Sunday, December 1, 2019

Nguồn gốc biểu tượng Lưỡng long chầu Thái cực

Có một hình tượng được sử dụng rất rộng rãi trong các công trình kiến trúc cổ đó là hình Lưỡng long chầu nhật/nguyệt. Hình tượng này có thể gặp ở khắp nơi, từ trên nóc mái kiến trúc, tại chính điện những nơi thờ cúng, trên cửa võng, hương án,... Một hình tượng phổ biến như vậy chắc chắn phải có nguồn gốc và ý nghĩa sâu xa.
Lưỡng long chầu Thái cực trong kiến trúc hiện đại.
Trong bài trước đã xác định, hình cầu bốc lửa ở giữa mà đôi rồng chầu vào là Thái cực đồ, bao gồm 4 yếu tố trong Tứ tượng là Thái âm, Thái dương, Thiếu âm, Thiếu dương. Hình tượng này còn có tên khác là Nhật nguyệt tinh thần, là 4 vì tinh tú biểu tượng cho Tứ tượng trong Thái cực đồ. Vậy thời xưa, Thái cực đồ được thể hiện như thế nào?
Nhật nguyệt tinh thần trên Thái cực đồ.
Triết gia đời Tống Chu Đôn Di (1017-1073) viết "Thái Cực Đồ thuyết": "Vô cực" là chưa thành "thái cực". "Thái cực" hoạt động tạo ra dương, khi chuyển động đến giới hạn, nó trở nên tĩnh. Trong tĩnh, nó tạo ra âm, tới cực đại, nó lại hoạt động. Động và tĩnh chuyển hóa, cái này là nền của cái kia. Khi âm và dương đã phân hóa, hai trạng thái xuất hiện. Sự chuyển hóa và kết hợp của âm và dương tạo ra kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Với ngũ hành, các thời kỳ biến đổi của khí được sắp xếp hài hòa, qua đó bốn mùa được tiếp diễn. Ngũ hành đơn giản là âm và dương, âm và dương chẳng qua chính là thái cực, thái cực có nền tảng từ vô cực. Do vậy, trong quá trình tạo ra ngũ hành, mỗi hành đều chứa đựng bản chất riêng của nó.
Chu Đôn Di cung cấp đồ hình Thái cực lúc đó ở dạng các vòng tròng đen trắng xen lẫn nhau. Có thể thấy, trong Thái cực gắn liền với Ngũ hành. Cách thể hiện Thái cực đồ này cũng có gặp ở Việt Nam, trên một số viên gạch dùng để trang trí chùa thời Trần .
 Thái cực đồ của Chu Đôn Di
Trong thời kì nhà Minh (1368-1644) bắt đầu xuất hiện các đồ hình vòng xoáy thể hiện Thái cực rồi trở thành hình Thái cực hiện đại như ngày nay.
Vậy trước thời Tống liệu đã có Thái cực đồ chưa và Thái cực đồ lúc trước được thể hiện như thế nào?
Thái cực đồ của các thời kỳ trước nữa có thể tìm thấy thông qua hình ảnh của 2 con rồng chầu đồ hình ở giữa. Một đồ hình tròn, với 1 chấm nổi ở giữa và 4 chấm chìm xung quanh, được 2 con rồng chầu vào, là hình khắc trên đá mộ thời Bắc Ngụy (thế kỷ V).
Lưỡng long chầu thời Bắc Ngụy.
Hình tròn ở giữa 2 con rồng chầu tương ứng với vị trí của Thái cực đồ , do đó có thể nhận định đây là một dạng thể hiện Thái cực đồ với các chấm tròn là biểu tượng của Ngũ hành như trong liên hệ của Chu Đôn Di ở trên.
Như đã từng biết, các hình tượng trong "Long sinh cửu tử", những đứa con của Rồng từ Bị hí, Trào phong, Si vẫn, ... đều có nguồn gốc từ các trang trí trên đồ đồng thời Thương Chu. Những hình tượng này được sử dụng rộng rãi trong kiến trúc truyền thống của đình đền miếu, cung điện... So sánh một cách hợp lý thì rõ ràng hình tượng Lưỡng long chầu Thái cực cũng sẽ thấy trên đồ đồng thời Thương Chu.
Hoa văn Quỳ chầu trên đồ đồng thời Chu.
Hoa văn trên đồ đồng thời Chu có hình 2 con Quỳ (rồng 1 chân) đang hướng vào một vòng tròn với một chấm tròn ở giữa và 5 vòng xoáy xung quanh. Đồ hình này khá phổ biến trên đồ đồng thời Chu, ví dụ như trên một chiếc Vu thời Thương hiện lưu ở Bảo tàng cố cung Đài Loan.
Hình tròn có 5 vòng xoáy trên một chiếc Vu đồng thời Thương.
Với vị trí ở giữa có rồng chầu như vậy, rõ ràng đây chính là biểu tượng của Thái cực đồ với Ngũ hành bên trong (Ngũ hành đồ?).
Hình tượng 2 con Quỳ chầu hình tròn được dùng để trang trí khắp trên một chiếc bình đồng khác của thời Chu. Điểm khác là trong hình tròn này chỉ có 4 vòng xoáy. Có thể nhận định tương đương với đồ hình Tứ tượng, như trong hình khắc đá thời Bắc Ngụy.
Bình đồng có hình 2 con Quỳ long chầu Thái cực đồ.
Như vậy, hình tượng Lưỡng long chầu Nhật nguyệt có nguồn gốc từ thời Thương Chu, ban đầu là các hình tượng trên đồ đồng dùng cúng tế của thời kỳ này. Hình tượng Thái cực đồ ban đầu này có dạng là hình tròn, có 1 chấm ở tâm với 4 hoặc 5 vòng xoáy nhỏ xung quanh. Đây là dạng sơ khai nhất của Thái cực đồ còn được nhận ra.

No comments:

Post a Comment