Sunday, April 7, 2019

Thần phả về thánh Tam Trinh ở Mai Động

Bản thần tích về Thánh Tam Trinh do Đông các đại học sĩ Nguyễn Bính (người làng Sơn Đồng huyện Hoài Đức tỉnh Hà tây) làm ở bộ Lễ triều Lê biên soạn vào niên hiệu Hồng Phúc nguyên niên (1572) đời vua Lê Anh Tông. Năm 1737 bản thần tích này lại được Nguyễn Hiền giữ chức Quản giám bách thần chép lại vào niên hiệu Vĩnh Hựu (1735 - 1740) đời vua Lê Ý Tông. Sau này thần tích được lưu ở bộ Lễ triều Nguyễn (1802 - 1945).
Bản dịch theo sách Làng cổ Mai Động (Đức thánh Tam Trinh) do GS. Vũ Ngọc Khánh chủ biên, Trần Lan Châu sưu tầm biên soạn, xuất bản năm 2003.
Chép trong bản chính của Bộ Lễ nhà Nguyễn tập thứ 3.
Đời Hùng Vương là đời vua dựng nên non sông đất nước, truyền ngôi suốt 2000 năm, lập nên đất đai muôn dặm, dựng kinh đô, gây nghiệp lớn, mở nước theo nghĩa của nhà vua sáng suốt, công bằng. Vua giúp dân, xây đời no ấm, mở mang suốt mười lăm bộ, gọi là Bách Việt, xứng đáng là Vua Tổ vậy.

Đến cuối đời Hùng, thần linh của sông núi, cũng hay ứng hiện dưới cõi đời, đầu thai làm con cái các nhà dân chúng, nhằm giúp nước cứu dân, nhà nào có phúc thì gặp thần ứng vào.
Tương truyền rằng:
Đời Hùng Vương truyền được đến 18 đời thì vận trời đã hết. Tiếp đến về đời (nội thuộc) nhà Đông Hán, đất Long Biên cũng bị chiếm luôn. Thời kỳ này có một người tên là Triệu Cẩn, là nhà từng có quyền thế trong vùng, vợ là bà Tạ Thị Thành, cũng thuộc dòng dõi trâm anh, thi lễ, hai bên xứng đôi, kết nghĩa vợ chồng. Hai ông bà chuộng nghĩa, hay làm phúc, làm việc thiện cứu giúp mọi người.
Nhưng ông Triệu Cẩn đã ngoài 60 tuổi, bà Tạ Thị Thành đã bốn mươi tư mà vẫn chỉ có vài mụn con gái. Hai người khao khát có được một cậu con trai nối nghiệp. Một đêm, bà Thành nằm mộng thấy một ông tiên đi từ trên núi xuống, hẹn cho một viên ngọc trắng. Bà Thành liền cho vào miệng nuốt ngay. Khi chợt tỉnh, bà liền nói với chồng. Triệu Cẩn cho là điềm lành. Từ đó bà Thành thụ thai, đến ngày mồng 5 tháng Giêng năm Nhâm Dần vào giờ Dần sinh được một con trai, tướng mạo khác thường, có cốt cách khác các trẻ em khác. Ba tuổi đã biết lễ nghĩa, hay kính nhường, nghe người ta học mà biết chữ, biết thưởng thức âm thanh.
Bẩy tuổi, cậu bé được đi học, năm 13 tuổi kinh sử đã làu thông. Cậu lại còn tinh tường võ nghệ, sĩ tử đương thời ai cũng thán phục, đều coi như là con nhà Thần Thánh. Thầy học yêu lắm mới đặt tên cho là Tam Trinh. Năm 18 tuổi, cha mẹ ông đều mất, ông Trinh liền chọn đất tốt và đặt mộ cha mẹ vào đấy. Sau ba năm chôn cất, ông ra mở trường dạy học trò, nhờ vậy mà đất Nam Châu (bãi phía Nam) từ dân không biết chữ đã trở thành vùng đất văn hóa. Nhân dân mến mộ ông lắm và tôn ông lên làm Châu trưởng. Ông chăm lo đời sống trong châu, sắp xếp mọi việc làm ăn, mở mang việc học, dân chúng rất được nhờ cậy. Ít lâu sau ông dời đến phía Nam đất Long Biên. Đến trại Mai Động, huyện Thanh Đàm (năm 1752 vì kiêng húy vua Lê Duy Đàm đổi là Thanh Trì, phủ Thường Tín) thấy dân chúng còn trong tình trạng nghèo khổ, làng xóm tiêu điều, không được học chữ, liền cắm đất dựng nhà ở đó (chính là bên sông Kim Ngưu xưa). Ông lại mở trường dạy học, chỉ vừa một năm, dân chúng đã rất mến trọng. Đức độ của ông truyền xa và được nhiều người lấy làm gương.
Cũng năm ấy, có tên Tô Định cất quân xâm phạm bờ cõi, xâm chiếm vùng đất rộng lớn của nước ta, dân chúng điêu linh, chưa có ai ra tay cứu vớt. May sao có cháu xa của vua Hùng tên Trắc là người con gái tài giỏi bậc thần, bậc thánh ở cõi đời, dấy binh lừng lẫy, đem quân đánh giặc Hán. Khi khởi binh, bà Trưng làm lễ cầu các bậc thần linh, Bà Trưng mật xin thần núi Tản Viên họp bách thần lại, ở cửa sông Hát Môn, lập đàn tế cáo trời đất, xin các thần linh ứng vào một người dưới trân gian, được non sông muôn vật ủy thác, được muôn dân tin cậy, cây cỏ trông nhờ...
Vua Trưng khấn trời: "Xét như nước mình các đời trước đều có các bậc anh minh, đời đời sáng nghiệp, là đất nước nhân nghĩa, có giáo hóa nên nhân dân yên ổn vui đời, làm lụng chuyên cần, chẳng biết đến binh đao. Nay Tô Định là loài dê chó, thường hống hách lộng quyền, tàn bạo ức hiếp ngược đãi dân ta, đất trời, thần linh, người người đều căm giận. Tôi (tức vua Trưng) là cháu xa Hùng Vương nhắc đến dân tình là ssa nước mắt, hôm nay đau lòng vì nước, dựng cờ nghĩa vì nước trừ kẻ hung tàn bạo ngược, xin các vị thần linh về đàn tế chứng giám cho. Tôi nguyện dấy binh dẹp giặc, cứu nước cứu dân, dựng lại nghiệp xưa của tông tổ, cứu dân chúng khỏi vòng nước lửa, lầm than, không phụ lòng của Trời cao, không phụ vẻ linh thiêng của tông miếu, xin các Tiên tổ ở dưới suối vàng, hô mây, gọi gió, dồn âm binh, hàng trăm hàng nghìn đội, truyền hịch khắp nước Nam, từ các châu huyện đến các trang ấp, ai là người thông minh tài trí, đức độ hơn người thì cho đến giúp dân".
Phiên thần đến mách tin cho Tam Trinh, nói rõ chiếu cầu bậc trạng nguyên trong thiên hạ. Ông cảm động lắm, ngay từ hôm ấy, liền chọn lấy trai tráng tuyển làm 5000 quân đều từ trại Mai Động. Các bậc già làng thấy ông làm vậy, đều đến sửa lễ vật (xin với vua Trưng) làm thần tử. Tam Trinh thề với bách thần sông núi, khao thưởng quân lính, tiến đến dinh Trưng Nữ Vương, vào làm lễ xin theo. Vua Trưng đang kén người tài, thấy ông đang sức trai, tài thao lược vị tất ai đã được thế, trên hiểu thiên văn, dưới tường địa lý, không điều gì là không am hiểu, liền phong ông chức Đô úy, cử ông chia đường tiến binh đánh vào dinh lũy của Tô Định. Một trận dẹp tan, Tô Định thua chạy, ta chém được chánh tướng, lấy đầu vài nghìn thuộc hạ của giặc. Từ đấy ông theo Vua Trưng bình định được cả 65 thành, thu về nước Nam như cũ.
Bà Trưng lên ngôi vua, ở ngôi 3 năm, đến khi có giặc Mã Viện sang đánh, liền phong cho Tam Trinh chức Liệt hầu, giao quyền phụ chính lo việc trị loạn, sai ông đem quân giữ cửa ải. Quân ông vừa đến, chưa kịp bài binh bố trận thì quân Hán đã đến. Giặc đang sung sức, đánh sẽ bất lợi, cho nên ông sai đóng cửa ải, không nghênh chiến, không chịu nộp cửa ải! Tướng Hán cả giận, phá cửa tiến vào bờ cõi nước ta. Ông thấy quân Hán đang mạnh, liền dẫn binh về trại Mai Động (sau gọi là trang Mai Động) đóng quân lại xem sao. Quân Hán đêm đến bủa vây. Ông cưỡi ngựa ra đón đánh, phá vây mà ra. Đến quãng đường, khu có nhiều đồi núi, ông nghe nói Vua Trưng đã lỡ cơ trời, liền ngửa mặt lên trời than rằng: Than ôi, cơ đồ của Vua Trưng như giấc mông xuân vậy! Việc thần, việc người vua lo liệu đến thế, biết ta bây giờ chỉ có Trời mà thôi. Ông liền ruổi ngựa chay lên đỉnh núi rồi biến mất. Đó là ngày mông 10 tháng 2. Nhân dân thương tiếc, dâng lễ và lập đền thờ...
Ghi thêm:
- Đời vua Đại Hành nhà Lê, xét phong các thần linh thấy linh hiển liền gia phong làm thần hoàng địa phương: "Tối linh đại vương, thần hiệu là: Nam Sơn Tam Trinh hiển ứng đại vương". Hành lễ kiêng hai màu trắng và màu đỏ.
- Tam Trinh Nam Sơn đại vương linh ứng ở nhiều nơi. Đời Trần Thái Tông đánh Nguyên Mông, có cho người đến tế cầu phù hộ, ông linh ứng giúp vua đánh bại tướng Ô Mã Nhi. Liền gia phong thêm các chữ hiệu: "Anh triết Hộ quốc Hộ dân Bảo cảnh Hiển hiệu Đại sĩ".
- Thời Lê Thái Tổ đánh quân Minh Liễu Thăng, thần lại linh ứng giúp, vua bèn gia phong thêm các chữ: "Phổ tế Cương nghị Anh linh", truyền chiếu chỉ cho dân Mai Động trùng tu miếu điện.
Ngày sinh tế mồng 5 tháng Giêng, giết lợn đen, làm bánh chưng, bánh dày, hát múa, mở hội kéo co, đánh cờ, vật, liền trong 3 ngày.
Ngày hóa tế mồng 10 tháng 2, giết trâu và lợn làm tế lễ, bánh chưng, bánh dày, rượu, trầu cau.
Ngày lễ tiệc mở vào 14 tháng 8, lễ vật như trên, hát xướng 3 ngày.
Năm đầu Hồng Phúc, tháng Giêng, ngày tốt.

No comments:

Post a Comment