Saturday, October 26, 2019

Ngọc phả sự tích Quốc mẫu Tây Thiên Tam Đảo tối linh từ

Dịch từ bản Ngọc phả chữ Nho chép tay hiện đang lưu ở đền Hóa Tây Thiên, xã Đại Đình, Tam Đảo, Vĩnh Phúc.
20190508_084143
Bản quốc toàn dân kính hiệu Ngọc phả sự tích Quốc mẫu Tây Thiên Tam Đảo tối linh từ
Truyền lại để đời sau thờ phụng.
Nước Việt Nam ta, tổ quốc vua Hùng, ngày 12 tháng 7 năm Mậu Thìn (tức là năm 1988), tỉnh Vĩnh Phú, huyện Tam Đảo, xã Đồng Tranh, thôn Phù Liễn, Nguyễn Văn Ánh tuổi 76 phụng kính Thượng đẳng Thánh mẫu, chấp bút rõ ràng thừa sao chính bản Ngọc phả sự tích Tây Thiên, y như trước đây truyền lại, theo trước phụng sự đền thiêng quốc mẫu Tây Thiên.
Chuyện bày tới mai sau trong văn thờ tích thiện thường giúp yên giáng ứng, sắc phong chung đúc trạng nguyên tới nay, bậc tôn kính giúp nước cứu dân, lên ngôi rồng, cùng nhau mãi ngưỡng vọng phật thánh, cúi lạy bậc kính tôn.
Theo ở chính sự của bản xã Đại Đình, thôn Sơn Đình nguyên có tục trọng vọng bái Thánh mẫu Tây Thiên, đảo tất thông, cầu tất ứng, giáng phúc nhiều ơn, mọi người đều có phúc. Nên họp tại Đền Thượng, hội nghị Đền Đông trên lầu. Các chức sắc mục, trên dưới tiến đến, cùng một lòng tôn quý Ngọc phả phụng sự, sửa sắp tôn sùng đền Thánh mẫu, phụng sự ngàn năm, oai thiêng rộng lớn, cùng với các công trình, cố lấy tài mà chép truy lại xem cây lớn cội rễ thế nào để làm thành Ngọc phả. Hàng ngàn người chư tôn tín thiện, tăng thêm lòng lành, sinh điều hội họp, mong giáng phúc, được kết quả thành đủ, thời nay lập thành phủ miếu, truyền quốc danh cổ tích, phụng sao cho đời sau truyện cổ Tam Đảo sơn Trụ quốc mẫu Đại vương.
Nước Việt xưa Hùng Vương đóng đô trị nước, lấy hiệu là Văn Lang. Khi đó ở đảo Tây Thiên, phủ Đoan Hùng, huyện Tam Dương, xã Đông Lộ, trong xã có một Trưởng ông của xóm tên Phiêu Hùng, tuổi gần 40 mới lấy bà tên Lũy Tây. Trưởng ông là con người khí trượng, khôi ngô, thể hiện người anh hùng khoáng đạt, 40 tuổi vẫn còn như trẻ, thuộc dòng dõi Hùng Vương theo như Ngọc phả. Trong một ngày ông bà nằm mộng là hành du lên trên núi Tam Đảo, đến chùa Tây Thiên ngủ lại, dâng hương cầu đảo, mật khấn ở trong chùa. Trong ngày đó họ nằm chờ cầu ứng mộng. Đến khoảng ngoài canh ba khi đang mơ màng, chợt thấy trong người bàng hoàng, bên góc có mây ngũ sắc bay vào chùa. Hương khói đầy phòng, nghênh đón mây lành. Trong mây vàng hiện lên một dải tinh mỹ bay lượn trong mây. Trước sân chùa thấy một khối mây trắng, xa lập một quần tiên 7, 8 người đều mặc xiêm áo. Người thì ca hát, người thì nhảy múa, người thì gảy đàn, người thì ngâm thơ quanh bà Đào Thị. Đến lúc trời mờ sáng thì bay về phía Tây. Bà tỉnh lại mới biết đây là ứng mộng lành.
Từ đấy trở đi chuyển động tâm thần, mang thai hơn 14 tháng, đến ngày mồng 10 tháng 5 năm Giáp Thân sinh hạ một người con gái. Lúc mới sinh trong phòng khí sáng huy hoàng, ánh hồng sáng lạn, sắc mặt tươi tốt. Cả nhà đều biết trước sau đây là kỳ nhân giáng hạ từ Cửu thiên. Lên 3-4 tuổi, yểu điệu sánh phượng, mặt sáng như mặt trời bởi thời phượng. Nhan sắc như phượng, được bồi thêm nét thang tĩnh, có vẻ chim sa cá lặn, như hoa nhường nguyệt thẹn, mọi mặt đều đáng ca tụng.
Sáu tuổi đã thông thạo văn ấn, được mệnh danh là Thẩm, húy là Nhược Cảm. Trưởng ông và Thái bà rất mực yêu thương, chăm sóc. Tới năm 11-12 tuổi không có môn nữ tắc, nữ công nào không tường tận. Lại có tài năng võ nghệ, binh thư thao lược, các môn cưỡi ngựa, múa kiếm không có môn nào không thông thạo. Thực là người con gái anh hùng hào kiệt. Từ thời Đường Ngu đến đó chưa có ai có trí bằng.
20 tuổi đã anh hùng dũng mãnh, tài lược cầm quân. Người đến cầu đều là các bậc hào kiệt trong huyện. Đều thấy là một lãng tử hùng kiệt, vẻ ngoài tốt lành rõ ràng, có thuật thần tiên, một lúc vừa là thần, là thánh rành rành, lại vừa là chúa vừa là tiên, biến hóa thần thông, xuất nhập nhiều đường, không phải là dạng nhân gian thông thường. Trong xã đều gọi là bậc đệ nhất đại phu. 
Thời bấy giờ có giặc nước Ngô xâm lăng, trong nước hết sức lo sợ. Hùng Vương có chiếu loan báo trong thiên hạ, kêu gọi ai là anh hùng giải phóng nước Ngô Thục tới mùa xuân thu, thiên hạ yên bình, cứu nhân gian thoát cảnh binh đao, yên nước nhà khỏi cảnh hồn kinh phách lạc, lo sợ đầy rẫy.
Kim Nương nghe thấy chiếu chỉ liền tức tốc kêu gọi người bản bộ, xã Đông Lộ 50 người, Quan Nội 150 người, xã Sơn Đình 100 người, xã Quan Ngoại 150 người, xã Quyết Trung 10 tráng sĩ, cùng với các nơi đến tập hợp ở huyện đường, được tất cả 3000 tráng sĩ, theo về Phong Châu, Việt Trì, xin được vào yết kiến Hùng Vương.
Hùng Vương thấy là một đại tài, bèn giao tinh binh 10 vạn, ngựa chiến 3 ngàn, cùng 50 bộ quân thủy theo diệt phá Ngô Thục xâm lược. Kim Nương thống chế thủy bộ quân, vào tháng 2 ngày 29 ra quân dẹp giặc trước. Nàng lệnh hành trình từ kinh thành tiến quân chia thành 3 đạo. Một đạo tinh binh 3 vạn, ngựa mạnh 1 ngàn, từ Phong Châu tiến đến đạo Hưng Hóa, phủ châu Ngưu Giang, cùng với quân nữ Ngô Thục quyết chiến. Một đạo hộ quốc chống Ngô Thục, binh hùng 5 vạn, danh tướng 1 ngàn, ngựa 3 ngàn, cùng nhau từ sông Ấn đến sông Mã trực chiến cùng với quân Ngô Thục. Một đạo cuối hộ quốc giúp Hùng, 4 vạn ẩn binh, ngựa 24, tướng 1 ngàn viên, tiến đến Sóc Sơn tuân lệnh phân tán thành 3 vạn cùng giao chiến với quân Ngô Thục. Ba đạo vạn binh mã cùng tiến đánh, gặp tại chiến trường, giết được quân giặc Ngô Thục rất nhiều. Quân Ngô Thục đại bại, vứt bỏ giáo giáp, bỏ chạy về động của mình, về sau không dám quay lại xâm chiếm.
Kim Nương rút quân về phòng ngự, quay về triều đình. Hoàng đế thấy việc quốc sự vui mừng, bèn mở tiệc. Các tướng sĩ Tây Thiên được ban quan tước. Kim Nương được phong là Tam Đảo Sơn Trụ Quốc Mẫu Đại vương. Ngày 28 tháng 2 toàn huyện quê hương bái giá.
Tương truyền rằng Kim Nương đã dẹp được giặc Ngô, lập công lớn, cùng các tướng bản bộ và binh mã về quê, mổ trâu dê đãi quân sĩ, bái tạ cha mẹ, mời các phụ lão, anh hùng hào kiệt đến ăn mừng.
Ngày tháng qua đi, Thái ông Thái bà tuổi đã ngoài 80, không bệnh mà mất. Kim Nương làm lễ an táng cha mẹ vào ngày 10 tháng Giêng.
Công chúa lúc nhàn rỗi đi ngắm sơn thủy giải khuây, đến các nơi, liền truyền cho tổng xứ, tức là xã Quan Nội lập làm tả cung, Quan Đình và Nhân Lý là nơi thân thuộc lập hữu cung, xã Quyết Trung lập là hạ cung. Lại phụng sự đến núi Tam Đảo, miếu Tây Thiên, ngự tại trong đình, bỗng thấy mây năm sắc từ trên trời hạ xuống, phủ khắp một bên gian phòng. Lại có một vị thiên sứ từ trong mây xuất hiện nói rằng tuân lệnh Thượng Đế triệu Công chúa về triều. Công chúa liền về nhà tắm gội rồi Công chúa cùng với thiên sứ bay về trời.
Những gì còn lại được phụng thờ các đời ở miếu Tây Thiên. Lưu truyền thờ phụng. Sĩ Nông Công Thương một lòng cầu đảo, tất được ứng nghiệm, nhân gian lưu truyền là ngày 11 tháng 2.
Do có công phù Hùng diệt Ngô Thục, phù Đinh Lê, nên được sắc phong Quốc mẫu Đại vương, gia tặng sắc phong làm Tam Đảo sơn Trụ quốc mẫu đại Đệ nhất Thượng thượng đẳng Phúc thần. Xuân thu bốn mùa làm quốc tế, vạn năm cùng với đất nước nhớ ghi, lập miếu đình lưu truyền ngàn thu, vạn đời. Từ Đinh Lê Lý Trần đều đồng lòng thờ phụng Thánh mẫu Đại vương của thần điện Nam Bang. Thiên hạ đồng lòng cầu đảo, cầu lộc được lộc, lưu thông, cầu bình an, cầu phong chức, an cư lạc nghiệp, giúp nước cứu dân. An cư lạc nghiệp, vạn vạn đời nước Nam không quân giặc xâm chiếm, cả nước hòa bình. Đình nhận được quang vinh truyền đời đời, ngày sau đều cảm nhận được tiếng thơm xưa nay.

No comments:

Post a Comment