bốn kỳ hình
Lầu rồng gác phượng sinh hiền chúa
Voi phục rùa chầu xuất thánh minh
Giếng ngọc giấu châu, sinh bất diệt
Ấn đeo bình bạc, thọ mà vinh
Dân phong thuần hậu cùng vui vẻ
Khắp chốn chầu tôn đất tối linh.
Lại nói Đinh Công cùng Cao Công chơi được vài chục ngày lại về Đà Bắc. Khi ấy Ngọc Nương đã 16 tuổi. Môt hôm, Thái bà không bệnh tự nhiên hóa. Ông bèn chôn cốt tại đó (tức động Thanh Khê châu Đà Bắc). Đươc vài năm sau Cao Công đón Đinh Công về động Lăng Sương. Từ đó Đinh Công đến ở tại Lăng Sương. Cao Công tuy là em rể nhưng coi anh như cha mẹ ruột vậy.
Lại nói, Đinh Công ở đó được 3-4 năm thì chẳng may bà em họ Đinh lại mất (tức là vợ của Cao Công, em của Đinh Công tên là Đinh Thị Điên). Trong lúc lâm chung có để lời lại cho người cháu hiền quyền lấy Cao Công. Đinh Công thương tình Cao Công là người có nghĩa, bèn đồng ý gả. Ngày qua tháng lại, được hai năm rưỡi, một hôm (ngày 25 tháng 4) trời đẹp, hai ông quay về Đà Bắc thăm phần mộ của Thái bà. Qua một tháng, lại trở về nhà. Đến ngày 25 tháng 12 năm Ất Mão, trời đông, hai ông đi săn đến chỗ chợ (tức là chợ Lăng Sương), cùng nhau uống rượu rồi ra khe nước mà tắm rửa (ở bên cạnh chợ có một cửa khe giếng nước). Tắm xong lại lên vào chợ, rồi bỗng nhiên bị đau đồng mà cùng hóa.
Thái bà làm lễ an táng ở nơi đó (tức chợ Lăng Sương). Trong 3 năm các tiết, đều làm lễ tuần chay 49 ngày, làm trọn lễ hiếu. Ruộng đất của nhà chia mười phần, chỉ giữ lại một. Thái bà mới dựng nên một gian nhà cỏ ở ngoài khu dân cư nơi đầu ruộng cạnh chỗ giếng nước (giếng này có đất đẹp quý cuộc, mạch dẫn Canh Tân, thế hợp Đinh Quý, trái phải có voi ngựa rồng hổ phượng chim, hình người đang bái, nhất nhất quay đầu cùng lại chầu, ở ngay phía sau có một động cao làm đài lầu, phía trước có dòng nước ở minh đường, cùng với giếng thành hình chữ Ngọc).
Lại nói, Thái bà từ khi đến ở đất đó, mỗi tháng hai kỳ sóc vọng đều thấy hổ về nơi đó nằm chầu trước sân một lúc rồi đi. Tới năm Đinh Tỵ vào ngày 14 tháng 1 vào đêm Thái bà đang nằm mộng thấy một vị quan y phục cân đai chỉnh tề, cưỡi một con ngựa trắng đến thẳng nơi Thái bà đang nằm, tay cầm một bức chiếu chỉ rồng, quỳ mà tuyên đọc rằng:
Thiên thần xuất thế đã đến nay
Vâng mệnh Thiên tào báo sự đây
Hiền nhân Đinh Thị rồi sinh Thánh
Quyền cai thần chưởng Lăng Sương này.
Đọc xong thì bay lên mà đi. Thái bà tỉnh lại thấy trời đã sáng. Ngày hôm đó (ngày 15 tháng Giêng), Thái bà ngồi trên bàn đá trắng, bỗng có mây bây năm màu, hòa quang sáng lành. Đến giờ Thìn sinh được một người con trai, dáng vẻ tuấn tú, cao lớn hơn người thường nhiều lắm. Rồng phun nước tắm, hổ ngậm đá đỡ cho bụng Thái bà (tới nay ở đền hiện vẫn còn hòn đá chèn và bàn đá ở bên giếng).
Lại kể được trăm ngày sau mới đặt tên là Nguyễn Tuấn. Khi Công được 6 tuổi, mẹ con một mình cô đơn, không có cách sinh nhai nên mẹ con cùng dẫn nhau tới núi thiêng Thứu Lĩnh Ngọc Tản (tức là chính ở tại xứ Mang Bội, châu Thủ Pháp, tổng Hoằng Nhuệ, huyện Thanh Xuyên) trú ở nơi đó. Lại cùng với một lão bà kia trên núi tên là Ma Thị (do ở nơi đất là Bùi nên người ta gọi là bà Bùi) Cao Sơn Thần nữ. Được ba năm quay về động cũ Lăng Sương (Tuấn Công khi 12 tuổi đổi tên là Nguyễn Tùng), có chí cho việc học hành. An bần lạc đạo, thật là có đại chí vậy.
Lại dẫn mẹ đến núi Tản Viên ở cùng mẹ nuôi. Được một năm rưỡi, Đinh bà mộng thấy có một tấm thẻ rồng treo trên tường trúc đề rằng:
Một áng mây hồng đến nhân gian
Mới gọi Tiên nương lên Quảng Hàn
Việc đời qua đi còn là thánh
Núi thiêng hương lửa mãi muôn vàn.
Đinh bà tỉnh lại, thuật lại mộng cho con nghe. Nguyễn Công mới tạ Ma Bà, mẹ con trở về nhà ở Lăng Sương. Sau 4-5 ngày, một hôm (ngày 12 tháng 6) Đinh bà đi ra ruộng cấy lúa, quay về sân, bỗng thấy một đám mây trắng từ trên trời hạ thẳng xuống, tự nhiên mà hóa. Nguyễn Công cùng với người trong động khi đó đang làm lễ chôn cất thì mối xông thành mộ (ở tại nơi góc ruộng có cửa giếng, có bàn đá, là nơi nhà ở trước đây sinh Tùng Công).
Lại nói, Nguyễn Công từ khi thân mẫu qua đời, gia cảnh trở nên khốn cùng. Một hôm vào buổi chiều tối thấy một lão bà từ ngoài đi vào trước sân nói rằng:
Người con côi!
Người con côi!
Quân tử vốn khó khăn
Hồng nhan nhiều gian nan
Con hiếu sẽ được yên
Muốn lập thân thành nên
Hãy về với mẹ nuôi
Dựa vào núi Tản thiêng.
Lời dứt thì biến mất. Tùng Công biết là mẫu thân dạy vậy, bèn quay về với lão bà Ma Thị mà ở. Đến một hôm lên núi Tản Linh chặt một cây to cành lớn. Trong hôm đó về báo cho người trong động (tức động Mang Bội) cùng lên chặt gỗ. Nhưng mà ngày hôm sau đến nơi, thì thấy cây gỗ cành lá vẫn xuân xanh, tươi tốt. Nguyễn Công lấy đó làm sự lạ thường, bèn lại một lần nữa chặt cây, rồi giả như đi về, quay lai nơi ấy để xem ra sao. Đến ban đêm thấy một ông lão thần cao hơn một trượng, tay phải cầm một cây gậy trúc, theo sau có một hề đồng cầm một cái chuông đồng, lắc liền ba hồi. Lão ông miệng niệm thần chú, dùng gậy mà chỉ. Bỗng thấy vụt kéo tới một trận sấm gió bồng bột, trời đất chao đảo. Cái cây hồi sinh.
Nguyễn Tùng nhìn thấy rõ ràng bèn chạy lại nơi cây cổ thụ, hai tay ôm lấy ông lão mà hỏi rằng:
- Ông lão từ đâu đến đây? Từ đâu đến đây? Tên cụ là gì? Sao vì thương xót một cành cây già mà phụ nỗi mong mỏi của người dân?
Ông lão rằng:
- Ta là đại thần tinh núi, tên gọi Thái Bạch Thần Tinh Tử Vi Thiên Tướng, vâng sắc chỉ của Ngọc Hoàng xuống trông giữ vùng núi non. Nay cái cây này là cây ngô đồng quý, giúp thánh ra đời, chính là mộc chủ trong núi Ngọc Tản, không thể chặt được.
Nguyễn Tùng chắp tay vái mà nói:
- Lời nói của thiên tướng đã làm sáng tỏ lòng mong mỏi một bề. Tùng tôi nay nguyện được nhận gậy thiêng cùng với thần chú để cứu việc sinh tử người đời, để báo ân sâu cha mẹ, sau là để đáp ơn ban phúc, khỏi phải đi kiếm củi nuôi mẹ nữa.
Ông lão nghe lời nói biết là bậc đại hiếu, không phải dạng người thường, bèn lấy gậy thiêng cùng thần chú giao cho. Lại nói rằng:
- Một đầu gậy có thể cứu sống người. Đầu dưới có thể trừ diệt hại. Hãy cẩn thận! Hãy cẩn thận! Không thể! Không thể!
Nói xong bay lên không mà đi. Nguyễn Công từ khi được gậy và chú, vui mừng liền trở lại núi thiêng, bái tạ mẹ nuôi mà nói rằng:
- Con nay có được gậy thiêng của thiên thần, có thể cứu được sự sinh tử thế gian.
Việc xong thì về động cũ Lăng Sương, nhân từ đó xưng là Thần vương. Mọi người trong động đều kính phục. Thần Vương sửa sang lại lăng mộ của cha mẹ, làm lễ bái yết, nhờ thác nhân dân lo việc hương đèn. Mọi người đều nhận việc đó (hôm đó là ngày 4 tháng 4).
Hôm đó Thần vương đi qua thôn Cốc sách Thủy Pháp. Nơi ấy hay bị voi hổ làm hại. Thần vương đến nơi, thấy trăm con voi hổ đang ngậm 5-6 người sách Thủy Pháp. Thần vương lấy gậy chỉ vào, tức thì hồ về Bắc, voi sang Đông, bỏ người xuống đất. Thần vương lại chỉ đầu sinh của trượng, những người đó đều sống lại. Nhân dân hôm ấy (5 tháng 5) đều làm lễ xin làm thần tử. Thần vương đồng ý.
Thaàn vương lại đi đến bãi Trung Độ trang Ma Xá (cũng gọi là Trường Sa). Trên đường thấy đám trẻ chăn trâu cùng đánh chết một con rắn đen. Thần vương nói với lũ trẻ chăn trâu rằng:
- Cho ta mua lại con rắn này.
Lũ trẻ đồng ý. Thần vương lấu 36 văn tiền mà mua, đem tới bãi Trường Sa, miệng đọc thần chú lấy gậy thiêng mà chỉ. Con rắn sống lại. Rắn đen cúi đầu, trên đầu có chữ Vương, bái tạ Thần vương.
Thần vương tự đứng xem, thấy rắn phân nước thành đường, mới biết đó là con của Long Vương.
Rắn đen về đến Động Đình đem sự việc tâu với Đế quân. Đế quân lập tức sai Thái tử đi đón Thần sư, từ tạ dưỡng mẫu, mà theo sứ đến Thủy cung. Đế quân ngồi ở chính tòa, mời Thần sư đến bên phải long sàng, phán rằng:
- Giống rồng Đông cung là Thái tử của Trẫm. Hôm qua đi chơi gặp sự biến Trường Sa, may được Ngài cứu khỏi. Hôm nay mời đến muốn để báo đáp tấm tình.
Thần vương tâu rằng:
- Ngày trước cứu giúp là bởi thấy có lòng nhân. Hôm nay lại được gần với vẻ rạng ngời của Đế quân, đâu dám mong báo đáp.
Hôm đó mở yến tiệc lớn. Sự xong Đế quân muốn tạ ơn bằng vàng bạc châu báu. Thần vương cố từ chối không nhận. Thái tử khi đó nói riêng rằng:
- Đế quân có một cuốn sách thần, phép lạ bí truyền, kinh thiên triệt địa đều ở trong cuốn sách thần đó. Nếu Thần sư muốn thứ đó tôi sẽ tâu riêng với Đế quân ban cho.
Thần vương nói: Được.
Thế là Thái tử tâu riêng với Đế quân mang sách thần đem cho Thần vương xem. Có được sách thần, bèn từ biệt Thủy cung.
Lại nói, Thần vương về động Lăng Sương, lấy trượng cầu chú, dùng sách mà ước, tự nhiên hóa thành lâu đài vạn vật, rồi đem hành lễ ở lăng của mẹ và cha. Xong quay về núi Tản Linh nói với dưỡng mẫu rằng:
- Từ thủa nhỏ con đã ở cùng với mẹ. Công đức của mẹ cao như trời vậy. Ngày nay con về đây xin nguyện thần vận quỷ dẫn cho một chút để báo đáp công đức ấy.
Bèn lấy sách thần mà ngầm cầu trời đất đọc ước cho một lần biến hóa. Tự nhiên thấy tiền đồng trăm vạn quan rơi xuống. Thần vương lấy đó mang vào dâng tạ ơn. Ma bà thấy tấm lòng thành thật đó, thầm mong vạn sự được đủ đầy, bèn lấy những vật rừng núi của mình đem trao cho Thần Vương. Nên bèn lập một đạo chúc thư, Ma Thị Cao Sơn Thần nữ tự ký.
Sự xong, Thần vương lại mẹ nuôi chung sống. Được một năm Ma Thị mắc bệnh mới gọi Thần Vương lại mà dặn lại rằng:
- Sau khi mẹ Ma Thị mất, Vương lập cho một cỗ thọ đường đặt ở miếu đường phụng thờ cho tỏ đạo hiếu.
Thần Vương lĩnh mệnh. Hôm ấy bà Ma Thị mất. Thần Vương làm lễ chôn cất (lăng này chôn ở vực núi Đãng Khô sách Phương Giao huyên Thanh Xuyên, nay vẫn còn).
Lại kể rằng Thần Vương trở về nơi động Lăng Sương cùng với Tả Hữu Kiên Thần (tức là cháu chắt của bà Ma Thị) xem như anh em cùng một bọc, phù tá hai vai. Khi ấy Thần vương về động Lăng Sương, hôm đó bèn truyền nhân dân thiết lập 2 bệ cùng với 2 cột đồng ở tại nơi lăng (tức mộ tổ của Đinh Công và Nguyễn Công), mà làm gia quán kỷ cương. Từ đó các châu động trang sách đều là thần tử. Hàng ngày hứng khởi đàn ngâm. Hoặc luyện thuốc trường sinh, đi du ngoạm non xanh nước biếc, bay lên khó biết, biến hóa vô cùng, thật là bậc thánh trên đời vậy.
Lại kể khi đó cơ đồ họ Hùng đến lúc mạt suy. Duệ Vương sinh được 20 hoàng tử nhưng đều lần lượt theo nhau về cõi tiên. Rồi sinh được 2 con gái. Công chúa Tiên Dung về sau gả cho Chử Đồng Tử. Còn lại công chúa Mị Nương nhân duyên định ước còn chưa đến kỳ. Vương muốn tìm người tài mà gả để tiếp nối ngôi báu, bèn lập một tòa lầu ở cổng thành Việt Trì, tên đề “Lầu cầu hiền kén rể”. Truyền hịch đi khắp thiên hạ thần dân trăm họ. Bút văn múa mà hình rồng động. Trận võ bày mà hổ báo khiếp. Bốn bể anh hùng. Tuy nhiên đều là được mặt này mà mất mặt kia, không có toàn tài, khó để xưng nhận vậy.
Lại nói, khi đó có Tản Viên Sơn Thánh gửi thư cho Thủy Tinh cùng đến kinh thánh, vào tâu trước ngự tiền rằng:
- Chúng thần thẹn vì tài hèn, may sinh ra trên nước của Vua. Trộm nghe Thánh thượng mở khoa lớn chọn rể. Chúng thần đến muộn, xin Vua ngự cho thử thi tài, may thì không ngoài hịch chiêu hiền vậy.
Vua bèn rời giá đến lầu để xem thi. Thế là Sơn Tinh đến ngồi ở đầu sông. Thủy Tinh quay về đáy nước, biến ra muôn hình vạn trạng, xuất quỷ nhập thần, biến hóa mù mịt. Sơn Tinh tay trái cầm sách, tay phải cầm gậy, miệng ngâm thần chú mà chỉ. Tức thì kỳ kỳ quái quái đều theo đầu gậy mà biến hết. Lại rời núi Ngũ nhạc ra giữa sông lên cao ngàn vạn trượng sánh trời đất.
Hai người làm phép biến hóa đều là huyền diệu. Vua không biết gả cho ai, quay giá về cung, gọi lại nói rằng:
- Trẫm chỉ có một viên ngọc Lam Điền. Nay hai khanh đều thật là anh hùng. Hôm nay xem ra không thể thẩm định được thắng thua thuộc về ai. Nếu ai mang được sính lễ đến trước, Trẫm sẽ gả cho.
Thế là Thủy Tinh quay về Động Đình để cầu tìm vật lạ. Sơn Tinh xuống ngay dưới lầu, tay lấy sách thần đọc mật chú. Bỗng thấy voi trắng chín ngà cùng các kỳ trân dị vật từ trên trời hạ xuống. Trời còn tối vào giờ Tý thì đem sính lễ vào lầu rồng. Vua mới gọi công chúa lại mà gả cho Sơn Tinh đón hôn.
Sơn Tinh đi khỏi thì tới giờ Mão Vua thấy Thủy Tinh mang lễ vật đến. Vua nói:
- Trẫm theo như ước, Sơn Tinh đã đem sính lễ đến trước rồi.
Thủy Tinh trở về.
Lại nói, khi ấy Duệ Vương trị nước đã 115 năm, mới muốn nhường ngôi cho con rể. Sơn Thánh cố từ chối không nhận. Vua lại rằng:
- Hùng đồ đã mạt cho nên mới cầu tài nối ngôi. Ngài không nhận thì còn ai trong nước này nữa?
Sơn Thánh còn do dự chưa quyết. Khi đó vào năm Ất Mùi, Thục Vương khởi binh đến xâm phạm bờ cõi. Vua khiển Sơn Thánh cùng với Tả Hữu kiê thần trong ngày (15 tháng 5) đại hội đãi quân sĩ, rồi tiến về kinh thành với quân cả nước là 3 vạn, tiến đến Mộc Châu. Sơn Thánh một mình ngồi ở đầu núi, cầm sách đọc mật chú. Bỗng nhiên từ tren trời giáng xuống một vị đại thần tướng, thân cao 5 trượng, dưới chân có dây lửa vạn nhận, cầm một cây tiêu gỗ dài 30 trượng, đứng bên trái của Sơn Thánh (sau phong là Tá Thánh, cũng thờ phụng ở đền Tản Viên Sơn) mà thôi. Một trận sấm gió nổi lên, gẫy cây bạt nhà, cát bay đá chạy. Quân Thục đại loạn bỏ chay. Phục binh bốn hướng xông đến, bắt sông không thoát. Thần tướng bay lên trời. Sơn Thánh khải hoàn. Vua mở tiệc, phong cho các công thần.
Được hai năm Thục Vương lại dấy binh phục thù. Vua triệu Sơn Thánh. Sơn Thánh nhận mệnh tiến thẳng đến đồn chính của quân Thục, đại chiến một trận, lấy được ấn tín của Thục. Mới viết rằng:
- Nước Nam có thần tướng, chớ nên khinh động. Đợi khi có chiếu đến hãy tấn công.
Tướng Thục tuân lệnh, kiên trì phòng thủ không đánh. Sơn Thánh tay cầm gậy, miệng ngâm thần chú mà chỉ. Bỗng quân Thục đại loạn. Sơn Thánh đại phá, số chết không kể, số sống bắt đem về kinh sư. Sơn Thánh khải hoàn. Vua bao phong Sơn Thánh, lại tặng phong Đinh Thái bà cùng Tả Hữu kiên thần, cho phép dân hộ nhị Lăng Sương được miễn tất cả các tạp dịch. Đều phong cho làm làng hộ nhi quý ấp.
Phong Tản Viên Sơn Thánh Mẫu Đinh Phi chủ Ngọc bệ hạ.
Phong Tả kiên thần Cao Sơn hiển ứng Đại vương.
Phong Tản Viên Sơn Tam vị chiêu dung hiển ứng Nhạc phủ kiêm Thượng đẳng thần Ngọc bệ hạ.
Phong Hữu kiên thần Quý Minh linh hiển ứng Đại vương.
Sơn Thánh trở về Lăng Sương. Qua hơn một tháng, tới ngày 10 tháng 11 thì về quốc đô. Duệ Vương nhường ngôi, Sơn Thánh cố từ chối không được, nên giúp nhiếp chính. Được mấy năm Sơn Thánh bàn rằng:
- Cơ đồ họ Hùng trải thời gian đã dài, ý trời tất nhiên có hạn nên mới sai Thục Vương hai lần lại gây hấn. Vả lại Thục Vương là bộ chủ Ai Lao, cũng là tông phái của hoàng đế trước đây. Nên Bệ hạ và thần học lấy thuật thần tiên. Chi bằng chốn Bồng Hồ, Lãng Uyển mà tiêu dao bất lão. Chí ấy mới thật là cao vậy.
Vua nghe theo bèn gửi thư cho Thục Vương. Thục chủ sai sứ đến tạ. Vua nhân đó ban cho nỏ thần, rồi về núi Nghĩa Lĩnh, hẹn cùng Sơn Thánh và công chúa Mị Nương, hôm đó (5 tháng 5) cùng nhau giữa ban ngày mà bay lên trời, hóa sinh bất diệt.
Kể đến Thục An Dương Vương được nước, cảm ơn nhường ngôi của Duệ Vương và Sơn Thánh lớn như trời đất, bèn dựng lập dao đài với hai cột đồng ở núi Nghĩa Lĩnh. Lại rời giá đến núi Tản Viên tu sưa đền miếu, làm lễ bái tạ công đức lạ kỳ đó, rồi xa giá về kinh thành. Triệu các tông phái của Duệ Vương và Sơn Thánh cùng với các quê làng quý ấp, các cung chốn phụng thờ, tất cả đều ban làm làng trung nghĩa, trưởng tạo lệ. Lại cấp cho ruộng ở tại làng để phụng thờ cùng với sự lành quốc gia, vạn năm không dứt, vạn cổ trường tồn.
Tự Đức năm thứ 3 ngày 15 tháng 10.
Tiền triều Hồng Phúc năm thứ nhất ngày 10 tháng Giêng Hàn lâm viện Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính vâng soạn.
Năm Vĩnh Tộ thứ 20 ngày tốt tháng 2 Quản giám bách thần Tri điện Hùng lĩnh thiếu khanh Lê Nguyên Hải theo như bản cũ vâng chép.
Nay sĩ tử Nghệ An Song viện quán Hoàng Sĩ Đoạn lại theo như nguyên bản vâng sao chép.
Dịch theo bản khai thần tích năm 1938 của làng Lăng Sương, tổng Tu Vũ, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ.
Ban thờ Đinh Phi Thánh mẫu ở đền Lăng Sương. |
No comments:
Post a Comment