Saturday, April 24, 2021

Ngọc phả về đức Thánh mẫu Triệu Thị Khoan Hòa ở Xuân Lãng

Ngọc phả được ghi trong bản khai thần tích thần sắc năm 1938 của Thôn Miêng Lương, làng Yên Lan, tổng Xuân Lãng, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Yên. 
Chùa Quảng Hựu (Thanh Lãng)

Hiệu ngài là Quốc mẫu Hoàng hậu Công chúa, húy là Khoan Hòa, tên gọi thường là đức Quốc mẫu.

Ngài là: Thiên thần.

Ngài vốn là dòng dõi vua Thục An Dương Vương, ngày sinh không biết, ngày hóa là ngày 11 tháng 11. Ngài hiển thánh về đời vua Trần Nhân Tôn và vua Trần Dụ Tôn.

Sự tích hiện có sách ngọc phả. Sách ngọc phả ấy từ Hồng Phúc nguyên niên, mạnh hạ cát nhật, Hàn lâm Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính phụng soạn. Đến Cảnh Hưng nhị thập ngũ niên, trọng xuân cát nhật Quản giám Bách thần Tri điện Hùng Lĩnh Bá thần tái nguyên bản phụng tả.

Cứ theo trong ngọc phả sao diễn ra rằng:

Ngài vốn là dòng vua Thục An Dương Vương lấy cháu sáu đời vua Triệu Vũ Đế là vua Vệ Dương Vương. Nhưng gặp thời nhà Triệu thất quốc, bên Hán sai tướng là Lộ Bác Đức với Dương Bộc hai tướng đem quân sang đánh nhà Triệu, bắt sống vua Vệ Dương Vương về Hán. Nghe ngài là người nhan sắc phương phi, nhân gian tuyệt phẩm, lại sai quân muốn bắt đem về. Nhưng ngài lánh đi được, đến huyện Chu Diên, xã Thanh Lãng (tức là xã Yên lan, chùa Quảng Hựu). 

Ngài trú ở chùa ấy, nhưng nghĩ rằng phải lúc nhà vua mất nước, không lòng cấm tịch phong lưu, lâu đài phú quí mới cắt tóc làm người ni, dốc lòng niệm Phật, thú vị thiền lâm. Được một hai năm thanh nhàn tự tại, gặp lúc trời quang trăng sáng ra đón mát ở cửa gác chuông, rồi ra tắm mát ở cái giếng phía Đông chùa ấy. Khi về nằm nghỉ, đến nửa đêm mộng có một thần nhân, đầu đội mũ lông, mình mặc án hoa từ trên trời sa xuống đứng trước mặt ngài bảo rằng:

- Người là Hoàng vương hậu phu. Tôi là Áp thần bản thổ. Sao bây giờ mới biết nhau.

Ngài chợt tỉnh dậy mới biết rằng thần nhân lại hiếp. Trong lòng có khác. Đầy kỳ sinh được một bọc năm trứng, tục gọi là nhất bào ngũ noãn. Càng ngày càng lớn. Hương nhân lấy làm điềm lạ, được 90 ngày sinh hóa được 5 vị con giai. Ngài nhân lấy làm y như mộng trung sơ kiến mới đặt tên năm ông là Áp Lương. Kịp đến khi năm ông trưởng thành, tài sức hơn người, văn hay võ mạnh, có chí phù vương giúp nước. Nhưng đến bấy giờ là ngày mồng mười tháng mười một năm ấy, ngài tuổi 60. Ngài mất ở chính tẩm chùa ấy.

Năm ông con cùng người làng mấy đạo trang đem nghinh táng ngài ở xứ gò Minh Lương. Ba năm xong trở, gặp thời vua Đông Hán sai Tô Định sang làm Thái thú bên này. Tô Định là người tham tàn bạo ngược, giết hại nhân dân, các nơi dứt khổ. Bà Trưng phu nhân là người huyện Mê Linh, thực là nữ trung anh kiệt, quyết đoán sự cơ, tài nghề vũ dũng, muốn đem lại giang sơn nước nhà, thu được nữ tốt hai ba nghìn người, nhưng chưa tìm được người đàn ông thao lược ninh cơ. 

Bấy giờ năm vị con đức Thánh mẫu chúng con, cùng nhau họp tập được tướng tài quân sĩ hơn nghìn người ra yết kiến bà Trưng ở cửa sông Hát Giang. Bà Trưng trông thấy năm người đều là anh hùng kiêu dũng, nan đệ nan huynh, gươm đòng sáng quắc, quân mạnh tướng bền. Bà Trưng lấy làm mừng rõ, có thể giúp ta lấy lại được giang sơn. Nhân đặt yến đại hội thết đãi năm ông cùng quân sĩ. Hỏi rõ họ tên năm ông, bấy giờ mới phong một ông làm Triều Đình Áp Lương tướng quân. Một ông phong làm Giám Sát Nhung Vụ tướng quân. Một ông phong làm Điều Lương tướng quân chuyên vận xướng mễ. Một ông phong làm Cương Đoán tướng quân, hướng tiền đại lộ. 

Phong tước xong rồi, bấy giờ Bà Trưng mới di hịch cho các quận huyện châu trang động sách, kịp quan lang phụ đạo đều đem quân đến thề, cùng cố sức cần vương, đồng tâm báo quốc, dẹp yên Tô tặc, đều hưởng giàu sang.

Trong một tháng Bà Trưng thu được năm sáu vạn người, binh uy cả nước. Đánh được quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố các quận. Bà Trưng lại sai năm ông đem quân thủy lục đều tiến, thuyền kỵ song hành, đến thành Tô Định đánh nhau với giặc hơn mười trận, được thua chưa quyết. Các quân sĩ không quen thủy thổ chẳng chịu sương hàn. Nhiều người phải bệnh sâu sương. Quân không đi đánh được.

Áp Lương tướng quân bắt tìm lấy trứng chim vịt để làm thuốc, nhưng lấy toàn lòng đỏ đổ cho quân sĩ. Vì thế quân sĩ được khỏi cả. Trong quân reo sướng gọi Triều Đình Áp Lương là Nga Hoàng Đại vương. Quân sĩ gắng mạnh, một người địch được trăm người, đánh một trận Tô tặc cả thua, chết không biết bao nhiêu mà kể. Đuổi được Tô Định về Tàu đem lại Lĩnh Nam hơn 60 thành.

Bà Trưng mới lên ngôi làm vua, phong cho em là bà Trưng Nhị làm Bình Khôi công chúa. Bà Trưng lấy năm ông làm thủy ứng nghĩa kỳ, có công lao lớn. Nhân ngày trước cùng trong quân sở xưng gia ban cho năm ông đều được Đại vương hai chữ, đều có phong ấp truy tặng cho đức Quốc mẫu là Quốc mẫu Hoàng hậu Công chúa. Còn các tướng tá trở xuống đều được hành thưởng.

Vừa thời ấy gội tắm đức vua, đượm nhuần ơn thánh. Mới được ba năm, vua nhà Đông Hán lại sai Mã Viện, Lưu Long hai tướng đem 30 vạn quân sang đánh vào thành Lạng Sơn. Hơn 1 năm được thua chưa quyết. Bà Trưng nấp quân ở sông Tam Kỳ đánh lại không được. Bên Hán quân sĩ mạnh, thịnh thế không chống nổi, lui giữ ở Cấm Khê. Chẳng may quân sĩ vỡ tan. Hai Bà Trưng thế cô chết ở trong trận. Năm ông ở trong trùng vi đánh phá đem được thánh thể Hai Bà Trưng về chôn ở núi Hi Sơn, rồi lại đánh quân Hán chém được hơn hai trăm người, vừa đánh vừa chạy.

Tướng Hán thấy năm ông là người anh hùng kiêu dũng, muốn bắt sống đem về, truyền trong quân không được bắn tên vì có thế năm ông được thoát đến đêm chạy về đến bản ấp. Quân Hán theo ríp năm ông tiến lui đều khó, chạy ra xứ Cổ Rùa gần lăng đức Quốc mẫu, liệu không chống được, năm ông đều khấn rằng:

- Hoàng Thiên soi xét, chết rồi có thiêng được gặp Bà Trưng ở dưới Hoàng tuyền để giả cái ơn tri ngộ.

Đương ngày ấy là ngày 10 tháng 5. Khấn xong năm ông đều tự tận. Đến ngay mai mối đắp thành gò. Hương dân sửa lễ cúng tế. Được một hai tháng gà gáy chó cắn, nhân vật không được yên, mới dựng đền để thờ.

Rồi đến đời vua Trần Nhân Tôn, nhà Nguyên sai tướng Ô Mã Nhi đem quân sang đánh. Vua Trần cùng Hưng Quốc Công tự tướng đem quân đi đánh giặc Nguyên. Đi qua đền Quốc mẫu dừng quân ở đây, trông thấy có bốn chữ Quốc mẫu Triều Đình, đòi hương nhân ra hỏi. Hương nhân đều lấy thực tâu. Vua Trần khấn rằng:

- Nhất môn mẫu tự vạn cổ anh thanh. Tôn thần có thiêng giúp ta dẹp được giặc Nguyên. Dẹp yên rồi là sẽ trọng thưởng gia phong.

Đêm hôm ấy vua Trần mộng thấy một mẹ năm con bái yết tâu rằng:

- Chúng tôi là thành hoàng bản xứ. Xin âm phù để đánh giặc Nguyên, giả ơn triều đình, rửa giận ngày trước.

Rồi vua Trần tiến quân đến sông Bạch Đằng đánh giặc Nguyên. Giặc Nguyên cả thua. Vua Trần kính làm sách mệnh sắc phong là phúc thần. Cấp thêm cho ngân tiền bảo hương nhân sửa sang chốn đền thờ cho nghiêm cẩn.

Rồi đến đời vua Trần Dụ Tôn giời nắng không mưa. Vua Trần Dụ Tôn đi tuần thú bốn phương đi qua đền đức Quốc mẫu trông thấy miếu vũ nguy nga uy dung nghiễm nhược, mệnh Uy Tĩnh Thiền sư vào mật đảo, được một phút giời cả mưa to. Vua Trần mệnh đem bạch mễ thanh tiền tế tạ. Rồi thấy gạo trắng hóa làm gạo đen. Vua Trần lấy làm linh ứng, đều y tôn hiệu trước gia ban là Thượng đẳng phúc thần, cúng tế muôn đời, hương nhân dựng đền thờ cúng mãi mãi sau này.

 

No comments:

Post a Comment