Thursday, November 7, 2019

Thục An Dương Vương, Tần Thủy Hoàng và Thạch Sanh

18 triều Hùng nước Nam, thần truyền thánh kế hơn 2000 năm, dựng lập một thiên hạ họ Hùng mênh mông, gồm cả trăm chư hầu đầu non góc biển, là phên dậu bình phong, phân trăm quan, đặt trăm họ, phong trăm thần... Thời kỳ dựng nước của các vùa Hùng được kết thúc bởi sự chuyển nhượng ngôi vị từ Hùng Vương sang cho nhà Thục. Nhưng câu hỏi đặt ra: Thục là ai? Ngọc phả Hùng Vương một lần nữa lại cung cấp những thông tin cực kỳ xác đáng, giúp nhận diện triều đại tiếp nối 18 Hùng triều này.
Ngọc phả Hùng Vương của xã Hy Cương (Việt Trì, Phú Thọ) chép về đời Hùng Vương thứ 17 có sự kiện sau:
Hùng Nghị Vương thừa hưởng nhiều đời thiên hạ thái bình. Vua sinh ra đam mê tửu sắc, ham thích du chơi, không lo sửa sang võ bị. Vua nước Thục từ xa nghe tin Trung Quốc không mấy khi dùng đến việc võ nên muốn thống nhất dư đồ, nhưng sợ phương Nam có cây kiếm thần nên còn do dự chưa quyết.
Bấy giờ chúa phụ đạo bộ Ai Lao là người có hùng tài đại lược, cũng vốn là tông phái của Hùng Vương. Vua Thục biết thế bèn đem quân sang đánh bộ Ai Lao để đoạt chức chúa phụ đạo. Bộ Ai Lao không kháng cự được bèn sai sứ giả sang cầu cứu với Hùng Nghị Vương. Hùng Nghị Vương thân đem 10 vạn tinh binh tiến thẳng đến dưới thành Ai Lao để cứu viện. Thục Vương nghe tin bèn biên thư gửi cho Hùng Nghị Vương, nói: “Quân Thục từ phía Tây đến, chỉ muốn bộ chủ [Ai Lao] truyền lại cho ngôi báu, đâu dám giơ càng bọ ngựa mà chống với muôn cỗ xe của nhà vua".
Hùng Nghị Vương thấy lời lẽ trong thư như thế bèn rút quân về. Thục vương bắt được bộ chủ phụ đạo [Ai Lao] đem về Thục, gả công chúa cho, rồi bắt nhường ngôi cho mình. Thục Vương sai sứ giả sang tạ ơn Hùng Nghị Vương, xin coi triều Nam là anh, triều Tây là em, cùng nhau giảng hoà định ước, hai nước quan hệ đi lại với nhau. Hùng Nghị Vương bằng lòng như thế. Từ đó triều Tây ngừng việc binh.
Đoạn ngọc phả này cung cấp thông tin mà trước giờ ít được chú ý. Trước khi Thục Vương thay thế Hùng Vương ở đời Hùng Vương 18, thì từ đời Hùng Vương 17 đầu tiên Thục Vương đã chiếm bộ Ai Lao, tiếm vị "bộ chủ phụ đạo". Thục Vương thậm chí còn viết thư tỏ ý "đe dọa" tới Hùng Vương để Hùng Vương không can thiệp vào chuyện đoạt vị ở bộ Ai Lao.
Nên biết rằng chức "bộ chủ phụ đạo" vốn được lập ra dưới thời Hùng Quốc Vương khi phân chia lãnh thổ. Đứng đầu một chư hầu phiên dậu (một bộ) là một bộ chủ phụ đạo. Chức vị này được phép "phụ truyền tử kế", cha truyền con nối. Nói cách khác, bộ chủ phụ đạo chính là vua của một nước chư hầu trong thiên hạ họ Hùng. Thục Vương tranh đoạt chức vị này ở bộ Ai Lao nghĩa là đã chiếm nước chư hầu vào hàng lớn nhất, thân cận nhất của Hùng Vương.
Đoạn ngọc phả trên cũng cho biết Thục nghĩa là Tây, nhà Thục tương đương với triều đại phía Tây. Tây Thục xưng Hùng Vương Văn Lang phía Nam là anh.
Sang đời Hùng Vương thứ 18 là Hùng Tuyền Vương (hay có bản chép là Hùng Duệ Vương), Ngọc phả kể chuyện Hùng Tuyền Vương xây thành Cổ Loa, được thần Kim Quy trợ giúp diệt trừ yêu quỷ và trao cho móng rùa làm lẫy nỏ thần. Nhờ có nỏ thần và thành Cổ Loa vững chắc, quân Thục không làm gì được triều Hùng.
Như vậy theo Ngọc phả Hùng Vương, người xây thành Cổ Loa không phải là Thục An Dương Vương. Nói cách khác, thành Cổ Loa đã được xây trước khi Thục chiếm được Văn Lang.
Tới chỗ này lại có một chuyện khó hiểu. Đang có sức mạnh quân sự như vậy nhưng Hùng Vương lại theo lời Tản Viên Sơn Thánh, quyết định nhường ngôi cho Thục Vương, tặng thêm cả nỏ thần. Còn mình thì đi tìm tiên thuật, hóa sinh bất diệt...
Sự thực hẳn phải là khác. Thục Vương đã từng cầu hôn con gái Hùng Vương 18, nhưng không thành. Sau đó thực chất là vừa ép vừa dụ để Hùng Vương nhường lại ngôi cho mình. Đây là ý đồ của nhà Thục đã có từ thời Hùng Vương thứ 17 ở trên.
Với những sự kiện trên về Thục Vương chiếm ngôi của Hùng Vương, chấm dứt Hùng triều trong Ngọc phả, thì chợt nhận ra: Thục trong chuyện này chính là nhà Tần. Tần vốn là một chư hầu của thiên hạ Trung Hoa, vào cuối thời Chu trở nên hùng mạnh. Một trong những cuộc đánh chiếm mở rộng đất Tần là đánh vào Tây Chu. Sử gọi vùng này là Tây Âu.
Sách Hoài Nam tử cho biết: Trong 3 năm, [quân Tần] không cởi giáp dãn nỏ. Giám Lộc không có đường chở lương, lại lấy binh sĩ đào cừ cho thông đường lương để đánh nhau với người Việt. Giết được quân trưởng Tây Âu là Dịch Hu Tống.
Tây Âu là vùng đất Vân Nam, xưa là vùng Ai Lao di. Bộ chủ Ai Lao bị Tần Thục đánh chiếm ngôi vị như thế chính là Dịch Hu Tống, một dòng dõi của Hùng Vương Văn Lang, vì:
- Dịch chỉ người đã tác Dịch, tức là Văn Vương (Văn Lang).
- Hu hay Hậu.
- Tống hay Tông.
Dịch Hu Tống = Dịch Hậu Tông, nghĩa là dòng dõi của vua Dịch học Văn Vương, tức là dòng dõi vua Hùng Văn Lang.
Chỉ có Tần mới dám ngang nhiên đánh chiếm đất đai của dòng dõi Thiên tử (Tây Chu), thậm chí viết thư đe dọa vua Chu (Hùng Vương) không được can thiệp. Sau đó, còn xưng làm anh em với thiên tử Chu thay cho lễ quân thần.
Vị trí các địa danh trong bài.
Tới đời tiếp theo, như đã biết với chuyện con tin của Tần là Dị Nhân Tử Sở ở rể tại nước Châu - Triệu hay trong chuyện Mỵ Châu - Trọng Thủy, Hùng Vương - thiên tử Chu mất thành, mất nước, mất bảo vật nỏ thần theo kiểu vừa bị chiếm vừa bị ép nhường ngôi. Thiên tử Chu Noãn Vương năm 256 TCN đã "hóa sinh bất diệt" bằng cách cầm sừng văn tê bảy tấc đi ra biển theo thần Kim Quy. Đây cũng là năm mà Tần chính thức xóa sổ nhà Chu theo ghi chép của chính sử.
Ngọc phả Hùng Vương kể:
Thục An Vương đã được nhường nước, tưởng nhớ ơn đức trời biển của Hùng Tuyền vương bèn xa giá đến núi Nghĩa Lĩnh cho dựng Dao Đài để làm nơi quốc gia phụng thờ, dựng hai cột đá trên núi, chỉ lên trời thề rằng:
 - Nguyện trời cao mây xám lồng lộng xét soi, nước Nam trường tồn trường tại. Ngôi miếu Hùng vương nơi đây nếu vua sau kế trị mà bội ước nhạt thề thì sẽ bị rìu trăng búa gió trừng phạt, không phụ lời thề của tiền nhân.
Nhà Tần khi diệt Chu đã không tận diệt con cháu vua Chu, mà cho họ được an trí ở một vùng đất nhỏ, cũng gọi là Đông Chu. Đây hẳn là vì giao tình giữa vua Tần với nhà Chu trong cuộc thông gia dẫn đến việc nhường ngôi nói trên.
  Đá cổ (cự thạch) ở Xín Mần, Hà Giang (gần Tây Côn lĩnh).
Thêm một chi tiết là Tần Thủy Hoàng sau khi thống nhất thiên hạ các nước đã lên núi Thái Sơn để phong thiện tế cáo trời đất. Nên biết là núi Thái của thời kỳ này không phải là ở vùng Sơn Đông bên Tàu. Thái Sơn của thiên hạ họ Hùng là ngọn Côn Lôn, nơi vị Thái tổ Hùng Vương là Đế Minh đã khởi dựng cơ nghiệp hồng đồ. Dãy Côn Lôn này chính là dãy Hoàng Liên Sơn ở Bắc Việt, mà được ghi rõ ràng trong Ngọc phả Hùng Vương của đền Vân Luông (Việt Trì):
Xưa tại Đại quốc Trung Hoa, đô đóng ở thành Thiên Thọ Bắc, lăng phần mộ tổ trời táng ở núi Côn Lôn, cùng năm hồ, biển lớn, núi Nam hội chầu chính đường, ban đầu là từ cháu ba đời Viêm Đế dòng Thần Nông thị, từ Hy Hoàng tới đó, truyền ngôi quốc bảo chính thống Nam Bang, để lại cho con cháu đời sau vậy.
Sự kiện Thục Vương lên núi Nghĩa Lĩnh lập cột đá thề là việc Tần Thủy Hoàng phong thiện ở núi Thái Sơn. Cột đá thề của Tần Thục do đó khả dĩ nhất là nằm trong khu vực... bãi đá cổ Sa Pa ở gần đỉnh Phan Xi Phăng của dãy núi tổ Hoàng Liên. Bãi đá có khắc những hình ruộng bậc thang, vuông tròn này vốn là khu vực tế đàn của thời Hùng Vương, nên sẽ hợp lý nhất đó cũng là nơi phong thiện trên núi Thái của Tần Thủy Hoàng. Suy luận hơn nữa, cũng chính vùng núi Sa Pa này có các mộ của các vị vua Hùng mà "trời táng ở núi Côn Lôn" như Ngọc phả đã ghi.
Việc Tần diệt Chu hay Thục thay Hùng, thống nhất Trung Hoa, chuyển từ chế độ phong kiến phân quyền (thiên tử - chư hầu) sang phong kiến tập quyền trung ương (chế độ quận huyện), còn được truyền thuyết Việt kể dưới góc độ khác. Đó là chuyện Chín chúa tranh vua của người Tày ở Cao Bằng, khi mà Thục Phán đã đánh bại các chúa (các nước chư hầu) rồi thôn tính luôn nước Văn Lang.
 Tượng Thạch Sanh thờ ở chùa Đống Lân ở TP Cao Bằng.
Liên hệ xa hơn nữa, cũng ở Cao Bằng, nơi xuất xứ của truyện Thạch Sanh, lấy công chúa rồi dùng niêu cơm tiếng đàn của mình dẹp tan quân sĩ của mười tám nước. "Thạch" hay Thổ là hành chỉ hướng Tây trong Ngũ hành, tương đương với Tây Thục, hay Tần. Truyện cổ tích Thạch Sanh ghi rõ: "Về sau vua không có con trai nên nhường ngôi cho Thạch Sanh", tức là y chang truyện vùa Hùng 18 nhường ngôi cho Thục.
Thục Vương - Tần Vương - Thạch Sanh là một. Nhận định này thật khó tin, nhưng khó có gì hợp lý hơn khi so sánh những thông tin từ Ngọc phả Hùng Vương.

3 comments:

  1. Văn Nhân góp ý:
    "…Vua nước Thục từ xa nghe tin Trung Quốc không mấy khi dùng đến việc võ …"
    Trích đoạn đã chỉ rõ: nước của Hùng Nghị vương là Trung quốc, tức Việt Nam ngày nay là Hậu thân của Trung quốc xưa.
    Trong tư liệu Sử – Địa Việt và Trung Hoa phía Tây căn cứ theo các Dịch tượng là:
    - Châu – Chu biến âm từ Chiêu – chiều, cù̉ng nghĩa là bên Trái, chỉ phía mặt trời lặn, trái ngược với bên ‘Mục’, mặt trời ‘mọc’, bên tay ‘Mặt’; Hết thảy là từ Việt ngữ.
    - Thục là chín chỉ phía Tây ngược với xanh là sống chưa chín chỉ phía Đông. Chín cũng là số 9 trong hệ số đếm Việt, số 9 tức can 9 nút thắt trấn phía Tây trong đồ hình Hà thư (thường gọi sai là Hà đồ – hồ đồ). Chín – Chin chính là tên của Tần quốc đọc theo tiếng Việt.
    Dịch học Hùng Việt cho Thạch là Đá, đọc sai thành Thổ nghĩa là Đất, là hành phía Tây. Người Tàu đã hoán vị 2 hành Kim và Thổ với ý đồ làm ‘loạn’ Ngũ hành của văn minh Việt. Đá thì chết cứng trong tính chung ‘không thay đổi’ của phía Tây, ngược với hành Mộc sống động tượng trưng bởi cây cối có sinh có trưởng ở phía Đông. Dịch học có từ thời vua Phục Hy ngẩng lên nhìn trời cúi xuống xét thế đất mà tác Dịch có lẽ phải đến vài chục nghìn năm cách nay. Ở̉ thời điểm này chưa hề có khái niệm ‘Kim’ chỉ kim loại, nên nói Kim – kim loại là 1 ‘Hành’ trong Ngũ hành là phi lí.

    ReplyDelete
  2. This comment has been removed by the author.

    ReplyDelete
  3. Thục nghĩa là chín (nấu chín, thành thục). Mà Chín chính là âm của Chin(a), chỉ nhà Tần. Đây là liên hệ trực tiếp cho nhận định Thục chính là Tần.

    ReplyDelete