Monday, May 17, 2021

Khái luận lịch sử qua Hùng Vương Thánh Tổ ngọc phả

"Các vua Hùng đã có công dựng nước", câu nói của Bác Hồ bên đền Hùng là một đánh giá lịch sử chính xác. Nhưng lịch sử thời dựng nước của các vua Hùng tính từ lúc nào? 4.000 năm lịch sử như cha ông ta từng lưu truyền? Hay 5.000 năm ngang với Tam Hoàng Ngũ Đế Trung Hoa? Hay chỉ "vài ngàn năm" như hội thảo gần đây về thời Hùng Vương mới "kết luận"?...

Ngọc phả Hùng Vương biên soạn qua các thời kỳ là sự ghi chép và hệ thống hóa của chính quyền phong kiến nước ta từ các thần tích và truyền thuyết được dân gian lưu truyền hàng ngàn năm. Hiếm có quốc gia nào trên thế giới mà lại giàu có về huyền thoại và truyền thuyết như nước Nam ta. Những truyền thuyết Việt đã được kể từ thế hệ này sang thế hệ khác. Có những truyền thuyết từ thời khai thiên lập địa khi con người còn đang ăn hang ở hốc cho tới những thời kỳ gần hơn của sử trung đại.

Truyền thuyết Việt không như truyện thần thoại phương Tây, mà là những truyện “cổ tích” thực sự, nghĩa là những vết tích của những gì đã từng xảy ra trong quá khứ xa xưa. Đằng sau mỗi câu chuyện cổ được lưu truyền là lịch sử chân xác của quốc gia, của dân tộc. Lịch sử đã bị lãng quên, bị bôi đen, bóp méo bởi kẻ thù phương Bắc. Truyền thuyết và tín ngưỡng dân gian là những ký ức lịch sử lưu lại được khi người Việt phải trải qua gần ngàn năm thống khổ cùng cực, lúc nào dao cũng kề cổ. Cộng thêm những hành động đốt sạch, phá sạch, tận diệt, tận xóa vết tích văn hóa văn minh trên đất Việt của không ít kẻ thù đã làm cho việc nhận ra chân lịch sử Việt đúng là thiên nan vạn nan.

Để tìm về cội nguồn và bản ngã dân tộc thì không thể thiếu những truyền thuyết lịch sử rất phong phú lưu truyền trong tín ngưỡng và văn hóa dân gian. Tục thờ thành hoàng là những nhân vật lịch sử từ xưa làng nào cũng có. Những ngọc phả, thần tích kể lại nguồn gốc và công trạng của các thần thánh được thờ phụng có niên gian ghi chép không thua gì những quyển sử chính thống. Những hoành phi câu đối trên cổng đình, trong điện thờ thực sự là những minh văn quí giá, cô đọng, hàm ý súc tích, sâu xa về những gì đã xảy ra trong quá khứ. Những nét văn hóa trong các lễ hội làng, hội tổng được hình thành trên cơ sở những sự kiện từng xảy ra nên mang trong đó những thông tin lịch sử chân thực.

Tín ngưỡng dân gian Việt Nam rất đặc biệt. Thần linh của người Việt không phải là những đấng siêu nhiên, tạo ra từ trí tưởng tượng của con người. Thần tiên Việt rất thật, rất người bởi vì họ vốn là những con người thật sự được tôn thờ lên. Công lao, sự nghiệp, đạo đức của họ làm nên tinh thần bất diệt, khiến họ “hóa thần” trong tín ngưỡng và văn hóa dân tộc. Đằng sau mỗi thần tích, mỗi huyền thoại về các vị thần người Việt đều là những nhân vật, những sự kiện có thật từng xảy ra.

Đã có không ít các công trình của những học giả danh tiếng xưa và nay muốn “đọc” lịch sử qua những câu truyện truyền thuyết để tìm lại mấy ngàn năm lịch sử bị khuất lấp. Điều này quả thật không dễ dàng vì muốn vậy phải có dữ liệu để đối chiếu giữa huyền thoại và lịch sử. Trong thời gian trước đây việc này hầu như không thể làm được vì nguồn đối chiếu duy nhất cho các sử gia Việt lại là sách Tàu, tức là sách của chính những kẻ đã cố tình nhào nặn, biến hóa sử Việt. Các sử gia đành chép lại những truyền thuyết dân gian lưu vào sử để đợi đời sau giải mã, tìm lại lịch sử chân thực của dân tộc.

Hãy nghe Hồ Tông Thốc, người viết Việt Nam thế chí, một trong những quyển sử sớm nhất của nước ta, nói về việc này:

Có người hỏi tôi rằng: Bỏ cái lạ giữ cái thường là đạo của thánh hiền, tại sao ông lại câu nệ theo cũ, không nêu rõ lời mới để đổi hẳn thói mê hoặc của đời?

Tôi đáp rằng: … Cho nên những chuyện góp nhặt được đều là lượm lặt ở tiếng vang chuyện đồn, trích lấy đầu đuôi để cho biết rõ về phả ký từng đời mà thôi, còn những sự tích kỳ quái, lờ mờ khó xét, tạm giữ đó để chờ các bậc quân tử sau này, dám đâu xuyên tạc ra lời quái dị để mê hoặc người đời. Độc giả nên lưu tâm nhận kỹ, cố sức suy nghiệm thì sẽ rõ ngọc đá, thấy được tiếng vang hình bóng của lịch sử, tôi đâu tự dám cho ý mình là thoả đáng.

Ngày nay những truyền thuyết mang tiếng vang hình bóng của lịch sử đã có những nguồn để đối chiếu và kiểm chứng tin cậy. Trước hết là khảo cổ học, mà một trong những thành tựu đầu tiên của ngành khảo cổ học Việt Nam là xác định sự tồn tại của thời đại Hùng Vương qua văn hóa đồ đồng Đông Sơn huy hoàng. Cùng với những phát hiện khảo cổ, từng chiếc nha chương, từng trống đồng, thạp đồng phát lộ lại càng thấy lịch sử Việt cần được viết lại và những nhân vật từ trong huyền thoại đang dần bước ra, hiện rõ lên trước mắt chúng ta.

Kết hợp những kết quả nghiên cứu khoa học hiện đại với những dữ liệu dân gian phong phú và nguồn thư tịch văn bản còn lại nay đã cho phép nhìn ra chân tướng cổ sử nước Nam. Việt Nam – suối nguồn của văn minh phương Đông, sự thực ấy đang ngày càng sáng tỏ. Giải mã các truyền thuyết và tín ngưỡng dân gian lúc này càng trở nên cần thiết cho việc nhìn nhận đúng lịch sử nước nhà. Nhìn lại lịch sử để nhận lại cha ông, nòi giống, nhận lại nền văn hóa huy hoàng mà tiền nhân hàng ngàn năm đổ mồ hôi và xương máu xây dựng và gìn giữ.

Ngọc phả Hùng Vương kể rằng Lạc Long Quân lấy Âu Cơ sinh ra một bọc trăm trứng, nở ra trăm người con trai, là tổ của Bách Việt. Cha Lạc Long dẫn 50 người con đi khai phá vùng biển Đông. Mẹ Âu Cơ dẫn 50 người con lên rừng, về đất Phong Châu, lập con cả làm vua, gọi là Hùng Vương. Người Việt ngày nay là con cháu của trăm người con trai đó, tức là một phần của cả dòng họ, đồng bào Bách Việt xưa, cùng chung một nguồn cội họ Hùng.

Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Hùng Vương lên ngôi, đặt quốc hiệu là Văn Lang (nước này Đông giáp biển Nam Hải, Tây đến Ba Thục, Bắc đến hồ Động Đình, Nam giáp nước Hồ Tôn, tức nước Chiêm Thành, nay là Quảng Nam), chia nước làm 15 bộ”.

Phạm vi nước Văn Lang trên bản đồ ngày nay

Cương vực 15 bộ mênh mông của nước Văn Lang thời Hùng Vương, với Tây giáp Tứ Xuyên (Thục), Bắc tới Hồ Nam (hồ Động Đình?), làm các sử gia nghi ngờ rằng đó là lãnh thổ của cả dòng Bách Việt chứ không chỉ của “nước Việt” ngày nay. Nghi ngờ này thực không có cơ sở vì thời Hùng Vương thì làm gì có “nước Việt” với phạm vi chỉ bó hẹp ở vùng Bắc Bộ như sau này. Truyền thuyết và chính sử đều ghi rõ vua Hùng là vua của cả dòng Bách Việt nên nước Văn Lang rộng lớn, bao trùm cõi Lĩnh Nam là tất yếu.

Nếu nhìn nhận các truyền thuyết lịch sử Việt tách rời khỏi không gian và thời gian mà chúng hình thành sẽ dẫn đến những lệch lạc vô cùng lớn, làm cho những truyện truyền thuyết trở nên không thể hiểu nổi. Khi nhìn bằng “tầm nhìn thời đại” ngày nay thì những chuyện “trâu ma rắn thần” của thời cổ sử bị biến thành không “chích quái” thì cũng là “u linh”, mờ ảo. Thế nhưng, quá khứ xa xôi của người Việt lại nằm chính ở những dòng huyền sử lắng đọng đó. Chối bỏ huyền sử tức là quay mặt lại với quá khứ, với tổ tiên nòi giống.

Người Việt ngày nay là một phần của đại tộc Bách Việt. Điều này thật rõ, rõ ngay từ cái tên gọi. Vì thế lịch sử Bách Việt cũng là lịch sử của người Việt. Sách Hán thư viết: "Trong vòng bảy hoặc tám nghìn dặm từ Giao Chỉ tới Cối Kê ở đâu cũng có Bách Việt, mỗi nhóm có các thị tộc của mình." Bách Việt là một cộng đồng các dân tộc cùng nguồn gốc sinh sống ở phía Nam sông Dương Tử cho tới bán đảo Đông Dương từ thời trước Công nguyên.

Ngọc phả Hùng Vương cũng như những truyền thuyết lịch sử Việt được chép trong Việt Điện u linh, Lĩnh Nam chích quái là thu nhặt những chuyện kể trong dân gian từ thời Lý Trần. Những câu đối, hoành phi trong các đền miếu ngày nay còn giữ lại được phần lớn là từ thời Nguyễn. Có vẻ niên đại của những minh văn này không đủ xa, đủ lâu so với những thư tịch chính sử… được mang từ bên Tàu về. Nhưng giá trị của những tư liệu dân gian này là ở chỗ nó không bị chỉnh lý bởi quan niệm sử chính thống, hay bị bóp nặn theo ý đồ của ai đó. Những thần phả, thần tích địa phương ở nước ta được chép từ quan điểm Bách Việt rõ ràng.

Nhận định lịch sử nước Nam thời cổ đại là lịch sử Bách Việt cho phép giải mã được phần lớn các truyền thuyết lịch sử Việt. Nước Nam của thời đầu Công nguyên có lãnh thổ hoàn toàn không giống với nước Đại Việt thời Lê hay với nước Việt Nam thế kỷ 21 này. Những sự kiện, những nhân vật lịch sử nước Nam thời cổ và trung đại có tầm vóc, phạm vi vượt ra ngoài khuôn khổ lãnh thổ quốc gia ngày nay bởi đó là lịch sử ghi chép theo quan điểm dân tộc Bách Việt trên địa bàn Lĩnh Nam rộng lớn.

Lĩnh Nam chích quái là truyền thuyết của vùng Lĩnh Nam, tức là của cả vùng đất Bách Việt. Giải mã, đối chiếu truyền thuyết và lịch sử của nước Nam không thể chỉ hạn chế ở ranh giới nước Việt ngày nay. Một khi nhìn nhận cương vực lãnh thổ nước Văn Lang thực sự như truyền thuyết và chính sử xưa chép thì những sự kiện như Thánh Dóng đánh giặc Ân đến từ vùng Hoàng Hà hay An Dương Vương từ đất Xuyên Thục đánh Hùng Vương trở nên hoàn toàn có thể về mặt địa lý.

Bên cạnh phạm vi lãnh thổ và thời gian, để hiểu đúng truyền thuyết còn cần lùi cách nhìn nhận lại vào đúng không gian ngôn ngữ văn hóa của thời kỳ mà truyền thuyết được hình thành. Ví dụ từ “cửu trùng” hiểu như ngày nay là “9 tầng” thì sẽ dẫn đến những điều vô lý, không tồn tại. Đúng hơn, xưa lên ngôi vua gọi là lên “ngôi cửu trùng”. Đền Thượng thờ vua Hùng ở Phú Thọ gọi là Cửu trùng thiên điện, không phải nghĩa là điện thờ ở 9 tầng trời, mà là điện thờ Vua, thờ ông Trời. Thành Cổ Loa không phải có 9 vòng thành, mà là tòa thành từng được gọi là “Cửu trùng thành”, nghĩa là thành nơi có Vua. Cửu trùng hay trùng cửutrường cửu là từ mượn âm, dùng để xưng tụng, tung hô với nghĩa như từ “vạn tuế”. Đời vua Hùng Vương 18 không phải là đời vua Hùng cuối cùng, mà ngược lại, 18 là trùng cửu (9x2), là con số chỉ sự trường tồn của thời đại Hùng Vương.

Ngọc phả, truyền thuyết không phải là lịch sử, nhưng nếu truyền thuyết được quy chiếu vào đúng hệ tọa độ không gian – thời gian – ngôn ngữ – văn hóa sẽ trở thành lịch sử thật sự. Một trong những tọa độ căn bản của văn hóa phương Đông xưa là Dịch học, là Hà thư Lạc đồ, là Âm dương Ngũ hành. Hà là trời, Lạc là đất. Hà thư là những cặp số sắp xếp theo phương vị để chỉ 4 phương trời và một phương trung tâm. Do đó Ngũ Lĩnh là 1 ngọn núi tên là Ngũ, tức là ngọn núi ở trung tâm. Kinh Dương Vương đi tuần ở Ngũ Lĩnh, không phải là nơi có 5 ngọn núi ở bên Tàu. Bát Hải không phải là có 8 cửa biển mà là biển nằm ở phương Tám, tức là phương Đông. Vua cha Bát Hải Động Đình của Thoải phủ trong Đạo Mẫu do vậy không hề xuất xứ từ đầm nước ở Hồ Nam, mà là vị vua của biển Đông, là cha Lạc Long đã dẫn 50 người con xuống khai phá miền duyên hải.

Ngọc phả, thần tích, truyền thuyết Việt không hề “u linh” hay “chích quái” một khi chúng được sọi nhìn bằng “lăng kính” thích hợp. Truyền thuyết là hình bóng của lịch sử. Từ cái bóng đó cái hình cốt lịch sử thật sự có thể được phục dựng nếu có được “hệ quy chiếu” đúng với không gian và thời gian mà lịch sử đã xảy ra.

Một trong những đặc điểm dễ thấy của truyền thuyết lịch sử Việt là khi kể về các nhân vật, dân gian không dùng tên thật của những vị vua này, mà dùng các danh xưng, tên hiệu. Tên gọi Lộc Tục thực ra nghĩa là Lạc tộc, chỉ vị thủ lĩnh đứng đầu tộc Lạc ở phương Nam xưa. Lạc Long Quân cũng nghĩa là vị thủ lĩnh của hai vùng đất Lạc và đất Long của cha Tiên (Kinh Dương Vương) và mẹ Rồng (Thần Long) hợp nhất. Những danh hiệu trong truyền thuyết lịch sử do vậy là những gợi ý, dẫn chứng rõ ràng về công nghiệp của các bậc tiền nhân.

Cũng vì tên của các nhân vật trong truyền thuyết là các danh hiệu nên cùng một tên gọi có thể chỉ 2, 3 người hoặc cả một triều đại trong lịch sử. Truyền thuyết là những chuyện kể không hạn chế về thời gian. Trong ngọc phả, mỗi danh xưng Hùng Vương là chỉ một “chi”, hay 1 triều đại, 1 giai đoạn lịch sử của cùng một vị vua khai sáng. Chuyện của cả một vương triều có thể đều được ghi chép chung vào trong một tên gọi, một danh xưng của vị vua đã sáng lập ra triều đại đó. Cũng giống như tập tục thờ cúng của người Việt thường chỉ thờ vị tổ đầu tiên của dòng họ vậy.

Ví dụ, danh xưng An Dương Vương bao gồm một triều đại kéo dài hơn 800 năm, từ khi Thục Vương tử đánh nước của Hùng Vương, Thục Phán lên ngôi lập cột đá thề trung thành với họ Hùng, tới khi vua Thục xây thành Cổ Loa, rồi vị vua cuối cùng của Thục triều thất quốc, cầm sừng văn tê bảy tấc mà đi ra biển. Thời gian trong ngọc phả và truyền thuyết được tính bằng triều đại, bằng nhân vật và sự kiện, chứ không phải bằng năm bằng tháng như truyện lịch sử.

Cách gọi các chi Hùng Vương như trong Ngọc phả đã giải nghĩa rõ ràng cho việc một đời Hùng Vương kéo dài hàng trăm năm, bởi một tên gọi Hùng Vũ Vương, Hùng Hy Vương... không phải chỉ 1 vị vua, mà là một triều đại do 1 vị vua khởi đầu và làm đại diện. Cũng chính điều này giải thích ý nghĩa của các cuộc hôn nhân trong cổ sử. Lạc Long Quân lấy nàng Âu Cơ là câu chuyện về sự tranh giành ngôi vị giữa con của Kinh Dương Vương với hậu duệ chính dòng từ Đế Minh là Đế Lai. Âu Cơ lúc đó là hình tượng của vương quyền truyền từ Đế Nghi. Phân biệt với hình tượng mẹ Âu Cơ sau đó dẫn người con trưởng lên núi, lập quốc ở Phong Châu, là chuyện xảy ra ở thời kỳ 1.000 năm sau Lạc triều của Lạc Long Quân.

Những sự tích, những câu chuyện được kể lại trong ngọc phả Hùng Vương đều xuất phát từ thực tế lịch sử, cho dù những sự kiện này đã được cách điệu hóa, hình tượng hóa. Sự kiện mẹ Âu Cơ sinh trăm trứng, nở ra trăm trai không hề hoang đường vô nghĩa, mà nó phản ánh cội nguồn của đại tộc Bách Việt từ 2 dòng Âu và Lạc ban đầu. Hay những hình tượng cụ thể như cây gậy thần và quyển sách ước của Tản Viên Sơn Thánh có thể truy nguyên là những kiến thức trong Hà đồ Lạc thư mà vua Đại Vũ đã nắm bắt được trong quá trình trị thủy. Chiếc móng rùa mà thần Kim Quy trao cho An Dương Vương là cuốn Đạo Đức kinh mà Huyền Thiên Lão Tử đã để lại cho đời...

Trang đầu của Nam Việt Hùng Vương ngọc phả

Nam Việt Hùng Vương ngọc phả vĩnh truyền mở đầu như sau: Kỷ Hồng Bàng Thị: Xưa tại Đại quốc Trung Hoa, đô đóng ở thành Thiên Thọ Bắc, lăng phần mộ tổ trời táng ở núi Côn Lôn, cùng năm hồ, biển lớn, núi Nam hội chầu chính đường. Ban đầu là từ cháu ba đời Viêm Đế dòng Thần Nông Thị, từ Hy Hoàng tới đó, truyền ngôi quốc bảo chính thống Nam Bang, để lại cho con cháu đời sau vậy.

Câu mở đầu Ngọc phả này làm cho không ít các sử gia đời nay lúng túng. Tại sao Hồng Bàng Thị lại là "Đại quốc Trung Hoa"? Mộ tổ các vua Hùng sao lại ở núi Côn Lôn? Khởi đầu của sử Việt lại từ Tam Hoàng Ngũ Đế như Thần Nông, Phục Hy, Hoàng Đế? Liệu các Hàn lâm học sĩ thời phong kiến khi soạn Ngọc phả có nhầm không? Hay do họ "thiếu hiểu biết" và muốn "đua đòi" cho bằng "nước lạ"?

Hoàn toàn không phải vậy. Nhầm là những cách nhìn nhận hạn hẹp và thiếu hiểu biết của con cháu ngày nay, không dám nghĩ rằng tổ tiên cha ông mình đã từng là một "Đại quốc" có lịch sử trên 5.000 năm, là nơi hội tụ tinh hoa của trời Đông (tức là Trung - Hoa).

Không thiếu những dẫn chứng từ thư tịch, bia đá của tất cả các triều đại phong kiến nước ta từ Lý, Trần, Lê, Nguyễn đều xưng mình là Trung Hoa, Trung Quốc, Trung Hạ. Bởi vì dưới thời phong kiến, Trung Hoa thực sự chính là nước Việt ta. Ở bên kia chiến tuyến, nhà Nguyên không phải Trung Hoa, mà là Mông Cổ. Nhà Thanh không phải Hoa, mà là Mãn... Lịch sử Việt cổ đại là lịch sử Trung Hoa, một nhận thức rất rõ ràng từ Ngọc phả Hùng Vương.

Lịch sử của một đất nước, một dân tộc tính từ đâu phụ thuộc vào mốc tính: thế nào là "bắt đầu lịch sử". Lịch sử hoàn toàn không phải bắt đầu từ khi có chữ viết vì không thiếu gì dân tộc cho tới tận ngày nay không hề có chữ viết riêng. Lịch sử được tính bằng những mốc, những nấc thang phát triển của thể chế xã hội. Đối với người Việt, những nấc thang lịch sử ban đầu đích thực là do các vua Hùng đã gây dựng nên. Những cuốn ngọc phả Hùng Vương còn lưu truyền lại cho tới ngày nay cung cấp chính xác những mốc phát triển của xã hội Việt thời dựng nước.

Bằng cách đối chiếu các ngọc phả Hùng Vương, các thần tích trong các di tích thờ Hùng Vương được lưu giữ đến nay với những thư tịch lịch sử của Việt Nam và Trung Hoa, thời đại Hùng Vương có thể được chia thành 4 thời kỳ phát triển gồm 18 đời (triều đại) Hùng Vương như trong sơ đồ sau.


 



No comments:

Post a Comment