Monday, January 25, 2021

Về cuốn sách: "Quốc Sư Minh Không Qua Di Sản Văn Hóa Đền Thánh Nguyễn"

Đến ngày Tết ông Táo cuốn sách sẽ được in xong.

Chúng tôi muốn viết thêm để giới thiệu rộng rãi đến những người quan tâm vị Quốc sư Lý triều Nguyễn Minh Không.

Điều phải nói trước nhất, là nỗ lực của chúng tôi, một nỗ lực vượt lên trên chính mình để có được tác phẩm về Quốc sư Minh Không kịp ra mắt năm nay, cống hiến đến đông đảo mọi giới. Ai cũng biết, vấn đề về Minh Không và Không Lộ có sự đan xen lẫn lộn nhân thân giữa 2 nhân vật. Cả mấy trăm năm qua, học giới nghiên cứu về 2 vị Thánh tăng này, vẫn chưa dứt điểm câu trả lời, Không Lộ và Minh Không, là hai người hay một người?

Trong 1 buổi tọa đàm chia sẻ do Nhóm Chùa Việt tổ chức tại nhà sách Văn hóa Đông Tây, cách đây mấy năm trước, Giáo sư Tiến sĩ Hòa thượng Thiền sư Lê Mạnh Thát, Người đã trả lời câu hỏi đó thế này: "Vấn đề về Không Lộ chắc để thế hệ sau tiếp tục nghiên cứu và làm rõ".
Đã có quá nhiều những bài viết, những công trình nghiên cứu, những tranh luận như thế về Không Lộ và Minh Không 1 người hay 2 người.
Tối thiểu, ta biết rõ là từ Đặng Xuân Bảng (1828-1910), một nhà Nho, một trí thức lớn, một Phật tử thuần thành đã nêu lên vấn đề này và xử lý. Tuy thế, vấn đề vẫn chưa được làm sáng tỏ dứt điểm hoàn toàn.
Những năm trước, tại Bái Đính đã có 2 Hội thảo về quốc sư Minh Không diễn ra. Hội thảo đầu tiên "Lý triều Quốc sư - Thiền sư Nguyễn Minh Không với nền y học Việt Nam". Hội thảo thứ 2 "Thân thế sự nghiệp Nguyễn Minh Không" do UBND tỉnh Ninh Bình kết hợp với Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức vào ngày 6 tháng 9 năm 2019.
Thế rồi, vẫn dừng lại ở Hội thảo với những bài viết, đầy những dữ liệu trích dẫn...
Lạ thay là chưa một công trình nào tiếp cận và làm rõ về nơi quê hương bản quán của ngài, hiện là nơi có ngôi Đền Thánh Nguyễn thờ Ngài, có những gì về tư liệu liên quan cuộc đời ngài?
Cuốn sách "Quốc sư Minh Không qua di sản văn hóa Đền Thánh Nguyễn" là một cách giải quyết để làm rõ về câu hỏi Không Lộ Minh Không 1 hay 2 nhân vật.
Bước đầu, như thế, chúng tôi đã cống hiến được cho tất cả mọi giới, nhất là những nơi có thờ cúng Ngài là các di tích lịch sử Đền Đình Chùa, và các nhà nghiên cứu cũng như quần chúng quan tâm về Thánh về vấn đề thắc mắc nhân thân nhầm lẫn giữa 2 vị một cách rõ ràng và cụ thể.
Năm năm qua, đi rong ruổi khắp hết các di tích những nơi thờ Thánh từ Thánh Hóa, Ninh Bình, Thái Bình, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hải Dương, Nam Định, Hà Tây cũ, Hà Nội, Hà Nam... là đình, đền, chùa miếu, những di tích ấy, nhân dân truyền nhau và tư liệu đều cho vị thánh tăng họ thờ có quê quán Đàm Xá - Gia Viễn, Ninh Bình.
Và ngay tại Đền Thánh Nguyễn, ta biết, đang tồn tại nơi là quê hương, là quê cha đất tổ thờ Quốc sư Minh Không nhưng tư liệu qua bi văn... vẫn nằm đó.
Cái tên Quốc Thanh, được nhắc đến qua cuốn Thuyền Uyển Tập Anh một tác phẩm Phật giáo đời Trần, thế mà đến nay, hiện vẫn còn đó, là tên thôn của Điềm Giang xưa nay thuộc xã Gia Thắng, tất nhiên là nó quá hiển nhiên với dân làng Điềm, nhưng nó vẫn xa lạ với giới nghiên cứu khi đi tìm ngôi chùa Quốc Thanh mà Minh Không tu hành được TUTA nhắc đến.
Còn nhiều và quá nhiều những vấn đề như thế, đã bị bỏ trống khi nghiên cứu về quốc sư Minh Không, hoặc chí ít, nó không được khảo sát 1 cách có hệ thống nhất khai thác tư liệu di văn ở nơi quê hương của Thánh qua di sản Hán Nôm Đền Thánh Nguyễn.
"Quốc sư Minh Không qua di sản văn hóa Đền Thánh Nguyễn" tập trung khai thác toàn bộ những gì liên quan còn lưu tại Đền từ văn bia, văn cúng, ngọc phả, văn tế, câu đối. Phải nói, quả là Đền Thánh Nguyễn xứng đáng để chúng tôi tiếp cận bước đầu công trình nghiên cứu của mình về các vị Thánh tăng đời Lý: Không Lộ, Minh Không Giác Hải và Từ Đạo Hạnh vì ở đó còn quá nhiều tư liệu.
Về sắc phong. Hiện ở Đền còn 51 đạo sắc phong, bắt đầu từ đạo sắc sớm nhất, Dương Hòa ngũ niên (1639) đến đạo sắc cuối cùng đời Khải Định thứ 9 (1924).
Về văn bia. Đền Nguyễn còn văn bia sớm là bia Phúc Thái tam niên (1644) và bia muộn nhất Bảo Đại thập tứ niên (1938).
Về văn tế. Đây là mảng rất đặc sắc ở Đền Thánh Nguyễn. Văn tế được làm trong dịp lễ khánh thành Đền. Đó là di sản về Tế lục khúc trong Lễ hội ở Đền Thánh Nguyễn. Cả sơ đồ tế lễ vẫn còn cẩn thận được lưu giữ. Tôi cảm động là khi bắt gặp kích thước, số đo để may áo thánh mặc cho tượng thánh được truyền lại qua nhiều đời.
Về ngọc phả. Đền còn giữ bản ngọc phả rất cổ. Ngọc phả về Minh Không và về thánh Tô. Đọc ngọc phả về Tô Hiến Thành, ta rất ngạc nhiên là ngọc phả về Tô Hiến Thành được ghi là Tô Hiến Thành sinh ra ở Điềm Xá, Điềm Giang xưa.
Ngọc phả, nhất là ngọc phả về Minh Không cho ta thông tin quá rõ về người cha của Minh Không là ai? và về quê quán người mẹ của Thánh.
Về câu đối. Riêng câu đối cũng cung cấp cho ta 1 lượng thông tin không hề ít để xác định vị trí ngôi Đền, bản quán...
Về cây Đèn đá nổi tiếng qua truyền thuyết nơi này, trong quá trình nghiên cứu chúng tôi phát hiện nó chính là cột kinh Đinh Liễn, không gì khác hơn.
Còn nhiều những vấn đề đã được làm sáng tỏ qua cuốn sách chúng tôi công bố lần này. Ví dụ: 
- Để dịch và chú chừng ấy tư liệu ở Đền Thánh Nguyễn chắc không đòi hỏi quá nhiều thời gian và công sức. Nhưng, để hiểu và phân tích được chừng ấy tư liệu, qua tác phẩm này, quý vị sẽ thấy, chúng tôi phải viện dẫn hết tất cả các tư liệu ở khắp các nơi có di tích về Thánh, các tư liệu mới tìm được 5 năm qua nói về thánh.
- Từng di tích 1 được liệt kê đầy đủ ở đây. Đó là sắc phong, bài vị, văn bia, tư liệu từng nơi ghi chép gì... Có thế, chúng tôi mới có thể so sánh và phiên chú được những gì còn lưu giữ nơi Đền Thánh Nguyễn.
Tuy thế, triệt để vấn đề, mà qua cả nghìn năm tồn tại và phát triển sâu rộng như sự tích và di tích về Minh Không thì chúng tôi lần lượt làm sáng tỏ và cống hiến thêm trong các công trình sau vào những năm tới.
Dự định 10 năm nghiên cứu về Minh Không Không Lộ... như vậy đã khép lại 5 năm. Trong 5 năm tới, chúng tôi sẽ lần lượt cho xuất bản và giới thiệu tiếp các công trình này của mình.
Hy vọng đón nhận sự yểm trợ và đóng góp chung của tất cả quý vị yêu mến vị Thánh tăng đời Lý mà chúng tôi đang nghiên cứu.
Điểm đáng trân quý nhất của công trình này, vẫn là việc tiếp cận và công bố những tư liệu gốc vốn có đang được lưu giữ ở ngôi Đền Thánh Nguyễn.
Trân trọng giới thiệu đến quý vị món quà quý của chúng tôi, cuốn sách: "Quốc sư Minh Không qua di sản văn hóa Đền Thánh Nguyễn".
Cuốn sách có lời giới thiệu của GS - Hòa thượng, thiền sư Lê Mạnh Thát và sự đóng góp của cả Nhóm thông qua Nhóm NCDSVH Đền Miếu Việt.
(Quý vị có thể đăng ký mua sách từ bây giờ!)
 
Bài giới thiệu của thầy Thích Tâm Hiệp, chủ biên sách 
Quốc sư Minh Không qua di sản văn hóa Đền Thánh Nguyễn

 

No comments:

Post a Comment