Thursday, October 15, 2020

Sử tích Sơn Tinh

Thủa Hoàng Đế mở muôn nước, Đế Minh thống trị vạn bang chư hầu thiên hạ sau khi đã sát nhập được bộ tộc của Viêm Đế ở phương Nam, đánh đuổi tộc Cửu Lê của Xi Vưu - Ngô Thục ở miền Tây Bắc Việt và kết hợp Tiên tộc của bà Tây Thiên - Vụ Tiên ở dải núi Tam Đảo. Hoàng Đế Hữu Hùng Đế Minh dời từ cựu đô Ngàn Hống về vùng Phong Châu, lập Minh đô ở chân núi Thái Sơn trên miền Bắc Việt ngày nay. Vùng đất này trở thành đất tổ muôn đời của dòng họ Hùng dân Việt.

Kế nghiệp Hữu Hùng Hiên Viên là Đế Nghi hay Đế Nghiêu, thuộc dòng Viêm tộc, đóng đô ở 2 vùng đất chính là Đào và Đường, tức là ở Nghệ An và Phú Thọ. Đế Thuấn là một người thuộc Tiên tộc theo dòng dõi bà Vụ Tiên trên dải núi Tây Thiên, vì có lòng hiếu thuận động thiên tâm nên đã được Đế Nghiêu tín nhiệm, gả cho 2 người con gái của mình là Nga Hoàng và Nữ Anh, rồi nhường ngôi cho. Truyền thuyết Việt chép là Sơn Tinh lấy 2 vị công chúa Ngọc Hoa Tiên Dung rước về Lịch Sơn ở Tuyên Quang.

Ba vị vua Hùng đầu tiên ở vùng đất tổ được thờ dưới "thụy hiệu" là Đột Ngột Cao Sơn (Hoàng Đế Đế Minh), Viễn Sơn (Đường Nghiêu Đế Nghi) và Ất Sơn (Ngu Thuấn Lộc Tục). Tam Sơn Thánh Tổ là 3 bộ tộc đã hợp nhất trong thời kỳ lập quốc họ Hùng, gồm Viêm tộc, Lạc tộc và Tiên tộc.

Núi Ba Vì nhìn từ động Lăng Sương

Tiếp theo, lịch sử Việt được lưu lại dưới truyền thuyết của Tản Viên Sơn, mà sự ra đời và sự nghiệp của vị Thánh tổ này hết sức phức tạp và đa dạng. Tản Viên Sơn có cha là ông Nguyễn Cao Hành, mẹ là bà Đinh Thị Đen, nhưng khi ông Hành tuổi đã 70, bà Đen khi đi tắm gội ở ngoài đồng thì có Rồng vàng xuất hiện phun nước, về cảm động có thai, sinh ra Thánh Tản. Như vậy, Rồng vàng mới thực sự là "bố đẻ" của Nguyễn Tuấn.

Không chỉ vậy, trong số các bậc "phụ huynh" của Tản Viên Sơn còn có bà dưỡng mẫu Ma Thị Cao Sơn, người sau đó đã lập chúc thư để lại toàn bộ khu vực Sơn Tây núi Tản lại cho con nuôi là Nguyễn Tuấn. Có tới 4 "phụ huynh" như vậy, Tản Viên Sơn Thánh thực chất là hình tượng của sự hợp nhất 4 dòng tộc, ngoài 3 dòng tộc của Tam Sơn Thánh tổ Hùng Vương đã thêm dòng Long tộc Rồng thiêng vùng ven biển Động Đình.

Năm tộc Việt thời Hùng Vương

Hoa sử kể, ông Cổn là thủ lĩnh đất Sùng nên gọi là Sùng Bá Cổn. Bá Cổn là cháu chính hệ của Hoàng Đế Hiên Viên. Thời Nghiêu Thuấn, Sùng Cổn được phân lo việc trị thủy nhưng không thành công, do ông tập trung vào việc đắp bờ đập ngăn hồng thủy. Cái tên "Cổn" thực ra tiếng Việt nghĩa là Cản, xuất phát từ cách "trị thủy" không hợp lý này của ông. Đế Thuấn đã bỏ Bá Cổn mà thay vào đó lấy con của ông là Vũ để lo việc trị thủy. Ông Vũ thay đổi cách làm của cha, không đắp bờ ngăn nước nữa mà đã khởi thông các dòng chảy để thoát nước. Nổi bất nhất là sự kiện ông Vũ đục bạt vách đá chắn trên sông Hắc Thủy ở Long Môn, dẫn nước con sông này qua núi Tam Nguy mà ra biển Nam Hải.

Còn sự tích Tản Viên Sơn thì chép: Thời Đường Nghiêu, hồng thủy bao trùm. Lạc Long Quân sai trăm người con trai cùng nhau trị thủy. Khi đó chỉ có Vương có oai anh võ dũng, đức cao đạo lớn, có thuật thần tiên, mới đọc ước chú làm cho đá vỡ tung tóe, hiện thành cây gậy sắt, lấy gậy đó mà chỉ vào nước thì nạn thủy tai mới hết, là người có công đầu vậy.

Cây gậy thần mà Tản Viên có được từ Thái Bạch Thần Tinh trên đỉnh núi Tản đã dùng để đục đá, khơi cạn nước hồng thủy bên thác Vạn Bờ ở Hòa Bình. Tản Viên Sơn là Đại Vũ trị thủy, còn lưu truyền trong câu ca dao:

Mồng Bốn cá đi ăn thề

Mồng Tám cá về cá vượt Vũ Môn.

Sự tích khác về Tản Viên Sơn chép Vương là một trong những người con của bà Âu Cơ và Lạc Long Quân. Đền Lăng Sương, nơi bà Đinh Thị Đen cảm động Rồng vàng mà sinh Thánh cũng là nơi thờ Tổ mẫu Âu Cơ, theo như ghi chép của cuốn Di tích thờ Tản Viên lưu tại làng Ngọc Nhị. Đen cũng là Ô, hay Âu trong tên Âu Cơ. Quốc mẫu Hoàng bà Đinh Thị Đen chính là Tổ mẫu Âu Cơ, hay là chính hệ của Hữu Hùng Hoàng Đế, tức là Sùng Bá Cổn.

Đình làng Ngọc Nhị, làng tạo lệ đền Thượng Ba Vì.

Ông Nguyễn Cao Hành trong chuyện này được chép có xuất xứ từ Hoan Châu, tức là dòng dõi của Viêm tộc theo hướng của Đế Nghiêu. Còn bà dưỡng mẫu Ma Thị Cao Sơn đã di chúc "nhường ngôi" lại cho Tản Viên là Sơn Tinh Đế Thuấn, dòng dõi Tiên tộc ở vùng núi cao Tam Đảo.

Tản Viên Sơn sau khi có được cây gậy đầu sinh đầu tử đã đi xuống chân núi, gặp đàn voi hổ quấy phá ở xóm Cốc của đất Thủ Pháp. Thần Vương đã chỉ gậy niệm thần chú, chốc lát hổ Bắc voi Nam tụ ở 2 đầu gậy. Nay chỗ này là khu vực đền Hạ Tản Viên, vẫn còn tượng đá hình một quái thú nửa Voi nửa Hổ kích thước khá lớn, đang chầu. 

Quái thú đền Hạ Tản Viên

Thần Vương vượt sông Đà (cũng bằng cây gậy thần chỉ nước nước cạn như việc đục đá trị thủy ở trên), sang bãi Trường Sa và cứu được con rắn thần bị trẻ mục đồng đánh chết. Con rắn đen này là Thủy Tinh con vua Động Đình. Bãi Trường Sa ở Ma Xá, Trung Độ xưa có tên là bãi Tang Ma ở gần cầu Trung Hà bây giờ. Tại đây có sự tích y hệt về việc một con rắn đã được mua lại của lũ trẻ mục đồng mà hóa kiếp thành bà Phan Thị, rồi bà Phan lấy con rồng là vua Thủy Tề Động Đình, sinh nhất bào ngũ tử, được 5 người con, 2 gái 3 trai. Bà Phan được thờ là Thủy Tinh Động Đình Tang Ma Thánh mẫu, tức chính là con rắn Thủy Tinh đã được Tản Viên Sơn cứu sống ở bãi Trường Sa.

Chính điện đình La Phù ở Thanh Thủy, Phú Thọ, nơi thờ Tản Viên Sơn, Thủy Tinh Động Đình Tang Ma Thánh mẫu, Quý Minh Đại vương.
Sự kiện Đại Vũ trị thủy đã được truyền thuyết hóa thành cuộc giao tranh Sơn Tinh - Thủy Tinh vô cùng ác liệt dưới chân núi Tản. Từ đó mà gắn với tên những quả đồi, núi ở đây như núi Chẹ, núi Đùng, núi Sọt... mà Sơn Tinh dùng để chặn nước chế ngự thủy tai. Rồi với sông Tiểu Hoàng, tức là sông Tích, là đường tiến quân của Thủy Tinh. Đầm Đượng ở khu vực Suối Hai ngày nay là nơi mà Thủy Tinh thua trận, phải rút về theo 16 cửa nước. Đông cung Tản Viên ở xã An Vệ nay là đền Và là nơi trấn thủy trên lối thoát nước từ vùng Bể Cạn xưa (Đầm Đượng Suối Hai) ra sông Tích.

Đình Thụy Phiêu, bên đầm Đượng, ngôi đình cổ nhất Việt Nam hiện nay.

Nhờ công lao trị thủy to lớn mà Nguyễn Tuấn được tôn là Tản Viên Sơn Tam Vị Quốc chủ Đại vương. Tam Vị không phải là 3 vị thánh khác nhau mà chỉ có 1 vị Quốc chủ, lấy theo tên núi Ba Vì, mà cổ sử Trung Hoa gọi là Tam Nguy. Đúng ra tên thánh phải là Tam Nguy Sơn Tốn Vương Quốc chủ, vị vua chủ của vùng phía Tây (quẻ Tốn chỉ hướng Tây) ở núi Tam Nguy.

Cùng với công lớn trị nạn hồng thủy cứu dân, Đại Vũ Tản Viên còn là người đã khai sáng văn hóa và tạo ra các nghề nghiệp khác nhau. Lúc thì là Tản Viên Sơn dạy dân đi săn ở khu vực Mang Sơn (núi Mường), lập hành cung tại đó. Lúc thì ra Tiểu Hoành giang xem đánh cá, lập cung điện ở Liệp Tuyến (Khánh Xuân điện). Lúc thì Vương đến khu Cổ Đằng, là vùng "hạ điền" - ruộng hè mênh mông xưa, lập Nam cung điện, nay là đền Lác ở xã Đồng Thái, Ba Vì. Cày ruộng, đánh cá, săn bắt, khơi sông trị thủy, sáng tạo ra Hà đồ Lạc thư (gậy thần sách ước)...

Bia đình Đồng Bảng, xã Đồng Thái, là nơi có Bắc thần cung Tản Viên Sơn Tam Vị Quốc chủ.
Tản Viên Sơn hay Vua tổ phía Tây như vậy đã nối dõi 3 dòng tộc của thời Hùng Vương Thánh Tổ trên đất Phong Châu (Tây Thổ) rồi kết hợp thêm dòng tộc phía Đông của Thần Long Động Đình mà sinh ra các thần Rồng, anh em Ngũ vị của Lạc Long Quân. Dòng phía Đông này được đại diện bằng ngôi vị của Hữu kiên thần Quý Minh đại vương, vì Quý là thứ Ba, chỉ hướng Đông. Quý Minh cũng là vị thủy thẩn Trưởng Lệnh đã ở lại cai quản sông Đà (Đà Giang tôn thần) tại đất quê mẹ Thủy Tinh bên bãi Tang Ma, nơi ghềnh Bợ.

Đền Thượng núi Ba Vì xưa tới nay chỉ còn lưu lại 3 pho tượng đá cổ. Theo thần tích của làng Ngọc Nhị (làng tạo lệ của đền Thượng Tản Viên) thì đây là Tản Viên Sơn Tam Vị Quốc chủ Đại vương, Tả thánh Quý Minh Đại vương và Thái Bạch Thần Tinh (cũng là Sơn Tinh hay Cao Sơn).

Tản Viên Sơn cũng chính là Kinh Dương Vương, người có tài đi dưới Thủy phủ rồi lấy con gái Thần Long Động Đình, sinh ra Lạc Long Quân. Lạc Long Quân đi qua bãi Trường Sa, thấy nàng Âu Cơ, ái thiếp của Đế Lai ở đó mà đem lòng yêu mến... Đây là đoạn Rồng vàng phún thủy khi bà Đinh Thị Đen cảm động hoài thai ở Lăng Sương. Do đó Đế Lai là ông Nguyễn Cao Hành, theo dòng Viêm tộc của Đế Nghiêu, mà Hoa sử gọi là Bá Ích. Bà Đinh Thị Đen là chính dòng Hoàng Đế họ Cơ, tức Âu Cơ. Lạc Long Quân là con của Đại Vũ, mang tên Khải, người đã đánh đuổi Bá Ích, cướp lấy ngôi vị thống trị vạn bang, khởi đầu (Khải) nhà Hạ, triều đại thế tập đầu tiên trong lịch sử Hoa Việt.

Rồng vàng và Đinh Phi Thánh mẫu ở đền Lăng Sương.

Đền Lăng Sương tới giờ vẫn có tượng thờ Rồng vàng ở chính cung sau tượng Đinh Phi Thánh mẫu. Bài thơ của đền Lăng Sương, nơi sinh thánh Tản và quê của tổ mẫu Âu Cơ ghi rõ việc này:

Lăng Sương cốt cách ngọc tinh thần

Bả thác Long linh giáng hạ trần

Thái Thủy diệc vi Thiên Thượng Mẫu

Cửu hoài hà nhược thế gian nhân.

Dịch thơ:

Tinh thần cốt cách ngọc Lăng Sương

Mở chốn Rồng thiêng xuống thế dương

Thái Thủy cũng là Thiên Thượng Mẫu

Hoài thai lâu lạ khác bao thường.

Quá trình "sinh nở" hợp nhất 4 tộc người giữa cha Rồng mẹ Tiên để thành một thiên hạ thống nhất tất nhiên là lâu và khác thường. Thời sơ sử Hùng Vương của Nghiêu Thuấn Vũ kết thúc để bước sang thời lịch sử từ nhà Hạ, bắt đầu với bước tiến khai phá vùng duyên hải ven biển Đông.

Bốn ngàn năm nước gọi Thượng thần, biển Bát Rồng bay truyền tích lạ...

Ngũ tộc Hoa thời Tam Đại

 

 

No comments:

Post a Comment