Thursday, September 30, 2021

Chu Vương tạo đỉnh, dùng tế lễ lớn

Cửu đỉnh ở Huế

Cửu đỉnh ở Thế miếu Huế

Dưới thời vua Minh Mạng, nước Đại Nam của nhà Nguyễn đã mở rộng lãnh thổ hơn bao giờ hết. Khu vực Tây Bắc và một phần của Lào trước đó thuộc nước Bồn Man đã được sát nhập vào lãnh thổ Đại Việt vào thời Lê, với tên gọi là Trấn Ninh. Nhờ công lao mở nước ở phương Nam của chúa Nguyễn Hoàng mà miền Nam Trung Bộ và Nam Bộ đã thuộc về nước Đại Nam. Một phần lớn đất ở Campuchia cũng thuần phục nhà Nguyễn, trở thành Trấn Tây Thành. Là một đế quốc bao trùm Đông Nam Á khi đó, Minh Mạng đã rất ý thức được vấn đề nguồn gốc người Việt. Vua nêu cao việc noi gương tổ tiên và các vị vua triều đại trước, mà việc đúc Cửu đỉnh để đặt làm tế lễ phụng sự ở Thế miếu là một điển hình, công khai với toàn thiên hạ về nguồn gốc và phạm vi lãnh thổ của triều đại. 

Trong buổi lễ khánh thành cửu đỉnh, nhà vua cùng quần thần đến miếu tế cáo. Lễ xong, nhà vua dụ bảo các quan rằng: Trẫm xem xét đời xưa, đúc đỉnh theo hình các vật, nhưng đồ cổ [truyền lại] còn ít, những người biên chép ghi lại có chỗ không đúng, chép ra toàn là [hình dạng] của vạc nấu ăn, còn như đỉnh cao lớn và nặng, thì không những gần đây không có mà đến đời Tam đại cũng ít nghe thấy. Nay bắt chước người xưa mà lấy ý thêm bớt, đúc thành chín đỉnh to, sừng sững đứng cao, nguy nga kiên cố, không chút sứt mẻ, đáng làm của báu, con con cháu cháu, giữ mãi không bao giờ hết. Vậy thông dụ cho 31 trực tỉnh và Trấn Tây Thành đều được biết. 

9 chiếc đỉnh to lớn sừng sững nay vẫn còn tại Thế miếu trong kinh thành Huế là một lời minh chứng cho thời kỳ huy hoàng của đế quốc Đại Nam và tư tưởng noi gương các đời Tam Đại của vua Minh Mạng.

 

Cao đỉnh trước Thế miếu ở Huế

Phỏng Chu Vương Bá đỉnh

Cũng thời vua Minh Mạng nhà Nguyễn, năm thứ 20, vua đã cho phỏng theo các đồ vật thời Tam Đại mà đúc nên 33 loại đồ vật, gọi là Cổ khí. Bài minh văn ngự chế đúc trên 1 chiếc đỉnh nói rõ chuyện này. Đỉnh này có tên ghi là đỉnh phỏng theo đỉnh của Chu Vương Bá, với chữ ngự đề:

惟明命二十年己亥予受天眷祐河順豐盜賊屏息年近知天爰法古鑄器凡三十三類此鼎其一也用傳來許我之子孫若能親賢遠侫愛民敬天卜年世遠勝周家可天下畏服大南日昌可永保用之可

Duy Minh Mạng nhị thập niên Kỷ Hợi, dư thụ thiên quyến hữu, hà thuận tuế phong, đạo tặc bính tức, niên cận tri thiên, viên pháp cổ chú khí, phàm tam thập tam loại, thử đỉnh kì nhất dã, dụng truyền lai hứa, ngã chi tử tôn, nhược năng thân hiền viễn nịnh, ái dân kính thiên, bốc niên thế viễn, thắng Chu gia khả, thiên hạ úy phục, Đại Nam nhật xương khả, vĩnh bảo dụng chi khả.

Dịch nghĩa: Năm Kỷ Hợi niên hiệu Minh Mạng thứ 20, ta được trời mến giúp, sông thuận, được mùa, trộm cắp trừ yên. Ta đã sắp đến tuổi biết mệnh trời (tuổi 50), bèn theo phép cổ mà đúc khí vật, tất cả 33 loại. Đỉnh này là một trong số 33 loại ấy, để truyền lại cho đời sau, sao cho biết gần gũi người hiền, tránh xa nịnh bợ, biết thương dân kính trời, thì đoán chừng là triều đại này bao năm có thể còn dài hơn cả nhà Chu, thiên hạ có thể sợ phục nước Đại Nam ngày càng thịnh vượng, mãi mãi có thể dùng bảo vật này.

Tên gọi Chu Vương Bá ở trên đỉnh khả năng là một vị vương thất thời Chu Vũ Vương. Vua Minh Mạng đặt bài minh khái quát các cổ khí ở chiếc đỉnh Chu Vương Bá vì có thể vua coi Gia Long là người lập nên nhà Nguyễn giống như Chu Văn Vương mở đầu nhà Chu. Còn bản thân Minh Mạng nối tiếp sự nghiệp, giống như Chu Vũ Vương nối tiếp Văn Vương. Trong Cửu đỉnh tại Huế có Cao đỉnh là dùng thờ Gia Long, và Nhân đỉnh dùng đặt đối diện ban thờ Minh Mạng.

Vị Vương Bá thời Chu Vũ Vương lập nhà Chu thì có khả năng là Bá Ấp Khảo, người con đầu của Văn Vương, anh của Vũ Vương. Bá Ấp Khảo đã hy sinh trong cuộc chiến chống lại Trụ Vương, để Vũ Vương sau đó hoàn thành đại nghiệp, phạt Trụ diệt Ân, lập nên vương triều thiên tử nhà Chu kéo dài hơn 800 năm.

Hình vẽ Phỏng Chu Văn Vương đỉnh

Chu Vương đỉnh

Một chiếc đại đỉnh lớn thật sự của thời Chu đúc bằng đồng, cao tổng cộng 53 cm, rộng tới 43 cm, nặng 12 kg. 2 quai đỉnh hình chữ U lớn, dày. Mặt ngoài mỗi quai có hình hai con rồng chầu mặt trời. Trên từng quai đỉnh có khắc 8 chữ Kim văn lớn: 周王作之子孫永用

Chu vương tác chi. Tử tôn vĩnh dụng

Dịch nghĩa: Chu Vương tạo vật này cho con cháu dùng mãi.

Chiếc đỉnh Chu Vương này có phần thân hình tròn, hơi dẹt. Thân đỉnh có 6 khía dọc chia đỉnh thành 6 múi. Mỗi múi có hình mặt thú thao thiết. 3 chân đỉnh lớn cũng có đúc nổi hình mặt thao thiết. Cả chiếc đỉnh nhìn trầm hùng, vững chắc, bề thế.

Đỉnh Chu Vương

Phần thân đỉnh có đúc chữ nổi xung quanh thân, là một bài minh chép bằng chữ kim văn. Chữ đúc lớn, nét chữ có phần giản lược. Bài minh này được lặp lại 3 lần (ba mặt một lời) và có một dòng 4 chữ như tiêu đề. Tất cả có 208 chữ đúc nổi trên thân đỉnh. Chia thành 52 dòng, mỗi dòng 4 chữ. Nội dung bài minh trên Chu Vương đỉnh như sau:

晳丕俎用

史戊寸公,作休子子門,休永寶對,賜旗吉待,匍正民初,曰盂玟有,

周命于若,胜又王宗,攸用佩帚,門生隹卑,宫名大,反吊夫死,

友君子師,厭永吉有, 考庚辟,于其朋享,晳丕俎用

TÍCH PHI TRỞ DỤNG

Sử Mậu Thốn Công, tác hưu tử tử môn, hưu vĩnh bảo đối, tứ kỳ cát, đãi bồ chính dân, sơ viết Vu Mân, hữu Chu mệnh vu nhược, thắng hựu Vương tông, du dụng bội trửu, môn sinh chuy ti, thiệu cung danh đại, phản điếu phu tử, hữu quân tử sư, yếm vĩnh cát hữu, khảo canh tịch nội, vu kỳ bằng hưởng, tích phi trở dụng.

Chú giải:

Tích phi trở dụng: chữ Bất ở đây đọc thông với chữ Phi , nghĩa là to lớn. Trở là vật dùng tế lễ.

Sử Mậu Thốn Công: Chữ sử dùng thông với chữ 使. Mậu Thốn là tên một vị đại thần tước Công.

Tác hưu tử tử môn: làm ra khu nhà dùng cầu lành cho con cháu

Hưu vĩnh bảo: Bảo là đồ quý, ở đây chỉ chiếc đỉnh.

Bồ chính dân: Bồ nghĩa là vất vả. Ý nói việc cai quản dân nhiều khó nhọc.

Vu Mân: Nghĩa thường là đồ đựng bằng ngọc. Nhưng có thể ở đây chỉ Văn Vương, là vị vua khởi đầu nhà Chu. Vu Mân đọc thiết là Văn.

Dụng bội trựu: chữ “trựu” đọc không chắc chắn. Hiểu nghĩa chung là dùng đồ vật quý làm tín lễ.

Chuy ti: chữ đọc không chắc chắn. Suy theo nghĩa là chỉ việc phúc sinh được con cái.

Hữu quân tử sư:  chỉ bậc thầy của vua, có lẽ là chỉ các bậc tiên vương.

Khảo canh: đọc thông nghĩa với “thọ khang”.

Diễn nghĩa bài minh trên Chu Vương đỉnh:

Dùng tế lễ lớn

Sai Mậu Thốn Công làm chiếc đỉnh quý đặt ở cửa lành cho con cháu, cùng ban cờ cầu phúc, để gắng sức cai quản nhân dân. Trước đây vua Văn có được mệnh thắng của nhà Chu, Vương tông lại dùng đồ tín lễ mà trong nhà sinh được điều lành, rạng danh cung lớn, dùng cúng điếu người đã mất, để cho bạn, quân, con, thầy có điều tốt đầy mãi, luôn trong mạnh thọ mà hưởng dụng như vậy, dùng cho tế lễ lớn. 

Phần đầu bài minh Tích phi trở dụng

Chiếc đỉnh tông Chu Vương này có hình dạng tương đồng với đỉnh Cận 堇鼎, là chiếc đỉnh lớn thời đầu Tây Chu tìm thấy ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Đỉnh Cận là một trong những trọng khí quốc gia của Trung Quốc, kích thước cao 62 cm, chỉ cao hơn chiếc đỉnh Chu Vương trên 9 cm. Trên đỉnh Cận có khắc chữ kể về một vị hầu tước tên Cận đi cống lễ vua Chu. Chiếc đỉnh Chu Vương mô tả ở trên như vậy cũng có niên đại xấp xỉ vào đầu thời kỳ Tây Chu, cách nay gần 3.000 năm.

Nội dung bài minh trên đỉnh Chu Vương khá tương đồng với bài minh của vua Minh Mạng đúc trên Phỏng Chu Vương Bá đỉnh. Bài minh có ý nghĩa là đúc đỉnh để truyền lại cho con cháu làm vật quý sử dụng trong việc tế lễ, thờ cúng tổ tiên, tang lễ, để nhờ đó cầu phúc, cầu mệnh trời cho triều đại được lâu dài, cai quản nhân dân.

Pháp cổ

Dụ chỉ đúc đỉnh của vua Minh Mạng nêu: Đỉnh là để tỏ ra ngôi vị đã đúng, danh mệnh đã tụ lại. Thực là đồ quý trọng ở nhà tôn miếu. Xưa các minh vương đời Tam Đại lấy kim loại do các quan mục bá chín châu dâng cống, đúc chín cái đỉnh để làm vật báu truyền lại đời sau. Quy chế điển lễ ấy thực to lớn lắm! Trẫm kính nối nghiệp trước, vâng theo đường lối rõ ràng. Nay muốn phỏng theo đời xưa, đúc chín cái đỉnh để ở nhà Thế miếu... Đó là để tỏ ý mong rằng muôn năm bền vững, dõi truyền đời sau. Chuẩn cho quan phần việc theo đúng kiểu mẫu mới định mà đúc.

Các minh vương thời Tam Đại đúc cửu đỉnh tượng trưng cho đất đai thiên hạ 9 châu bắt đầu từ Đại Vũ của nhà Hạ. Các cổ khí của vua Minh Mạng chủ yếu phỏng theo các đồ thời Thương và và Chu. Tam Đại Trung Hoa mà Minh Mạng noi theo là các triều đại Hạ, Thương và Chu của Trung Hoa cổ đại.

Từ thời vua Gia Long đầu triều Nguyễn đã đề ra xu hướng “Pháp cổ” – noi theo phép xưa có. Có 2 khái niệm pháp cổ:

-        Pháp tiên vương: tức là theo phép thời Nghiêu, Thuấn.

-        Pháp hậu vương: tức là theo phép thời Tam Đại (Hạ, Thương, Chu).

Thời Minh Mạng lại đề ra khái niệm “pháp tổ”, theo phép tổ tiên, cũng đều có thể gọi chung là pháp cổ. Tuy là phương châm “pháp tổ” (“kính thiên pháp tổ”) nhưng lại vua Minh Mạng lại mô phỏng theo thời Hạ Thương Chu, mà tiêu biểu là đúc Cửu đỉnh và Cổ khí. Nói cách khác, Minh Mạng công khai coi các vị tiên vương thời Ngũ Đế và hậu vương thời Tam Đại Trung Hoa là “tổ” của triều Nguyễn, mà noi theo.

Trang Ngọc phả Hùng Vương thời Minh Mạng có ghi "niên hiệu" Hùng Vương năm thứ 32.

Vương triều Chu của Trung Hoa bắt đầu từ Văn Vương dựng nghiệp, Vũ Vương lập thiên hạ lên ngôi thiên tử, đều là những triều đại của người Việt, được sử sách Việt gọi là thời Hùng Vương dựng nước Văn Lang, phân phong trăm anh em thành Bách Việt. Chiếc đỉnh Chu Vương tạo đúc là biểu tượng của vương quyền thiên tử nhà Chu trước trăm tộc Bách Việt, cũng chính là tế vật của vua Hùng nước Văn Lang xưa. Lịch sử Trung Hoa cổ đại còn truyền tới triều Nguyễn nước Đại Nam, tự xưng mình là Hùng Vương như trong bản Hùng Vương Thánh Tổ Ngọc phả được biên soạn dưới thời vua Minh Mạng. Báu vật bảo đỉnh Chu Vương còn lưu truyền đến nay qua gần 3.000 năm, là chứng thực cho sự vững bền của quốc gia, của nền văn minh dân tộc Việt trải suốt chiều dài lịch sử. Liệu Việt Nam ngày nay có thể lại trở thành một “đế quốc” bao trùm rộng lớn với thiên hạ chín châu hay không phụ thuộc vào nhận thức của chính người Việt đối với những di sản cổ vật của tiên tổ để lại cho chúng ta ngày nay.

 

No comments:

Post a Comment