Tuesday, July 28, 2020

Ất Sơn Thánh Vương

Đền Hùng ở Phú Thọ, ngôi đền tổ của cả nước, thờ Tam vị Thánh tổ Hùng Vương là Đột Ngột Cao Sơn, Viễn Sơn và Ất Sơn. Đức Đột Ngột Cao Sơn có một số nơi được thờ riêng như ở xã Hiền Lương (Hạ Hòa, Phú Thọ) hoặc xã Đình Chu (Lập Thạch, Vĩnh Phúc). Dựa vào Hùng Vương Thánh tổ Ngọc phả, Đột Ngột Cao Sơn đã xác định là vị vua Hùng đầu tiên, được gọi là Cổ Việt Hùng Thị thập bát thế Thánh vương. Vị vua Hùng đầu tiên mở sử Việt là Đế Minh, thống trị vạn bang chư hầu thiên hạ. Vậy còn 2 vị vua tổ Viễn Sơn và Ất Sơn là ai?
Nhóm Đền miếu Việt và cụ Hoàng Văn Sinh, 97 tuổi ở xã An Đạo, Phù Ninh, Phú Thọ.
Trong quá trình đi tìm bản Hùng Vương Thánh Tổ Ngọc phả, chúng tôi có đến xã An Đạo, huyện Phù Ninh, Phú Thọ, là nơi từng sao chép cuốn ngọc phả này. Nói chuyện với một cụ cao tuổi ở xã thì được biết, nơi đây từng có đình trong làng thờ các vị Hùng Vương và ngôi miếu bên sông gọi là miếu Bến. Cụ cũng cho biết, các vua Hùng xưa không gọi theo thứ tự 1, 2, 3 mà dùng các can chi, nên làng này thờ vị Ất Sơn Thánh Vương. Đến ngày hội làng, ngai vị Ất Sơn được rước từ đình ra miếu Bến. Trên bờ trong miếu làm lễ, dưới sông Lô đua thuyền bơi chải, vui như hội.
Như vậy xã An Đạo xưa là một trong những nơi chỉ thờ riêng Ất Sơn trong 3 vị vua Hùng thánh tổ. Tương tự, ở đình Hùng Lô gần đó, cũng là nơi chỉ thờ 2 vị Viễn Sơn và Ất Sơn. Ở khu vực này, tục thờ Ất Sơn gắn với dòng sông Lô uốn khúc tại đây.
Đình cổ Quang Tất.
Phía bên kia bờ sông Lô, tục thờ Ất Sơn thấy có ở xã Nhạo Sơn (Lập Thạch, Vĩnh Phúc). Đi xa hơn nữa, lên đến khu vực giáp sông Lô của huyện Sơn Dương thì việc thờ 3 vị vua Hùng Cao Sơn, U Sơn và Ất Sơn rất phổ biến. Ví dụ ở đình Quang Tất (Hào Phú, Sơn Dương, Tuyên Quang), khác với ở đền Hùng, vị vua thứ 2 ở đây có tên là U Sơn. Cụ thủ từ đình Quang Tất cho biết, trước đây ở bên đình có 2 ông ngựa trắng và hồng bằng gỗ, đến ngày hội, dân làng kéo 2 ông ngựa này ra Mả Vua ở ngòi nước dưới chân núi Lịch để làm lễ. Vị vua trên núi Lịch cũng chính là một trong những vị vua Hùng được thờ ở đình.
Đây là thông tin rất đặc biệt, bởi vì núi Lịch ở Tuyên Quang theo ghi chép của Lê Quý Đôn, là nơi có Đế Thuấn đi cày và trên núi có đền thờ Đế Nghiêu. Như vậy, phải chăng Đế Nghiêu và Đế Thuấn chính là 2 trong số 3 vị vua Hùng quốc tổ được thờ ở chân núi Lịch?
Đền Ất Sơn sau bóng 2 cây đa cổ thụ.
Đặc biệt hơn nữa, không xa đình Quang Tất còn có ngôi đền cổ không biết từ bao giờ. Ngôi đền mang tên đền Ất Sơn. Thực sự là một điều bất ngờ, một bằng chứng đến hiển nhiên. Khu vực này không có ngọn núi nào khác ngoài núi Lịch cho nên Ất Sơn chính là tên chỉ núi Lịch hoặc chỉ vị thần gắn với sự tích của núi Lịch.
Đền Ất Sơn cũng giống như ở đình Quang Tất thờ 3 vị vua Hùng là Cao Sơn, U Sơn và Ất Sơn. Đây là nơi còn giữ được lễ hội Cầu đinh cầu lão cổ xưa với nhiều trò tích diễn. Khi được hỏi vì sao đền có tên là Ất Sơn thì cụ thủ từ cho biết nơi đây vốn từng mang tên này, sau cách mạng mới đổi thành châu Tự Do. Tra lại địa bạ cũ thì ra nơi đây vốn là tổng Át Sơn. Như thế những chữ Ất - Át - Út Sơn đều chỉ là một vị thần, vị vua Hùng thứ 3 trong Tam vị Thánh tổ Hùng Vương.
Long ngai bài vị đền Ất Sơn.
Đi lên xa hơn một chút là đình Thọ Vực (Hồng Lạc, Sơn Dương, Tuyên Quang) cũng là nơi thờ 3 vị Cao Sơn, U Sơn và Ất Sơn. Lễ hội đình Thọ Vực nay đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia với nhiều trò diễn. Đặc biệt trong đó có trò diễn Vua đi cày, diễn tả lại sự tích vua Hùng xuống đồng tại đây.
Sách Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn cho biết xã Yên Lịch ở dưới núi cũng có miếu Đế Thuấn, 6 xã trong 1 tổng cùng phụng thờ. Ruộng này nằm ở phía bên phải xứ Ngòi Vực, rộng chừng 1 trượng, khá dài. Nước sông Lô mùa thu thường tràn vào. Tương truyền, ở bên bến sông này Đế Thuấn làm đồ gốm... Ở đó cũng có miếu Đế Thuấn, trước miếu có ruộng hè, rộng chừng vài mẫu, khá sâu. Người ta cho đó xưa là đầm Lôi, nơi Đế Thuấn đánh cá và cày ruộng.
 Đình Thọ Vực ở xã Hồng Lạc, Sơn Dương, Tuyên Quang.
Trò diễn Vua đi cày ở đình Thọ Vực do đó chính là diễn tả lại sự tích Đế Thuấn đi cày ở Lịch Sơn. Đây là một điển tích có từ lâu đời trong văn hóa Trung Hoa, vì Đế Thuấn là gương đầu tiên trong Nhị thập tứ hiếu. Truyện cổ như sau:
Ngu Thuấn là con ông Cổ Tẩu, tính tình rất có hiếu. Cha Thuấn là người hung bạo, không phân biệt được hay dỡ nên người đời gọi là Cổ Tẩu, tức xem như kẻ mù, mắt không có con ngươi. Mẹ kế tối ngày rầm rĩ, sanh ra đứa con đặt tên là Tượng, một đứa trẻ ngổ nghịch, kiêu căng. Cha thường đài Thuấn đi cày ở đất Lịch Sơn vốn có nhiều thú dữ, nhưng khi tới nơi thì có đàn voi ra cày giúp, có chim muông đến nhặt cỏ giùm. Lòng hiếu của Thuấn đã cảm hóa được những loài vật đó. 
Vua Nghiêu nghe được điều ấy rồi sắp xếp mọi việc để họp bàn với quần thần về người đàn ông này. Khi rõ mọi việc vua Nghiêu đã gã hai con gái cho Thuấn. Sau thời gian theo dõi vua Nghiêu thấy vừa lòng mà nhường thiên hạ, truyền ngôi vua lại cho Thuấn. 
Lịch Sơn nơi Đế Thuấn đi cày chính là núi Lịch ở Sơn Dương, Tuyên Quang. Đế Thuấn được người dân thờ là Ất Sơn Thánh vương. Và như vậy vị vua Hùng thứ hai trong Tam vị Thánh tổ Hùng Vương chắc chắn phải là Đế Nghiêu.
Núi Lịch nhìn từ cánh đồng thôn An Lịch.
Địa danh Yên Lịch xưa đến nay vẫn còn, trong tên thôn An Lịch của xã Đông Lợi (Sơn Dương, Tuyên Quang). Trước đây được gọi là tổng An Lịch. Nơi này nằm dưới chân núi Lịch, là một vùng ruộng lúa khá rộng. Đây chính là đầm Sấm hay Lôi Trạch được nói đến trong truyền thuyết về Đế Thuấn.
Người dân ở An Lịch vẫn lưu truyền rằng trên núi Lịch có di tích của Đế Thuấn. Trên núi có một ao nước rộng chỉ 5-6m nhưng rất sâu. Xung quanh có những cây quýt tươi tốt. Người bản địa cho biết, quả của cây này có thể hái ăn, nhưng nếu chỉ nhỡ cất một quả trong túi mang về thì sẽ như bị che mắt, đi vòng quanh 7 lần không ra được khu ao Trời đó.
Thác nước chảy từ núi Lịch và đền Đát ở chân núi.
Lời người dân ở đây hoàn toàn khớp với những gì mà Lê Quý Đôn đã chép về núi Lịch:
Núi Lịch ở xã Yên Lịch huyện Sơn Dương, từ núi Sư Khổng ở huyện Đương Đạo mà chạy xuống, tới nơi đất bằng thì đột ngột nổi lên một ngọn núi có 5-6 đỉnh, giăng ngang ra chia thành một nhánh tới Lập Thạch là Lãng Sơn, môt nhánh tới Tam Dương là núi Hoàng Chỉ. Trong núi Lịch ở đỉnh cao nhất có 5-6 chỗ bằng phẳng như đền đài, có động Đế Thuấn rất thiêng. Hoa quả trên núi người ta có thể hái ăn, nhưng không được mang đi. Ai mang đi sẽ bị lạc vào mê lộ, không thể ra được. Phía trên động Đế Thuấn có đền Đế Nghiêu, cúng bằng cỗ chay. 
Những di tích thờ Hùng Vương ở chân núi Lịch đã cho phép xác định Ất Sơn Thánh vương chính là Đế Thuấn, còn Viễn Sơn hay U Sơn Thánh vương là Đế Nghiêu. Điều này cũng dẫn đến một xác nhận khác, 2 vị công chúa họ Hùng được thờ cùng với Tam vị Thánh tổ Hùng Vương chính là 2 con gái của Đế Nghiêu đã gả cho Đế Thuấn (hai bà Nga Hoàng và Nữ Anh). Ở các di tích, 2 vị công chúa Ngọc Hoa, Tiên Dung này được thờ bằng ban Hai Cô, hoặc trở thánh 2 vị "thành hoàng", thờ cùng với 3 vị Cao Sơn, U Sơn và Ất Sơn.
Khu vực ven sông Lô của huyện Phù Ninh có tục thờ Ất Sơn và Hai Cô chính là bởi đây là nơi Đế Thuấn rước dâu qua sông, từ vùng kinh đô ở Việt Trì về miền quê núi Lịch.
Thông tin di tích ở Lịch Sơn cũng trùng khớp với chỉ dẫn huyệt mộ trong Hùng Vương Thánh Tổ Ngọc phả. Thậm chí Ngọc phả nói rõ lăng mộ ở chân núi Lịch Sơn của Sơn Dương bên đầm (Lôi Trạch):
Ba huyện Sơn Dương, Tam Dương, Tây Lan của phủ Đoan Hùng phụng thờ (vì Hoàng Đế lập lăng điện tôn quý ở đầu núi Tam Đảo, Bạch Long, ở giữa mộ phần Tây Thiên, Phù Nghĩa có 2 huyệt, cùng lăng điện tôn quý trên các đỉnh núi hiểm Sơn Dương, Lịch Sơn, ở trong núi dưới chùa là lăng tôn quý ở bên đầm).
Nơi từng là nền đình và chùa An Lịch.
Xem tới đây, còn có thể nhận ra, việc gọi các vị thần thời Hùng Vương là Sơn ở khu vực miền đất tổ thực ra Sơn không hề nghĩa là núi. Sơn ở đây tương đương với nghĩa là "quốc tổ". Ta có:
1. Đột Ngột Cao Sơn = Thái Tổ Hùng Vương, tức Đế Minh hay Hoàng Đế Hữu Hùng Hiên Viên.
2. Viễn Sơn = Viễn Tổ Hùng Vương, tức Đế Nghi hay Đế Nghiêu
3. Ất Sơn = Út Tổ Hùng Vương, tức Lộc Tục hay Đế Thuấn.
Thời đại Hùng Vương dựng nước được bắt đầu bởi ba vị vua tổ, mở nước giúp dân.
Sự trọng yếu của quốc gia, căn bản gốc rễ của thiên hạ là giúp thành cho người dân cày ruộng, đào giếng, làm nghề trồng dâu nuôi tằm, nước giàu quân mạnh, trị vạn dân, biết lấy trọng dưỡng sức dân làm nền tảng.
(Hùng Vương Thánh Tổ Ngọc phả)
 Bản đồ các địa danh trong bài.

No comments:

Post a Comment