Sunday, December 9, 2012

Tam phủ công đồng

Tam phủ công đồng là tín ngưỡng phổ biến của người Việt. Điện thờ Tam tòa thánh mẫu có thể gặp ở bất cứ đâu, trong các phủ, các đền, các đình, các chùa… Cùng với tín ngưỡng này là những tục lên đồng, hát chầu văn, đã thành những di sản văn hóa đặc sắc của người Việt. Có thể nói Tam phủ công đồng là Đạo thứ tư của người Việt, sánh cùng Tam giáo Nho Lão Phật. Một tín ngưỡng quan trọng như vậy nhưng tới nay vẫn không rõ nguồn gốc, mọi thứ vẫn còn nằm trong màn sương thần tích thần phả. Các nhà nghiên cứu cho rằng từ tục tôn thờ nữ thần hay từ “nguyên lý mẹ” người Việt đã nâng tín ngưỡng này lên thành Đạo Mẫu. Nhưng Tam phủ và nhất là Công đồng đâu phải chỉ có các nữ thần thánh mẫu. Nay xin xem xét từng “phủ” trong Tam phủ để tìm về cái gốc của tín ngưỡng này.
Trước hết rõ ràng nhất là Thoải phủ hay Thủy phủ. Người đứng đầu Thủy phủ không ai khác là vua cha Bát Hải Động Đình. Trong bài “Rồng bay biển Bát” đã xác định vua cha Bát Hải Động Đình ở đền Đồng Bằng là Lạc Long Quân ở đất Đào Động – Đào Hoa Trang bên bờ biển Đông.
Vị Mẫu cai quản Thoải phủ là Mẫu Thoải mà theo các thần tích là con vua Động Đình, lấy Kinh Dương Vương hay Kinh Xuyên. Mẫu Thoải là con gái Thần Long Động Đình, trong truyền thuyết Họ Hồng Bàng, tức là mẹ của đức Lạc Long Quân.
Đền Dầm thờ Mẫu Thoải ở thôn Xâm Dương - Ninh Sở (Thường Tín - Hà Nội) chép Mẫu Thoải là “nàng Tiên thứ ba đến chầu Thượng Đế, chẳng may làm vỡ chén ngọc. Thiên triều nghị tội, giáng nàng xuống Thủy cung làm con gái Long Vương. Nàng được gả cho tướng quân Kinh Xuyên…”.
Xâm Dương đổi lại là Dương Xâm, phiên thiết là Dầm. Như vậy tên Xâm Dương chỉ là tên chữ của làng Dầm mà thôi.




Den Dam


Đền Dầm ở Xâm Dương


Đình làng Xâm Dương thờ một vị thần có mỹ hiệu Kiến Quốc Hùng Cơ vào thời Hùng Vương, có công giúp Sơn Tinh đánh Thục. Thần có 4 người con, đều sinh ra từ một bọc trứng. Người con đầu có tên Nhất Vĩnh Đông Hải, người con cuối là Tứ Vĩnh Ninh Giang…
Có thể thấy thần tích đình Xâm Dương cũng giống như thần tích của đền Đồng Bằng hay đền Lảnh Giang, đền Ninh Giang về sự xuất hiện của anh em Vĩnh Công từ một trứng đã giúp vua Hùng đánh Thục. Nhất Vĩnh Đông Hải là Vĩnh Công Bát Hải Động Đình. Tứ Vĩnh Ninh Giang, Ninh Giang là tên sông Tranh, nơi có đền thờ Quan đệ ngũ tuần Tranh…
Người mẹ của Vĩnh Công trong truyền thuyết đền Đồng Bằng hay đền Lảnh là nàng Quý. Thực ra nàng Quý nghĩa là nàng Ba (trong thứ tự Mạnh, Trọng, Quý). “Nàng tiên thứ Ba” chính là Mẫu Thoải, người cai quản phủ Tam (Thủy phủ) như thần tích đền Dầm đã chép. Thôn Xâm Dương có cả đền thờ Mẫu Thoải và thần tích về Vĩnh Công xuất thế, có thể chính là nơi Mẫu Thoải đã sinh ra Lạc Long Quân, vị vua của Động Đình sau này.
Câu đối ở đền Lảnh Giang (Duy Tiên – Hà Nội) nơi thờ Quan lớn đệ Tam:
Tam phủ hiển anh linh do truyền Hồng lĩnh Bắc
Tứ dân triêm huệ trạch viễn chấn Phượng thành Đông.

Dịch:
Tam phủ rõ linh thiêng, còn truyền đất Hồng Bắc
Tứ dân ngấm ân đức, xa vang thành Phượng Đông.

Tam phủ ở đây là Thoải phủ của Quan lớn đệ tam và Mẫu Thoải. Tam hay số Ba (nàng Ba hay nàng Quý) là con số chỉ phương Đông của Hà Thư. Thoải phủ ở phương Đông vì Lạc Long Quân và Mẫu Thoải đều gắn với thủy phủ Bát Hải Động Đình, tức biển Đông.
Hồng Lĩnh Bắc” rõ ràng không phải vùng đất phía Bắc núi Hồng Lĩnh của Nghệ An. Hồng Lĩnh Bắc là đất Đào – Hoa Hạ của Lạc Long Quân mà thôi.
Phượng thành Đông” ở đây chỉ thành Thăng Long. Rất có thể “Phượng thành Đông” là chỉ Đông Đô của dòng tiên phượng Âu Cơ.
Lần tìm tiếp theo thì Nhạc phủ chắc chắn là do Sơn Tinh hay Tản Viên quốc chúa cai quản. Mẫu Thượng Ngàn cũng có liên quan trực tiếp tới Tản Viên. Nếu theo truyền thuyết vùng xứ Đoài thì bà Ma Thị Cao Sơn, mẹ nuôi của ba anh em Nguyễn Tuấn, là Bà chúa thượng ngàn. Ngay cái tên Ma Thị Cao Sơn đã có nghĩa là “Mẹ núi cao”. Bà mẹ nuôi của Tam vị thánh Tản này cũng được thờ là Mẫu Thượng Ngàn ở đền Đợi, nằm gần quần thể đền Đồng Bằng ở Thái Bình.
Theo một số truyền thuyết khác như ở đền Bắc Lệ thì Mẫu Thượng Ngàn là công chúa La Bình, con của Tản Viên Sơn Thánh. Dù là truyền thuyết nào thì rõ ràng Nhạc phủ do dòng Tản Viên Sơn Thánh cai quản.
Nhạc phủ có thể ở phía Nam (xưa) vì núi là quẻ Cấn, chỉ hướng Nam xưa. Tản Viên Sơn Thánh là Kinh Dương Vương, người đã làm vua phương Nam trong truyền thuyết họ Hồng Bàng. Truyền thuyết đền Đồng Bằng cũng bắt đầu với địa danh "trấn Sơn Nam", thật là đủ cả núi và nom.
Dòng phương Nam của Kinh Dương Vương đã kết hợp với dòng Thần Long Động Đình (Mẫu Thoải) ở phía Đông sinh ra Lạc Long Quân. Rất có thể chuyện Kinh Xuyên bị Thảo Mai dèm pha đuổi Mẫu Thoải ra khỏi nhà ám chỉ một cuộc phân ly nào đó giữa 2 dòng Nam và Đông này của người Việt thủa xưa.
Các vị thần của Thiên phủ khó xác định hơn vì Trời thì ở xa. Xa về thời gian. Thần chủ của Trời thì không ai ngoài Ngọc Hoàng thượng đế. Ngọc Hoàng thượng đế thì như đã biết là Hoàng Đế Hiên Viên của Hoa sử. Ngọc Hoàng không phải là vị thần của Đạo Lão đã chen chân vào tín ngưỡng Tam phủ, mà Ngọc Hoàng là vốn đã là thần chủ chính của Tam phủ.
Ở thôn Bằng Sở (Ninh Sở - Thường Tín - Hà Nội) có là đền thờ đức vua cha, tức Ngọc Hoàng thượng đế.


Ngoc Hoang dai dien



 Hoành phi Ngọc Hoàng đại điện ở Bằng Sở.


Còn vị Mẫu của Thiên phủ là Mẫu Cửu Trùng. Đền thờ Mẫu Cửu Trùng ở ngay cạnh đền Ngọc Hoàng ở Bằng Sở.
Câu đối ở đền Bằng Sở thờ Mẫu Cửu trùng:
Tứ phủ linh thanh, hộ quốc bảo dân thiên hạ mẫu
Cửu trùng trắc giáng, đằng vân giá vũ địa trung tiên.

Dịch:
Tứ phủ linh thiêng, giúp nước cứu dân mẫu nghi thiên hạ
Cửu trùng lên xuống, đi mây về gió vị tiên thế gian.

Mẫu Cửu Trùng (gọi tắt là Mẫu Cửu) cũng là Cửu Thiên Huyền Nữ trong truyền thuyết Trung Hoa, tức là người đã giúp đỡ Hiên Viên Hoàng Đế trong cuộc chiến với Xuy Vưu.
Cửu Thiên cũng giống như Bát Hải, không phải là chín trời tám biển. Cửu là số 9 chỉ hướng Tây trong Hà Thư. Cửu thiên nghĩa  là trời Tây. Cửu Thiên Huyền Nữ là bà Tây Vương Mẫu, vị chúa cai quản các tiên trên trời, vợ của Ngọc Hoàng thượng đế. Trong truyền thuyết Trung Hoa thì Tây Vương Mẫu là tiên chủ vườn Đào ở Diêu Trì. Nay có thể hiểu Tây Vương Mẫu hay Mẫu Cửu là bà Vụ Tiên ở đất Đào tại Giao Trì (Giao Chỉ?).
Bà Vụ Tiên theo Thiên Nam ngữ lục còn có tên là Khương Tiên:


Xưng danh là ả Khương Tiên
Có tinh Cửu vĩ là em ngoan ngùy.


Khương là tính chất của phương Tây trong Dịch lý. Khương Tiên - Tây Vương Mẫu – Cửu Thiên Huyền Nữ - Mẫu Cửu Trùng rõ ràng là một. Thiên phủ như vậy ở hướng Tây.


Den Mau Cuu



Đền Mẫu Cửu ở Bằng Sở


Còn “công đồng” nghĩa là gì? Công đồng không phải là cùng chung. “Công” ở đây nghĩa là quan, là công. “Công đồng” nghĩa là “tập thể” các quan của Tam phủ. Ban công đồng trong các đền được thờ như một triều đình có vua quan thực sự. Công đồng đọc tắt là “đồng”, trong các từ "lên đồng" hay "chầu đồng". "Chầu đồng" nghĩa là triều phục các quan chứ không phải là “chầu nhi đồng” (?!) như vẫn giải thích.
Trên nền tảng Dịch học đã cho phép khớp nối các thần chủ trong hệ thống Tam phủ với các nhân vật của thần thoại Trung Hoa và truyền thuyết Việt. Điều này cũng chứng tỏ thêm cội nguồn của Trung Hoa chính là ở Việt Nam. Lịch sử người Hoa Việt thời quốc sơ chính là nguồn gốc làm nên tín ngưỡng Tam phủ dân gian ngày nay.
Truyền thuyết Họ Hồng Bàng trong Lĩnh Nam chích quái:
Đế Minh cháu ba đời Viêm Đế Thần Nông sinh ra Đế Nghi, nhân đi tuần về phía Nam đến núi Ngũ Lĩnh mừng gặp và lấy được con gái bà Vụ Tiên rồi trở về, sinh ra Lộc Tục. Lộc Tục mặt mày sáng sủa, thông minh phúc hậu, Đế Minh rất lấy làm lạ, muốn cho nối ngôi mình. Lộc Tục cố từ, xin nhường cho anh là Đế Nghi. Đế Minh liền lập Đế Nghi làm người nối ngôi cai trị đất phương Bắc, phong cho Lộc Tục làm Kinh Dương Vương để cai trị đất phương Nam, lấy hiệu nước là Xích Quỷ. Kinh Dương Vương có tài đi dưới thủy phủ, lấy Long Nữ là con gái Long Vương ở hồ Động Đình, sinh ra Sùng Lãm hiệu là Lạc Long Quân, cho nối ngôi trị nước. Kinh Dương Vương không biết đi đâu mất.
Nay viết lại dưới ngôn ngữ của Tam phủ:
Đế Minh, tức Ngọc Hoàng thượng đế, cháu ba đời Thái Viêm Thần Nông sinh ra Đế Nghi, nhân đi tuần về phía Nam đến núi Ngũ Lĩnh mừng gặp và lấy được con gái bà Vụ Tiên, tức Mẫu Cửu Trùng, rồi trở về, sinh ra Lộc Tục, tức Tản Viên Sơn Thánh. Lộc Tục mặt mày sáng sủa, thông minh phúc hậu, Ngọc Hoàng thượng đế rất lấy làm lạ, muốn cho nối ngôi mình. Lộc Tục cố từ, xin nhường cho anh là Đế Nghi. Đế Minh liền lập Đế Nghi làm người nối ngôi cai trị đất phương Bắc, phong cho Tản Viên làm Kinh Dương Vương để cai trị đất phương Nam, lấy hiệu nước là Xích Quỷ. Kinh Dương Vương có tài đi dưới thủy phủ, lấy Mẫu Thoải là con gái Long Vương ở biển Đông, sinh ra Lạc Long Quân, cho nối ngôi trị nước, tức vua cha Bát Hải Động Đình, …

Đoạn sử khởi đầu của dân tộc thật đã chép đầy đủ các thần chủ của Tam phủ. Nguồn gốc Tam phủ công đồng nay đã rõ ràng. Lịch sử dân tộc từ xa xưa vẫn còn đang sống trong đức tin của người Việt.

1 comment:

  1. Anonyme writes:

    thế sự tích sơn tinh thủy tinh thì tản viên sơn thánh là ai? đúng là nói phét

    ReplyDelete