Sunday, January 19, 2020

Phần luận kết trong Ngọc phả Hùng Vương ở đền Vân Luông

Xét như: Tiếng đức Tiền hoàng đế thời Thái Cổ, từ kỷ Tam Hoàng Ngũ Đế đến nay, theo nguyên mệnh của mùa xuân thu, bao gồm thời mở mang hồng hoang trước khi có trời đất. Trời ban đầu mở vào Giáp Tý. Đất tụ mang ở Ất Sửu. Vận người sinh ở Giáp Dần. Vạn vật ra đời ở gian Ất Mão. Từ thời Bàn Cổ, Thái cực sinh Lưỡng nghi, là Thiên, Địa. Lưỡng nghi sinh Tứ tượng, là Thái âm, Thái dương, Thiếu âm, Thiếu dương. Tứ tượng biến hóa thành nhiều hình trạng.
Thời Hỗn Mang còn chưa biết đạo trời đất khởi đầu thế nào, đến Âm dương biến làm Tam tài, vị quân thủ dẫn đường dần dần mở ra phong khí, dần dần có văn minh, làm rõ ràng các giáo lý trị dân. Trời xuất hiện nhiều bậc đại thánh. Cha trời Mẹ đất là Thiên tử xuất hiện đầu tiên. Sau đến các vật ở vạn nước được yên định, nhận trọng trách lớn như thế sao.
Thiên Hoàng nối Bàn Cổ mà trị ở ngôi Thiên tử, nắm quyền chế độ, mới chế ra Can chi. Mười can là Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ Canh, Tân, Nhâm, Quý. Mười hai chi là Tí, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Vị, Thân, Dậu, Tuất, Hợi. Lấy đó để định thời gian, giúp nhân dân có định hướng.
Cứ mỗi đời có bậc quân vương lại tất có sự sáng chế của quân vương đó. Các vua sau tự theo đó mà được lâu dài, to lớn mà không rung động. Khi dân có việc khó thì lấy đó làm sự nguy mà quyết. Có thể xem hiền mà sửa mình.
Địa Hoàng định hai thời phân làm Ngày Đêm, lấy 30 ngày làm một tháng, 12 tháng làm một năm. Phân tách thiện ác, cuối cùng tuân với gốc gác, ơn huệ mà theo. Các anh em của Người 18.000 là chúa tể thiên hạ các phương, sáng chế lập ra pháp luật, ban bố vạn đời. Khiến cho hậu thế đều biết được chỗ sáng tối, tháng năm như thế. Trời sinh tinh khí thánh nhân tụ hội ở vị trí là thầy là vua, cao quý hơn hết. Vị trí là ngôi vị của trời. Lộc là lộc của trời. Thiên tử thay trời lo vật, thừa mệnh trời mà ra trị. Kính trời, theo phép tổ, làm việc quý người, bèn phân chia chức trách như vậy.
Nhân Hoàng một họ 9 người cùng nhau, núi sông chia làm 9 khu, người ở một phương, là một thời giàu có. Vạn vật đều thuần hậu, ôn hòa. Chúa không dối, vua thần không dối. Tận hưởng lộc trời tốt thay!
Tới thời Xuân Thu khi Lỗ chủ Công là Tưởng bắt Kỳ Lân năm thứ 14. Xét trải tháng năm, ngày được 3.267.000, chia làm 10 kỷ, là: Cửu Đầu, Ngũ Long, Nhiếp Đề, Hợp Lạc, Liên Thông, Tự Mệnh, Tuần Phỉ, Nhân Đề, Thiền Thông, Sơ Ngật, tất cả là 10 kỷ. Từ Nhân Hoàng đến Tự Mệnh có 88 vị quân vương. Từ Tuần Phỉ về sau đều truyền các vua nối vị.
Kỷ Thiền Thông kết thúc vào thời Viêm Đế. Kỷ Sơ Ngật được khởi đầu từ Hoàng Đế, là Hiên Viên, lấy đức trị dân, họ hiệu là Hữu Hùng Thị, tên xưng Hoàng Đế. Ngài là bậc thần linh trị quốc, dùng binh phủ dụ vạn dân, gieo ngũ cốc đi bốn phương, lập chế độ chính triều đình, bốn mùa đều thuận, vạn dân vui mừng, thiên hạ thái bình.
Đế có 6 tướng bao quát hết trời đất thần minh. Ở ngôi được 100 năm thì mất. Người kế tục là Đế Minh, sinh Đế Nghi là con trưởng, Kinh Dương Vương là con thứ (tên húy là Lộc Độc, phong ở Nam Man). Kinh Dương Vương trấn trị Ngũ Lĩnh Vân Nam, vùng đất có núi dài miên man, được thế phong thủy, biển đảo đúc thiêng. Lấy con gái Động Đình Quân, sinh được một hoàng tử kỳ tài hơn người, có khí độ thông minh đại trí, liền phong là Lạc Long Quân (tên húy là Sùng Lãm, hiệu là Hùng Hiền Vương). Vua cha lệnh sai trấn ở chính điện tại đô thành Nghĩa Lĩnh. Lấy bà Âu Cơ, sinh ra điềm lành trăm trai, xưng vua trị nước, cùng với các chư hầu trong thiên hạ cùng yên ổn vô sự.
Thời Vua tu đức, cầu điều nhân nên đức Thổ được thịnh vượng. Dạy dân cày cấy lương thực. Cái ăn cái mặc đầy đủ. Triều đình giữ kỷ cương, theo tôn ti mà định ngôi thứ. Cha con anh em trên dưới hiếu thuận. Con cháu truyền 18 cành lá, đại bảo ấn phù cơ đồ theo mệnh trời mà ra trị nước Nam. Ngọc trắng xe sách núi sông một mối, vĩnh truyền muôn năm hơn trăm đời vương đế trị nước, nắm quyền chính trị phương Nam, nối tiếp được hơn 2.650 năm. Thật là lâu bền. Để lại con cháu giữ nước, vạn đời cơ đồ, con thánh cháu thần dòng dõi, nam nữ trăm họ được 14.370 người, xưng tên là Cổ Việt Hùng Thị. Con vua, quan lang, thổ tù được phân ra trấn giữ núi sông đất Việt. Về sau là các vua nối trị cùng các phiên thần, thổ tù, quan lang, phụ đạo, cùng là những công thần khai quốc.
Trải thời gian từ kỷ Tuần Phỉ về sau, từ Nghiêu Thuấn Ngũ Đế tới nay đã hơn 3.000 năm. Trước Tam Đại không như thời Đường Ngu. Sau Hán Đường Tống không như Tam Đại. Đạo đời lên xuống, không quá 300 năm mới có một sự biến. Rồi 200 năm có một biến, 300 năm có một biến trung bình, 500 năm có một biến lớn. Từ lúc khai mở về sau 4-5 vạn năm lúc phong khí chưa mở văn minh, chưa có đất nước, chưa yên, tới Hy Nông, Hoàng Đế, Nghiêu Thuấn, thay nhau mà hưng vượng về sau, lấy vương đạo mà trị.
Xưa thời Hy Nông trở về đời Bàn Cổ, chưa có lịch, gộp các tộc có tên phủ thế trị dân, tất cả là 22 chi hệ được xét. Từ Hy Nông, Hoàng Đế, Nghiêu Thuấn, Ngũ Đế là các nguyên thánh trị thiên hạ. Đế là vua, thiên hạ chúa tể ngự thế, theo Càn khôn mà khởi tạo ra lòng nhân, là đức dưỡng sinh thay Tạo hóa vậy.

No comments:

Post a Comment