Friday, January 29, 2021

Ngọc phả Tản Viên Sơn Thánh do Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm soạn sửa


Ngọc phả ghi về Tản Viên Sơn Thánh,

Bản sửa của Trình Quốc Công Nguyễn Bỉnh Khiêm, trích in từ cuốn "ĐẠI HÓA THẦN KINH"

Đại Hóa Thần Kinh
Ở phía Tây Bắc của thành Phong Châu có một dãy núi, núi có hình như chiếc lọng, bên trên có một ngôi đền. Đền là nơi ngự của vị thánh đệ nhất Tản Viên Sơn. Xem trong quốc sử rằng từ khi mở nước Hồng Bàng, khai phá phương Nam, có Lạc Long Quân lấy bà Âu Cơ, sinh một bầu trăm trứng, thực là tổ của Bách Việt. Nhưng hậu sinh sau ngàn năm muốn cầu tìm lý lẽ cho ngàn năm về trước thì tất sẽ đặt câu hỏi, lịch sử này là hoang truyền, sợ không có chứng cứ xác thực. Thế nhưng, chim huyền điểu sinh ra nhà Thương, cá trắm đỏ khởi nên họ Lý. Việc đế vương sinh ra có sự đặc biệt dị thường xưa cũng đã từng có. Huống hồ nước Nam ta, nối nhau có thần minh, đất đúc nên linh khí, tất sinh ra những tư chất như vậy. Người lạ thì việc tương ứng cũng lạ. Tin hẳn không sai.

Một ngày, Lạc Long Quân nói với Âu Cơ rằng:

- Ta là giống Tiên, nàng là giống Rồng, nước lửa tương khắc, không thể ở chung.

Thế là bèn phân 50 người con theo mẹ về biển, nay chính là Thủy thần Quảng Tế. Còn trong 50 người con theo cha lên núi thì Thánh Tản ta là con trưởng.

Thánh vốn là Thanh Vi Thái Bạch Kim Tinh giáng sinh. Bẩm sinh đã khác lạ, tư chất vượt thường, có tài động trời trùm đất, có thuật dời núi lấp biển, Thật đúng là con của đất trời, vua trưởng của xã tắc. Từ khi lên núi, Thánh phụ ở ngôi, lập đô Phong Châu. Thời ấy mưa thuận gió hòa, dân yên nước thịnh, đào giếng cầy ruộng, tất cả đều theo phép tắc của vua, khắc đề là Giao Chỉ, rạng rỡ nét phong hóa thuần cổ. Được hơn bốn năm Thánh phụ bất chợt quy thiên, mây che Đỉnh Hồ, ôm bảng đen mà nén khóc. Thuyền ra khe lớn, thương thay ngựa lồng khó giữ. Tản Sơn Thánh từ đó đau xót không ngơi, bèn nhường lại nước cho người em thứ ba, chuyên tâm niệm vào việc tu luyện. Lại thêm núi Tản Viên có hình núi đẹp đẽ, vách đứng chọc trời, trên có một con đường có thể tới đường mây. Dưới có con đường có thể thông với địa phủ. Tất cả các núi cao đường xa của nước Nam đều dẫn về chầu quanh nơi này. Tản Thánh ở đó, ngày đêm tu luyện, ngày càng thêm tinh. Được 16 năm bỗng nhiên thần hóa. Thượng Đế sắc phong làm Nam Nhạc thần, nắm quyền Nam Tào Bắc Đẩu, là chủ của vạn thần nước Nam. Tất cả việc nối ngắt các triều đại, hóa sinh của người vật, không có gì là không thuộc quyền xét của Thánh, là đại diện phân xử chính. Đến nay việc ra vào đi đứng, ăn uống trang phục đều như lúc còn sống. Trong các thần bất tử nước Nam thì Tản Thánh ta là đứng đầu.

Thời Hùng Vương có người ở châu Ái là Nguyễn Khang, lớn tuổi mà chưa có con trai, cùng với em đến cầu đảo ở núi Tản Viên. Tản Thánh ta xét tâm thành ấy, hóa làm một đạo sĩ, ban tặng cho nơi đất tốt ở động Lăng Sương, quyết rằng: một huyệt sinh được ba vị thánh. Năm ấy sinh ra Nguyễn Tùng, quả nhiên là tư chất kỳ lạ hơn người, khí chất con nhà thành đạt. Khi Nguyễn Tùng được 15 tuổi thì Tản Thánh lại hiện thành vị tiên Thái Bạch, trao cho gậy thần. Nguyễn Tùng theo phép sau cứu được Thái tử của Long cung, tức là con trưởng của Thủy thần Quảng Tế. Thủy thần cảm công đức ấy mới tặng cho cuốn sách ước, dặn rằng: dựa vào sách này mà cầu được như ý. Nguyễn Tùng từ khi được sách này thì tất cả lân thử nghiệm đều thấy linh ứng. Sau Nguyễn Tùng tham gia giúp việc nước, được 14 năm thì cáo lui, đi ngắm các nơi danh thắng sông núi. Đến khi 77 tuổi thì tạ thế (nay thấy trong ngọc phả xã Thủ Pháp có chép việc này). Các em Nguyễn Hiển, Nguyễn Sùng đều hưởng tuổi thọ, với nước cùng vui, sau hóa có hiển linh, được thờ cùng ở xã Thủ Pháp, tỉnh Sơn Tây. Kỳ thực ba vị thánh này đều là sự hiển hóa của Tản Viên Thánh thay phiên nhau mà xuất hiện (để phân minh rõ việc này nay có thể xem tham khảo với ngọc phả xã Thủ Pháp).

Lại nói, thời loạn 12 sứ quân, chính sự nước Nam không người lo lắng. Tản Thánh phục tấu Đế đình rằng:

- Nước của thần xa ở phương nóng, ánh sáng chiếu rọi, không có ngoại lệ. Xin chọn cho một vị vua chính thống làm chủ nhân dân.

Thượng Đế đồng ý, bèn mệnh sai Đinh Tiên Hoàng giáng sinh, dẹp trừ giặc phương Bắc, sáng lập triều đình. Bậc vua chính thống thực sự bắt đầu từ đó.

Nước Nam trước đây còn chất phác lạc hậu, chưa biết đến sách vở. Tản Sơn Thánh lại tâu lên Đế đình, lại mệnh sai thánh đồng Nhâm Diên giảng dạy về hôn nhân, cày cấy. Sau lại mệnh sai thái thú Tích Quang giảng dạy thơ sách, lễ nghĩa. Phương Nam ta bắt đầu có phong tục tốt đẹp từ đó. Trải thế thứ các đời Đinh, Lê, Lý, Trần, Hoàng Nguyễn, đều do Tản Thánh trình tâu lên, tuy giản dị nhưng nguyên tắc là giữ được điều trọng yếu, tìm được nguồn gốc mà ủy thác. 

Tản Thánh ta thực là thủy tổ của nước Nam. Mà Lạc Long Quân cũng là thủy tổ của các tổ vậy. Vạn năm công đức sánh cùng trời đất. Đời đời thờ cúng. Các triều tôn báo, sắc phong là Chiêu tường Tập thiện Đại vương, tới nay có nhiều linh ứng. Song ngọn núi cao tuyệt, thần lại rất thiêng, hiếm có ai lên được đến đỉnh để mà có thể biết rõ. Nay phụng chép các bài thơ của các vị thánh đã đề để dùng làm tham khảo.

Thơ của thiền sư Không Lộ:

Muốn lên núi lạnh cất tiếng vang

Gió tiên thổi tiễn bước thênh thang

Vân Già chùa cổ tìm vết lối

Rêu khóa cửa tầng thoát tục gian

Rèm ngọc ánh hồng tô nét đất

Đá bàn mây tỏ giữa trời quang

Tiểu thần may mắn hầu cung khuyết

Xin gọi cúc hoa hướng nắng tràn.

Thơ của thiền sư Từ Đạo Hạnh:

Bất tử danh truyền, ảo chính chân

Ba sinh tu luyện chứng tiền thân

Sao bay cực tím nghiêng về Bắc

Rêu phủ tường sâu chẳng biết xuân

Mọc tỏa hoa trời hương chẳng dứt

Thư đem chim biếc mộng bao lần

Ở đời thiện ác đều giám quyết

Nghiêm cẩn đêm ngày có thị thần.

Thơ của Phù Đổng Thiên vương:

Giáp Tí bấy lâu bụi khói tung

Lẫm liệt linh thiêng tỏ vô cùng

Huy hoàng hương lửa hai đài vững

Sừng sững càn khôn một sức nâng

Dốc lượn núi xa nên tạc vẽ

Lầu tầng gác nối tạo bình phong

Bầu trời một khoảnh như ngời sáng

Giữa chốn ngày nào gậy sắt vung.

Thơ Thân vương Trần Quốc Tuấn:

Ngoài thành một ngọn núi Châu Phong

Hình dáng chênh vênh, cúi ngưỡng trông

Vạn cổ sách thần nêu tuyệt đỉnh

Nghìn tầng đá quái khóa thâm cung

Bao la sao đẩu lòng vô hạn

Xoay chuyển càn khôn trí tuệ hùng

Một tấc oai trời còn ngóng vọng

Khi xưa thần kiếm chặn gió lồng.

Tiểu thần Nguyễn Bỉnh Khiên bái đề:

Dực Chẩn dải sao trấn đất Nam

Làn mây mờ thẳm vén Tiên am

Phép mầu sấm sét người sao biết

Xét việc dữ lành thần giỏi làm

Mù mịt khói hương nhô bệ đá

Trong trong sương quý rỏ hoa chàm

Tiểu thần may được nương nhờ chốn

Vạn tuế ba lần xin tụng vang.

Những bài thơ đề trên đều sánh như cánh chái phải trái bằng đá ngọc tuyệt tác để mà lưu truyền lâu dài.

Tiểu thần Cổ Am Nguyễn Bỉnh Khiêm vâng mệnh chỉnh lý.

Trang đầu cuốn Ngọc phả Tản Viên Sơn Thánh do Nguyễn Bỉnh Khiêm chỉnh lý

 

No comments:

Post a Comment