Thursday, December 15, 2016

Trung Hoa Dân Quốc - Đài Loan và góc nhìn về lịch sử Trung Quốc

Cái tên “Trung Quốc” thời hiện đại hoàn toàn không phải bắt đầu từ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa với thủ đô Bắc Kinh ngày nay, mà là từ nước Trung Hoa Dân Quốc do Tôn Trung Sơn lập nên sau cách mạng Tân Hợi năm 1911. Nước Trung Quốc này cũng là nước tham gia thành lập và có chân trong Liên Hợp quốc đầu tiên, chứ không phải Trung Cộng. Trung Hoa Dân Quốc lúc đó cầm đầu là Tưởng Giới Thạch, người kế nhiệm lãnh đạo Quốc Dân Đảng sau Tôn Trung Sơn. Tưởng Giới Thạch sau thất bại ở Đại lục đã tiếp tục duy trì Trung Hoa Dân Quốc trên hòn đảo Bành Hồ - Đài Loan. Đài Loan ngày nay mới chính là Trung Quốc, theo tên gọi đặt ra từ thời Tôn Trung Sơn và bản thân Đài Loan vẫn gọi mình là Trung Hoa Dân Quốc.
So sánh lịch sử giữa Đài Loan và Việt Nam ta thấy sự giống nhau đến kỳ lạ. Thổ dân Đài Loan là những bộ tộc nói tiếng Nam Đảo, không phải người Hán. “Thổ dân” ở Việt Nam cũng vậy, chắc chắn không phải là người Hán rồi. Cư dân chính của Đài Loan ngày nay là người Hoa di cư từ vùng Quảng Đông, Phúc Kiến và Chiết Giang tới từ thời Minh - Thanh. Những vị khởi lập và lãnh đạo Đài Loan như Trịnh Thành Công là người xuất xứ từ Phúc Kiến, Lưu Vĩnh Phúc là người Quảng Đông (vị này cũng từng sang làm vương làm tướng ở Việt Nam với đội quân Cờ đen ở vùng Bắc Việt). Tưởng Giới Thạch là người Chiết Giang. Còn ở Việt Nam các vua Lý, Trần, Hồ, rồi Quang Trung (Hồ Thơm) cũng là những người có xuất xứ từ vùng đất Mân (Phúc Kiến, Chiết Giang). Như thế Đài Loan hay Việt Nam đều có thành phần dân tộc tương tự nhau và phi Hán, hay cùng là dân Bách Việt cả.


p1310750Tượng gỗ của bộ tộc Thao tại Đài Trung.


Tôn Trung Sơn khi lập nên Hưng Trung Hội (tiền thân của Quốc Dân Đảng) đã nêu cương lĩnh: “Đánh đuổi giặc Thát, khôi phục Trung Hoa”. Rõ ràng Tôn Trung Sơn, và cả nước Trung Hoa Dân Quốc do ông ta lập nên, coi triều đại Mãn Thanh là ngoại tộc người Thát giống như quân Mông Cổ, chứ không phải người Hoa chính gốc. Triều đại Mãn Thanh là thời kỳ Trung Hoa bị giặc Thát ngoại xâm thống trị.
Tương tự ở Việt Nam, việc nhà Trần không ít lần gọi mình là Trung Hoa trong các văn bản văn bia để lại và nêu cao “cương lĩnh” Sát Thát. Điều này là dễ hiểu vì thực sự nước Đại Việt lúc đó mới là Trung Hoa chính truyền, chứ không phải nhà Nguyên của người Mông Cổ.
Khi quân Mông Cổ tấn công nhà Nam Tống, một bộ phận quan quân nhà Tống đã sang Việt Nam cùng với nhà Trần làm nên cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông trên đất Đại Việt. Hoàng hậu Nam Tống trôi dạt vào bờ biển Nghệ An Việt Nam rồi được lập thờ thành tôn thần Đại Càn Nam Hải quốc gia Tứ vị hồng nương…
Tưởng Giới Thạch trước khi rút về Đài Loan đã cho di dời các báu vật của Trung Hoa về hòn đảo này. Tới nay Bảo tàng cung điện ở Đài Bắc lại là bảo tàng có nhiều hiện vật cổ đại của Trung Hoa nhất từ thời Hạ, Thương, Chu. Còn Bảo tàng lịch sử quốc gia Đài Loan thì lại toàn đồ vật đem từ bảo tàng Hà Nam về. Các chuyên gia văn vật Đài Loan rất sành đồ cổ Trung Hoa, mặc dù bản thân ở Đài Loan chẳng khai quật được thứ gì đáng gọi là cổ để trưng bày cả.


img_0341Chiếc đỉnh thời Thương ở Bảo tàng cung điện quốc gia Đài Loan.


Việc di dời các văn vật Trung Hoa một cách có hệ thống về Đài Loan của Tưởng Giới Thạch là theo đúng truyền thống Trung Hoa. Văn vật như Đỉnh đồng là tương trưng cho quyền lực của vua trước toàn thiên hạ. Ai giữ đỉnh người đó là vua. Ai có ngọc tỉ người đó là vua. Đỉnh nằm ở đâu thì đó chính là Trung Nguyên của thiên hạ, là nơi có thiên tử.
Nhà Nguyễn ở Việt Nam cũng theo truyền thống đó mà từng đúc Cửu đỉnh, nay còn đặt trước Thế miếu tại Thành nội cố đô Huế. Việc đúc Cửu đỉnh của vua Minh Mạng là sự khẳng định nước Đại Nam mới là Trung Hoa chính truyền, vua Đại Việt mới là thiên tử thực sự của Trung Hoa.
Lịch sử Việt Nam có thể đã có một cuộc di chuyển văn vật như thời Tưởng Giới Thạch, là khi Lưu Sưởng, vị vua cuối cùng của nước Đại Hưng (nước Nam Hán theo sử sách ngày nay), trước lúc bị quân Tống tấn công đã chuyển tiền tài về vùng Tĩnh Hải – Đinh Bộ ở Bắc Việt. Đây là tiền đề cho Lý Công Uẩn – Đinh Bộ Lĩnh gây dựng nước Đại Việt trong thời gian tiếp theo.
Tưởng Giới Thạch khi ra Đài Loan vẫn không quên quê cha đất tổ ở Trung Hoa đại lục. Ông ta và đến đời con ông ta vẫn có chính sách Quốc Quang, nhằm phản công chiếm lại Đại lục. Việc này cũng tương tự thời Lý ở Việt Nam, khi phần đất phía Đông (phần Thanh Hải quân) của nước Đại Hưng bị mất vào tay nhà Tống thì hết Nùng Trí Cao rồi Lý Thường Kiệt đã có những hành động tiến chiếm, đòi lại đất đai cũ của nước Đại Hưng. Rồi đến cả Quang Trung khi lên ngôi hoàng đế cũng đã bắt tay thực hiện việc đòi lại Lưỡng Quảng. Các hoàng đế Việt Nam luôn coi mình là Trung Hoa chính truyền và mang trong tâm trí việc khôi phục lại đất đai tổ tiên đã mất ở phương Bắc.
Đài Loan ngày nay vẫn dùng chữ Hoa phồn thể, tức là chữ Nho của thời xưa mà các triều đại Đại Việt dùng làm quốc văn, trong thi cử. Chẳng có ai thắc mắc là thứ chữ ấy không phải là chữ “Đài” cả. Trung Hoa Dân Quốc dùng Trung văn thì hoàn toàn hợp lý và đúng đắn.


van-vo-mieuVăn Võ miếu ở Đài Trung.


Đài Loan ngày nay lập các văn võ miếu thờ tiên thánh Quan Công, Khổng Tử,… cho dù các vị này chưa ra đảo Đài Loan bao giờ. Triều Nguyễn ở Việt Nam như thế có thờ Tam Hoàng Ngũ Đế hay Tam Đại Trung Hoa là hành động tôn thờ tổ tiên Trung Hoa của mình chứ chẳng phải ăn theo học đòi gì ở ai cả.
Người Đài Loan hoàn toàn không đặt ra vấn đề “Thoát Trung” vì họ chính là Trung – Trung Hoa Dân Quốc rồi còn thoát gì nữa. Trái lại họ biết tôn vinh và phát huy các giá trị văn hóa Trung Hoa truyền thống trong thời đại mới, từ tôn giáo tín ngưỡng, nghệ thuật, nghề thủ công, văn vật,... Còn người Việt, bị thời gian phủ bụi, lịch sử khuất lấp, nay mới đề ra ý tưởng “Thoát Trung”. “Thoát Trung” là Trung nào? Trung Cộng hay Trung Hoa?
Cách nhìn lịch sử của Đài Loan ngày nay về Trung Quốc cũng giống như cái nhìn của các triều đại Lý, Trần, Hồ, Lê, Nguyễn trên đất Việt đối với Trung Hoa. Lịch sử Trung Hoa cổ đại là lịch sử Việt. Người Hoa vốn là người Việt. Điều đó sẽ rất dễ hiểu nếu so sánh bối cảnh quốc gia, văn hóa và dân tộc của VIệt Nam với Đài Loan ngày nay. Tấm gương về cách phát triển, "hóa rồng", thoát khỏi cái bóng "Trung Quốc" đè nặng lên văn hóa và suy nghĩ cho Việt Nam gần nhất, sát thực nhất không phải là Hàn Quốc hay Nhật Bản, mà là Trung Hoa Dân Quốc - Đài Loan.

No comments:

Post a Comment