Monday, March 15, 2021

Thần tích đền An Trì

Bản phụng chép thần tích đền An Trì của xã Yên Phụ

(Dịch từ bản khai năm 1938 của làng Yên Phụ, tổng Thượng, huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông)

Xưa cháu bốn đời của Viêm Đế họ Thần Nông là Kinh Dương Vương, tên nước là Xích Quỷ, truyền nước đến đời sau gọi là Lạc Long Quân. Lạc Long Quân thường ở Thủy phủ, lấy con gái Đế Lai là Âu Cơ, sinh một bầu trăm trứng, nở ra thành trăm trai. Sau những người con trai này được phân chia ra làm đôi. 50 người con theo cha về biển, chia trị các đầu sông góc biển. 50 người con theo mẹ về núi, chia trị trên đồi trong núi. Đại vương vốn là chính phái Hồng Bàng, tông thứ trong Bách Việt. Vương theo cha là trưởng Xích giáp của tộc rồng, tên là Uy Linh Lang. Những người em chia thành 7 bộ, chia thành 7 màu khác nhau. 7 bộ này là Xích giáp (đỏ), Bạch giáp (trắng), Hoàng giáp (vàng), Hắc giáp (đen), Thanh giáp (xanh), Chu giáp (son), Tử giáp (tím).

Vị vương thứ hai tên là Vương Đôi Đại vương. Vị vương thứ ba tên là Vương Ba Đại vương, cũng là trong bộ Xích giáp, cùng theo Đại vương trấn trị hồ Tây, hiển linh ở đất này. Vùng đất này có cảnh trí thanh u, có cây cổ thụ, có sóng hồ, có ao thiêng (xưa có bia tranh chấp ao ở đền cũ phường Yên Hoa, tên là An Trì), có bến sông (tục gọi là ghềnh Bà Hoa). Về sau càng có anh linh to lớn, cứu vật giúp dân, nhiều lần hiển ứng, tôn tăng thêm cấp trật. Trải các triều Đinh, Lê, Lý đến triều Trần Thánh Tông, có hoàng hậu chính cung là Minh Đức, tuổi hoa ngoài 30. Hoàng hậu thường đi cầu đảo ở đền để cầu sinh con, lại rất yêu thích phong cảnh vùng vực Trâu này nên hay đến du ngoạn ở nơi đây.

Bỗng một ngày, khi bà đang ở đó ngủ thiếp đi, nằm mơ thấy một người mặt như ngọc chiếu, môi son đầu vàng, đội mũ mây, thân khoác cẩm bào, tiến lại trước mặt và nói rằng:

- Tôi là Uy Linh Lang, là Vương ở đất này. Nay thấy thánh giá vất vả tới đây, ngày ngày ban ơn sủng, không biết lấy gì báo đáp. Hôm qua nhân lúc tấu lên cung Trời, xin được sắc chỉ của Thượng đế cho xuống cửa trần.

Hoàng hậu chợt tỉnh giấc, bỗng thấy mình có mang thai. Từ đó Hoàng hậu thường đến du ngoạn ở nơi này, lệnh cho hàng năm tổ chức cúng quốc tế, tên gốc là Bắc cung. Qua 14 tháng thì Hoàng hậu sinh ra một bọc trứng. Đó là ngày 2 tháng 2 năm Tân Sửu vào giờ Tỵ. Hoàng hậu cho là điều không lành bèn sai cung nữ âm thầm giấu trong sọt đem vứt ở bên sông dưới 7 cây cổ thụ ở tại địa phận của Nhật Chiêu. Những người qua lại thấy vậy lấy làm lạ nhưng chỉ đứng xa ghé nhìn, không dám lại gần. Sau đó đến khi mặt trời lên được 3 cây sào bỗng nghe thấy tiếng bọc trứng vỡ ra như sấm. Người dân trong làng vội đến xem thì bọc trứng đã nở, để lộ ra một người con trai vương giả nằm ở bên trong sọt, tiếng khóc vang như chuông. Thế là xa gần đều huyên náo, tiếng ồn truyền đến trong cung. Hoàng hậu lấy làm lạ bèn lại sai cung nữ âm thầm ra xem, thấy diện mạo lẫm liệt, khác thường. Cung nữ quay về tuân mệnh tâu lên. Vua cười rằng:

- Xưa nguyên phi họ Cao Tân là Khương Nguyên sinh con là Hậu Tắc mà được chim che chở, cũng là sự lạ thế này.

Bèn lại đem về nuôi dưỡng. 5 tháng biết nói. Tròn năm biết đi lại. Hành xử nằm ngồi như người lớn. Vua và Hoàng hậu vì thế mà coi trọng, thường hay chơi đùa, ngày càng yêu mến.

Đến khi lớn Ngài trở nên thông minh, hiểu nhiều biết rộng. Gần xa mọi người đều xưng là tài cao. Năm 20 tuổi rất thích đi du ngoạn, nhiều lần dâng biểu xin được xuất gia. Vua và Hoàng hậu đều không đồng ý, nên Ngài mới thay đổi quần áo, trốn đến ở Nam Xương (tức nay là Vũ Điện, tỉnh Hà Nam), theo học giáo pháp trong nhà ông Lăng Khang. Mới được vài tháng mà kinh sách của cửa thiền đều đã đọc qua. Nhờ thế mà trên thông thiên văn, dưới tường địa lý. 9 dòng 3 giáo đều thông. Làm sớ kệ rất giỏi. Các tăng chúng trong sa môn đều cùng phục là vô cùng cao diệu.

Vua và Hoàng hậu nghe thấy thường khen thưởng thêm, nhân đó sai sứ triệu Ngài về, ban cho đất ở vùng Bình Thọ (nay tức là An Thọ), cấp cho lương tháng để làm nơi nhàn tu tĩnh dưỡng.

Sau nhiều năm đến thời Nhân Tông, tướng Nguyên là Toa Đô dẫn quân hơn 40 vạn, thủy bộ cùng tiến, chia thành các đạo vào xâm chiếm. Trong nước nhiễu động. Triều đình khiếp sợ. Một ngày 4-5 trận kinh hãi. Vương mới hưng khởi nói:

- Con người sinh ra trời đất bụi hồng chính yếu phải làm người lỗi lạc, tỏ rõ ý bậc trượng phu, chí tại 4 phương cung nỏ. Không tự dấn mình vào chỗ khó thì sao có thể rạng danh sử sách với đời sau.

Ngài bèn dâng biểu trình bày phương kế, tự xin dấy đội quân vì nghĩa mà dẹp giặc mạnh. Vua thấy chí lớn đó mà đồng ý. Vương từ đó đốc thúc môn hạ, dựng cờ mộ nghĩa, chiêu tập được các binh sĩ tinh nhuệ hơn vạn người. Chia ra thành đội ngũ, luyện tập trận pháp, tự gọi là quân Thiền Tử. Tiến đánh giặc Nguyên, phá giặc ở Bàn Than. Thừa thắng đuổi về Bắc, lại dẹp giặc Nguyên ở sông Đông Mai. Sau lại hội về theo sự điều khiển của Trần Hưng Đạo và Trần Nhật Duật ở doanh trại Vạn Kiếp. Rồi cùng đánh giặc Nguyên ở xã Mạn Trù, lại trừ được trại Đông Kết. Một ngày 8 trận, 8 lần thắng. Chém hơn 3 vạn đầu, bắt sống Hàn Ly Hòa La. Số quân sĩ bị bắt giữ rất đông. Người Nguyên từ đó khiếp sợ, sau không dám tăng binh nữa. Từ ấy trong nước sạch yên, khắp nơi thấy khí tượng thái bình. Vì Ngài có công dẹp giặc Nguyên nên được phong thêm là Dâm Đàm Đại vương, đó là năm 36 tuổi. Vào mùa thu ngày 8 tháng 8 năm Bính Tý giờ Ngọ Ngài không bệnh mà mất. Vua và Hoàng hậu thương nhớ không nguôi, bèn lập miếu thờ ở chỗ đất khi xưa vứt bọc trứng, đặt tên là điện Nhật Chiệu, cũng gọi là điện Linh Bảo. Còn nơi ở tại điếm Bình Thọ cũng lập từ đường để ca ngợi đức sáng của Ngài.

Đến thời Nghệ Tông vì có công ngầm giúp nên lại được gia phong mỹ tự: Dực chính hiểu ứng Phu hưu Đại vương. Những người em cũng được dự vào hàng vinh hiển. Tới nay anh linh ngày càng tỏ rõ, các triều đều có phong tặng. Ngôi đền này tại phường Yên Hoa (sau đổi là xã Yên Phụ) huyện Quảng Đức (sau đổi là Vĩnh Thuận) phủ Phụng Thiên (sau đổi là Hoài Đức).

Bài vị gỗ của ba vị tiền thánh được sơn son phụng thờ. Tượng gỗ một vị hậu thánh cũng được sơn son thờ phụng. Truyền khẩu kể rằng tượng gỗ hậu thánh được thờ cùng tại nơi đình làng, trong xã không được yên ổn. Sau đó dời vào trong chùa Trấn Bắc của xã để thờ phụng tới nay. Việc tạo tượng và dời chỗ thờ có từ xưa, không biết vào năm nào. Đền An Trì nay nhà nước bảo hộ Đông Pháp đã lấy làm trường học Đông Pháp. Đất đó nay thuộc địa giới của phủ Trúc Yên, Hà Thành.

Vâng lược sao các thần sắc của bản xã được các triều đại phong tặng:

Bản cảnh Long cung Đệ nhất Uy Linh Lang Thánh vương...

Bản cảnh Long cung Đệ nhị Vương Đôi Đại vương...

Bản cảnh Long cung Đệ tam Vương Ba Đại vương...


 

No comments:

Post a Comment