Saturday, August 8, 2020

Ngọc phả Hùng Vương và Hồng Bàng Thị kỷ

Hùng Vương Ngọc phả là những ghi chép lịch sử về thời kỳ khởi đầu của sử Việt, đồng thời cũng là về các "lịch đại đế vương" mà mỗi triều đại phong kiến xưa khi theo mệnh trời lên ngôi đều phải tôn sùng. Chính vì thế mà Ngọc phả Hùng Vương trong mỗi một triều đại chỉ có 1 lần biên soạn và được chính thức coi là quốc sử của triều đại mình. Nếu kể từ khi Đinh Tiên Hoàng lên ngôi Hoàng đế tới năm 1945 chế độ phong kiến đã trải qua hơn 1000 năm lịch sử, nhưng thực tế không có nhiều Ngọc phả về quốc tổ được soạn. Tổng hợp các Ngọc phả Hùng Vương hiện nay còn sưu tầm được, chỉ có 3 lần biên soạn Ngọc phả như sau:

- Lần 1: vào năm Thiên Phúc thứ nhất (Lê Đại Hành). Bản I này có tên là Nam Việt Hùng Vương ngọc phả vĩnh truyền miêu duệ tôn điệt ức vạn niên hương hỏa tự điển tôn sùng. Tựa đề lớn của bản này là Hồng Bàng Thị kỷ. Ngay từ tên gọi cho thấy đây là bản "tự điển", tức là ghi chép các điển để thờ. Nội dung của bản này bao gồm tên gọi, tên hiệu, mỹ tự truy phong, các ngày sinh, ngày hóa, tuổi thọ, số cung phi, hoàng tử, công chúa... của Đế Minh và 18 chi Hùng Vương, cùng thông tin ngắn gọn về một số sự kiện quan trọng nhất ở mỗi đời. Bản tự điển Hùng Vương này được ghi là "thuộc thư ký Lê Đại Hành", mà theo thiền sư Lê Mạnh Thát, vị thư ký của vua Lê Đại Hành là quốc sư Pháp Thuận.

  Thiên Phúc nguyên niên chính nguyệt nhị thập ngũ nhật. Thuộc Lê Đại Hành thư ký.

- Lần 2: vào năm Hồng Đức nguyên niên (Lê Thánh Tông) do Hàn lâm trực Học sĩ Nguyễn Cố biên soạn. Bản II này có tên Hùng đồ thập bát thế thánh vương ngọc phả cổ truyền. Tựa đề lớn là Cổ Việt Hùng Thị nhất thập bát thế thánh vương ngọc phả cổ truyền. Bản này là các truyện kể về các đời vua Hùng từ Đế Minh thống trị vạn bang chư hầu thiên hạ cho đến khi Triệu Đà diệt An Dương Vương thì kết thúc.

Hùng đồ thập bát thế thánh vương ngọc phả cổ truyền

- Lần 3: vào năm "Hùng Vương thứ 32" do Hàn lâm học sĩ Quốc tử giám Nguyễn Đình Chấn biên soạn. Đây là Ngọc phả được soạn vào đầu thời Nguyễn, có khả năng là dưới thời vua Minh Mạng. Bản III này có tên là Hùng Vương kim ngọc bảo giám thực lục. Nội dung của cuốn thực lục này có 3 phần. Phần 1 là sao chép lại bản Tự điển Hùng Vương của thời Lê Đại Hành. Phần 2 nói về các điển thờ Hùng Vương như bài trí bài vị, vị trí các lăng huyệt mộ Hùng Vương, các nơi tạo lệ và có bài tựa dẫn về sách. Phần 3 có tên là Nam Việt Hùng Thị sử ký với nội dung là các truyện kế các đời Hùng Vương từ Đế Minh cho tới khi An Dương Vương lên tiếp ngôi.

Hùng Vương tam thập nhị niên Mạnh xuân nguyệt nhật. Hàn lâm học sĩ Quốc tử giám Nguyễn Đình Chấn.

Bản I của Hùng Vương Ngọc phả thời Lê Đại Hành tới nay không còn bản gốc mà nó chỉ được biết qua phần 1 của Bản III. Bản II thời Lê Thánh Tông cũng không còn bản gốc, mà còn bản sao năm Hoằng Định thứ nhất (Lê Kính Tông) hiện lưu tại bảo tàng đền Hùng. Bản II cũng là bản thường được sao lưu ở các thư viện quốc gia từ thời Pháp tới nay. Do đó đây là bản thường được giới nghiên cứu biết đến nhiều nhất.

Bản III của thời Nguyễn cũng chỉ còn được sao lưu ở một số nơi thờ Hùng Vương, đặc biệt đầy đủ nhất là bản chép tay lưu tại đền Vân Luông, phường Vân Phú, Việt Trì, Phú Thọ. Bản III này như nói trên, đã bao gồm cả Bản I thời Lê Đại Hành và phần 3 là phần soạn lại từ Bản II của thời Lê Thánh Tông, gồm chỉnh thế thứ các vua Hùng cho phù hợp về với tự điển của thời Lê Đại Hành, bổ sung thêm một số đoạn văn mô tả, nhưng lại chỉ dừng lại ở An Dương Vương mà không nói tới thời Triệu Đà.

Bản III Hùng Vương kim ngọc bảo giám thực lục là bản Ngọc phả chính thức của quốc triều Nguyễn, là bản Ngọc phả đầy đủ nhất đã gồm cả Bản I và Bản II. Bản này theo ghi chép là sau khi soạn xong đã được khâm chỉ chuyển cho các quan đứng đầu các bộ Binh, bộ Hộ, bộ Hình, bộ Lễ và phó sứ (ngoại giao) để tuân mệnh sử dụng. Hiện nay, trên thực tế những phần khác nhau của Bản III đã được lưu tại những nơi sau thờ Hùng Vương:

- Đền Vân Luông, Vân Phú, Việt Trì, Phú Thọ. Bản lưu tại đền.

- Thần tích xã Vi Cương, huyện Sơn Vi, tỉnh Phú Thọ ký hiệu AEa9/26.

- Thần tích xã Hạ Lộc, huyện Sơn Vi, ký hiệu AE a9/27.

- Thần tích thôn Yên Lãng, xã Hạ Giáp, huyện Phù Ninh, ký hiệu AE a9/17.

- Xã Hoàng Xá Hạ, huyện Bạch Hạc, phủ Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên. Bản này bị chép là do Nguyễn Bính soạn.

- Đền Vân Cù, xã Đồng Sơn, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Thường được gọi là Ngọc phả Hùng Vương bản Nam Định.

Ngoài ra rải rác các phần có thể vẫn còn được sao lưu ở các di tích thờ Hùng Vương vốn dĩ dày đặc trên vùng đất tổ Phú Thọ, Vĩnh Phúc do Bản III là bản dùng để thờ tự.

Ngọc phả Hùng Vương là sự tổng hợp thông tin từ các phong tục và di tích thờ Hùng Vương ở nhiều nơi, lưu giữ qua nhiều thời gian. Ngọc phả đến lượt mình lại là nguồn sử liệu để cho các cuốn sử chính thống như Đại Việt sử ký toàn thư dựa vào khi viết về Hồng Bàng Thị. Do đó, tìm hiểu về thời đại Hùng Vương mà không xem Ngọc phả thì có thể coi như chưa biết đến nơi đến chốn. Không đọc Ngọc phả Hùng Vương làm sao biết được thế thứ và lịch sử các vua Hùng?

Đại Việt sử ký toàn thư chia Kỷ Hồng Bàng Thị thành 3 thời là Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và Hùng Vương. So xét với Ngọc phả Hùng Vương thì đây cũng là 3 giai đoạn phát triển xã hội thời Hùng Vương, tương ứng là:

1. Thời tiền sử: được sử sách gọi là thời Tam Hoàng Ngũ Đế từ khi Bàn Cổ vươn mình tạo ra Trời Đất đến thời Phục Hy và Thần Nông. Đây là thời kỳ Thần thoại. Thời kỳ này không được chép trong Đại Việt sử ký toàn thư. Về khảo cổ là nền văn hóa Hòa Bình trở về trước.

2. Thời mở sử: từ Đế Minh thống trị vạn bang chư hầu Thiên hạ đến Kinh Dương Vương lấy Thần Long Động Đình. Tương ứng trong Đại Việt sử ký toàn thư là thời "Kinh Dương Vương". Tương ứng trong Kinh Thư là phần Ngu thư về các vị Nghiêu Thuấn Vũ. Đây là thời kỳ xã hội bắt đầu có thủ lĩnh. Về khảo cổ là nền văn hóa Phùng Nguyên.

3. Thời sơ sử: từ Lạc Long Quân đến Âu Cơ. Tương ứng trong Hoa sử là thời nhà Hạ và Thương. Đây là thời kỳ của chế độ phụ đạo. Về khảo cổ là nền văn hóa Đồng Đậu.

4. Thời lịch sử: từ khi người con trưởng Hùng Quốc Vương lập ra nước Văn Lang đến khi nhường ngôi cho Thục An Dương Vương. Đây là thời kỳ của chế độ phong kiến. Tương ứng trong Hoa sử là nhà Chu, gồm 2 giai đoạn Tây Chu và Đông Chu. Về khảo cổ là các nền văn hóa Gò Mun và Đông Sơn.

Đôi câu đối từng ở Đền Hùng:

我南郊鴻貉千秋尊帝國

顯丁西土傘瀘一带壽新祠

Khải ngã Nam Giao, Hồng Lạc thiên thu tôn đế quốc

Hiển đinh Tây Thổ, Tản Lô nhất đái thọ tân từ.

Dịch:

Mở đất Nam Giao của ta, Hồng Lạc nghìn thu xưng đế quốc

Sáng vùng Tây Thổ vững mạnh, Tản Lô một dải mãi lưu đền.

Trích Hùng Vương Thánh Tổ Ngọc phả, Lịch kỷ Hùng Vương:

Xét như tiếng đức tiền hoàng đế thời Thái cổ, từ kỷ Tam Hoàng Ngũ Đế đến nay, theo nguyên mệnh của xuân thu, bao gồm thời mở mang hồng hoang trước trời đất. Trời ban đầu mở vào Giáp Tí. Đất tụ mang ở Ất Sửu. Vận người sinh ở Giáp Dần. Vạn vật ra đời ở gian Ất Mão. Từ thời Bàn Cổ, Thái cực sinh Lưỡng Nghi, là Thiên Địa. Lưỡng nghi sinh Tứ tượng, là Thái âm, Thái dương, Thiếu âm, Thiếu dương. Tứ tượng biến hóa thành nhiều hình trạng...

Trải thời gian từ kỷ Tuần Phỉ về sau, từ Nghiêu Thuấn Ngũ Đế tới nay đã hơn ba ngàn năm. Trước Tam Đại không như thời Đường Ngu. Sau Hán Đường Tống không như Tam Đại. Đạo đời lên xuống, không quá hai ba trăm năm mới có một sự biến. Rồi hai trăm năm có một biến, ba trăm năm có một biến trung bình, năm trăm năm có một biến lớn. Từ lúc khai mở về sau bốn năm vạn năm lúc phong khí chưa mở văn minh, chưa có đất nước, chưa yên, tới Hy Nông, Hoàng Đế, Nghiêu Thuấn, thay nhau mà hưng vượng về sau, lấy vương đạo mà trị.

Xưa thời Hy Nông trở về đời Bàn Cổ, chưa có lịch, gộp các tộc có tên phủ thế trị dân, tất cả là hai mươi hai chi hệ được xét. Từ Hy Nông, Hoàng Đế, Nghiêu Thuấn, Ngũ Đế là các nguyên thánh trị thiên hạ. Đế là vua, thiên hạ chúa tể ngự thế, theo càn khôn mà khởi tạo ra lòng nhân, là đức dưỡng sinh thay tạo hóa vậy.

 

No comments:

Post a Comment