Friday, November 8, 2019

Nhật Nguyệt Tinh Thần

Có một hình tượng được dùng rất phổ biến trong các đền miếu, được đặt một cách trang trọng ở chính giữa các công trình kiến trúc, điện thờ, vật thờ,... Đó là 2 linh vật đang chầu hay dâng một khối tròn, bốc lửa hoặc hình lá đề. Hình tượng này có ít nhất từ thời Lý, như trên cột đá chùa Dạm, trang trí đầu ống ngói ở Hoàng thành Thăng Long, trán bia chùa Long Đọi... Hai linh vật chầu hai bên có thể là Rồng, Phượng, thậm chí có chỗ là Cá hóa rồng.  Tên gọi và ý nghĩa của hình tượng này là gì?
Đền Thượng Sóc Sơn, với 2 lớp rồng chầu mặt nguyệt trên nóc.
Hình tượng hình tròn bốc lửa hay là đề ở chính giữa có nhiều cách gọi: Mặt nguyệt, Mặt trời, Ngọc, Âm dương, Thái cực. Nói chung tất cả đều thể hiện về một điều gì đó tôn quý, sơ khởi, có thể gọi là "nguyên thần". 2 linh vật chầu vào "nguyên thần" ở giữa như thế là biểu tượng của tín ngưỡng hướng về nguồn cội, về gốc gác của vạn vật.
Lá đề lưỡng long dâng châu ở hầm tòa nhà Quốc hội.
Hình tượng này có tên trong thư tịch cổ là Nhật Nguyệt tinh thần 日月星辰. Đây là cụm từ được sử dụng khá nhiều trong Ngọc phả Hùng Vương. Ví dụ các đoạn sau:
- Đoạn kể về thái tử Lạc Long Quân sau khi đi khắp nước về thăm Đế tổ là Đế Minh, Đế bá là Đế Nghi: Đế tổ Đế bá, thị Thái tử vi cốt nhục, quán như nhật nguyệt tinh thần, sí nhược kim bảo châu ngọc, đại vật bất tề. Dịch ý: Đế tổ, Đế bá coi Thái tử như cốt nhục, xem như nhật nguyệt tinh thần, quý như châu ngọc vàng báu, vật quý cũng không bằng.
Một trang Ngọc phả Hùng Vương dùng cụm từ Nhật nguyệt tinh thần.
- Đoạn Ngọc phả bàn về thời đầu Hùng Vương thịnh trị: Tứ phương bách tính, dĩ thần thuộc sự. Vạn dân tắc canh điền giám tỉnh, tuế tác nhập tức. Thiên địa nhật nguyệt tinh thần, âm dương dĩ chính, tứ thời tiết hậu. Dịch ý: Bốn phương trăm họ đều thần thuộc. Vạn dân được cày ruộng soi giếng, ăn nên làm ra. Trời đất nhật nguyệt tinh thần đều chính. Bốn mùa khí hậu an hòa.
- Đoạn kể về Lão tiên ông chống gậy trúc ở bến sông Việt Trì được Hùng Hiền Vương mời về đặt định tên cho trăm hoàng tử: Lão hữu thần thư nhất quyển, bốc tri thiên địa nhật nguyệt tinh thần, hô danh tiên pháp. Dịch ý: Lão có một quyển sách thần, là xem mà biết phép tiên, gọi tên trời đất nhật nguyệt tinh thần
- Đoạn về Hùng Vương dùng lễ dối, bị Trời giáng tai họa: Đắc Thân niên Thân nguyệt, nhật nguyệt tinh thần xuất tuệ, phong vũ bất điều, thì khí bất chánh, thử nhân quân đức chánh vị thuần. Dịch ý: Đến năm Thân tháng Thân, nhật nguyệt tinh thần rơi rụng. Mưa gió không điều hòa. Khí thời không chính. Đức của người làm vua không được thuần.
- Đoạn Hùng Huy Vương cho xây dựng điện thờ trên núi Nghĩa Lĩnh: Phát tích tại bản tự, đắc thần bộ chúng, giáng thế phù dực, sơn hà chung linh tú dị, nhật nguyệt tinh thần, Tứ đại Thiên vương, Bát bộ Kim cương, Nhị thập bát tú, Bách thần đô hội. Dịch ý: Dấu tích bắt đầu tại chùa này, nơi được các bộ chúng thần giáng thế giúp đỡ, núi sông chung đúc linh thiêng lạ đẹp, Nhật nguyệt tinh thần, Tứ đại Thiên vương, Bát bộ Kim cương, Nhị thập bát tú cùng trăm thần tụ hội.
Hình tượng Nhật nguyệt tinh thần dưới dạng Thái cực đồ ở một ngôi đình tại Phú Thọ.
Nghĩa cụm từ này không hẳn như vẫn dịch là "Mặt trăng Mặt trời Tinh tú". Nhật Nguyệt Tinh Thần là cụm từ chỉ 4 trạng thái trong Tứ tượng:
  • Nhật (Mặt Trời) - tương ứng với Thái Dương.
  • Nguyệt (Mặt Trăng) - tương ứng với Thái Âm.
  • Tinh (các vì sao đứng yên, định tinh) tương ứng với Thiếu Âm.
  • Thần (hay Thìn, các ngôi sao chuyển động, hành tinh) tương ứng với Thiếu Dương.
Như vậy cụm từ "Nhật nguyệt tinh thần" là tương đương với Thái cực đồ, mà trong đó có cả Thái Âm, Thái Dương, Thiếu Âm, Thiếu Dương. Đây là dẫn chứng rõ ràng cho thấy hình ảnh "mặt nguyệt" mà đôi rồng chầu gặp trong đền miếu có tên là Nhật Nguyệt Tinh Thần, là đồ hình Tứ tượng, bao quát hết cả không gian và thời gian.
Đồ hình Thái cực - Tứ tượng - Nhật nguyệt tinh thần này còn trở thành hình lá đề trong các chủ đề được trình bày thời Lý, như trên cột đá chùa Dạm hay trên trang trí nóc Hoàng thành Thăng Long.
Lưỡng long dâng chầu Nhật nguyệt tinh thần ở chùa Dạm, Bắc Ninh.
Trong lễ tục truyền thống, hình tròn Nhật nguyệt tinh thần còn gặp ở các tục vật cầu, ở Thúy Lĩnh (Lĩnh Nam, Hà Nội) hay làng Vân (Việt Yên, Bắc Giang). Bản thân các quả cầu này cũng là vật được thờ trong đình làng. Ngày hội khi đêm cầu ra cũng làm lễ tế, rước. Ở làng Vân có quan niệm:
Quả cầu ở đây tượng trưng cho mặt trời. Nó được mang, được vác, được tung từ Đông sang Tây theo hướng mặt trời mọc và lặn. Cướp được cầu cũng có nghĩa là cướp được mặt trời, cướp ánh nắng cho lúa khoai.
Nhìn nhận xa hơn thì quả cầu là hình tượng của "Nhật nguyệt tinh thần" hay Thái cực đồ vẫn được dùng cho rồng, phượng chầu trong đền miếu. Quả cầu như thế là sự hội tụ về tinh thần của trời đất vạn vật. Với nghĩa đó nó được thờ cúng và lễ rước.
Các quả cầu trong hội vật cầu làng Thúy Lĩnh (Lĩnh Nam, Hà Nội).


No comments:

Post a Comment